Sương khói quê nhà (5) – Truyện ngắn Võ Anh Cương

649

(Vanchuongphuongnam.vn) – 6. Con bé Lượm lớn nhanh như thổi. Thật là trời thương người lương thiện chịu khó làm ăn như vợ chồng Trần Hành, con bé Lượm không đau ốm gì cả trừ những bệnh thông thường như ho, sổ mũi… mà đứa con nít nào cũng mắc phải. Hai thương con bé lắm, bà mẹ nào mà chẳng thương núm ruột mình đẻ ra? Cha nó cũng thương con nhỏ mới là điều đáng nói. Đi làm về bao giờ Trần Hành cũng ghé đâu đó mua cho con nhỏ, lúc thì miếng chả lụa bán ở hàng giò chả Bắc Hương do một bà cụ người Bắc răng đen, đầu quấn khăn mỏ quạ làm chủ, lúc khác lại là một món đồ chơi nào đó. Thế cho nên bé Lượm trông cha về lắm, chiều chiều nó cứ đứng tựa cửa dòm ra đường dưới, con đường mới mở tiếp nối với đường Thánh Mẫu dành cho dân di cư làm phương tiện chở rau, hoa, Lượm muốn mình là người đầu tiên đón cha về.

Chiều nay cha về, Lượm mừng lắm với món quà là con “cúp bê” bằng nhựa đang cười mà cha đưa cho nó. Lượm nói:

– Con cám ơn cha!

Nó vòng tay lại trước ngực cúi đầu xuống một hồi mới ngửng lên, Trần Hành bế bỗng con gái bằng đôi tay mạnh mẽ của mình, anh thơm một cái vào đôi má bầu bĩnh của bé Lượm. Anh đặt con gái xuống rồi nói với nó:

– Con lên nhà trên chơi đi, để cha nói chuyện với má con.

Con bé Lượm ngoan ngoãn vâng lời Trần Hành, nó ôm con cúp bê vào lòng, vừa đi lên nhà trên vừa ê a hát một khúc ca, có lẽ là một đoạn hát ru em. “Chiều chiều ra đứng cửa sau, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều…”. Chẳng là má nó, Hai hát ru con từ hồi con bé mới vừa tròn tháng tuổi, sau khi bà ngoại cúng đầy tháng với lễ vật là xôi chè, bông trái…, bà khấn mười hai bà mụ và ba vị tiên nương cho con bé Lượm hay ăn mau lớn, Hai hát liền bài hát ru Phạm Công Cúc Hoa mà Hai thuộc nằm lòng để ru con bé ngủ nên đến giờ con bé Lượmthuộc những bài hát ru giống như má nó hồi xưa.

Trần Hành kéo cái ghé gỗ thông ngồi xuống. Đây là lần thứ bao nhiêu không rõ anh ngồi trên cái ghế này từ bữa tối đầu tiên anh đến nhà chú Hai Phong, đến nay gian bếp, cái bàn, cái ghế vẫn y nguyên ngoại trừ chuyện càng lúc mọi đồ vật càng cũ theo sự bào mòn của thời gian.

Bà Hai Phong và Hai đang gói bánh ú, thấy chồng bước vô nhà Hai tỏ vẻ ngạc nhiên:

– Ủa, sao hôm nay mình về sớm vậy?

Trần Hành rót nước chè xanh ra chén và uống một hơi ngon lành, đặt cái chén không xuống mặt bàn anh nói:

– Trình thím, con đã xin phép chú rồi, mai con về quê mấy ngày.

Quay qua vợ, Trần Hành nói tiếp:

– Anh về sớm ghé qua chú Năm Nghĩa nhà xe Thuận Đức dặn xe đặng mai đi sớm, vả, anh cũng phải ghé chợ mua ít khoai tây, cà rốt và sú lơ về làm quà cho gia đình!

Mấy năm nay vô Đà Lạt làm ăn, chưa bao giờ Trần Hành về thăm quê. Nay nghe anh nói về thăm nhà, bỗng đâu gương mặt Hai biểu lộ vẻ sửng sốt trong đôi mắt đượm buồn. Hai cúi đầu xuống lấy ông quần chùi giọt nước mắt đang ứa ra và sắp chảy thành dòng, cử chỉ đó không qua được mắt Trần Hành.

Còn bà Hai Phong nghe thằng cháu báo tin về thăm quê, vẻ bùi ngùi khiến gương mặt người đàn bà như già thêm mấy tuổi. Dường như bà nghĩ sao đó mà vẻ mặt bà một lúc sau hằn lên một nét đau không hề che giấu.

Trần Hành không biết những cảm xúc của bà thím dâu, sự chênh lệch tuổi tác giữa hai thế hệ là một hàng rào vô hình, anh chỉ chú ý đến giọt nước mắt của Hai vừa lăn ra khỏi đôi mắt bỗng chốc đượm nét buồn.

Đêm đó dưới ánh đèn hột vịt vặn nhỏ như hột đậu, Trần Hành nằm bên vợ thủ thỉ:

– Anh đi mấy bữa rồi vô, mình ở nhà chăm con nhớ giữ gìn sức khoẻ.

Hai quay qua con bé Lượm, chị đặt lên trán con một nụ hôn rồi mới quay qua nói với chồng:

– Để sáng mai em dậy sớm nấu nồi xôi đậu phộng mình ăn sáng rồi bới đem theo!

Trần Hành cảm động:

– Chắc không ai nấu xôi bằng mình, mà lại là xôi đậu phộng nữa mới thiệt là ngon!

Dường như sực nhớ tới chuyện gì, Trần Hành ngồi nhỗm dậy nói với vợ:

– Để anh về quê ghé nhà bên cha, mình nói lại đi để anh tìm cây viết chì ghi lạiđịa chỉ?

Hai giật nẫy mình khi nghe Trần Hành nói như vậy, chị cũng ngồi bật dậy giọng hốt hoảng:

– Thôi… không được đâu anh!

Trần Hành hỏi lại:

– Sao lại không, anh sẽ tự nói là chồng mình thì có khó gì?

Hai vẫn không chịu:

– Em nói không được là không được…mình ơi, mình hứa với em đứng ghé nhà cha nghe mình?

Trần Hành trầm ngâm một hồi rồi mới trả lời Hai:

– Thôi được, anh chỉ ghé qua làng làm bộ hỏi thăm bà con cô bác cho biết tin tức của cha mẹ, anh Hai và hai đứa em trai mà không nói mình là ai, mình bằng lòng chưa?

Đáp lại câu hỏi của Trần Hành là tiếng nức nở của Hai, chị khóc cho cuộc đời con gái buồn thảm của mình hay khóc vì thương cha nhớ mẹ?

Không ai biết cả.

7. Tháng 11 năm 1960, một vị đại tá và một vị trung tá quân lực Việt Nam Cộng hoà tổ chức một cuộc đảo chánh lật đổ chính phủ do tổng thống Ngô Đình Diệm lãnh đạo. Trần Hành biết được tin này khi vừa đến nhà sau mười ngày về Quảng Ngãi thăm quê.

Hai đón chồng bằng một nụ cười tươi hết cỡ:

– Mình về rồi à, có mệt lắm không mình?

Quay sang đứa nhỏ đi sau lưng Trần Hành chị hỏi:

– Ủa, ai đây mình?

Trần Hành nhìn vợ nói:

– Nó là thằng cháu kêu anh bằng chú ruột, tên là Trần Mây!

Thằng nhỏ vòng tay cúi đầu:

– Dạ, con chào thím!

Hai nhìn thằng nhỏ với một cặp mắt nghi hoặc, đúng lúc đó ông Hai Phong cũng vừa về tới, bà Hai cũng từ dưới vườn đi lên, tay bà ôm một bó lá chuối. Bé Lượm trong nhà chạy ra kêu lên mừng rỡ:

– Cha mới về… con chào cha!

Trần Hành cất tiếng chào chú thím rồi chỉ thằng nhỏ đứng đằng sau lưng anh nói với vợ chồng ông Hai Phong “trình chú thím, thằng nhỏ này là thằng Mây con anh Hai Gừng”, quay qua Trần Mây anh tiếp “con chào ông chú bà thím đi con”. Trần Hành giơ tay xoa đầu con bé Lượm, anh lấy từ cái túi vải đeo bên vai ra một miếng đường đen đưa cho con bé Lượm, miệng nói “đường muỗng cha chặt ra đó, con ăn thử coi sao!”. Con bé mừng rỡ cầm miếng đường mà mắt nó nhìn cha như muốn khóc!

Cả nhà kéo vào gian bếp, nơi này là chỗ tụ hội hàng ngày của cả nhà ông Hai Phong. Vừa ngồi xuống cái ghế gỗ thông, Trần Hành giơ tay ẵm con bé Lượmđặt nó ngồi trên đùi, ông Hai Phong đã báo tin đảo chánh:

– Con về tới nhà chú thím mừng quá, sáng nay quân đội làm đảo chánh lật đổ chế độ ông Diệm. Không biết thời cuộc xoay vần ra sao nữa chú lo quá, chỉ mong mọi chuyện được bình yên để người dân làm ăn sinh sống nhưng e rằng khó quá!

Nhìn gương mặt lo lắng của người chú, Trần Mây trả lời:

– Hèn nào trên đường vô Đà Lạt con thấy lính tráng rải ra khắp các nơi, người nào người nấy súng đạn trên tay, đầu đội mũ sắt cứ như là ra trận. Chiếc xe Thuận Đức của chú Năm Nghĩa bị xét không biết bao nhiêu lần trước khi về tới bến!

Hai chú cháu trao đổi với nhau về cuộc đảo chánh đang diễn ra ở Sài Gòn, tin tức mới nhất cho biết phe đảo chánh chưa đạt được mục đích, chẳng biết thời cuộc diễn biến ra sao nữa. Điều ông Hai Phong lo là sinh kế bị ảnh hưởng, rối ren như vầy ai mà xây nhà, nghề chẻ đá của ông và Trần Hành không biết ra sao? Trần Hành nói với chú:

– Chú cũng đừng lo lắng nhiều làm gì, chú cũng tới tuổi nghỉ ngơi rồi, còn con không làm nghề này thì xoay qua nghề khác, ban đầu bỡ ngỡ nhưng mình cố gắng thì chắc cũng vượt qua thôi!

Rồi như sực nhớ ra điều gì đó, Trần Hành thưa với ông Hai Phong:

– Hồi nãy con chỉ nói qua với chú về chuyện của thằng Mây, nó là con của anh chị Hai Gừng mà bây giờ cha nó không có ở quê, còn mẹ nó thì… cũng bận bịu nên con xin thưa với chú thím cho thằng cháu nó ở cùng với ông bà và vợ chồng tụi con, không biết chú thím có chứa nó được không?

Ông Hai Phong nhìn Trần Mây đôi mắt ông ra vẻ dò hỏi nhiều hơn lời nói:

– Sao vậy, con nói rõ chút nữa cho chú thông?

Bà Hai và Hai lúc này đang gói bánh, từng cặp bánh ú đều tăm tắp được gói bằng lá chuối hột. Trước khi đi ngủ bà Hai sẽ sắp bánh vào nồi, nửa đêm bà thức dậy luộc, sau chừng bốn năm tiếng đồng hồ bánh chín nhừ sẵn sàng cho buổi bán sáng ngày mai. Nghe đứa cháu thưa xin được nuôi thằng Mây, bà Hai trong lòng mừng lắm. Bà vọt miệng nói liền không chờ ông Hai có ý kiến như thường lệ:

– Hành à, thằng nhỏ dễ thương quá, nhà mình ít người có thêm nó càng vui hơn chớ sao con!

Hai vẫn im lặng gói bánh phụ thím Hai nhưng chị dường như không bỏ sót chútchi tiết nào trong câu chuyện của chồng. Ban đầu khi nghe Trần Hành nói đứa nhỏ là cháu ruột, chị tin ngay nhưng một lúc sau khi nhìn nét mặt thằng nhỏ, chị thấy sao nó giống chồng mình quá, gương mặt chị liền thay đổi. Đa nghi vốn là tính của đàn bà, chị không biết điều này nhưng bản năng phụ nữ dường như đang vận hành hết cỡ trong lòng chị….

Bỗng dưng chị nhớ lại ngày đầu về nhà của chồng, mới đó mà nay con bé Lượm đã lớn bộn rồi…

… Hồi đầu nghe Trần Hành biểu mình leo lên cái bóc ba ga để anh đèo về, ban đầu chị không chịu. Trong đầu chị những hình ảnh của hiện tại trộn với quá khứ quay mòng mòng khiến cho đầu chị muốn nổ tung. Đêm hôm đó Hai kể với Trần Hành câu chuyện đời chị.

….

Sau bữa cơm chiều, Hai bụm miệng chạy ra bụi chuối sau hè, chị ói tất cả những thứ mình vừa ăn, vậy mà cơn ói vẫn không dứt. Chị ngồi ôm gốc chuốinước mắt chị chảy đầm đìa trên mặt, bà Bốn Chạy đứng trong cửa bếp nhìn rõ hết. Tối bà lôi con gái vô buồng tra hỏi. Ban đầu Hai chỉ khóc không chịu trả lời nhưng bà Bốn là một người đàn bà đã chứng kiến biết bao chuyện thị phi giữa chợ, bà học được nhiều thủ đoạn nên đứa con gái mười tám tuổi sao thoát được tay bà?

Khi Hai thú nhận khoảng hơn tháng trước Hai đi coi hát bội ở sân đình làng bên, Hai nghe lời rủ rê của Năm Chiến đi ra bờ sông ngồi “tâm sự”, Hai tin lời bỏ tuồng hát bội giữa chừng đang hồi gây cấn, Hai theo Chiến ra ngồi dưới bụi tre….

Đêm đó Hai không chợp mắt một phút nào. Bà Bốn chì chiết con gái đến tận nửa đêm bà mới ngủ thiếp đi, khi gà gáy lần thứ hai bà thức dậy và tiếp tục chửi đứa con gái làm “ô uế gia đình”. Bà còn doạ:

– Cha mày mà biết thì sẽ xởn tóc đuổi ra khỏi nhà, nhà này đâu có thứ con gái hư gái thúi như mày!

Không thể chịu đựng được nữa, Hai bỏ ra khỏi buồng, chị cứ nhắm cánh đồng mà chạy…đến khi chị định lao xuống dòng sông Trà Khúc để kết thúc mọi chuyện thì gặp Trần Hành. Hai nói:

– Đó, chuyện của tui là như vậy, hồi chiều mà không gặp anh thì giờ chắc tui nằm dưới đáy sông!

Trần Hành trầm ngâm ngồi nghe Hai nói bên ánh đèn dầu hôi, mặt anh ra vẻ suy nghĩ rất lung, cuối cùng anh nói:

– Tui đã nói hồi chiều rồi, cô mà ưng bụng thì cứ coi nhà này là nhà cô.

Hồi chiều khi Trần Hành và Hai vừa đến nhà, Trần Hành xô cửa khép hờ rồi nói với Hai:

– Đây là nhà tui, cô vô ngồi nghỉ một chút rồi phụ tui nấu cơm chiều!

Ngôi nhà mái tranh vách đất cửa tre đơn giản như chủ nó, nhà chỉ có một cái buồng ngủ, gian ngoài để một cái bàn và một bộ phản ghép bằng những miếng gỗ tạp. Nhà bếp mạng nhện giăng đầy, một đống chà để cạnh hai cái nồi đất và một cái ấm đất lọ nghẹ đóng đen thui. Mấy cái chén dĩa được chủ nhà sắp trên một cái kệ tre bốn chân chôn dưới đất, tất cả đều đơn giản giống như nhà mình, Hai nghĩ thầm trong bụng. Trần Hành nói:

– Để tui ra dí con gà làm thịt nấu cháo cho cô ăn cho lại sức!

Hai định ngăn anh nhưng chưa kịp lên tiếng cái thân hình to con của Trần Hành đã len ra ngoài khung cửa. Một lát sau Hai nghe tiếng gà kêu lên một tiếng thảm thiết, cô vịn cái bàn đứng lên xuống bếp bẻ chà nhen lửa phụ Trần Hành. Hôm đó món cháo gà có lẽ là món ngon trong cuộc đời của một cô gái vừa tới tuổi mười tám như Hai. Ăn xong Hai dọn rửa, là những việc cô thường làm ở nhà, Trần Hành bỏ lên nhà trên uống nước, anh coi đó là một chuyện tất nhiên: việc bếp núc là của đàn bà!

Chuyện cũ Hai nhớ lại diễn ra trong tích tắc, chị lại lắng tay nghe câu chuyện của chồng trình với chú thím.

Thấy Trần Hành chưa trả lời câu hỏi của mình, ông Hai Phong cau mặt, ông hỏi lại thằng cháu một lần nữa:

– Con kể lại đầu đuôi cho chú thím nghe, câu chuyện ra sao?

Lúc này thằng nhỏ Trần Mây đã lén ra ngoài sân chơi với con bé Lượm. Lượm từ lòng cha tụt xuống hồi nào Trần Hành không hay. Nó là đứa nhỏ duy nhấttrong nhà, lần đầu nhà nó có thêm một đứa con trai cùng trang lứa nên con béLượm vừa tò mò vừa thích thú. Đến bên Trần Mây, Lượm nói nhỏ:

– Anh ra sân chơi với em đi, cha hay bắt em lên nhà trên chơi để người lớn nói chuyện!

Trần Mây nhìn con bé Lượm rồi nó ngước mắt nhìn chú Ba, nó thấy người lớn không ai để ý đến nó cả nên nó thì thào với con bé:

– Ừ… nhưng tao không chơi trò con gái đâu đó!

Hai đứa nhỏ len lén chạy ra ngoài sân, chúng không biết trong gian bếp đang diễn ra câu chuyện liên quan đến chúng!

Trần Hành thưa với chú thím:

– Thưa thiệt với chú thím, thằng Mây đích thị là con của Hai Gừng. Chắc chú thím ở lâu trong này không biết chuyện ở quê, hồi chín năm anh Gừng có tham gia công tác nên đến năm năm lăm, ổng đi tập kết chuyến cuối cùng, bỏ lại thằng Mây cho chị Hai nuôi. Hồi nãy con nói trớ là mẹ nó bận bịu nhưng thiệt ra chị Hai không chờ được ông Gừng nên giao con lại cho bên nội để bả đi lấy chồng, mà ác nghiệt lại là lấy đúng cái ông hồi trước nhờ người đánh tiếng xindạm hỏi nhưng cha mẹ chị Hai không chịu gả. Sau này ông đó ra làm cuộc trưởng cảnh sát, con nghe kể lại không biết ông đó nói gì mà chỉ gởi thằng Mâycho bên nội rồi dọn áo quần về nhà ông cuộc trưởng. Con về thấy tội nghiệp thằng nhỏ, cha mẹ con thì đã qua đời, nó sống với chú Tư Nghệ mà nhà chúthím Tư con đông lại nghèo quá nên con đem đại nó vô trong này mà không hỏi trước ý kiến chú thím, mong chú thím bỏ quá cho con!

Đến đây thì Hai tin thằng Mây là cháu của chồng mình, chị yên tâm cột hai chiếc bánh lại với nhau bằng sợi dây lạc ngâm nước mềm èo.

Ông Hai Phong trầm ngâm một hồi rồi nói:

– Chú nghĩ dòng họ nhà mình chắc đang hồi gặp vận rủi, chú thím thì con cái không có may mà có vợ chồng con vô ở, lại thêm con bé Lượm, nhà có tiếng con nít nên vui hơn trước nhiều. Điều chú thím trông ở vợ chồng con là sao lâu quá mà con bé Lượm chưa có em, thím con là người mong điều này nhất. Thôi thì ông Trời không phụ người có tâm, con đem thằng nhỏ con Hai Gừng vô nuôi, con nghe thím con nói rồi đó, chú thím bao giờ cũng một lòng với nhau mà!

Trần Hành cảm động nhìn vợ rồi trả lời:

– Con lo bị chú thím quở, con xin thay mặt anh Hai Gừng cám ơn chú thím!

Ông Hai Phong cười:

– Bay lại tào lao rồi, ơn với huệ gì, nhà mình ráng đùm bọc nhau mà sống, đời bây giờ sao khó quá!

Hai nghe ông chú nói lời như răn dạy, chị cúi gằm mặt xuống đôi tay như thể lần đầu tiên chị thấy tay mình đang gói bánh ú vậy. Bao đêm rồi Hai ra bàn thờ ông Thiên khấn xin ơn trên cho chị một đứa con, vậy mà….

Quả nhiên thời buổi quá khó khăn như ông Hai tiên liệu, nghề chẻ đá của ông có nguy cơ bị thất nghiệp sau biến cố đảo chánh bất thành của đám lính dù. Lâu nay ông thầu khoán Giám nhận thầu xây nhà cho những nhà giầu, nay thời buổi nhiễu nhương ai còn dám xây dựng, người ta giữ vàng trong nhà để phòng thân. Còn người nghèo ai mơ đến chuyện ở nhà xây? Thông thường người làm vườn ở trong những căn nhà cất bằng ván gỗ thông, còn được họ kêu bằng gỗ ngo, phía vách sau và nhà bếp, để tiết kiệm tiền đa số nhà đều làm bằng ván bìa, dù có trống trước hở sau cũng che chở cho họ có chỗ chui ra chui vô miễn trong nhà lúc nào cũng có tạ gạo là họ yên tâm lắm rồi!

Trần Hành cuối cùng cũng chuyển nghề. Nửa năm sau ông Hai Phong giả từ cái nghề nặng nhọc bằng một cặp mắt bạc màu nhìn về mỏ đá Cam Ly, nếu tính từbuổi chiều ngày đầu tiên của cuộc đảo chánh thất bại của hai ông sĩ quan cấp tá quân lực Việt Nam Cộng hoà…

V.A.C