Dân miền Nam hồi ấy không chỉ mê cải lương, mà còn mê cả kịch Kim Cương. Đối với họ, nếu nói tới kịch thì chỉ có Kim Cương là duy nhất.
NSND Kim Cương.
Thật ra, trước Kim Cương đã có vài người làm sân khấu kịch, như La Thoại Tân, Túy Hồng, nhưng hầu hết chỉ là kịch ngắn, có khi hài hài nhẹ nhàng. Đến khi kịch Kim Cương ra đời thì chuyên kịch dài và là bi kịch, nên chinh phục ngay trái tim khán giả. Chính chất melo của kịch Kim Cương lại rất gần với cải lương, vì vậy khán giả có cảm giác quen thuộc, dễ xem, đi thẳng vào lòng người. Và người ta có thể không nhớ nhiều về các đoàn kịch kia, chỉ nhớ mỗi Kim Cương mà thôi.
Ở Sài Gòn, kịch Kim Cương biểu diễn trên sân khấu hoặc thu ở đài truyền hình. Dân các tỉnh thì chỉ được xem kịch Kim Cương trên ti vi (đen trắng), và những đêm phát sóng người ta cũng chen nhau ngồi xem không thua gì cải lương. Ti vi cũng có phát sóng những vở của La Thoại Tân, Thẩm Thúy Hằng, nhưng ký ức tôi không còn giữ được bao nhiêu, vậy mà những vở kịch của Kim Cương thì cứ khắc sâu, không phai nhạt.
Lá sầu riêng làm người ta khóc như mưa, coi tới hai chục lần vẫn khóc y như lần đầu, khóc không che giấu, không mắc cỡ nữa, vì chung quanh mình ai cũng khóc. Sau này khi tôi đã trưởng thành, xem lại bản dựng mới, thấy bà Bảy Nam vẫn gầy gò như cũ, và chiếc áo dài the y như của ngoại tôi, tôi càng khóc nhiều hơn hồi nhỏ. Hình bóng bà Bảy Nam đã đồng nhất thành hình bóng bà ngoại của nhiều người, và bà không chỉ là nghệ sĩ nữa, bà trở thành một người thương trong gia đình, một bà ngoại chung của miền Nam yêu dấu.
Bông hồng cài áo – câu chuyện mẫu tử và NSND Kim Cương đã ghi thêm một dấu son rực rỡ trong nền kịch nghệ miền Nam. Tiếng rao bán chè của dì Tư ám ảnh tuổi thơ tôi. Ám ảnh bởi sự yêu thương gần gũi vì khắp miền Nam đều có thể nghe tiếng rao dịu dàng kiểu ấy, một tiếng rao rất điển hình mà sau này dường như không còn nghe được nữa, sau này người ta rao với giọng cụt lủn không có chữ “hôn…” ngân dài đến xao xuyến như thế. Ám ảnh còn bởi hình ảnh gồng gánh của dì Tư trở thành hình ảnh “đại diện” cho biết bao bà mẹ VN tảo tần hôm sớm, hy sinh cả đời nuôi chồng nuôi con. Và nhân vật dì Tư của NSND Kim Cương gần như trở thành một bà mẹ tiêu biểu, làm người ta phải nhớ, phải day dứt.
Và tôi còn nhớ vở Dưới hai màu áo mà NSND Kim Cương đóng cả hai vai cô Bê lẫn cô Bích. Hai chị em sinh đôi nhưng thân phận khác nhau, tính cách khác nhau, cô chị hiền lành, chân chất; cô em nổi loạn, đua đòi. Truyền hình đen trắng lúc ấy đã có kỹ xảo ghép hình để xuất hiện cùng lúc hai cô mới hay. Khán giả nông thôn kiến thức còn hạn chế, cứ ồ à xuýt xoa vì không biết có phải là một cô Kim Cương đóng hai vai, hay là có người y chang Kim Cương đóng thế. Người thì khen truyền hình quá giỏi, người thì cãi đó là thế vai, tưng bừng cả lên. Dấu ấn của cô Bê, cô Bích quá mạnh là như thế, nhất là bọn trẻ như chúng tôi cứ thấy như phép màu của Tôn Ngộ Không, trí não trẻ thơ cứ bay lên những thế giới huyền ảo. Tôi nhớ Kim Cương khi ấy còn trẻ đẹp lắm, và khi đóng vai cô Bích thì ăn diện rất hippy, ăn nói bạt mạng, khán giả bị “sốc” là phải. Nào giờ vẫn quen với một Kim Cương dịu dàng, nhẫn nhịn, khổ sở, tội nghiệp, ai dè cô Bích này quậy quá, khiến người ta nửa tin nửa ngờ, mới nghĩ có người thế vai. Còn những người xác quyết đó là Kim Cương thì rất thích thú với hình ảnh mới mẻ này.
Kịch Kim Cương còn một dấu ấn tuyệt đẹp nữa là vở Tania. Kim Cương và Kiều Phượng Loan cùng sóng đôi trong hai vai nữ đối trọng nhau, và cùng quá đẹp, từ ngoại hình cho tới trang phục. Kim Cương lộng lẫy, sang trọng trong hình ảnh người phụ nữ trí thức Nga. Tania là cô sinh viên ngành y ham chơi hơn ham học, đến khi con bị bệnh nặng cô mới biết mình không đủ chuyên môn để cứu con.
Sau này khi lớn lên, tôi thực sự trở thành khán giả của Kim Cương tại sân khấu, thì dấu ấn mạnh mẽ chính là vai Thị Bình trong Lôi Vũ. Kim Cương đóng đúng sở trường bi kịch của bà, và hóa thân vào một phụ nữ Trung Hoa thật giỏi. Nhưng giọng nói của Huỳnh Thanh Trà mới thật sự là một ký ức khó quên. Chất giọng trầm, rền vang, đầy uy quyền của Chu Phác Viên, màn vừa mở chưa thấy người đã nghe thấy tiếng, rợn cả tâm trí người xem. Lôi Vũ là một vở kịch hay, thập niên 1980 nhiều đoàn cùng dựng, và kịch Kim Cương, kịch 5B, Đoàn cải lương 284 được đánh giá là xuất sắc.
Kịch Kim Cương còn có rất nhiều dấu ấn như Trà hoa nữ, Nhân danh công lý… Một thời kịch Kim Cương đã là “độc cô cầu bại” trong một thị trường có nhiều đoàn kịch như Túy Hồng, Thẩm Thúy Hằng, Vũ Đức Duy, Gió Nam, Trường Thủy, Lữ Liên… cùng cạnh tranh nhau trên sóng truyền hình. Kim Cương đã để lại một gia sản rất lớn cho sân khấu miền Nam, đặt nền móng cho tính chuyên nghiệp của kịch nói, thể hiện một phong cách rất rõ ràng, rất điển hình của kịch miền Nam thế kỷ 20.
Theo Thanh niên