Tọa đàm ‘Từ trang văn học thiếu nhi tới sách giáo khoa tiếng Việt – Thực trạng và kiến nghị’

368

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, giáo dục là một sa trường mênh mông rộng lớn, chúng ta cần có kiến trúc tổng quan cho giáo dục mà mảng văn học thiếu nhi là chân móng…


Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại Tam Đảo sáng 8/6/2022 Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật Nhà sáng tác Tam Đảo tổ chức cuộc tọa đàm “Từ trang văn học thiếu nhi tới sách giáo khoa tiếng Việt – Thực trạng và kiến nghị”. Lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc, cùng gần 20 nhà văn và các giáo viên đã tham dự toạ đàm.

Đại diện Hội Nhà văn có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; Phía Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam có nhà thơ Đỗ Hàn – Giám đốc Trung tâm; Đại diện Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc có ông Bùi Xuân Thanh – Chủ tịch Hội; cùng các nhà văn, nhà thơ, dịch giả như: Phạm Đình Ân, Thúy Toàn, Phan Thị Thanh Nhàn, Nguyễn Văn Thăng, Nguyễn Trọng Tân, Trần Quốc Toàn, Nguyễn Trần Bé, Nguyên An, Ngô Văn Giá, Đỗ Toàn Diện, Nguyễn Văn Dân, Đặng Văn Chương, Thái Chí Thanh, Lê Tuấn Lộc, Nguyễn Quốc Luân, Vũ Bình Lục, Bùi Thị Biên Linh, Bảo Ngọc…


Các nhà văn trong buổi tọa đàm

Đề dẫn cuộc tọa đàm, nhà văn Trần Quốc Toàn, Trưởng Trại sáng tác Văn học Thiếu nhi Tam Đảo 2022 nêu vấn đề, các bộ sách giáo khoa mới hiện nay của ba nhóm “Chân trời sáng tạo”, “Cánh Diều” và “Kết nối tri thức với cuộc sống” có những nét hay, mới, sáng tạo như đã vượt qua được những cách diễn giải còn thô sơ, thiếu tính văn chương, cũng như lược bỏ được sự dễ dãi hẹp hòi ngây ngô trong các ví dụ minh họa cho chữ, hoặc vần.

Sách giáo khoa mới cũng đã kế thừa được những văn phẩm giá trị của các tác giả danh tiếng như Thanh Tịnh, Tô Hoài, Nguyễn Phan Hách, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Đăng Khoa, Đỗ Chu, Đoàn Thị Lam Luyến, Phi Tuyết Ba,… Sách giáo khoa góp phần phát triển văn học thiếu nhi bền vững và làm mới bằng cách đưa vào những tác giả mới và trẻ như: Nguyễn Nhật Ánh, Văn Giá, Nguyễn Ngọc Thuần, Võ Thị Xuân Hà, Nguyễn Thụy Anh, Bảo Ngọc, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Thúy Loan,…

Ngoài ra, các bộ sách giáo khoa mới còn thay đổi cấu trúc bài giảng, ví dụ cùng lúc dạy cặp đôi tác giả quốc tế và Việt Nam với tác phẩm có chung chủ đề, cũng là một cách để văn học Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu. Phía nhà xuất bản cũng giải quyết nhanh vấn đề bản quyền tác giả hơn trước.

Về những vấn đề chưa được của các bộ sách giáo khoa mới, ông Toàn cho biết, các nhóm tác giả chậm đưa các tác giả văn học cổ vào sách tiểu học, có sự xô lệch văn bản ở cùng một văn liệu của một bộ sách giáo khoa và chưa có phần trích giảng văn học vốn là cửa mở cho văn học mới được lan tỏa, bên cạnh đó, còn có sự bất hợp lý trong việc đề tên tác giả văn bản. Ví dụ, tên tác giả nhà văn thì được ghi dưới phần trích đoạn, trong khi bài văn của học sinh thì lại không được đề tên tác giả.


Nhà thơ Bùi Thị Biên Linh đến từ tỉnh Bình Phước phát biểu trong tọa đàm.

Nhà thơ Bùi Thị Biên Linh đến từ tỉnh Bình Phước, từng có thâm niên hơn 30 năm giáo viên dạy văn thì chia sẻ thông tin thực tế ở tỉnh mình, học sinh lớp 6 được học bộ sách “Chân trời sáng tạo”, bộ sách này có giữ lại những văn bản sách giáo khoa cũ, nhưng với những nội dung mới được đưa vào thì giáo viên và học sinh gặp nhiều khó khăn trong quá trình dạy và học.

Bà quy những hạn chế của bộ sách giáo khoa mới hiện nay theo hai khía cạnh. Thứ nhất về hình thức, sách in bằng giấy bóng, khiến học sinh lóa và rối mắt khi đọc. Minh họa không phải tranh vẽ mà bằng ảnh chụp, màu sắc và đường nét ảnh không đẹp và không gợi cảm xúc. Thứ hai về nội dung, những trích đoạn tác phẩm mới đưa vào khiến giáo viên thấy lạ lẫm, khó cảm nhận. Hơn nữa, phần sắp xếp đan xen tác phẩm văn học nước ngoài với tác phẩm Việt Nam còn khập khiễng,…

Nhà thơ Bùi Thị Biên Linh cũng nhấn mạnh tính phổ quát, tính thời đại của tác phẩm cần được cân nhắc khi đưa vào sách giáo khoa, bởi: “Thời xưa hình ảnh quen thuộc của người bà “tóc trắng như mây”, nhưng hiện nay, các bà đã “tóc nâu, tóc đen và ăn mặc rất sành điệu…”, thì sách giáo khoa cũng cần những văn bản cập nhật. Hoặc việc tỉa hoa thủy tiên thì người ở Hà Nội có thể biết, nhưng người ở các vùng khác thì chưa chắc đã thấm được sự tinh tế, nét đẹp truyền thống này…”

Bà cũng kiến nghị với các nhà văn, khi sáng tác cho thiếu nhi, cần dành thời gian, sự chuyên tâm, tình yêu thương, đồng cảm, nắm bắt tâm lý các em hiện nay hơn nữa. Chớ nên đưa vào những thông điệp quá uyên thâm, hoặc quá phụ thuộc vào hoài niệm của tác giả, mà thay vào đó là những áng văn dễ nhớ, dễ thuộc, giản dị, trong sáng, giàu hình ảnh, dễ liên tưởng, dễ gợi cảm xúc, phù hợp khả năng suy tưởng lứa tuổi các em. Nhà văn cần luôn tâm niệm, mình viết cho các em thiếu nhi, giúp bồi đắp tâm hồn, nâng cao nhận thức cho các em. Vì thế, tác phẩm cần phải gần gũi và chinh phục được các em.


Nhà thơ Phạm Đình Ân phát biểu

Nhà thơ, Tiến sĩ Phạm Đình Ân trong phát biểu của mình đặc biệt lưu ý rằng các nhà văn nên tập trung viết tác phẩm cho thiếu nhi thật tốt, thật hay, thật hiện đại, chứ chưa cần tổ chức việc viết riêng phục vụ sách giáo khoa.

Ông chia sẻ kinh nghiệm riêng của mình khi sáng tác cho thiếu nhi, đó là muốn sáng tác hay, trước tiên cần yêu trẻ em đến hai lần, phải yêu thương, hòa đồng gắn bó với trẻ em, và cần phải kính trọng các em nữa. Tâm hồn nhà văn cần đồng điệu với tâm hồn thiếu nhi, cần vui nhộn, hài hước, tinh nghịch, văn cần giàu hình ảnh, âm thanh, màu sắc tươi mới, chất truyện đậm đặc và cuốn hút, nhiều lời thoại bằng ngôn ngữ trẻ thơ được cập nhật thời đại, trau dồi và sáng tạo ngôn ngữ hơn nữa.


Nhà văn Đỗ Hàn – Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam phát biểu.

Nhấn mạnh vấn đề bản quyền các tác phẩm được trích trong sách giáo khoa, nhà văn Đỗ Hàn – Giám đốc Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam nêu các khía cạnh về quyền tác giả và các quyền liên quan, trong đó có Quyền nhân thân (Đặt tên tác phẩm, ký tên thật hoặc bút danh, không cho sửa chữa, cắt xén tác phẩm, ủy nhiệm công bố tác phẩm (3/4 quyền vừa nêu là vĩnh viễn); Quyền tài sản: Chú ý các quyền liên quan, đặc biệt làm tác phẩm phái sinh (dịch, chuyển thể, tranh minh họa, chọn hoặc tuyển vào sách giáo khoa…), quyền phái sinh có thời hạn 50 năm sau khi tác giả qua đời.

Các tác giả bị vi phạm cần phải tự bảo vệ tác phẩm của mình vì đây là quyền theo luật định (yêu cầu các cơ quan chức năng thanh tra, xem xét, yêu cầu đối tác dừng in ấn phát hành, khởi kiện ra tòa án dân sự.)

Ông Đỗ Hàn cũng nêu vấn đề cách tính nhuận bút trong sách giáo khoa hiện quá vô lý, quá thấp cho nhà văn. Ông kiến nghị cần sửa lại Nghị định 18 về cách tính nhuận bút cho tác phẩm văn học trong sách giáo khoa; Các tác giả nên ủy nhiệm cho Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam bảo vệ và khai thác các tác phẩm của mình.

Bày tỏ sự thông cảm với những nhà biên soạn sách giáo khoa, nhà văn Ngô Văn Giá, người từng được một nhóm biên soạn sách giáo khoa đặt hàng sáng tác tác phẩm để in vào sách theo mục đích đặc thù, lại cho rằng chúng ta nên thông cảm với sự vất vả gian nan của những nhà biên soạn sách giáo khoa. Họ cũng không độc đoán mà nhiều lần mời các nhà văn tham gia biên soạn sách. Họ còn rất năng động, làm việc tích cực và gian khổ không ít, và thu nhập cũng không cao như xã hội đồn đoán. Không những thế, họ còn bị xã hội “ném đá” không thương tiếc, bị ảnh hưởng tâm lý và đời sống riêng tư, nhưng không vì thế mà họ dừng lại, họ vẫn đang tiếp tục tiến lên…

Phát biểu cuối tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, giáo dục là một sa trường mênh mông rộng lớn, chúng ta cần có kiến trúc tổng quan cho giáo dục mà mảng văn học thiếu nhi là chân móng. Lâu nay, mảng văn học thiếu nhi không được khuyến khích nên có khoảng trống trong sáng tác.

Hội Nhà văn Việt Nam đang xây dựng chiến lược phát triển mảng văn học thiếu nhi, cụ thể hóa bằng cuộc vận động sáng tác văn học thiếu nhi, tổ chức các cuộc thi sáng tác, tổ chức các trại sáng tác, in sách tặng miễn phí cho thiếu nhi các vùng xa xôi và còn khó khăn, tổ chức các hội thảo khoa học về mảng văn học thiếu nhi,…

Theo Kiều Bích Hậu/Vanvn