Nguyễn Thanh
Hạ nồng, quạt mẹ
Đông lạnh, ôm cha (Nhị thập tứ hiếu)
(Vanchuongphuongnam.vn) – Không hẳn là người hoài cổ, nhưng mỗi lần có dịp gặp lại những quyển sách cũ bìa rách gáy sờn dù thuộc loại nào, tôi luôn có cảm giác lâng lâng trong lòng như được tái ngộ cùng người thân yêu từ nhỏ, sau một quãng thời gian dài xa cách. Với tôi, chỉ cần nghe ai bất chợt nhắc lại tên những quyển sách được coi như kim chỉ nam của tuổi học trò, tôi có cảm nhận ngay khoảnh khắc mình được hạnh phúc sống hồn nhiên, trẻ lại trong thời thơ ấu.
Ngày ấy, dù học tiểu học hay trung học, học trò chúng tôi chỉ đi đến trường một buổi duy nhất trong ngày. Thứ năm trong tuần, hầu hết trường cho học sinh nghỉ học. Giáo viên trường nào cũng hiếm khi phải dạy thêm vì tiền lương tháng đủ trang trải cho gia đình gồm có cha mẹ, vợ chồng, con cái và cả người giúp việc. Do vậy, bao nhiêu thời gian trống còn lại ở nhà, tôi chủ yếu mày mò tự học với sách vở, với anh chị hay cha mẹ tôi. Tất nhiên, sách vốn được coi như người thầy im lặng, đóng vai trò nòng cốt. Cổ nhân nói “Hoa là người đẹp, sách là bằng hữu”. Tôi có thói quen hay bắt chước người xưa. Tại nhà ở làng quê hay nơi gác trọ tỉnh thành, trong góc phòng nhỏ hẹp của riêng mình, nơi một góc bàn học, tôi luôn có bình hoa nhỏ, bên cạnh chồng sách vở lủ khủ đủ loại từ giáo khoa đến tham khảo – một thói quen không có hại tôi vẫn giữ mãi cho đến khi ra đời làm nghề gõ đầu trẻ và viết lách.
Vì thuở trước chưa có internet và điện thoại thông minh, không gian chữ nghĩa trong sách vở ấn hành bày nơi kệ hay tủ sách của tôi chỉ là những tác phẩm đọc in trên giấy thô luôn có giá trị về nội dung, nghệ thuật mà tôi nghiêm túc chọn lựa theo tiêu chí Chân – Thiện – Mỹ. Bên cạnh từ điển tiếng Việt hay ngoại ngữ của Đào Duy Anh, Đào Đăng Vỹ, Đào Văn Tập, Nguyễn Văn Khôn, Lê Bá Kông, Thiều Chửu… là sách giáo khoa, sách học làm người, loại cung cấp kiến thức phổ thông của nhà xuất bản Phạm Văn Tươi, Khai Trí, Nguyễn Hiến Lê, Sống Mới… Sách vở nhiều, đủ chủng loại nhưng trong cuộc đời học trò lúc còn đi học cho đến khi ra đời gắn bó với nghề dạy học, còn đọng lại sâu đậm thành ấn tượng khó phai trong hồn cốt tôi vẫn là những những truyện mang ý nghĩa giáo dục ý nghĩa sâu sắc như các quyển Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Tâm hồn cao thượng và đôi truyện dân gian khác như Nhị thập tứ hiếu, Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn…
Bên cạnh đó, ngoài vài cuốn sách giáo khoa còn có thêm loại sách Học làm người của những nhà văn nổi tiếng, học giả uy tín trong và ngoài nước như Nguyễn Duy Cần, Nguyễn Hiến Lê, Phạm Văn Tươi, Hoàng Xuân Việt, Lê Văn Ngôn, Thiên Giang Trần Kim Bảng, Dale Carnegie… Những tác giả ấy cùng hướng dẫn cung cách sống đúng với nhân cách, đạo lý làm người, cách trau dồi tri thức phổ thông cho con người. Nhờ đó, tôi mãi khắc đậm trong tâm trí nhiều điều hiểu biết cơ bản về nhân cách, đạo nghĩa mà mỗi con người trong gia đình và xã hội cần biết để ứng xử. Với tôi, không gian giáo dục trong Quốc văn giáo khoa thư, Luân lý giáo khoa thư, Nhị thập tứ hiếu, Tâm hồn cao thượng… vô cùng thánh thiện, sáng trong tôi không thể nào quên. Lời văn mỗi truyện giản dị, trong sáng và nhẹ nhàng nhưng nội dung rất trữ tình và cảm động. Từ đó tác dụng và ảnh hưởng của nó sâu rộng và thâm nhập không những vào đầu óc đám học trò còn bé thơ vụng dại như bọn học trò mới vào tiểu học chúng tôi thuở ấy mà in sâu cả tâm hồn người lớn đủ lứa tuổi và mọi giai tầng xã hội.
Chỉ với các quyển Quốc văn giáo khoa thư, Lý luận giáo khoa thư, Nhị thập tứ hiếu, Tâm hồn cao thượng… tôi và thế hệ cùng trang lứa đã tiếp nhận sâu sắc nhiều bài học quí báu, chan hòa tính nhân văn đích thực cần hiện hữu ở mỗi con người trong gia đình, nơi trường học và ngoài xã hội. Những câu truyện hàm súc xen lẫn với những bài thơ lục bát mang tính giáo dục rất cao về lòng hiếu thảo với cha mẹ, tình anh em ruột rà trong gia đình, tình cha con, mẹ con, tình bằng hữu, tình thầy trò, tình đồng bào trong xã hội, tình đất nước, tình nhân loại… cùng nhiều phẩm chất cao đẹp khác ở con người như lòng hiếu học, ý chí phấn đấu vượt khó vươn lên trong cuộc đời nghiệt ngã…
Cho mãi đến bây giờ, làm sao tôi có thể quên được lòng hiếu thảo với cha mẹ cao đẹp vô chừng của ông Lão Lai, đã trên 70 tuổi còn biết nghĩ ra cách làm vui của cha mẹ tuổi tác già yếu hơn mình. Rồi đến truyện Lục Tích trộm quýt dâng mẹ già vốn thích ăn loại trái cây này trong Nhị thập tứ hiếu… Tôi cũng không khỏi xúc động trước tình anh em máu thịt thể hiện trong truyện Ba anh em họ Điền sau khi cha mẹ qua đời, anh em trở nên bất hòa, đòi chia nhau tài sản. Ngày hẹn đến chia của nơi ngôi nhà tổ phụ, mấy anh em ngạc nhiên nhận ra cây cối, quanh nhà đều rũ cành, rụng lá, cảnh vật nhuộm màu thê lương nên tất cả anh em giác ngộ, bỏ đi ý định trước đây và trở nên thuận thảo vui vầy với nhau như lúc xưa khi cha mẹ còn sinh tiền. Tình bạn bè chí cốt hiếm có thể hiện rất cảm động qua truyện Lưu Bình Dương Lễ mà chắc chắn ai cũng biết.
Tấm lòng học trò đối với thầy học của mình được minh họa đẹp vô cùng, hết sức cảm động qua câu chuyện Đại tướng Carnot về thăm lại thầy nơi ngôi trường cũ: Con là Carnot đây, thầy còn nhớ con không? Cả hai thầy trò cùng mái tóc lơ thơ bạc trắng, ôm chầm nhau, nước mắt chan hòa cùng nhau nhắc lại chuyện mấy mươi năm về trước. Đã qua đi nhiều thập niên, tôi vẫn không thể nào quên những trang sách đẹp chứa đựng bao nhiêu bài học quý báu về tình cha con, tình thầy trò, tình nhân loại… trong tác phẩm Tâm hồn cao thượng nổi tiếng của E. Amicis.
Truyện ông Châu Trí đốt lá đa lấy ánh sáng nêu lên tấm gương về lòng hiếu học và bài học vệ sinh lấy từ câu truyện một cậu bé đầu bù tóc rối… luôn làm tôi mãi nhớ về những trang sách đẹp mang nội dung giáo dục nhẹ nhàng, trong sáng chắc chắn không một thời đại không gian nào có lý do từ chối. Bởi lẽ, những trang sách hay mang ý nghĩa giáo dục đích thực nhằm mục đích đào tạo con người tốt thì luôn luôn cần thiết cho một xã hội lành mạnh trên thế giới văn minh tiến bộ hôm nay.
Nhưng trớ trêu thay, trên môi trường văn hóa nước ta hôm nay, nếu ta chịu khó bình tĩnh nhận định thì trong hầu hết nhà sách, cả cơ quan thiết bị sách vở dụng cụ nhà trường, rất hiếm tìm thấy được sự phổ biến rộng rãi những trang văn đẹp, những cuốn sách hay có mục đích giáo dục con người, chứa đựng tính nhân văn rõ nét có ích lợi thiết thực cho con người. Sự hiện hữu của những cuốn sách hay như thế sẽ làm dịu bớt đi bao thảm họa như bạo lực, thảm sát rùng rợn, phi nhân tính diễn ra liên tục mọi nơi trên nước ta hiện nay từ trong gia đình, trường học, từ miền quê thanh vắng, chốn núi rừng hoang vắng ra đến chỗ thanh thiên bạch nhật ngoài xã hội. Nguyên nhân sâu sa xuất phát từ đâu và ai là người chịu trách nhiệm. Không chỉ là những là nhà giáo – người kỹ sư tâm hồn đích thục – suốt đời đứng lớp với quan niệm dạy văn là dạy người, ai cũng có thể nghĩ ra được bao nhiêu tệ nạn xã hội xảy ra không hoàn toàn bắt nguồn từ sự điều hành của bộ máy luật pháp nhà nước. Nguyên nhân sâu sắc còn từ động cơ giáo dục con người ở nhà trường và một phần không nhỏ qua chất lượng giáo dục đạo đức của sách vở phổ thông. Quả đây là vấn đề làm ray rức nhức nhối mọi người.
Phải chăng một phần bắt nguồn từ bối cảnh một đất nước kinh tế phát triển có tốc độ. Trong nhà, ít ai quan tâm đến nhau, trẻ thì dán mắt vào truyện truyền kỳ, truyện chưởng. Người lớn thì chỉ nói chuyện tiền nong mà rất ít khi có dịp gần gũi con cái nói chuyện về những tấm gương đạo đức tốt để noi theo. Trường học lại chú trọng về thành tích, nhồi nhét kiến thức, học sinh phải học liên miên nhiều suất, đủ môn cả ngày lẫn đêm. Ra đường, trong cảnh lễ hội liên miên, dư họp lu bù suốt năm, con người lớn bé luôn có cảm giác như bị đẩy vào một mê hồn trận. Không gian choáng ngợp biểu ngữ giăng mắc đậm đặc, bích chương dán đầy tường, cờ phướng cờ nheo treo kín cột điện, thân cây để tuyên truyền, quảng cáo. Trên mặt đường ngập đầy quảng cáo bướm, xe cộ san sát ngày đêm khiến cho không gian thành phố như thiên la địa võng làm tối tăm mặt mày mọi người.
Thực trạng ấy đã làm co cụm tầm nhìn và hạn chế tư duy sáng suốt của con người. Phải chăng do cuộc sống quá chú trọng nếp sống vật chất, thiên về thực dụng biểu lộ rõ nét nhất ở cả tỉnh thành và nông thôn cảnh đua đòi ăn mặc xa hoa, hội tiệc lu bù đã làm bảo hòa tư duy và tình cảm con người. Hiện thực không cần thiết của xã hội ấy có thể làm mai một vẻ đẹp truyền thống nhân nghĩa, đạo đức của một đất nước tươi đẹp đã thực sự hòa bình, giàu có và tiến bộ nhiều mặt vốn đã có hơn bốn nghìn năm văn hiến. Từ đó, tôi tha thiết ước mong sao có được những cuốn sách hay như những quyển sách xưa đã kể, để có được những trang văn sáng đẹp, giàu tính giáo dục đạo lý con người trong gia đình, học sinh nơi học đường và quần chúng ngoài xã hội, thực sự bổ ích cho sự hình thành nhiều hơn những con người thực sự lành mạnh của một đất nước Việt Nam giàu mạnh thanh bình.
N.T