Tìm lại người xưa – Truyện ngắn Nguyễn Quốc Trí

45

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trần Văn quyết định một chuyến rong ruổi miền sơn cước để thưởng ngoạn phong cảnh ở vùng cao này. Anh gọi đứa cháu, con ông anh, cùng đi để hai chú cháu thay nhau lái xe và hơn nữa thằng cháu có thể “đỡ đạn” cho chú trong những trận rượu hết mình ở miền núi vốn xưa nay vẫn thế.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Khi cửa đóng và bánh xe lăn là lúc bao ký ức ùa về trong Văn. Đã nhiều thay đổi theo hướng đô thị hóa. Anh nghĩ thế. Dù nhanh hay chậm, cái bất biến của đời sống này là luôn biến đổi. Con người ta cũng không ngoài qui luật đó. Người ta vẫn gọi nó là cõi vô thường.

– Có địa chỉ đỏ, hay đen gì đó từ hồi xưa của ông, chuyến này ta ghé thăm chút nhé ông Văn. Bạn anh hỏi nửa đùa nửa thật.

– Chẳng biết có còn ở địa chỉ cũ nữa không. Anh cười trả lời. Đã thế, thằng cháu còn đế thêm :

– Địa chỉ thời xa vắng của chú cháu đi cả tháng không hết.

Trong tiếng cười vui vẻ, Văn chợt cảm thấy xôn xao trong lòng. Anh nhớ đến một người con gái từ dạo ấy. Thời gian trôi qua, đôi khi nó chỉ còn phảng phất trong cuộc sống bộn bề công việc của anh. Lúc này nỗi nhớ kia ẩn náu ở đâu đó bỗng hiện ra đón đường anh. Cuối cùng thì một lộ trình mới được thêm vào kế hoạch chuyến đi.

                                                          *

Hôm ấy Trần Văn đi công tác vùng sâu cùng chuyến xe của cán bộ huyện vào xã. Xe xuất phát chậm vì đợi một cô giáo cắm bản cùng đi nhờ vào điểm trường. Thị trấn miền núi, các cơ quan huyện ở trên những sườn đồi thưa thớt. Rồi chiếc xe zíp rẽ vào con đường dân sinh liên xã. Xe có năm người cả lái xe. Đường gập ghềnh chao đảo phải bám chắc, đến mỏi tay. Những cú va đập vào nhau của người trong xe giữa câu chuyện vui vẻ càng làm tăng thêm sự để ý của Văn với cô giáo ngồi ngay sát mình. Cô gái trẻ mặc chiếc áo hoa màu xanh nhạt có gương mặt bầu bĩnh xinh xắn và hồn nhiên. Hình ảnh này cứ chao nghiêng trong mắt anh trên chuyến xe rung lắc và hình như nó ngày càng thu hút tâm trí anh.

– Em tên gì nhỉ? – Văn hỏi.

– Em tên Hoa ạ – Cô gái trả lời và cũng chẳng nhìn anh bắt chuyện.

– Hoa này, em phải nói chuyện nhiều vào thì đi xe mới không bị say.

– Vâng. Rất may em không bị say xe như mấy đứa bạn em. Có đứa say phát sợ xe luôn, chỉ đi bộ hoặc đi nhờ xe máy thôi.

– Giới thiệu với cô giáo nhé – một anh cán bộ huyện cất tiếng – đây là anh Văn, phóng viên báo tỉnh nhà vào xã công tác và sẽ đến trường em đấy.

– Ui, trường em có thành tích gì đâu mà lên báo anh ơi.

Nói rồi cô gái nhoẻn cười và có vẻ lưu ý Văn hơn. Tuy vậy, cô vẫn như đang nghĩ tới một chuyện gì khác ở đâu đó, bỏ mặc cả những lời trêu đùa của cánh đàn ông trên xe. Hỏi chuyện dọc đường Văn cũng biết thêm được đôi điều về cô gái. Anh nói rằng chuyến đi này sẽ dành thời gian tới vài điểm trường mà các thầy cô giáo cắm bản đang sống để hiểu thêm về “con đường học” ở vùng sâu vùng xa nơi đây.

Tới một đỉnh dốc thì xe dừng nghỉ. Nghe chừng chiếc xe leo dốc cũng đã thấm mệt, đầu xe bốc khói nghi ngút trong giá lạnh. Qua khu ruộng tam giác mạch dưới chân dốc kia vài cây số nữa là tới trung tâm xã. Mùa này nhiều loài hoa rừng đua nhau nở trong hoang dã. Màu đỏ cam kia là hoa phặc phiền còn sót lại vài cây trên lưng núi. Hoa tam giác mạch màu trắng hồng đã bắt đầu lụi dần để vào mùa kết hạt. Loại cây lương thực này cùng với cây ngô là những “bảo vật” chống đói của đồng bào bản xứ. Hình như thế, cho nên trong vẻ đẹp nền nã của hoa tam giác mạch vẫn phảng phất nỗi buồn man mác, như là nỗi buồn bâng khuâng của cô gái đang yêu.

Tới nơi cũng đã gần trưa, Văn tranh thủ làm việc với cán bộ xã. Trước đó anh bảo Hoa khi nào sắp về bản cho anh hỏi chuyện một chút. Cô cười giãy nảy từ chối vì tưởng chuyện báo chí, nhưng anh bảo chuyện khác thì cô ngần ngại nhìn vào mắt anh và nói: Em ở bên trường chính, chiều tối mới về bản. Rồi cô rời bước mà không hiểu sự quan tâm của Văn. Có lẽ cô ấy còn mau về trường chính rủ bạn đi chợ phiên mua sắm gì đó. Văn nghĩ.

Buổi chiều, sau khi Văn kết thúc thời gian làm việc với trường xã, các thầy cô mời anh bữa cơm thân mật. Thầy hiệu trưởng nói :

– Hôm nay sẽ ăn cơm sớm hơn một chút để chiều tối cô Hoa còn về bản.

– Có cả anh Sỹ cán bộ tăng cường của huyện bọn em mời đến dự chia tay luôn – Một cô nói thêm – Tối nay anh ấy theo xe về huyện nhận nhiệm vụ mới.

Bây giờ thì Văn chột dạ và lờ mờ nhận ra một điều răng hình như Sỹ là người yêu Hoa. Hồi chiều trong sự săn đón Hoa, Văn đã hứa sẽ đưa cô về bản. Anh cũng nghe câu được câu chăng các cô giáo nói về Sỹ và Hoa. Vừa tự dằn dỗi một chút với mình, vừa muốn được an toàn, Văn định tìm cách “quay xe”, không đi cùng cô về bản nữa, sợ bất tiện. Nhưng rồi cái sự muốn thể hiện mình lại trỗi dậy thì anh tự nhủ, để xem thế nào rồi tính sau. Ừ mà sao anh lại cứ tự vướng mắc vào một người tỏ vẻ thờ ơ với mình thế nhỉ?

Trong bữa tiệc nhỏ vui vẻ và ấm cúng trong chốn tận cùng của hoang vắng này Văn vẫn lắng nghe lòng mình và không ngừng quan sát Hoa. Gương mặt đẹp dịu hiền được trang điểm bằng hơi men từ bên trong của Hoa như đã làm tim anh “đột quị”.

– Nào, bây giờ mời anh Sỹ và cô Hoa chạm chén uống kiểu “khát vọng”  trước lúc hai người chia tay. Một người nói rồi cả hội vỗ tay hưởng ứng. Hoa không thể từ chối mặc dù cô vẫn cố thanh minh “thì đã có gì đâu, mọi người cứ nghĩ thế”. Văn thì dằn lòng nghĩ: có thì cứ nhận đi mà em.

Sau đó là những chén rượu chúc tụng đầy những lời mỹ miều sáo rỗng. Văn cũng là một “tiền đạo mục tiêu” để mọi người dội bóng vào anh. Có cả những chén rượu của Sỹ như muốn cà khịa và hủy diệt anh. Văn vẫn cố bình tĩnh để không chạm vào sự tự ái của Sỹ đang như chú gà trống cậy gần chuồng.

 Dù sao thì Văn cũng đã phải uống khá nhiều rượu. Ăn xong anh giục Hoa về bản cho sớm.

– Anh đợi em một lát nhé – Hoa nói với Văn.

– Ừ, em cứ đi chia tay mọi người và anh Sỹ đi. – Nghe Văn nói vậy thì Hoa bảo: Không phải chia tay, em qua Trạm xá có tí việc rồi về ngay.

 Anh nghe giọng của Hoa vẻ dịu dàng gần gũi hơn, thấy mát lòng, ánh mắt anh âu yếm dõi theo cô tít nẻo xa. Lúc này mọi người cũng chuẩn bị tiễn hai anh em lên đường về bản. Một cô nói đùa :

– Bọn em cho nhà báo mượn cô giáo Hoa nhưng đến tối phải trả hàng ở điểm trường trong bản đấy nhé. – Tiếng cười vang lên.

 – Yên tâm. Anh đi đến nơi về đến chốn. Bảo đảm an toàn, nguyên đai nguyên kiện.

Chiều tà ở vùng núi làm bóng tối xuống rất nhanh. Trên đường cùng về bản với hai người còn có thêm cô bé người Hmông tên là Mỷ, chừng bảy, tám tuổi. Cô bé này là con ông trưởng bản gần điểm trường của Hoa. Em bị ốm đi trạm xá, có người nhà ở đó chăm, hôm nay đã khỏi và trưởng bản nhắn người ra nhờ Hoa đưa về. Cô bé rất ít nói vì e thẹn nên Văn cũng chẳng hỏi được chuyện gì. “ Em Mỷ này và mẹ của em cùng học một lớp ở điểm trường em đó”. Hoa nói thế. Đi một đoạn cô bảo:

– Được nửa đường rồi đó anh, tới gốc cây to kia mình nghỉ chút nhỉ.

– Tội nghiệp cô bé mới ốm dậy phải đi bộ xa.

– Trẻ em vùng cao chúng quen thế rồi anh ạ.

Đến chỗ nghỉ, thấy anh khá lặng lẽ dọc đường đi, Hoa hỏi:

– Em có gì không phải với anh sao mà anh ít trò chuyện với em thế.

– Không có gì đâu em. Tại anh uống nhiều rượu và hơi mệt tí. Đi bộ về đến nơi là khỏe ngay mà.

Một chút nghỉ ngơi cũng lấy lại được nhiều sức lực. Cả ba lại rảo bước về nhà trước khi trời tối. Văn có hơi mệt vì rượu, nhưng anh cũng muốn giữ khoảng cách tình cảm giữa anh và Hoa. Chỉ đơn giản là cô đã có người yêu. Anh không muốn gia nhập vào chuyện tình tay ba xưa nay phiền toái. Nhất là khi nó vừa nhen nhóm. Nhưng chính lúc này Hoa lại tỏ ra quan tâm đến anh nhiều hơn. Hoa biết anh đã giành cảm tình đặc biệt đối với cô. Ở anh toát lên vẻ gì đó khiến cô cảm mến.

Chỗ ở của Hoa là một gian nhà nhỏ liền kề lớp học cũng nhỏ nhắn. Tềnh toàng, tạm bợ và vắng vẻ đến nao lòng. Nói chính xác thì nó đơn sơ như một túp lều. Cách một vài trăm mét có mấy hộ dân. Nhà trưởng bản ở xa hơn một chút. Tới nơi thì Văn thấy đoạn đường từ trung tâm xã về cũng không xa lắm. Có lẽ do bị gió lạnh nên Văn bỗng thấy người ớn lạnh và nôn nao khó chịu. Thấy vậy Hoa đã kịp pha cho anh một cốc nước giã rượu và bảo anh đi nằm nghỉ một lát. Cô vội vã nhóm bếp đun nước và nấu một nồi cháo. Em bé cũng thấm mệt và được Hoa dọn cho một chỗ nằm nghỉ.

Ngọn lửa cháy sáng làm cả gian nhà nhỏ ấm áp hẳn lên. Dường như những phiền muộn bị xua đi nhường chỗ cho sự an yên, hy vọng. Nơi đây hầu như không có cảm giác hối hả, bon chen như ở đâu đó. Tất cả đều phẳng lặng và an nhiên trôi qua.

                                                    *

Bây giờ thì con thiết mã bán tải của mấy chú cháu Văn đang leo dốc vào xã Tụ Đà, nơi xưa kia Văn đã gặp cô giáo Hoa và cây tình ái đã nảy mầm ở đây. Mấy chú cháu vừa đi vừa nghỉ, ngắm cảnh và chụp hình đủ kiểu ngao du thời hiện đại. Cuộc tình thuở ấy vùi sâu dưới lớp bụi thời gian hoang vắng thêm một lần được đào xới.

Khu trường chính nhà tạm hồi xưa đã được xây dựng khang trang. Chính nó cũng xóa đi bao dấu tích cùng với những kỷ niệm thân thương của Văn. Trong anh trào lên nỗi nhớ tiếc một cuộc tình ngây ngô trong trẻo. Anh sẽ vào trường hỏi về Hoa, hy vọng có thể sẽ còn ai đó biết được. Sau đó sẽ lần theo con đường về bản năm xưa. Trung tâm xã bây giờ gần như một thị tứ và thôn phố nhỏ bởi đây là vùng du lịch của huyện. Những cây hoa nở trắng như mỉm cười xin nhận làm “síp-pơ” cho ai thích đi tìm ký ức.

Thuở ấy, lúc say rượu nằm nghỉ ở phòng Hoa, Văn đã chìm sâu vào giấc ngủ tới quá nửa đêm mới tỉnh dậy trong ngơ ngác và thoáng chút lo lắng. Định hình xong anh vơ cốc nước lạnh ngắt uống một hơi. Trong ánh đèn dầu, trên chiếc bàn kê tạm làm việc, Hoa choàng tấm chăn mỏng, đang gục đầu ngủ ngon say bên quyển vở soạn bài. Chợt chói lên tình thương yêu trong tim, Văn cởi chiếc áo khoác ấm hơi người mang đến sẽ sàng choàng lên người Hoa. Rồi anh đi nhóm lửa sưởi ấm và theo thói quen, ghi chép đôi dòng vào cuốn sổ tay.

Khi những tiếng gà gáy sáng âm vang thì Hoa trở mình làm chiếc áo khoác sắp rơi. Văn nhẹ nhàng tới bên Hoa đắp lại áo cho cô. Khi bàn tay anh còn nán lại trên vai Hoa thì cô đưa tay cầm giữ lại và thầm thì: “Anh. Sao dậy sớm thế anh”. Hai bàn tay Văn ấn nhẹ vào đôi vai Hoa: “ Lạnh không em. Sang giường ngủ tiếp đi, trời sáng anh gọi”. Hơi ấm và hương thơm nồng nàn từ Hoa phả vào anh ngây ngất.

 Hoa đã dậy và một lúc sau hai người cùng ngồi sưởi ấm.

– Em bảo tối qua đưa anh sang nhà trưởng bản ngủ, sao không gọi anh dậy?

– Trưởng bản sang đây lúc tối muộn, anh và bé Mỷ đang ngủ ngon, thế là em bảo để Mỷ ngủ ở đây bạn với em, trưởng bản cứ về đi.

Văn lựa lời hỏi về Sỹ, Hoa bảo thực tình anh ấy rất yêu em nhưng em chưa nhận lời vì nghe nói Sỹ có vợ ở quê, đang ly thân. Thấy Văn thoáng buồn, Hoa nắm tay anh hơ lửa sưởi ấm, hai ánh mắt nhìn nhau sâu thẳm. Họ xích lại sát gần nhau, Văn choàng vai Hoa trong nụ hôn đắm đuối. “Đừng buồn anh nhé. Em yêu anh”. “Sẽ ổn thôi em nhỉ. Có gì báo tin cho anh. Mai mốt anh sẽ trở lại”. “ Anh có yêu hoàn cảnh khổ nghèo này của em không?”. “Em như thiên thần trong cổ tích ở nơi đây. Anh yêu cả miền quê này vì tình em…”. Đó là những lời thầm thì sâu thẳm của tuổi trẻ và tình yêu.

Trần Văn đang đứng trước khu đất năm xưa từng là điểm trường thôn Lủng Pả. Hình bóng của một thời chưa xa như đã hóa thạch trong màu xanh của cây vườn. Lớp học của Hoa đã rời đi nơi khác và người xưa đã ra đi. Các học trò ngày ấy giờ đã trưởng thành, kể cả Mỷ. Một chút buồn man mác, bâng khuâng dâng lên trong Văn.

Mấy chú cháu lại lên xe sau khi tạm nhất trí rằng chuyến du lịch miền hoang dã thật thú vị. Tuy nhiên Văn cũng có thêm vài địa chỉ mới có thể tìm kiếm. Nặng lòng hơn là anh mang máng hiểu ra câu chuyện tình năm ấy, vô tình anh là người có lỗi. Sau khi đi công tác về cơ quan, anh trở lại tìm Hoa không gặp vì cô rủ bạn đi chợ xa kiếm hàng buôn bán vặt ngày nghỉ để cải thiện. Thư anh gửi không thấy cô trả lời, hoặc là bị thất lạc, hay ai đó giấu đi chẳng biết. Rồi anh được cơ quan cử đi học ở Hà Nội, nửa chừng thì anh rẽ ngang sang nghề kinh doanh.

Hoa cũng về tỉnh tìm anh thì anh đã đi học. Cô buồn chán nhiều ngày. Một lần Sỹ quay trở lại và cô gật đầu. Rắc rối là Sỹ vẫn chưa bỏ vợ, Hoa thì có bầu và cả hai đều phải ra khỏi ngành. Hoa cũng từ ấy chia tay Sỹ luôn.

– Nghe nói cô ấy rời đi một nơi xa có người thân để sinh con và kiếm sống.  – Văn vẫn đang là người dẫn chuyện khi ngồi nghỉ trên dốc – Rồi sau này trở lại thị trấn huyện nhà làm ăn buôn bán gì đó. Người ở trường cũ nói thế. Lúc quay về mình sẽ khám phá tiếp. Để xem hồi sau thế nào.

– Người ta nói đúng lắm các chú nhỉ – tài xế bắt chuyện – tìm lại người xưa thì có thể nhưng tìm lại tuổi xuân thì không thể.

– Triết lý hay phết. Vì đường xa nhất là con đường trở lại quá khứ mà.

Tiếng cười vui xua đi chút bi phiền cũ kỹ trong Văn. Ba chú cháu lại rong ruổi. Cánh cửa xe đóng lại thì con đường mở ra chân trời mới và phía trước là một ngày mới đang chờ đón. Đất quê hương âm thầm nâng bước ta.

 N.Q.T