Truyện ngắn tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên

535

Đặng Thùy Tiên sinh ngày 08/8/1990 ở Lai Châu, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành bảo hiểm Trường Đại học Lao động – Xã hội năm 2013; có truyện ngắn, tản văn đăng trên báo chí địa phương, trung ương và in chung một vài tuyển tập, được trao 2 giải thưởng văn học mạng; Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lai Châu.

Truyện ngắn của Đặng Thùy Tiên là những câu chuyện xoay quanh đời sống người miền núi, chủ yếu là giới trẻ, với những hình ảnh lạ lẫm và cung bậc cảm xúc khác nhau, hạnh phúc xen lẫn đớn đau, ấm nồng xen lẫn nghịch cảnh. Với người phụ nữ trẻ hòa trộn ba dòng máu Thái-Kinh-Hoa, văn chương với Đặng Thùy Tiên như là cánh cửa tâm hồn rộng mở để cô tìm đến sự chia sẻ, đồng cảm và lưu giữ những ký ức văn hóa, cuộc sống đang diễn ra lặng lẽ và sinh động “ở phía bên kia núi” nơi mảnh rất ruột thịt ở vùng biên cương phía Bắc.


Tác giả trẻ Đặng Thùy Tiên

CHUYỆN CỦA THÀO

– Xin kính thưa quý vị, quý ông, quý bà, quý quan viên hai họ, quý cô bác gần xa. Hôm nay, nhân ngày lành tháng tốt, ngày tốt tháng lành, xin mời quý vị cùng chứng kiến lễ thành hôn của chàng rể miền núi Lù A Thào và cô dâu sơn cước Triệu Thúy Nhung. Thưa quý vị, tình yêu là một điều thiêng liêng, vô giá. Nhiều lúc như ông trời, chợt nắng, chợt mưa, nắng là khi tình yêu đang nồng đượm, mưa là khi yêu xa, hay là khi tình yêu gặp trở ngại. Nhưng sau cơn mưa, trời sẽ lại nắng, mà ngay sau đó thì cầu vồng sẽ xuất hiện. Sau một thời gian dài tìm hiểu nhau, đến hôm nay, tình yêu đã kết thành trái ngọt và chúng ta có mặt tại lễ đường ngày hôm nay để chúc mừng đôi trẻ trăm năm tình viên mãn, bạc đầu nghĩa phu thê…

Trên lễ đường, chú rể A Thào mặc bộ véc màu xanh coban nở nụ cười tươi rói bên cô dâu Thúy Nhung bẽn lẽn sau màu váy voan trắng tinh khôi. Hôm nay là ngày vui nhất đời Thào. Anh cười nói vui vẻ, qua mời chỗ này một chén, chỗ kia một chén… Tiếng cười nói xốn xang cả một vùng quê thanh bình.

… Thào ơi! Ớ Thào!

Thào choàng tỉnh giấc.

Ô, hóa ra là mơ sao. Anh dụi mắt. Ngước nhìn lên cái đồng hồ nhựa tròn màu gỗ treo ngay trên liếp tre – quà tặng của thầy Duy lúc anh tốt nghiệp trung học phổ thông với bao niềm xuyến xao, với mong ước lớn lao và hi vọng về tương lai tươi đẹp của tuổi đôi mươi. Tiếng của lả* Măng gọi anh về với thực tại:

– Thào ơi, dậy ăn cơm sáng đi con, còn đi xem ao cá, sớm nay lả thấy trời âm u lắm.

– Tù rầu* đi đâu rồi lả ới?

– Từ sáng sớm tù rầu con đã lên rừng xem nương thảo quả rồi, nhà ông Páo đi nương về bảo trên ấy chuột nhiều lắm, thảo quả đương ra hoa, phải lên xem con ạ.

Thào ngồi xuống mâm cơm, cái ghế mây lâu ngày lại chịu sức nặng của anh thanh niên kêu lên kẽo cọt. Bên cạnh bếp, củi vẫn cháy đượm. Ở vùng núi cao này, từ xa xưa người Mông đã có tục giữ bếp cháy âm ỉ, để tránh thú dữ, để sưởi ấm cơ thể khỏi cái lạnh buốt da thịt. Vào mùa đông cũng như mùa hè, cái lạnh chỉ thay đổi cấp độ. Mùa đông lạnh buốt thấu da thịt, tê cóng chân tay. Mùa hè thì những cơn mưa lại mang tới cái lạnh mơn trớn, không như dùi đâm nhưng cũng đủ để run rẩy mỗi khi cơn gió thổi hơi lạnh từ đỉnh núi Chinh Sáng thổi tới. Cái lạnh khiến cho người dân ở đây ngoài lúa một vụ và thảo quả ra thì không biết trông vào đâu nữa. Ở đâu đó phía cuối bản vẫn còn những em bé nhà đông con, mùa rét áo không đủ ấm, cơm không đủ ăn. Đi học bữa đực, bữa cái vì phải ở nhà trông em giúp mẹ, lấy củi phụ cha,… chăm chỉ mà vẫn thiếu thốn, vẫn nghèo đói.

Thào không cam chịu như thế. Từ ngày bắt đầu học cái chữ, sáng cái đầu, Thào đã mong ước sẽ làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. Xem ti vi, xem báo, đài, Thào biết được nhiều anh chị từ bỏ cả học bổng du học nước ngoài, từ bỏ cả cơ hội đi làm tháng lương mười mấy hai mươi triệu đồng để về quê khởi nghiệp. Thào khâm phục họ lắm, vì họ dám từ bỏ, dám ước mơ, dám thực hiện và thành công thì sẽ đến với người biết phấn đấu, nỗ lực. Sự thành công của họ càng củng cố thêm niềm tin của Thào với quyết định của mình.

– Thào con, lả thấy trời sắp mưa rồi đấy.

Tiếng của người mẹ kéo Thào về với thực tại.

– Dạ vâng, để con đi xem nước cho ao cá ạ!

Thào đặt vội bát cơm xuống. Anh đi ra ngoài cửa lán, khí lạnh xộc tới, Thào khẽ rùng mình. Vậy là sắp mưa thật. Gió lạnh tới là báo hiệu một cơn mưa lớn sắp đổ đến đây. Anh vội vàng men theo bờ đất, đến đầu dòng dẫn nước từ con suối trên núi sâu kia vào ao cá hồi. Nước bắt đầu chuyển màu vàng nhạt. Chắc cơn mưa kia đã bắt đầu xối xả trên núi lâu rồi, anh vội lấy đất đá ngăn dòng nước chính. Sau một hồi loay hoay, đắp xong bờ ngăn, Thào chạy về lán đóng mấy cửa ngăn nước chảy vào ao. Anh gấp rút lấy oxy viên làm sạch ao cá, bơm nước giếng để luân chuyển dòng nước, rồi đo độ pH: trên 8,6, Thào tăng tốc độ của quạt nước và sục khí, bổ sung nước muối loãng vào hai ao cá hồi của mình.

Sau cả buổi trời vất vả, nhìn những chú cá hồi nuôi được gần một năm đang lượn lờ quẫy đạp trong ao, màu lưng đen xen lẫn màu bàng bạc óng ánh dưới bụng cá khiến Thào cảm thấy thích thú, vui vẻ hẳn lên, xua tan bao mệt nhọc phiền lo của anh từ sáng tới giờ.

***

– Hôm nay, bài học hoàn thành sớm hơn dự kiến một nửa tiết. Thầy đặt ra một câu hỏi, các em có thể ghi nhanh vào giấy rồi đứng lên trả lời chia sẻ với cả lớp nhé. Câu hỏi như sau: Dự định của các em sau khi tốt nghiệp lớp mười hai là gì?

– Nào mời Tẩn Thị Dư

– Thưa thầy, em hi vọng mình sẽ thi đỗ vào trường Đại học Y Hà Nội ạ.

– Cảm ơn em, mời Vàng Thu Nhàn, cái tên đẹp đấy.

– Thưa thầy, em sẽ đi học làm nghề tóc và làm nail ạ.

– Thế còn bạn Vàng Thị Túa thì sao?

– Dạ, em chưa có dự định gì. Chắc là lấy chồng thôi ạ.

Cả lớp cười ầm lên. Thầy Duy kêu cả lớp giữ trật tự cho lớp khác học.

– Thế bạn Thào? Lù A Thào mời bạn chia sẻ mơ ước của bạn với cả lớp xem nào.

– Dạ, thưa thầy, em sẽ về nhà và tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi ạ.

– Ồ, ước mơ của bạn Thào thật giản dị. Theo thầy, các em làm nghề gì cũng được, nghề nào cũng đáng trân trọng, miễn là không phạm pháp và trái với lương tâm của mình. Các em có sức khỏe, có tuổi trẻ, hãy dùng hết sức lực để theo đuổi ước mơ của mình, dù có vấp ngã, hãy đứng lên và tiếp tục. Chúc các em thành công!!

Tùng! Tùng! Tùng!

Tiếng trống báo hết giờ. Tan học, cũng là buổi cuối cùng ở trường trước khi nghỉ để chuẩn bị cho kỳ thi cuối cấp. Trong buổi liên hoan chia tay, Thào ngại ngùng quan sát Nhung từ xa. Nhung là cô gái học giỏi lại ham học, Thào biết cô có hoài bão và ước mơ xa xôi để về miền kiến thức, vùng rừng núi hoang vu này không giữ chân được cô bạn của Thào. Với tình cảnh hiện tại, Thào lo thân mình chưa nổi, sao dám đèo bòng yêu ai. Lời tỏ tình Thào đành cất vào trang giấy, vào những cuốn sách giáo khoa để ngay ngắn trong hòm tôn. Sau buổi chiều tạm biệt tuổi học trò đầy cảm xúc, Thào thu xếp đồ đạc cá nhân để rời trường Dân tộc nội trú về nhà. Cậu xuống khu tập thể giáo viên để chào tạm biệt thầy Duy. Thầy động viên Thào thi tốt, còn tặng cậu học trò yêu quý một chiếc đồng hồ treo tường để làm kỉ niệm.

Hai tuần Thào ở nhà ôn bài cũng không yên với Pàng, tối nào nó cùng đám trai bản cũng đứng dưới đường tít còi inh ỏi rủ Thào đi chơi. Thào đứng dưới lu nước mà hét, tao phải học bài sắp thi rồi. Pàng còn nhấp nháy đèn thêm một lúc nữa mới chịu đi. Pàng là bạn thân với Thào từ thủa cởi truồng lên núi chăn trâu, đi rừng kiếm củi. Pàng cũng là đứa học tốt, nhưng đến khi đi học trường bán trú của xã, phải xa nhà, Pàng không chịu nổi, bỏ dở lớp bảy về nhà làm bạn với ruộng nương. Dần dần, Pàng cũng quên hết cái hay cái đẹp của cái chữ mà trở thành thanh niên chơi bời, lêu lổng. Nhắc đến Pàng, người trong bản chỉ biết lắc đầu.

***

– Cô dâu, chú rể đến rồi. Nào mọi người cầm chén lên đi chứ, chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc!

– Một, hai, ba… Dzô… Một, hai, ba… Dzô… Một, hai, ba,… Uống!

Thào đứng dậy, cụng ly với Pàng trong ngày vui của cậu bạn “nối khố”. Trong hơi men say của rượu ngô, Thào vui vẻ bắt tay chú rể và cô dâu. Cậu không quên chúc phúc cho người bạn thân. Hôm nay là ngày vui của bạn, tớ thấy cũng giống như niềm vui của tớ vậy. Vui vì bạn đã tìm được người đồng hành, chúc bạn thân yêu sẽ luôn vững vàng, mạnh mẽ như cây thông rừng, làm chỗ dựa cho vợ con, chúc bạn tôi an yên và hạnh phúc suốt đời. Pàng vui vẻ ôm người Thào. Sau tiệc cưới, Thào về đến lán coi cá là nằm vật ra phản, trong đầu óc quay cuồng, hơi rượu nồng nồng quyện lại với hỗn độn thức ăn làm dạ dày anh quặn lại, hơi nóng khó chịu ợ lên đến cổ. Thào nôn thốc nôn tháo. Anh vô thức nhắm mắt. Trong giấc mê man anh nghe có tiếng sột soạt, có tiếng chân người nhẹ nhàng bước đi. Một chút lý trí thúc giục anh, nhưng cơn say lại kéo mi anh nặng trĩu, không sao cựa dậy được.

Buổi sớm trên núi, chim chóc líu ríu gọi nhau tắm nắng ban mai. Tiếng suối róc rách hòa cùng tiếng gió lướt qua ngàn cây lá nghe vi vút, tạo thành điệu nhạc đại ngàn hoành tráng. Thào mở mắt, dư âm của cơn rượu tối qua vẫn còn khiến anh khó chịu. Anh vùng dậy, ra ngoài lán vốc nước rửa mặt cho tỉnh. Bỗng, xộc lên mũi Thào một mùi tanh tanh. Thào ngờ ngợ rồi như chợt nhớ ra điều gì, anh chạy thẳng ra ao cá hồi. Một cảnh tượng khiến Thào bàng hoàng. Từng con cá nổi bụng trắng xóa trên mặt nước, thoi thóp. Thào không còn thời gian để thảng thốt. Anh vội vàng sục ô xi, xử lý nước, nhưng mọi sự cố gắng chỉ như muối bỏ bể.

Nhìn thấy Thào thất thần, còn mẹ Thào ngồi khóc bên sọt cá mà lòng bố xót xa. Bố động viên Thào cùng nhau dọn dẹp lại bể cá, cho những con còn sống sang bể khác, rồi đi xem xét lại nguồn nước dẫn vào bể. Trong lúc dọn dẹp, Thào phát hiện chai thuốc diệt cỏ còn đang lập lờ dưới nước. Anh cầm lên xem, chai vẫn còn mới. Trên bờ, cỏ dạt sang một bên, chứng tỏ đã có người từng đứng ở đây. Thào lờ mờ hiểu chuyện gì đã xảy ra. Trong lòng anh dâng lên một niềm oán hận. Anh lấy tay đấm thật mạnh vào bờ đất bên mé nước. Nước bùn đất văng tung tóe lên người, lên mặt Thào mà vẫn không nguôi được lửa giận đang phừng phừng trong người anh. Có kẻ đã cố tình hãm hại Thào.

Trời lại vào mùa mưa. Thào vẫn vất vả bên dòng suối nhỏ và đàn cá mới gây lại của mình. Mưa miền núi thường dai dẳng tới vài ngày không dứt. Lúc rảnh rỗi, Thào lại bỏ quyển sách Đắc nhân tâm mượn của thầy Duy ra đọc. Nhìn mưa trắng rừng, trắng núi, gió lạnh thổi tạt những dòng nước mưa trên mái ngói vào hiên lán, lòng anh bỗng buồn mênh mang… Bác Kỳ, cũng làm trại nuôi cá kế bên, sang chơi, ngồi nói chuyện cùng Thào. Bác đã nuôi cá Hồi hơn 5 năm nay, có nhiều kinh nghiệm xương máu với nghề. Từ khi Thào lên đây lập nghiệp với nghề nuôi cá hồi, bác Kỳ cũng chỉ bảo tận tình cho Thào, Thào rất quý bác, tôn trọng bác như người thầy của mình. Đợt cá chết vừa rồi, vì nhiễm thuốc nên đành vứt đi không vớt vát lại được vốn. Đang lúc tuyệt vọng thì bác Kỳ cho Thào cá giống, bác nói cho Thào vay, bao giờ có thì trả. Thào như người chết đuối vớ được cọc. Nhờ bác và mọi người động viên Thào lại tiếp tục gây dựng lại đàn cá.

– Thào ạ, cuộc đời như dòng nước trôi, lớp này qua đi, lớp kia lại tới để tưới mát cho sự sống sinh sôi, nảy nở. Đôi lúc, có thể xảy ra những sự việc không như ý muốn của mình. Đừng vì thế mà nản chí, mà từ bỏ. Vạn sự bắt đầu nan, có khó khăn, vất vả thì đến khi thành công mới càng trân quý công sức mình bỏ ra. Nghe lời bác, đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Mình có sức khỏe, có tuổi trẻ bắt đầu lại không bao giờ là muộn cháu ạ!

– Dạ vâng, cháu cảm ơn bác, nhờ bác giúp đỡ lứa cá vừa rồi cháu mới dám tự tin tiếp tục bác ạ.

– Không có gì. Kể cả không có bác thì cháu vẫn phải tiếp tục chứ. Sao có thể từ bỏ một cách dễ dàng như vậy được. Mình sống phải có lý tưởng riêng của mình, có chính kiến. Con đường đi đến thành công còn nhiều chông gai cháu ạ.

Nói chuyện một lúc, bác Kỳ vỗ vai Thào rồi ra về.

***

” Mưa lớn trên diện rộng…. cảnh báo những nơi sẽ có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống rất cao như là… các tỉnh miền núi phía bắc cần khẩn trương di dời người dân… khỏi những nơi có nguy cơ cao…”

Tiếng chị biên tập viên thời tiết trên đài FM bị tiếng mưa át đi, Thào nghe câu được câu chăng. Mấy ngày nay mưa nhiều chưa từng thấy. Ông trời trút nước xuống như những dòng thác. Ở trong nhà, ngoài tiếng mưa ầm ào và tiếng gió rít thì không nghe được âm thanh gì khác. Thào đi ủng, mặc áo mưa, đội mũ cối tất tả ra khỏi nhà, hòa mình vào cơn mưa trắng xóa đất trời. Đang hì hụi đào đắp lại ngọn suối dẫn vào trại cá của nhà mình, Thào chợt thấy kỳ lạ, bình thường mưa nhỏ dòng suối đã cuốn lũ đỏ ngòm, nước chảy phăm phăm, thế mà dòng nước hôm nay, mưa to như thế mà nước vẫn chảy như ngày thường, mà hình như nước còn chảy ít hơn.

Xong việc, Thào về lán trại của mình. Anh thấy từng đàn kiến rời tổ bò đi nơi khác, mặc trời mưa bão. Kỳ lạ thật. Đang suy nghĩ lung tung, chợt chuông điện thoại reo, Thào cầm điện thoại cục gạch của mình lên. Alo, tía à. Con xong việc chưa, về nhà một lúc đi, chú Dê trưởng công an xã tìm được thằng làm chết ao cá của con rồi, về ngay nhá. Tắt điện thoại, tâm trạng Thào trở nên phức tạp. Vừa giận, vừa tò mò xem ai lại hẹp hòi muốn cắt đi nguồn sống của mình. Nhưng mọi chuyện cũng đã qua, Thào không muốn bới lại. Có lẽ người ta cũng hối hận vì hành động đó. Không nghĩ nhiều nữa, Thào vơ vội cái đèn pin, cầm điện thoại rồi đóng cửa, lên con xe way đỏ mận cũ kỹ để về bản. Chưa đi được bao xa, Thào chợt thấy đất dưới chân mình rung chuyển, rồi một tiếng nổ lớn, xé toạc không gian, đất, đá, nước ào ào đổ xuống. Thào cùng chiếc xe máy bị hất văng ra xa, bất tỉnh.

Không biết đã qua bao lâu, Thào lờ mờ mở mắt, xung quanh là bố, mẹ nhiều người dân bản và những chú bộ đội. Tiếng người xôn xao:

– Tìm thấy chưa?

– Vẫn chưa, đất đá nhiều quá, phải chờ máy xúc.

– Các đồng chí lập hàng rào chắn không cho người dân vào vớt cá hồi, cá tầm gây khó khăn cho việc cứu hộ cứu nạn.

– Này, nhà bác kia, không được vào.

– Ối, chồng tôi, các anh ơi, cứu chồng tôi với.

– Mọi người hết sức bình tĩnh, chúng tôi cũng đang rất cố gắng để tìm kiếm và cứu hộ.

Thào từ hoang mang đến hoảng hốt, anh bật dậy, lê đôi chân bị thương đang chảy máu của mình nhìn về phía trại cá. Cảnh tượng tan hoang hiện lên trước mắt Thào, cả mấy lán trại, ao cá của anh và bác Kỳ bị đất đá san phẳng, chỉ còn lại màu đỏ vàng của bùn đất. Thào bàng hoàng. Anh đứng như trời trồng, nhìn trân trân về khoảng đất trước đó từng là nguồn sống, là hi vọng, tương lai tươi đẹp của anh. Tất cả đã kết thúc. Nước mắt anh hòa cùng bùn đất và nước mưa. Mặn đắng.

***

Bác Kỳ đã vĩnh viễn nằm lại núi rừng sau vụ sạt lở đất ấy. Những con cá hồi, cá tầm bị sặc bùn được người dân tình nguyện mua lại cũng giúp gia đình bác và Thào gỡ gạc lại chút ít vốn liếng đã bỏ ra. Thào vẫn bị sốc, vẫn chưa gượng dậy nổi sau khi thiên nhiên cướp đi hết bao công sức mà chàng trai sinh ra từ bản làng, dốc hết tâm huyết vào trại cá ấy. Hảng – chính là kẻ đã bỏ chai thuốc sâu vào ao cá của Thào khi trước. Vì cắn dứt lương tâm, nên anh ta đã ra nhận tội của mình với chú Dê và xin gia đình Thào tha thứ.

Hắn khai, trong đám cưới của Pàng, hắn mời rượu mà Thào từ chối, tức tối vì nghĩ Thào coi thường mình. Về tới nhà, sẵn chai thuốc diệt cỏ vẫn còn, hắn mang chai thuốc tới thả đầu nguồn suối để hại chết cá của Thào. Chú Dê hỏi gia đình Thào có làm đơn lên xã hay đòi tên Hảng đền bù gì không? Thào gạt đi, Thào biết Hảng còn mẹ già con nhỏ, nhà lại nghèo biết lấy gì đền cho Thào. Hắn đã nhận tội, biết xin lỗi thế với Thào là đủ. Điều đánh gục ý chí của Thào bây giờ không phải sự hiểm ác của lòng người. Những hận thù nhỏ nhoi ấy, Thào không để tâm nữa.

Nhìn con trai suốt ngày ngẩn ngơ ra vào, không nói lời nào với ai, bố mẹ Thào đâm sốt ruột. Thỉnh thoảng có Pàng tới chơi, thầy Duy lại nhà động viên, Thào có tươi tỉnh một chút, được vài ngày rồi đâu lại đóng đấy. Mẹ thường tìm lời lẽ để động viên Thào, nhưng dường như cú sốc lần này quá lớn đối với Thào.

“Cuộc đời như dòng nước trôi, lớp này qua đi, lớp kia lại tới để tưới mát cho sự sống sinh sôi, nảy nở. Đôi lúc, có thể xảy ra những sự việc không như ý muốn của mình. Đừng vì thế mà nản chí, mà từ bỏ… đừng bao giờ đánh mất niềm tin. Mình có sức khỏe, có tuổi trẻ bắt đầu lại không bao giờ là muộn cháu ạ”. Lời bác Kỳ nói vẫn như vang vọng đâu đây, Thào nửa tỉnh nửa mơ, ú ớ gọi.. Thào bừng tỉnh giấc, hóa ra là mơ thôi. Thào ngồi thu lu lại một góc giường. Bác Kỳ nói đúng, mình còn khỏe, mình còn có đôi tay này, phải bắt đầu lại, không thể để đất đá kia chôn vùi cả tuổi trẻ và tương lai của mình được.

Nghĩ là làm, sau bữa sáng, Thào bàn với bố cùng mình tới ngân hàng vay tiền dựng lại lán trại tiếp tục nuôi cá hồi. Ông bà Pô Măng – bố mẹ của Thào thấy con trai thay đổi như vậy thì rất bất ngờ. Qua đi giây phút ngỡ ngàng, thấy con mình tinh thần đã phấn chấn lên thì vui mừng khôn xiết, ông Pô cầm sổ đỏ quyết tâm cùng con trai gây dựng lại. Nghe tin Thào gây dựng lại trại cá, bạn bè ai cũng vui vẻ tới giúp Thào một chân, một tay. Hảng vác một bó tre lớn đến nơi, chưa kịp bỏ xuống thì Pàng nhảy xổ ra, mắt gườm gườm chực sống mái một phen với Hảng..

– Hảng, mày tới đây làm gì? Định phá hoại thằng Thào nữa thì tao không để cho mày yên đâu.

– Đâu.. tao… tao không có ý đó. Tao đến.. đến giúp nó thôi mà..

Hảng lắp ba lắp bắp không thành lời. Thào vội chạy ra ngăn lại

– Thôi, thôi. Dĩ hòa vi quý, Hảng nó cũng có ý tốt mà Pàng ơi. Thôi được rồi, Hảng mày ra kia buộc lại mấy cái cọc với chú Dê nhé!

Mọi người lại trở về với bầu không khí vui vẻ, mỗi người một việc, tất bật giúp Thào. Thầy Duy cũng mang tới tặng cho Thào một chiếc nhiệt kế đo nhiệt độ nước hiện đại. Hai thầy trò cùng nghiên cứu cách sử dụng, đang chuyện trò rôm rả thì Nhung cũng đến nơi. Nhung đang theo học khoa nuôi trồng thủy sản của Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Biết chuyện của Thào, Nhung muốn dùng những kiến thức mình học để giúp đỡ bạn.

Trong bữa cơm liên hoan sau khi trang trại nuôi cá hồi của Thào hoàn thành. Sau lời cảm ơn tới mọi người của Thào, thầy Duy vui mừng phát biểu động viên:

– Thầy rất mừng vì các trò đều đã trưởng thành và kiên định với lý tưởng của riêng mình. Sẽ càng trân quý hơn nữa khi các em lại có ý chí khởi nghiệp ngay trên quê hương của mình như Thào, như Nhung. Thầy xin mượn những câu thơ trong bài Khuyên thanh niên của bác Hồ để thay lời động viên tinh thần các em: ” Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Cả đoàn người vui mừng vỗ tay rầm rộ. Nhung nhìn sang Thào bẽn lẽn. Thào vui vẻ cười nói, mắt anh sáng lên hi vọng. Bên ngoài, bầu trời trong vắt, những ngôi sao nhấp nháy như cũng đang chung niềm tin vào tương lai tươi đẹp của Thào và mọi người.


Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

Ở PHÍA BÊN KIA NÚI 

“Hồôốô…”. Gã vừa loạng choạng, vừa bất giác kêu gào giữa đêm hoang lạnh. Đôi tình nhân đi qua nhìn gã với đôi mắt vừa kinh ngạc, vừa dè bỉu. Ánh trăng chuếnh choáng theo sau gã. Chiếc xe đạp cà tàng trước đó còn là phương tiện đi lại giờ này lại là một thứ của nợ mà gã phải mang theo. Trên con đường mòn vòng lên quả núi, bóng hình ngoằn nghèo của một người đàn ông đứng không vững, dắt theo cái xe đạp trông như một con quái vật tưởng tượng đáng sợ. Thi thoảng gã lại đau khổ rú lên một hồi nghe vừa rùng rợn vừa ai oán.

Gã hận cuộc đời. Hận con vợ gã, người đàn bà đã bỏ gã, bỏ đứa con nhỏ nheo nhóc. Gã hận mấy thằng bạn “thân ai nấy lo” lừa bịp cho cuộc đời gã ra nông nỗi này. Gã hận tất cả. Đau khổ, bất lực, gã hận chính dòng máu nóng hổi đang chạy rần rần trong người.

Đâu phải chỉ một lần Sánh nghĩ đến cái chết. Lúc đi làm nương, lúc vục mặt dưới suối sâu, lúc gã đứng chênh vênh trên vách núi đá. Lúc gã cầm cái rựa chặt chuối định kết thúc hết những bi kịch của cuộc đời thì tiếng thằng con ngọng nghịu gọi bố ngoài đầu nhà thức tỉnh gã. Gã chết. Dễ thôi, một nhát dao, một cú nhảy. Gã đi đời, chả ai thèm tiếc thương. Nhưng con của gã, cũng không biết nó có phải con gã, con của mụ đàn bà đa đoan mang đến cho cuộc đời u tối của gã. Sánh yêu thương nó, và nó chỉ có gã để dựa dẫm. Sánh chết, đời gã kết thúc, còn đời nó, biết đi đâu về đâu?

Sánh là một thằng không cha. Mẹ Sánh là người đàn bà đẹp của đất Mường So xưa, nhưng cái đẹp của mẹ gã gắn liền với bất hạnh, với cái khổ như người đời thường ví “hồng nhan bạc phận”. Mẹ Sánh bị những lời đường mật của tên sở khanh lừa bịp, sau khi hắn bỏ đi để lại cho mẹ gã hình hài đang lớn dần. Mẹ gã không nhẫn tâm, bỏ đi nơi khác mà về dưới chân núi Putaleng này sinh ra Sánh, chôn vùi quá khứ cùng tuổi trẻ với bố dượng nghiện thuốc và nghiện rượu. Nghèo đói đeo đẳng, mẹ Sánh sinh thêm cho gã bốn người em, cộng với gã và hai con riêng của bố dượng, một gia đình gần chục nhân khẩu. Bao nhiêu tài sản ra đi theo khói thuốc của dượng, cả nhà làm đến hụt hơi cũng không đủ ăn.

Sánh lớn lên trong sự nghèo đói, tù túng. Cũng bởi cái nghèo mà sau khi biết đọc, biết viết, gã nghỉ học ở nhà làm bạn với núi rừng, nương rẫy. Gã to khỏe vạm vỡ, nhưng cái đầu gã không sáng láng. Khi vụ mùa đã xong, nương thảo quả qua mùa phát cỏ, Sánh lại tụ tập cùng đám trai làng đánh bi – da ở quán mụ Phượng béo đầu bản. Thi thoảng, cả bọn rủ nhau xuống quán ăn đêm dưới phố tới hai, ba giờ đêm mới dìu nhau về nhà.

Từ sau khi các anh em của Sánh lập gia đình, bố mẹ gã lần lượt đưa nhau về núi thì gã ở một mình. Sánh cũng nhiều lần nghĩ tới hạnh phúc gia đình, đến hơi ấm những đêm đông lạnh giá. Nhưng con gái bản chê gã cục mịch, chê gã nghèo, cái nghèo theo gã từ trong trứng nước. Nhiều lần như vậy, Sánh chả nghĩ nhiều. Có tiền gã nướng hết vào trò đỏ đen, đời gã cứ trôi trong sự nhạt nhẽo, vô vị. Cho tới một ngày, định mệnh quyết định thay đổi đời gã…

– Chẵn nhé!

– Lẻ đi mày!

– Nay tao đen, cho mày đặt cả.

– Thế quyết. Chẵn nhé!

– Chẵn rồi, ha ha ha!

Sánh cầm đống tiền dưới bàn lên, nhìn mấy khuôn mặt ỉu xìu, gã dương dương tự đắc. Xong canh bạc, lại như thường lệ, cả đám lại dẫn nhau đến quán ăn đêm.

– Bà chủ, cho mấy bát cháo, một bát trứng vịt lộn, thêm mấy quả trứng gà tươi nhé!

– Rượu không?

– Đến đây để uống rượu chứ không lại uống nước lã à?

Sánh hỏi lại bà chủ. Trong lúc đợi bà ta loay hoay chuẩn bị đồ. Gã đưa mắt nhìn quanh. Bắt gặp một đám con gái trong đó có thị đang nhìn gã, cười rúc rích. Sánh ném cái nhìn đầy tình ý về phía thị, thị bỏ hết cả những e thẹn, ngại ngùng, cầm chén, sang ngồi luôn cạnh gã. Trước lạ sau quen, chắc vậy. Trước thì nhẹ nhàng, một vài chén, sau đến vài chai. Tửu lượng của thị kể cũng khá, đám đàn ông bên cạnh xun xoe với thị. Chuyện này với những cô gái ngành như thị là bình thường. Gã thừa biết. Nhưng nay gã đối với những ánh mắt ấy lại thấy khó chịu. Tự nhiên gã thấy thị ăn mặc hở hang quá, thấy thị sao mà lả lơi, đàng điếm. Một cảm giác khó chịu, không lột tả được hết. Sánh cầm quả trứng gà chần, chọc hai đầu xong mút cái “chụt” như xả nỗi bực dọc.

Đột nhiên, chẳng nói chẳng rằng, Sánh đứng phắt dậy, thanh toán tiền rồi đi về trước sự ngỡ ngàng của thị, và sự ngạc nhiên của đám bạn. Về đến nhà, gã không sao ngủ được, hết quay bên này lại trằn trọc bên kia. Giờ này Kim đang làm gì nhỉ? Ô hay, Kim làm gì liên quan gì tới gã. Chắc Kim lại chè chén xong đi với thằng bạn nào của gã. Không, chắc Kim về luôn ấy thôi. Sánh chợt thấy bực dọc với Kim, khi không lại đi làm cái nghề mạt hạng. Gã trách thị rồi lại tự trách mình, sao không ở lại, đưa Kim về. Chí ít, Sánh có thể biết chính xác Kim đi đâu? Ngày mai, gã sẽ lại tìm Kim. Nhất định thế!

***

Sánh chìm vào men say của tình yêu với Kim. Gã nghe Kim kể cuộc đời khốn khó đưa đẩy Kim sa ngã. Gã thương xót Kim, muốn Kim hoàn lương, làm lại cuộc đời với gã. Gã tin Kim  đưa Kim về căn nhà gỗ nghèo nàn của mình. Đám cưới đơn sơ diễn ra vui vẻ, và người vui nhất là Sánh, không ngờ hạnh phúc đến với gã nhanh đến vậy. Kim báo với gã mình đã mang thai. Sánh sung sướng đến độ muốn hét lên cho cả làng biết. Gã càng chăm chỉ làm lụng, hết thời giờ lại làm thuê làm mướn, gã muốn vợ con gã đỡ vất vả. Sánh bỏ mọi cuộc chơi bời với đám bạn, chúng thấy gã thay đổi thì sinh ghen ghét, coi gã như người vô hình. Sánh mặc kệ. Sánh vẫn cứ vui vẻ với gia đình nhỏ của gã.

Đến ngày vợ Sánh sinh nở, khi nghe tiếng thằng bé khóc ré lên trong nhà hộ sinh, gã rưng rưng muốn khóc. Sánh bế thằng bé trên tay, hạnh phúc tột cùng. Vợ gã thấy vậy, cũng bất giác mỉm cười. Sánh đặt tên con là Triệu Văn Dũng. Nhưng hạnh phúc ngắn chẳng tày gang. Lúc thằng bé tròn ba tháng, cũng là lúc hết cữ kiêng theo như lời xưa các cụ già truyền lại. Sánh thấy vợ gã lại xúng xính váy áo, ngày ngày xuống chợ huyện mua sắm, chơi bời. Gã có nói thì thị lại sướt mướt kể khổ. Gã đành cắn răng chịu đựng. Một ngày nắng khô hanh, cây cỏ cũng héo úa, Sánh đang lúi húi nhổ sắn về cho lợn thì Dự, thằng bạn thân với Sánh từ thủa “cởi chuồng tắm mưa” gọi giật gã, thì thầm. Sánh vứt cuốc, máu nóng sục sôi như muốn căng hết cơ mặt, hai con mắt vằn đỏ. Gã leo lên xe của bạn, phi xuống phố huyện. Sánh ngồi rình từ trưa, tới gần chiều tối, gã thấy tên trưởng bản và vợ gã ôm eo nhau từ trong nhà nghỉ đi ra. Gã lao đến như tên bắn, cho vợ gã một cái bạt tai nảy đom đóm mắt. Tên nhân tình thấy vậy, chạy thục mạng sang bên kia đường. Gã cầm con dao phát đuổi theo. Tên trưởng bản sợ mất mật, chạy rơi cả giầy. Trốn chui trốn nhủi mãi mới về được tới nhà, cả người đầy bùn đất. Sánh và vợ xảy ra một vụ cãi nhau kịch liệt, gã tức mình cầm con dao chặt một nhát vào cột nhà, vợ gã ôm mặt khóc. Sáng hôm sau, Sánh và tên nhân tình của vợ bị công an xã gọi xuống làm việc. Sánh bị xử phạt hành chính vì tội gây rối trật tự xã hội. Gã nhìn tên kia với ánh mắt hằn thù. Cơn giận chưa nguôi. Sánh đi về nhà, từ xa đã nghe tiếng thằng bé gào khóc. Gã đang bực tức, chạy về nhà định cho vợ một trận thì không tìm thấy Kim đâu, chỉ có mình thằng bé nằm trơ trọi giữa nhà. Gã địu con, đi khắp nơi tìm Kim. Thằng bé khát sữa, khóc tới lả đi. Sánh vừa bế con đi xin sữa, vừa tìm tung tích của vợ.

Một ngày, một tuần, rồi ba tháng trôi qua trong vô vọng. Không một tin tức gì về Kim. Sánh đã quen với việc pha sữa, nấu cháo loãng cho con ăn, chăm con như một người mẹ bất đắc dĩ. Sánh cũng không còn mong chờ gì việc Kim trở về nữa. Gã quen với việc không có Kim, chỉ tội cho thằng nhỏ, mỗi khi thèm hơi mẹ lại rúc rúc vào người gã, thương con đến chảy nước mắt. Gã có cô đơn không? Cô đơn với gã chỉ như bóng ma dằn vặt mỗi đêm xuống, khi thằng bé thiêm thiếp ngủ, có hề gì. Đôi khi, Sánh thấy tủi thân cho cuộc đời buồn khổ của gã, tim gã lại se sắt. Ban ngày, Sánh phải đi làm kiếm tiền lo cho hai bố con, Sánh gửi con cho em gái trông hộ. Mỗi chiều về gặp con, mặt tèm lem, mũi dãi chảy ròng ròng, chân tay lem luốc, thấy bố thì nở nụ cười trong sáng ngây thơ. Ôm thằng bé vào lòng, Sánh thấy tim mình ấm áp hẳn. Nhưng sự trong sáng của con trẻ không lấn át được con ma bạc trong Sánh. Một ngày đầu đông, trong bản có đám ma, một ông cụ được tổ tiên đưa linh hồn về với núi rừng. Vẫn như lệ thường, đêm trước đám đưa người lên núi, đàn ông lại ngồi sát phạt nhau bằng những trò đen đỏ. Có bao tiền tích góp được mua sữa cho con, Sánh mang cúng con ma cờ bạc cả. Đám bạn cũ hùa vào khích bác, lòng tự ái dâng lên tột độ. Cay cú vì khoản tiền bị thua, cơn khát bạc sôi sục hối thúc, giày vò, lấn át cả lý trí, Sánh liều làm giấy vay tiền. Mười triệu, hai mươi triệu, năm mươi triệu rồi một trăm triệu. Thấy Sánh càng đánh, càng hăng, càng đánh càng thua nhiều. Dự lo thay cho thằng bạn mắt đang vằn đỏ vì con ma bạc. Dự tìm cớ, nói thầm với chủ nợ Sánh không có khả năng hoàn trả khoản tiền vừa ký vay, lại đang nợ nhà Dự tiền. Thế là Sánh bị chúng đuổi, kèm theo mấy cú đấm là lời hăm dọa về hạn trả lãi và trả khoản nợ vay đúng hạn.

Mặt mày xây xẩm, Sánh loạng choạng về nhà. Trước đó, Dự còn cho Sánh biết, vợ gã đã theo người yêu cũ của nó dưới phố huyện vượt biên sang Trung Quốc rồi. Nằm vật lên giường, nghe gió lùa qua mái ngói rin rít, lúc này bình tâm lại Sánh mới thấy sự nghiêm trọng của tờ giấy vay nợ. Một trăm triệu, thật ngoài sức tưởng tượng với một kẻ quanh năm chỉ trông vào vài thửa ruộng và ai thuê gì làm đó. Nhìn quanh căn nhà, ngoài chiếc giường và bộ bàn ghế cũ kỹ ra, không còn vật gì đáng giá. Trời ơi, cả người Sánh nôn nao, một nỗi bất an, lo sợ tương lai mịt mùng, không lo nổi cho bản thân mình, lúc khỏe mạnh, lúc ốm đau sẽ thế nào? Còn thằng bé sẽ ra sao đây? Thực tại phũ phàng, nỗi buồn đau giằng xé tâm can, nước mắt Sánh chảy tràn ra. Đối diện với chính mình, mọi sự uất ức dồn nén bấy lâu không phải giấu giếm nữa. Sau cùng gã cũng hiểu, là gã đã quá ngây thơ, đổ vỏ hộ cho thằng khác.

***

Trong màn đêm tối đen mịt mùng, xung quanh đều đều vọng lại một nhịp gõ lúc thì thoảng xa như tiếng giọt nước rơi, lúc thì gần như tiếng chày ai giã bánh giầy ngày tết. Hơi sương thoang thoảng vừa lạnh vừa khô khốc khó thở. Sánh khua mạnh hai tay vào vô định. Đêm đông miền núi vừa lạnh vừa âm u, đứng ngay trước mặt nhau cũng không nhìn thấy gì cả. Sánh run rẩy mò mẫm tìm đường, chợt gã nghĩ ra gì đó. Còn thằng bé, thằng con gã đâu? Gã hoảng loạn, chân tay khua khoắng xung quanh, gã cố hết sức gào lên mà như con gà bị buộc dây vào cổ họng, không thể thốt lên lời. Chợt có tiếng loạt xoạt chạy qua, gã bất giác nhìn trong đêm tối có một bóng đen bé nhỏ. Sánh dừng nó cũng dừng, Sánh đi nó cũng đi. Dù cho Sánh có tìm mọi cách đuổi theo cũng không tài nào bắt kịp nó. Thấy nó ngay trong tầm tay với, Sánh đưa tay, bất chợt trượt chân rơi ngay xuống vực thẳm. Sánh ra sức vùng vẫy, la hét.

Sánh choàng tỉnh. Người gã đẫm mồ hôi, thì ra gã vừa trải qua một cơn ác mộng. Sao hình ảnh lại chân thực đến thế. Cơn say tối qua đã làm cổ họng gã khô khốc, gã lê tấm thân nặng nhọc ra đầu nhà, lấy một gáo nước lã, ngửa cổ tu ừng ực từng hơi. Nhìn cái xe đạp đổ chềnh ềnh ngoài sân đất, gã tặc lưỡi không biết mình đã về nhà bằng cách nào. Gã trầm ngâm nhìn bao tâm sự ẩn giấu theo từng làn khói thuốc bay lên. Giá mà nỗi buồn của gã cũng tan loãng như khói thuốc kia, nhưng sao nó cứ như một chất nhầy nhụa ngày ngày bám lấy tâm hồn gã, giày vò gã mỗi đêm khi cái tay cái chân đã ngơi nghỉ. Gã biết gã không thể chết, là thằng đàn ông “đầu đội trời, chân đạp đất” thì phải kiên định mà sống, có khó nữa, khổ nữa cũng phải gan góc mà đối mặt. Hơn nữa Sánh còn thằng bé, nhiều khi Sánh nghĩ có lẽ nó chính là đứa con ông trời bù đắp lại cho Sánh. Hơn nữa, cũng chính một tay gã đã nâng niu, chăm sóc cho nó từ khi còn đỏ hỏn. Đời gã có thể buồn khổ, côi cút, nhưng đời nó nhất định phải khá hơn. Món nợ gã gây ra, tai họa bởi máu mê cờ bạc mà gã chuốc lấy, chính gã phải chịu trách nhiệm giải quyết cho những sốc nổi, bồng bột của mình.

Kể từ ngày bé Dũng vào lớp mầm, đi theo cô giáo Mai, quấn cô như bện hơi mẹ, dường như cô Mai cũng có cảm tình đặc biệt với thằng bé có khuôn mặt tròn xinh lại rất nghe lời cô. Cô giáo Mai làm nghề cô nuôi dạy trẻ này mười mấy năm, cô từng có một đoạn tình cảm với một anh giáo viên tiểu học. Từng thề nguyện sống chết có nhau, cứ nghĩ sẽ có cái kết đẹp như mơ thì cô phát hiện ra ngoài cô, anh còn có thêm nhiều “em gái mưa” khác. Anh thề thốt, tìm đủ cách xin lỗi cô. Nhưng con tim một khi đã bị đâm một nhát, niềm tin tan vỡ thì cách gì hóa giải? Cô chọn cách chuyển đến một nơi xa xôi, tìm niềm vui bên những đứa trẻ ngây thơ, trong sáng để quên đi nỗi buồn của mình.

Một chiều nọ, cơn dông bất ngờ ập đến, cô Mai vội đóng kín các cửa. Sấm sét ầm ầm, mưa gió ào ào tạt vào căn phòng học cấp bốn. Đám trẻ con nháo nhác vây quanh cô giáo như đàn gà con tìm hơi ấm trong đôi cánh của mẹ ngày mưa. Bé Dũng ôm chặt cô giáo, trong ánh sáng lập lòa của những tia chớp, cô thấy thằng bé bậm môi, đôi mắt ầng ậng nước. Mỗi lần tiếng sấm nổ rung trời, thằng bé run lên vì sợ, cô nhẹ nhàng dùng tay xoa lưng Dũng an ủi. Sấm chớp đã dứt, chỉ còn mưa vẫn rơi tí tách trên mái ngói. Các phụ huynh lần lượt đến đón con, lớp chỉ còn lại bé Dũng và cô giáo. Nhìn thằng bé cứ ngóng ra cửa với đôi mắt trông đợi, cô giáo đưa đồ chơi cho Dũng, kể cho nó nghe câu chuyện cổ tích về cậu bé Tích Chu. Trời miền núi ngày mưa thường tối nhanh, cuối cùng, bố thằng bé cũng đến đón. Cô ái ngại nhìn cảnh hai bố con cõng nhau đi trong mưa, mà chiếc áo mưa, nói đúng hơn là một mảnh ni lông chỉ đủ che cho cậu bé.

Cả ngày hôm sau bé Dũng không đến lớp. Cô giáo Mai tự nhiên có linh cảm bất an. Cả ngày cô cứ bồn chồn, lo lắng không yên. Chiều đến, sau khi các bé ra về hết. Cô Mai đóng cửa lớp, men theo con đường nhỏ để tìm đến nhà Dũng. Căn nhà gỗ nằm dựa lưng vào vách núi, tuy không khang trang nhưng bên trong rất sạch sẽ, gọn gàng. Cô thấy Dũng đang nghịch xe cẩu đồ chơi trên nền đất. Nhìn thấy cô giáo, Dũng chạy ra sà vào lòng cô, tíu tít kể chuyện:

– Hôm nay cháu không đi học được vì bố nằm mãi không dậy. Cháu gọi không được. Cháu lấy nước cho bố uống rồi. Bố hứa sẽ không hóa thành chim bay đi như bà của Tích Chu đâu.

Cô giáo Mai mỉm cười. Cô nhẹ nhàng hỏi:

– Dũng đã ăn gì chưa?

Thằng bé nhìn cô, im lặng lắc đầu. Cô nhìn khắp căn nhà, không có gì đáng giá. Thấy bố Dũng nằm im trên giường. Cô lại gần, ngại ngùng dùng tay sờ lên trán, trán của gã nóng ran. Cô lấy khăn mặt, dấp vào nước ấm, chườm đầu cho gã. Cô dặn thằng bé ở nhà chơi ngoan, Mai vòng về trường lấy thuốc cảm, một ít thịt còn lại của mình và hành trong vườn trường. Cô quay lại đưa thuốc cho gã uống rồi nhóm bếp nấu nồi cháo hành giải cảm. Cô cùng thằng bé ngồi quanh bếp lửa, thằng bé vui vẻ ôm tay cô giáo, luôn mồm hỏi cô tại sao thế này, tại sao thế kia, cô chưa kịp trả lời câu này, bé Dũng đã hỏi sang câu khác.

Nghe tiếng người nói chuyện, tiếng trẻ con cười khúc khích, Sánh mở mắt. Đầu gã nặng trịch, toàn thân nhức mỏi không nhấc lên được. Hôm qua, đang xây tường nhà cho một nhà dưới huyện, cơn dông ào tới, xin được mảnh áo mưa của chủ nhà, gã đi bộ về đón con. Mảnh ni lông nhỏ chỉ đủ che cho con, còn gã ướt như chuột lột. Về tới nhà, gã nằm bẹp tới giờ:

– Anh thấy trong người thế nào, đã đỡ hơn chưa?

Đối diện với giọng nói ngọt ngào và sự dịu dàng, ân cần của một cô gái xa lạ. Gã chợt thấy ngượng. Cả người nóng ran, vì sốt hay vì gì gã cũng không hiểu nổi.

– Cảm, cảm ơn cô giáo.

Mai gật đầu, giả tảng quay qua nhìn thằng bé. Trời xâm xẩm tối, cô xoa đầu chào tạm biệt thằng bé.

– Tôi để thuốc treo chỗ cột nhà kia nhé, không sợ bé Dũng lấy nghịch. Uống làm hai lần, sáng – tối, mỗi lần hai viên anh nhé. Cháu Dũng ăn cháo rồi, tôi để một bát đậy trong cái rổ trên bàn kia, lát anh dậy ăn luôn cho nóng. Chào anh, tôi về. Có gì cần giúp đỡ cứ gọi cho tôi nhé, số điện thoại tôi ghi trong tờ giấy để trên bàn kia…

Sánh nghe cô nói mà cứ ù ù cạc cạc, mất hết vẻ rắn rỏi thường ngày, cứ gật đầu như trẻ con nghe người lớn dặn dò trước khi xa nhà. Mai bước ra cửa, bé Dũng chạy theo, níu tay cô lại, quyến luyến không muốn rời đi.

– Dũng ngoan, mai nếu bố chưa khỏe, cô vào đón con đi học cùng các bạn nha!

Dùng dằng mãi, thằng bé cũng buông tay cô ra. Mai lại đi bộ về trường, những ngôi nhà trong bản cũng bắt đầu sáng đèn, trong lòng Mai dâng lên một niềm vui khó tả, một thứ tình cảm từ lâu đã không còn xuất hiện trong cô.

Và đêm ấy, Sánh lại nằm mơ. Một giấc mơ không có ác mộng, một giấc mơ với những nụ cười hạnh phúc.


Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

LỬA HỒNG

1. Tuyên là một con người sống kín tiếng và có phần hơi điên. Mấy người hàng xóm nhận xét về anh như thế, vì sau bữa sáng ngoài quán trà đá của bà cụ ngồi đầu phố thì người ta lại thấy anh vùi đầu trong nhà với sách vở, văn thơ. Anh trầm tính, ít nói, ai nói gì anh cũng cười, một nụ cười nhàn nhạt, đôi mắt xa xăm như đang suy nghĩ chuyện gì đó khác. Chính bởi thế nên họ vẫn rì rầm: Thằng này hâm lắm; Đôi khi nó cười nghềnh nghệch như thằng Sài Ngẫn; Chả hiểu nó đang nghĩ gì, thế mới là người sống thâm nho đấy; Văn với chương, nghèo kiết xác ra lại còn… ; Băm mấy tuổi mà chả vợ con gì cả, khéo nó sắp đi tu rồi chúng mày ạ, hahaha…

Ôi dào, các chú cứ khéo lo, rồi nó lấy vợ đẹp lại tinh khôn cho các chú xem. Bà cụ bán nước chép miệng. Mọi tiếng cười im bặt. Tuyên đi vội vào quán nước, ánh mắt dáo dác. Này, mọi người biết tin gì chưa?? Tin gì là tin gì. Mày cứ làm như chết người ấy. Thót cả tim. Thì chết người thật còn gì nữa. Dịch bệnh bùng phát trở lại rồi đấy, lần này biến chủng mới, lây lan nhanh, người mắc dễ trở nặng hơn đây này. Ôi dào, tưởng chuyện gì, điện thoại ngày nào chả có tin báo. Mày là người biết muộn nhất khu này đấy. Tiếng cười lại rộ lên ha hả. Tuyên chưng hửng ra về, tiếng nói chuyện ầm ĩ xa dần, trong lòng anh lại dấy lên một nỗi bất an mơ hồ.

Và điều lo lắng của Tuyên đã thành thật. Một ép không đã xuất hiện trong thành phố, vô tình lây lan dịch bệnh với một biến chủng vô cùng nguy hiểm mà không hề hay biết cho tới khi đi khám bệnh. Cả thành phố lại gồng mình chống dịch, hạn chế các dịch vụ không thiết yếu. Đường phố vắng tanh vắng ngắt, giờ cao điểm cũng không còn lo tắc đường, hô hấp cùng bụi và khói xe nữa. Ai cũng nhẹ nhàng, rón rén kì lạ, gương mặt đậm những ưu tư về cuộc sống cho ngày mai sẽ thế nào. Tuyên đeo chiếc khẩu trang mới mua của hiệu thuốc đầu phố, lượn qua con phố quen thuộc, anh khẽ khàng mở ra, hít thở không khí trong lành. Mới có một ngày không ra đây mà sao nhớ thế, ở nhà bức bối không thở được. Lại được cả lũ cháu bậu xậu, thằng Vui thì suốt ngày tích với chả tốc, con Hạnh thì sướt mướt với phim ngôn tình của Hàn, nhiều khi nó cười đấy rồi lại khóc như đứa dở hơi. Chỉ có thằng Tâm thì còn hay nói chuyện với chú của nó, mà nó bận. Nó bận cũng phải thôi, sinh viên trường Y không chịu khó thì sau này ra đời dễ nó lại vô tình hại người như chơi…

– Anh kia, anh đang làm cái gì đấy…

Tiếng còi và cái giọng ồm ồm này đúng là của ông tổ trưởng dân phố rồi.

– Dạ, cháu… cháu…

– Cháu cái gì, anh đeo khẩu trang như thế này à? Anh có biết bao nhiêu người khổ sở vì những kẻ vô ý thức như anh không hả???

Một giọng đàn ông khàn đục khác vang lên. Lần đầu tiên, Tuyên nghe phải những lời chất vấn nặng nề, mặt anh đỏ lên như gấc. Cái sự tự ái trong anh lớn lắm chứ, hàng ngày anh ăn nói và làm việc gì cũng cẩn trọng.

– À, ra là Tuyên, thằng cháu tôi đây mà, chắc nó vô tình. Thôi, tha cho cháu nó một lần anh ạ.

Bác tổ trưởng nài nỉ người đồng sự. Anh này vẫn rất dứt khoát, khuôn mặt to bè, đỏ ửng, nhễ nhại mồ hôi vì nắng nóng:

– Tha là tha thế nào, ai cũng như thế này, dịch bùng phát mạnh hơn, ai là người gánh chịu hậu quả. Phải xử phạt hành chính thật nặng.

– Thôi lần đầu anh ạ, với lại cháu nó cũng đang đeo khẩu trang mà, bình thường nó sống cũng nguyên tắc lắm. Tuyên, đi về nhà ngay, không có việc gì không được ra đường nghe chưa, có tập thể dục thì ra ban công thôi, nhớ kỹ đấy.

Bác tổ trưởng dân phố vừa nài nỉ, vừa kéo người đồng sự trẻ tuổi đi, quay lại mắng khéo Tuyên vài câu. Tuyên kéo khẩu trang lên, ba chân bốn cẳng chạy về. Tới nhà, Tuyên tháo bỏ khẩu trang, lấy xà phòng lifebuoy rửa tay thật kỹ. Anh đi vào phòng, nằm vật ra giường, mắt ngân ngấn nước. Chính ra, thà là bác tổ trưởng dân phố cứ để cho anh công an viên trẻ tuổi kia xử phạt thì anh còn đỡ thấy hối hận như lúc này. Anh ấy nói đúng, nếu ai cũng vô ý thức như anh, dịch bệnh càng dễ lây lan và bùng phát mạnh. Lúc ấy thì không chỉ người mắc bệnh khổ, các y bác sỹ khổ, các cán bộ trực tiếp phòng chống dịch khổ, những người dân cũng sẽ khổ vì sự ảnh hưởng kinh tế sẽ kéo dài hơn nữa vì dịch bệnh. Và ai dám chắc thảm cảnh của Ấn Độ sẽ lặp lại nếu người dân cứ vô ý thức như thế. Tuyên vùi mặt vào gối, anh nghe lòng mình đau đớn quá, nhức nhối quá, còn hơn cả những lần anh vô tình nghe được những lời người bạn nhận xét về anh, trong khi trên face book lúc nào hắn ta cũng tỏ vẻ đồng cảm và quan tâm anh như một người thân. Ảo thật. Tuyên tự nhủ mình.

– Ai, đứa nào vứt cái khẩu trang y tế đi đấy hả?? Chúng mày có biết nó đáng giá bao nhiêu không mà lãng phí như thế. Còn mới tinh như thế này.

– Thôi bà ơi, khẩu trang này dùng được một lần thôi ạ, bỏ đi là phải rồi..

– Cái gì? Một lần thôi á? Mẹ nó, thế mà nó bán cho tao trăm ba cái hộp khẩu trang năm mươi cái. Đúng là giết người mà.

– Thôi, lỡ mua rồi mà. Lần sau đi ra ngoài mình dùng khẩu trang vải cũng được, nếu phải đến cơ sở khám bệnh và cảm thấy mình có dấu hiệu của bệnh cúm thì mới nên đeo khẩu trang y tế, bà của con ạ.

– Ừ, rồi. Bà sẽ nghe lời con. Ôi! thằng cháu quý tử của tôi, chả bù cho thằng chú vô tích sự của mày…

Tuyên đang hào hứng nghe ngóng cuộc hội thoại của hai bà cháu, chợt nghe mẹ nhắc tới mình, khiến anh chưng hửng. Có lẽ anh cũng thua kém thằng Tâm thật, nó học giỏi, quyết đoán. Không như anh, ra trường bao nhiêu năm vẫn không tìm được việc làm ổn định. Mà sao con bé ở hiệu thuốc nó bán khẩu trang giá cắt cổ như thế không biết. Bình thường Tuyên đi mua có năm mươi nghìn một hộp mà giờ nó bán gấp đôi, gấp ba. Cũng không thể trách nó, vừa nghe tới có thông tin về chỉ thị giãn cách thành phố, dân tình đã đổ xô đi tích trữ lương thực, thực phẩm và hàng hóa. Cầu vượt quá cung thì ắt giá cả sẽ leo thang dù muốn hay không. Chỉ trách là nhiều người lợi dụng để kiếm chác tí lợi nhuận trên mồ hôi nước mắt của đồng bào mình thôi. Tuyên nhắm mắt lại, thế giới này đáng sợ quá, anh cần những cơn mê, nó sẽ đưa anh tới thế giới khác, ngọt ngào và sạch sẽ hơn.

2. Vừa về tới nhà, lão Mậm đã đóng sập cửa lại. Lão lần mò sột soạt mãi trong bóng tối. Cạch… cạch… tạch. Cả gian nhà sáng choang, khắp nhà bừa bộn những hàng hóa chưa kịp sắp xếp. Một thứ mùi tanh tanh, hôi hám tỏa ra khắp gian nhà. Bà Nụ đi vào với đôi dép lê loẹt quẹt khó chịu. Mặc kệ vợ với những túi to nhỏ nặng nề, lão Mậm vẫn ngồi ăn uống như không hay biết gì, mùi thịt thơm ngon hòa quyện với vị cay cay của rượu, đời còn gì thú hơn nữa.

– Ối chu choa làng ơi…

Bà Nụ bỏ được đống đồ xuống mà như gỡ bỏ được những khổ ải trầm luân của kiếp mình. Nhìn lão chồng vẫn điềm nhiên ăn uống, bà hậm hực:

– Dịch dã như thế này, người ta thì lo kiếm ăn từng đồng, cơ hội trời cho có một không hai phải tranh thủ từng giây từng phút, thế mà bố mày vẫn ngồi đây mà lai rai thịt chó mắm tôm. Giời ạ, xem có khổ cho cái thân tôi không cơ chứ?

– Mày có câm họng ngay không. Bố lại vả cho mấy cái bây giừ..

Cái âm cuối nghe nặng nề vì lão Mậm vừa nói vừa kịp nuốt chửng miếng dồi chó. Cay thật, lão còn chưa cảm nhận được cái dai mềm, lột sột của nó đã bị con mụ vợ hám tiền phá hỏng. Lão tức tối đưa đôi mắt vằn đỏ gườm gườm vợ và tung ra thêm một tràng chửi tục tĩu. Bà Nụ định chửi lại như bản tính của người đàn bà đanh đá chạy chợ bao nhiêu năm nay. Bắt gặp khuôn mặt dữ tợn như muốn ăn tươi nuốt sống của chồng, bà im bặt. Nuốt cục tức xuống bụng, bà giả lả đem mớ rau con cá, chia lại cho nhỏ ra. Nghĩ đến khoản tiền sắp kiếm được từ việc bán chúng được giá gấp ba bốn, thậm chí nhiều lần, bà thấy lòng hồ hởi trở lại, tay bà làm việc nhanh thoăn thoắt.

Hiên vừa mới chợp mắt được một tý đã bị ánh sáng từ cái đèn huỳnh quang làm cho chói mắt. Nó hậm hực trùm cái vỏ chăn lên che đầu, trả lại bóng tối cho đôi mắt cả đêm qua phải thức với Hiên, lạch cạch bên máy tính với trò chơi điện tử đang hot. Nghe tiếng bố mẹ nói nhau qua lại, Hiên lẩm bẩm “ngủ một tý cũng không yên”. Hiên với tay lấy chiếc smartphone. Nó lại vào chơi bài trên mạng. Với nó, thà đắm chìm trong thế giới ảo còn hơn chứng kiến cuộc sống giả tạo giữa bố và mẹ nó mỗi ngày. Ông bố lúc nào cũng chải chuốt mướt mượt, vàng đeo đầy người, ăn mặc sang trọng như một người giàu có. Bà mẹ thì quần áo lôi thôi, lụng thụng, cứ chỗ nào, việc nào kiếm được tiền là làm, làm đến quên ăn quên ngủ, làm tới nỗi thân thể cũng già nua héo quắt. Từ lúc nó có nhận thức tới bây giờ, chưa bao giờ thấy bố mẹ nó ăn cơm cùng nhau, nhà nó chưa được một ngày sống đúng với cái nghĩa là một gia đình.

Rảnh rỗi thường hay nông nổi, sự buồn chán gia đình dẫn dắt Hiên vào con đường chơi bời lêu lổng. Cần thời gian chơi nhiều hơn học nên Hiên sớm lựa chọn nghỉ học ở nhà chơi. Bà mẹ thì bảo, học ra cũng không xin được việc, thôi mày nghỉ sớm cho đỡ tốn tiền con ạ. Ông bố thì gầm gừ: Đúng là con hư tại mẹ. Hiên chả quan tâm lắm, tương lai là cái gì? Nó chỉ cần mẹ chu cấp cho những thú chơi của nó là đủ vui rồi. Điện thoại lại hiện lên tin nhắn của những kẻ cho vay tiền qua mạng. Bình thường Hiên sẽ xóa ngay, nhưng với thời điểm hiện tại, mối nợ đi chơi bài hôm nọ chưa trả được, nó cũng không dám xin mẹ, sợ ông già biết được sẽ làm ầm lên như lần trước, con Hạnh hàng xóm nghe được sẽ lại cười vào mặt nó thì nhục lắm.

– Ôi trời ơi, cô có nhầm không? Quả dứa bé tẹo mà ba mươi ngàn, thế còn mớ rau muống này ạ?

Hiên ghé mắt ra nhìn xuống bên dưới nhà, vừa nghĩ tới Tào Tháo là Tào Tháo tới liền.

– Năm mươi ngàn, không bớt. Cô mua hay không để tôi còn đóng cửa.

– À vâng, khoan đã, để cho cháu một mớ rau muống, hai quả chanh, với… quả dứa này.

– Cả gói muối kia nữa là một trăm hai.

Bà Nụ vừa nói vừa gói tất cả vào cái túi ni lông màu đỏ, nhanh tay lấy tiền. Hạnh vừa ra khỏi bà đẩy cửa xuống làm cái “rầm”.

– Hàng xóm láng giềng, dịch dã người ta đã bán rẻ cho còn không biết điều.

– Ơ con tưởng, càng quen càng phải lèn cho đau chứ mẹ.

– Cha bố mày, không thế thì có mà ăn cám à. Tiền đâu ra để cho mày ăn chơi bạt mạng.

Hiên ngồi dậy, vươn vai kêu nay trời sao mà nóng thế, đánh trống lảng khỏi câu nói đầy trách cứ từ mẹ. Cứ như thể mọi nỗi khổ và những việc tệ hại mà mẹ nó đã và đang làm đều tại nó cả.

3. Một con cá mập nhảy lên cát nóng, nó giãy cái đuôi lên vài cái như kiểu đang khiêu vũ chào khán giả mấy vòng rồi mới nhảy xuống bể nước bên cạnh. Những con cá mập khác đều vui vẻ và hành động của chúng lại thành thục hơn nữa, đều đều và rất đẹp mắt. Bỗng nhiên, có một con cá mập màu xám xấu hoắc ở đâu nhảy ra, đầu nó có một cái bướu nhìn như cái búa đinh trông rất đáng sợ. Nó trợn trừng đôi mắt màu đỏ nhìn quanh, lũ cá mập khiêu vũ rúm ró dồn lại một góc bể. Nó há cái miệng rộng ngoác tới mang tai đầy những chiếc răng nhọn hoắt, lởm chởm lao về phía khán giả.

Bin bật dậy, run rẩy nhìn xung quanh. Toàn người lạ hoắc, mỗi người một chiếc giường. Giường ở đây có hai tầng, mỗi một chiếc giường chỉ có độc một cái chiếu và vừa đủ một người lớn nằm. Không giống giường ở nhà bà ngoại Bin, cả Bin, chị Hạnh, anh Vui nằm hết trên giường cũng không hết chỗ. Con cá mập màu xám trong giấc mơ làm Bin sợ lắm. Bin muốn khóc quá, nếu ở nhà Bin đã hét thật to, khóc lóc cho  cả nhà chạy tới an ủi, cưng nựng Bin cho em đỡ sợ. Nhưng ở đây khác. Nếu Bin khóc, có phải Bin đã không ngoan và sẽ bị họ nhốt lại không?

Bin nhớ lại, hôm những người lạ với khẩu trang che mặt và ai cũng mặc bộ quần áo mưa màu xanh nhạt trùm kín từ đầu tới chân tới nhà mình với đôi mắt ráo hoảnh, khuôn mặt mệt mỏi, đầy những lo âu. Họ đưa cho chị em Bin hai bộ đồ giống hệt họ. Bin ngoan ngoãn chui vào bộ quần áo quá khổ. Chị Hạnh dặn dò Bin trong nước mắt rằng Bin phải ngoan, nghe lời mọi người trong đó, Bin dũng cảm lắm mà, Bin đi chơi vài ngày rồi mọi người sẽ đón em về nhà, chị Hạnh còn hứa sẽ mua một bộ sưu tập khủng long mới nhất cho Bin. Tiếp đó là khi Bin lê từng bước chân vướng víu, nặng nề ôm chiếc balo đầy những sữa và kẹo bánh lên chiếc ô tô màu xám với đèn báo động màu đỏ. Bin quay lại thấy chú Tuyên đang đỡ bà ngoại khóc nấc, Bin quay lại vẫy tay chào tạm biệt mọi người dẫu lúc ấy Bin thấy sợ và hoang mang lắm.

Bây giờ, ở đây một mình, giữa những người lớn xa lạ, Bin muốn quên những điều đã hứa với chị Hạnh. Bin sợ, Bin có một cảm giác lo lắng mơ hồ. Thời gian dài quá, vẫn chưa thấy bố mẹ và mọi người tới đón Bin. Có phải tại Bin hay tranh đồ chơi với các bạn, tại Bin hay khóc lóc ăn vạ chị Hạnh mỗi khi chị không cho Bin chơi điện thoại hay tại mấy hôm trước Bin đái dầm làm mẹ phải giặt hết một đống chăn đệm không nhỉ?? Có phải vì Bin hư mà mọi người bỏ rơi Bin ở trong này, như một hình phạt mà chị Hạnh hay dọa khi em hư, rằng sẽ cho Bin đi ở với ông ba bị không? Bin chưa trông thấy ông ba bị bao giờ, em chỉ biết đó là thứ gì đó rất khủng khiếp và chuyên bắt những đứa trẻ còn non nớt như Bin. Bin muốn về nhà.

Lúc này Bin cần tìm một góc tủ nào đó, một không gian nhỏ để ẩn mình khỏi những người xa lạ, khỏi thực tại cô đơn và những thứ đáng sợ mơ hồ.

Thằng bé con đâu rồi nhỉ? Một anh thanh niên bỗng ngồi dậy sau khi nhận ra sự vắng mặt của Bin. Nó vừa ở đây mà. Mọi người trong phòng cùng nháo nhác. Bin nghe rõ tiếng tim mình đập thình thịch, em đưa hai bàn tay nhỏ nhắn bịt chặt mồm để kiềm lại tiếng thét sợ hãi phát ra từ cổ họng. Ôi, chiến binh nhí, em chui vào gậm giường làm gì thế? Đôi mắt Bin ầng ậc nước, xém tý nữa thì Bin đã khóc. Nhưng kìa, anh ấy gọi Bin là gì nhỉ? “Chiến binh nhí”. Wow. Chiến binh giống như siêu nhân nhện ấy nhỉ, luôn mạnh mẽ, dũng cảm và đem đến niềm tin và hạnh phúc cho mọi người. Chị Hạnh từng nói với Bin như thế. Thế thì Bin phải chứng tỏ mình là một chiến binh nhí siêu ngầu luôn ấy chứ. Mọi nỗi sợ trong Bin đã được an ủi phần nào khi các anh chui vào gậm giường, đưa Bin ra ngoài, khích lệ động viên em cùng chiến đấu với một con vi rút xấu xa giống như siêu nhân nhện chiến đấu với những kẻ thù độc ác để bảo vệ bình an cho mọi người, dù vẫn giữ một khoảng cách nhất định để không phải chạm vào người em.

Bin thiêm thiếp đi vào giấc ngủ an lành, thi thoảng các anh cùng phòng cách ly lại nghe thấy tiếng em cười khanh khách thích thú dù đôi mắt vẫn lim dim. Hẳn là thằng bé đáng yêu đang mơ thấy tương lai tươi đẹp hay là nó đã cảm thấy an toàn trong vòng tay yêu thương, gần gũi của những con người mà mới vài phút trước đó nó còn thấy xa lạ.

4. Hằng, phải mạnh mẽ lên nào. Cô tự động viên mình. Biết là vậy mà sao nước mắt cứ muốn rơi ra thế này. Cô mệt mỏi và sức lực cạn kiệt khi lượng bệnh nhân mỗi ngày một tăng, cả cơ thể như muốn đổ sụp xuống bất cứ mặt phẳng nào, chỉ để chợp mắt trong giây phút nào đó thôi. Một chút thôi, nhưng lý trí không cho cô được nghỉ ngơi. Nếu trong giây phút nào đó cô lơi là, một bệnh nhân ngừng hô hấp, cô sẽ cảm thấy bất lực và đau lòng đến thế nào?

Hằng không thể để điều ấy xảy ra, nó là điều khủng khiếp với lương tâm nghề nghiệp của cô. Khi bệnh nhân đang chịu đựng những sự đau đớn bởi bệnh tật, niềm hi vọng duy nhất của họ bây giờ là các y, bác sỹ chứ không phải ai khác. Nếu một giây phút nào đó cô và đồng nghiệp gục ngã, thì cái mất không chỉ là tính mạng của một bệnh nhân, mà còn nhiều người khác sau cánh cửa phòng cấp cứu kia, khi mà con virus vô hình vẫn đang lang thang ngoài không khí và biến đổi mỗi ngày một nguy hiểm hơn. Cuộc chiến này không có tiếng súng, nhưng đầy thử thách, cam go và khốc liệt không kém gì chiến trường.

Có vài giây phút cô thấy yếu lòng khi chứng kiến một bệnh nhân trẻ khóc vì nhớ con. Cô gái ấy nói với cô rằng, cô ấy là mẹ đơn thân, cô ấy lo sợ vì nếu chẳng may cô ấy chết vì bệnh thì ai sẽ thay cô ấy chăm sóc con gái nhỏ ở nhà. Hằng cũng có con nhỏ, con bé vừa mới cai sữa. Trước khi đi, cô cũng mới chỉ kịp ôm con rồi vào viện thực hiện nhiệm vụ và cách ly với người thân. Thế nhưng Hằng vẫn kịp ghìm cảm xúc thương nhớ trong lòng mình xuống. Cô động viên bệnh nhân nên nghĩ tới điều tốt đẹp phía trước. Để chiến thắng được bệnh tật thì phải chiến thắng những suy nghĩ tiêu cực trước đã. Trên thực tế, đã có kỳ tích xảy ra trong việc chữa trị, nhờ năng lượng tích cực từ sự lạc quan của bệnh nhân. Những ngày sau đó, Hằng cũng yên tâm hơn vì không còn thấy sự ủ dột ở các bệnh nhân nữa, tinh thần họ đã phấn chấn trở lại, có người còn hát và nhảy vũ điệu Ghen Co Vy để động viên nhau nữa…

– Đổ nước lên mặt bạn ấy..

– Không được, có lẽ cậu ấy kiệt sức, mọi người hãy tản ra làm việc của mình, để lại một người ở lại chăm sóc cậu này. Hãy cố gắng, còn rất nhiều bệnh nhân đang chờ chúng ta.

Bác sĩ Nam dứt khoát. Hằng an ủi các thực tập sinh để họ yên tâm tiếp tục công việc. Họ là những sinh viên trường Y tình nguyện đi vào tâm dịch với trái tim đầy nhiệt huyết. Hằng nhìn thấy thanh xuân của cô trong họ. Tràn đầy năng lượng và sức sống, sẵn sàng hi sinh vì lý tưởng của bản thân. Cũng như cô ở hiện tại, khi bước vào công việc thì gác lại mọi thứ lo toan ngoài cổng viện, để tập trung sức lực và tinh thần vào việc cứu người. Các em còn trẻ, còn nhiều thời gian cho niềm vui cá nhân, nhưng các em sẵn sàng dành những thời gian nghe nhạc, đọc sách, xem phim ấy để khoác lên mình những bộ quần áo bảo hộ y tế, chịu đựng cái nóng bỏng khi ngoài trời nóng tới hơn bốn mươi độ, dầm mình trong những cơn mưa bão để đưa bệnh nhân tới cơ sở điều trị.

Nhìn hình ảnh cậu sinh viên với đôi mắt nhắm nghiền thâm quầng sau cặp kính cận, hai má gầy hóp lại, khuôn mặt nhợt nhạt mỏi mệt, nằm rũ xuống như một tàu lá, sống mũi Hằng chợt thấy cay cay. Trước khi quay lại với công việc, Hằng nói nhỏ với cậu bé mà như nói với chính mình: Cố gắng lên!

5. “Thành phố của chim sâu nằm lẫn trong một cánh đồng dâu tây trải dài…” Tuyên ngừng lại rồi không chần chừ mà nhấn mạnh ngón tay vào phím Del. Trí tưởng tượng giúp anh đi tới những miền đất mới lạ và quên đi những nỗi buồn dai dẳng ở thực tại. Thế nhưng điều kỳ lạ là Tuyên lại không hề thấy vui. Thằng Tâm đã đi vào tâm dịch. Nhìn bức ảnh nó cười rất tươi cùng bạn bè trước khi lên đường trên face book cá nhân mà Tuyên lại muốn khóc. Nó vẫn thường có những quyết định bất ngờ và khiến người khác phải xúc động như thế. Có lần Tuyên hỏi thì nó bảo cháu chỉ làm những điều trái tim mách bảo thôi. Thì ra trái tim của Tâm nhạy bén và rộng lớn hơn của Tuyên, vì trong lúc thằng cháu bận rộn cứu người thì Tuyên chỉ biết ngồi đây với công việc duy nhất là tưởng tượng.

Tuyên nhìn qua cửa sổ, những nụ xương rồng be bé đang nhú ra từ cái cây quanh năm gai góc tua tủa. Tuyên không hề thích xương rồng, đó là quà tặng từ một cô bạn cũ. Tuyên vứt lay lắt trên ban công, thi thoảng thằng Vui tưới cây lại rỏ cho nó ít nước, vậy mà nay nó ra hoa thật. Xương rồng đúng là loài cây có sức sống mãnh liệt. Tự nhiên, Tuyên thấy bức bối lạ thường. Cần có gì đó để giải tỏa, Tuyên nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, như một thói quen và anh chọn khỏa lấp cái dạ dày. Giờ này ăn một tô mì và nhâm nhi một cốc cà phê là tuyệt nhất.

– Chú dậy rồi à? trưa nay chú chịu khó ăn cơm một mình nhé. Bà đi nấu cơm thiện nguyện cho người trong khu cách ly cùng với các phật tử trong chùa rồi.

– Thế còn mày, lại định đi đâu. Đang giãn cách, mày không thấy báo đài nói ra rả là không có việc gì cần thiết thì không nên ra đường à?

– Con đi có việc quan trọng thật mà chú.

Nói xong, nó vội vã đeo khẩu trang rồi ra khỏi nhà. Cái thằng này, lúc nào nó cũng hấp tấp như thế, không biết sau này nó có làm nên cơm cháo gì không. Nghĩ tới đây, Tuyên chợt nghĩ rằng trong mắt mẹ thì anh chắc cũng lông bông khác gì thằng Vui lúc này đâu. Tuyên bất giác mỉm cười. Đứa con dù có cộng thêm bao nhiêu tuổi thì trong mắt người mẹ nó vẫn là đứa trẻ dại khờ. Tuyên lấy hai gói mì, mở tủ lạnh lấy thêm trứng và… không còn cọng rau nào cả. Chắc mẹ đã mang hết đi để góp với nhà chùa. Rau mùa dịch mà hiếm và đắt hơn cả thịt. Làm thế nào bây giờ nhỉ? Ăn mì không thì nóng và xót ruột, anh không quen, mà ra ngoài đường thì nhỡ có người hỏi anh đi đâu, anh biết nói thế nào?

Kệ chứ, rau cũng là thực phẩm. Anh khoác áo, đeo khẩu trang chuẩn bị ra ngoài, trước khi đi anh còn cẩn thận kẹp nhiệt độ, khi thấy nhiệt kế hiện lên ba sáu độ tư anh mới yên tâm khép cửa. Đường phố vắng lặng, bình yên như những buổi trưa hè ở quê ngoại. Thi thoảng lắm mới có chiếc xe chạy qua. Ra khỏi bốn bức tường xi măng đúng là thoải mái thật. Mong rằng dịch bệnh sớm qua mau để cuộc sống trở lại bình thường. Anh vòng ra đầu phố, đến gần một sạp rau lớn có biển bằng mảnh bìa các tông đề hàng chữ nghuệch ngoạc lại còn sai chính tả tùm lum: “Lấy theo nếp, từ trên Suống… Rau muống đột biến 5 tỷ 1 bó nay giảm giá 5000₫ 1 bó ai mua thì bán, ai sin thì cho. Lấy đủ dùng, không bới móc”.

Đang loay hoay lấy một bó rau muống, thì người đàn ông trung niên kê ghế ngả người cạnh sạp rau bỏ cái mũ lưỡi chai đang che sụp trên mặt xuống. Ôi, tưởng ai, ra là anh Tuyên con bà cụ Truy đấy à. Thì ra là lão Mậm hàng xóm, hôm nay lão cởi trần mặc quần ngố thô chứ không chỉn chu như mọi ngày, hèn gì Tuyên không nhận ra. Thường ngày, có đi qua nhau cũng chỉ chào hỏi khách sáo, Tuyên loay hoay chưa biết nên trả lời lão Mậm như thế nào thì vừa lúc Hiên chở mẹ tới. Bình thường bà Nụ ngoa ngoắt, buôn bán cái gì giá cả cũng chặt chẽ lắm. Tuyên tò mò chờ xem bà ta định “xử” lão Mậm thế nào.

– Ông về nghỉ ngơi đi, để tôi với thằng Hiên trông cho.

Bà Nụ từ tốn. Lão Mậm gắt:

– Hai mẹ con mày về đi, chỉ ngồi chứ làm gì đâu mà nghỉ.

– Con đã bảo mẹ rồi, có gì đâu mà mẹ lo, bố khỏe như thanh niên ấy chứ hihi.

– Bố anh, chỉ được cái mồm miệng đỡ chân tay.

Vừa chạy con xe máy với tiếng pô nổ lạch pạch, Hiên vừa nói với lại:

– Tối về sớm ăn cơm với mẹ con con nha bố.

Lão Mậm nở nụ cười, quay sang Tuyên.

– Coi thằng bé vậy mà nó sống tình cảm lắm chú ạ. À, thằng Vui mới vừa mua rau ở đây, nó đi xe máy chở đồ cùng bác tổ trưởng dân phố tặng quà cho người nghèo trong hẻm đó. Chú cũng đi cùng nó à?

Tuyên bất ngờ tới sửng sốt. Mọi chuyện không hề diễn ra như anh dự đoán. Dường như càng khó khăn con người ta lại càng xích lại gần nhau hơn. Dịch bệnh càng khốc liệt, càng gieo rắc những hoang mang, sợ hãi vô hình, thì trong cơn hoạn nạn ấy người ta càng đối xử với nhau nhẹ nhàng và đầy nghĩa tình hơn. Quan tâm đến những điều tưởng chừng như giản đơn mà bình thường vì cuộc sống bận rộn mà người ta lãng quên. Tuyên ậm ừ trả lời qua loa rồi rút tờ năm mươi ngàn đồng ra trả dù lão Mậm liên tục xua tay từ chối. Anh bảo coi như để anh đóng góp một chút cùng ông giúp đỡ những người khó khăn. Tuyên về tới nhà rồi mà vẫn nghe đâu đây tiếng nói của lão Mậm: Cùng nhau chiến thắng đại dịch nhé. Hình ảnh cô bạn cũ tên Hằng, người đã tặng anh chậu xương rồng, trong bộ đồ bảo hộ màu trắng, trả lời phỏng vấn trên ti vi hôm qua lại hiện lên rõ ràng trong đầu Tuyên.

Tuyên đẩy mạnh cánh cửa sổ, từng làn gió nhẹ thoảng qua. Tuyên thấy như từng đợt cảm hứng đang ùa vào người. Ai đó từng nói văn thơ cũng là vũ khí sắc bén, nó giúp con người ta có động lực và tự tin để chiến đấu. Anh không thể thờ ơ với thời cuộc, anh sẽ cống hiến cho xã hội bằng tài năng của mình, Tuyên phải viết. Anh mở máy tính ra và bắt đầu gõ… Lửa hồng…

Theo Đặng Thùy Tiên/Vanvn