Tìm nghĩa câu tục ngữ ‘Gái thương chồng đương đông buổi chợ, trai thương vợ nắng quái chiều hôm’

7807

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đây là một trong số những câu tục khó suy nghĩa, bởi lối nói dùng hình ảnh thay cho khái niệm và cấu trúc câu có thể chuyển đổi theo hướng so sánh (ẩn từ so sánh “như”). Hiện nay, câu tục ngữ đang tồn tại ba cách hiểu.

Cách 1: Căn cứ vào các yếu tố có mặt trên văn bản, với hình thức so sánh: “Gái thương chồng như đương đông buổi chợ, trai thương vợ như nắng quái chiều hôm”.

Dựa vào căn cứ này, Sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ (Hoàng Văn Hành chủ biên, tái bản lần 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994) trang 49-50, đưa ra ba cách hiểu:

a, “Câu tục ngữ phản ánh một cách chênh lệch, bất bình đẳng trong quan hệ thương yêu vợ chồng. Tình cảm người phụ nữ bao giờ cũng đậm đà, đầy đặn, mặn mà như buổi chợ đương đông, bởi ngoài lí do giới tính ra, người phụ nữ còn chịu sự ràng buộc của tam tòng tứ đức. Ngược lại, tình thương yêu của người con trai đối với vợ thường nhạt nhẽo thoáng qua, ví như nắng quái chiều hôm le lói một lát rồi tắt ngấm khi mặt trời lặn”;

b, “Câu tục ngữ phản ánh mức độ khác nhau trong tình yêu thương vợ chồng. Người con gái luôn luôn thương yêu chồng bằng tình yêu đậm đà, mặn mà, đầy đặn khác nào “đương đông buổi chợ”. Còn tình cảm của người con trai chỉ đôi lúc nhưng mãnh liệt như cái “nắng quái chiều hôm” vậy. Nắng quái chiều hôm tuy ngắn ngủi nhưng sức nóng, sức cháy bỏng của ánh nắng xiên khoai này thật là ghê gớm”;

c, “Câu tục ngữ nói về tính chất biểu hiện tình thương vợ chồng. Khi đã thương yêu chồng, tình cảm của người con gái được thể hiện ra bằng sự hoạt bát, vui nhộn như “đương đông buổi chợ”. Và người chồng chẳng khó khăn gì trong việc tìm hiểu tìm cảm của người vợ đối với mình. Ngược lại, chàng trai thâm trầm hơn trong tình yêu. Thậm chí, có khi tình yêu thương của chàng được thể hiện cả bằng sự cáu gắt, khắt khe, nghiệt ngã như “nắng quái chiều hôm”.


Minh họa (Ảnh Internet).

Cách 2: Căn cứ vào hoàn cảnh để hình dung các thể hiện về nghĩa: “Gái thương chồng lúc đương đông buổi chợ, trai thương vợ lúc nắng quái chiều hôm”.

Trong bài “Tìm hiểu câu tục ngữ: Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” (Ngôn ngữ và Đời sống, số 5 (127), 2006), tác giả không đồng tình với cách hiểu của Sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ vì “không có cơ sở nào để nói câu tục ngữ chỉ như vậy chứ không thể khác”. Sau đó, căn cứ vào hoàn cảnh để giải nghĩa câu tục ngữ:

Câu tục ngữ đang bàn không chỉ có dạng so sánh, mà ít ra còn có thêm dạng “Gái thương chồng lúc đương đông buổi chợ, trai thương vợ lúc nắng quái chiều hôm”.

Vì sao “Gái thương chồng lúc đương đông buổi chợ, trai thương vợ lúc nắng quái chiều hôm”? Đi chợ là việc của phụ nữ. Người phụ nữ đang ở chợ đông: 1) thể hiện tình thương chồng qua việc chọn cá lựa canh, để mâm cơm cho chồng có những thức ăn ngon miệng; 2) chợt nhớ đến chồng và dấy niềm thương cảm khi trông thấy vật mà chồng thích (đang bày bán ở chợ) nhưng chưa mua sắm được (vì không đủ tiền chẳng hạn); 3) chạnh lòng thương chồng khi mình ăn miếng quà tấm bánh, hay ngừng lại xem một pha biểu diễn nghệ thuật, một cuộc vui, trong lúc chồng đang lao động nặng nhọc nơi đồng áng (ngày trước, bên cạnh chuyện mua bán, chợ còn là nơi sinh hoạt văn hoá, vui chơi; và việc người phụ nữ ăn quà bánh ở chợ thường bị phê phán);… Người đàn ông lúc nắng quái chiều hôm, sắp hết thời gian làm việc, bụng đói: 1) hình ảnh người vợ nội trợ hiện ra và lấy làm thương về nỗi tất bật lo cơm nước buổi chiều, rau heo cám chó đâu vào đấy trước khi trời tối; 2) những suy nghĩ về công việc đã khép lại, tâm trí mở ra cảnh vui vầy cùng vợ lúc về nhà, hình ảnh người vợ xuất hiện, với vẻ cười nói ngày thường;…

Đó là những liên tưởng, tưởng tượng dựa vào hoàn cảnh bình thường của người nông dân ngày trước. Cái lòng thương kia có thể xuất phát bởi những lí do, bối cảnh đặc biệt khác. Dẫu bao nhiêu cảnh huống đi nữa, thì chúng vẫn có chỗ dựa, có cơ sở về sự hợp lẽ, chứ không phải do suy diễn chủ quan”.

Cách 3: Dựa vào kết cấu tỉnh lược trong câu tiếng Việt:

Nguyễn Đức Dương trong bài “Người xưa muốn nhắn nhủ gì cùng con cháu qua câu tục ngữ: Gái thương chồng đương đông buổi chợ; trai thương vợ nắng quái chiều hôm”? (Tạp Chí Sông Hương, ngày 13/01/2014) đã dựa vào kết cấu tỉnh lược trong câu tiếng Việt để xác định nghĩa.

Đầu tiên, tác giả phản bác Sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ: Cách diễn giải kiểu “vọng văn sinh nghĩa” rất khó thuyết phục và lối diễn giải đó để lộ thêm hai điểm yếu nên tránh khi diễn giải các đơn vị tục ngữ.

Thứ nhất là đã quá sa đà vào việc miêu tả dài dòng, một lối biểu đạt hết sức xa lạ đối với tục ngữ (tục ngữ là thể loại sáng tác dân gian chuộng đưa ra những nhận định súc tích hoặc những lời nhắn nhủ cô đọng).

Thứ hai, các tác giả Sách Kể chuyện thành ngữ tục ngữ đã nhầm khi coi câu tục ngữ này là câu so sánh (tức Gái thương chồng NHƯ đương đông buổi chợtrai thương vợ NHƯ nắng quái chiều hôm), bất chấp một sự thật là trong câu chẳng hề có một từ NHƯ nào và câu cũng chẳng hề có một dấu hiệu hình thức tường minh hoặc ẩn mặc nào đòi hỏi chúng ta phải diễn giải như thế.

Sau đó, Nguyễn Đức Dương lập luận: “Nên tránh coi câu đang xét như là câu so sánh, mà hãy xử lý nó như là câu tỉnh lược (rút gọn), một lối diễn đạt còn thông dụng trong tục ngữ hơn cả so sánh gấp hàng trăm, hàng trăm lần”.

Và một khi đã xử lý như thế rồi thì câu có lẽ sẽ được viết lại như sau:

“Gái thương chồng [thì hãy cư xử như thế nào để có thể bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả khi] đương đông buổi chợ (tức đang lúc buôn may bán đắt); trai thương vợ [thì hãy cư xử như thế nào để có thể bày tỏ được tấm lòng yêu thương ấy ngay cả trong cái] nắng quái ác lúc xế chiều”.

Đến lúc này thì phần việc cần làm chắc hẳn chỉ còn là: đi tìm hai biểu thức ngôn từ [linguistic expression] súc tích nhưng vẫn đủ để diễn đạt thỏa đáng các phần đã bị lược bỏ kia. Do đề tài của câu là nói về tình yêu giữa vợ với chồng nên biểu thức ngôn từ đắc địa hơn cả chắc hẳn phải là: “HÃY HẾT LÒNG CÙNG CHỒNG/HÃY HẾT LÒNG CÙNG VỢ”.

Chúng tôi, vừa có điểm tương đồng vừa có điểm khác biệt với cách hiểu thứ 2, thứ 3.

* Điểm tương đồng

Thứ nhất: Không coi câu tục ngữ là câu so sánh, dù không nhất trí với luận luận: “bất chấp một sự thật là trong câu chẳng hề có một từ NHƯ nào và câu cũng chẳng hề có một dấu hiệu hình thức tường minh nào” của Nguyễn Đức Dương. Bởi trong nghệ thuật so sánh tiếng Việt, từ so sánh “như”, “giống như”, “dường như”… cũng xuất hiện. Một số trường hợp, từ này bị ẩn nhưng người đọc, người nghe vẫn nhận ra đó là câu so sánh. Chẳng hạn, câu hai câu thơ trong bài “Sáng tháng Năm” của Tố Hữu, so sánh hình ảnh Bác Hồ với trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non dù không có từ “như”:

Bác ngồi đó lớn mênh mông

Trời xanh biển rộng ruộng đồng nước non.

Thứ hai: Dựa vào hoàn cảnh để hình dung các thể hiện về nghĩa: “Gái thương chồng lúc đương đông buổi chợ, trai thương vợ lúc nắng quái chiều hôm”.

* Điểm khác biệt

Tuy cũng căn cứ vào hoàn cảnh để xác định nghĩa của câu tục ngữ như cách hiểu thứ hai nhưng chúng tôi không theo hướng đi tìm nghĩa đen của các cụm từ “đương đông buổi chợ”, “nắng quái chiều hôm” như tác bài báo “Tìm hiểu câu tục ngữ: Gái thương chồng đương đông buổi chợ/ Trai thương vợ nắng quái chiều hôm” (Ngôn ngữ và Đời sống, số 5, 2006) mà hiểu theo nghĩa bóng. Điều này phù hợp với đặc trưng của tục ngữ, thành ngữ tiếng Việt (ngắn gọn, súc tích, thường có hai nghĩa: nghĩa đen và nghĩa bóng). Chẳng hạn, câu tục ngữ: “Thuận vợ thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn” là để khẳng định sức mạnh đoàn kết, kinh nghiệm sống và làm việc hòa hợp  mới đem lại kết quả cao; cũng là luân lý trong quan hệ vợ chồng.

Theo hướng này, cụm từ “đương đông buổi chợ”, không phải là “người phụ nữ đang ở chợ đông” hay “đang lúc buôn may bán đắt” mà chỉ thời điểm người vợ còn trẻ đẹp “trông mòn con mắt”. Lúc này, mỗi khi nàng xuất hiện, bao ánh mắt dõi theo, bao lời nói trầm trồ, than phục thốt lên. Và rất nhiều đàn ông luôn ước ao, luôn khát khao được chiêm ngưỡng, được tình tự với nàng. Nhưng nàng bỏ ngoài tai mọi ngôn tình có cánh, khước từ mọi đối tượng theo đuổi để thương yêu chồng như cô gái trong bài ca dao: “Chồng ta áo rách ta thương/ Chồng người áo gấm xông hương mặc người”.

Tương tự cụm từ “nắng quái chiều hôm”, không phải là “sắp hết thời gian làm việc, bụng đói” hay “nắng quái ác lúc xế chiều” mà chỉ thời điểm người vợ “trẻ sắp qua, già sắp đến” (nói theo khoa học là thời kỳ tiền mãn…). Lúc này, người vợ đã có nhiều thay đổi về hình thức và tính tình. Nhan sắc hao mòn theo thời gian, không còn xinh tươi, mặn mà như trước. Tính nết có nhiều đổi thay. Sự dịu dàng, đằm thắm, nhường nhịn rất nữ tính không còn nữa. Thay vào đó là bộ mặt cau có, luôn gắt gỏng, cãi vã, hoài nghi vô cớ. Chuyện “đá thúng đụng nia” là chuyện thường ngày trong gia đình. Thời điểm vợ như “bà chằng” nhưng chồng vẫn thương yêu.

Vợ yêu thương chồng khi đang xinh đẹp, quyến rũ, “ra đường kẻ đón người đưa”; chồng yêu thương vợ (kể cả) khi tàn tạ, xế chiều. Do đó, tình vợ chồng chung thủy (vợ chồng hãy hết lòng yêu thương nhau trong mọi cảnh huống) là thông điệp mà câu tục ngữ muốn nhắn nhủ chúng ta.

N.C.T