Trung thu không trọn vẹn – Truyện ngắn của Trọng Bình

1258

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cứ mỗi lần đến Tết trung thu thì bọn trẻ trong xóm cứ lao nhao rủ nhau đi chặt trúc làm lòng đèn, mấy đứa con gái thì trề môi kháo nhau “Tới Trung thu theo mẹ, tao lên Nông trường nhận bánh kẹo ăn sướng hơn, làm đèn lòng chi cho mất công”. Mặc dù nói vậy nhưng trong lòng tụi nó vẫn muốn được ngồi trẻ tre vót nam, quậy hồ dán lòng đèn…

Mới vào thu được mấy ngày, mà trời lúc nào cũng ui ui, mưa không ra mưa nắng không ra nắng, sập sùi lạnh lạnh không ai muốn đi ra khỏi nhà. Anh em Bình đang quây quần trên bộ ván ngựa “chơi đồ hàng” thì nghe ngoài ngõ thằng Minh, thằng Dậu gọi thất thanh.

– Bình ơi! Đi chặt trúc làm lòng đèn.

Cả ba anh em Bình chạy ra mừng rỡ vì ở nhà đang có vẻ buồn, thằng An em kế Bình nói như xung phong.

– Chờ một tý được không, tao đi lấy con dao.

Xóm này toàn những gia đình ngoài Miền Bắc vào làm kinh tế mới, sống trong khu Nông trường làm nông nghiệp từ thời kỳ bao cấp, bọn trẻ chơi với nhau lẫn lộn, thằng nói tiếng Nam, đứa nói tiếng Bắc, nhưng rất thân nhau, thường thì nhà Bình được chọn là địa điểm “tập kết” mọi sự kiện của lũ trẻ, anh em Bình được hiểu ngầm như là những người “đứng đầu”, những gia đình khác có từ một đến hai đứa, còn anh chị em Bình thì đông, nhưng có ba thằng con trai cỡ một nên trình độ bày trò nghịch ngợm rất đa dạng và phong phú.

Hơn nữa nhà Bình thường vắng người lớn ở nhà, Bố của Bình là viên chức ở Nông trường cứ đi làm suốt ngày, Mẹ Bình thì thường đi “buôn thúng bán bưng” ở trên những chiếc tàu đò chạy qua nhà từ huyện lên tỉnh, các anh chị Bình người thì đi học xa, người thì theo Mẹ kiếm kế sinh nhai nên ít ở nhà, mọi thứ anh em Bình tự lo lắng.

Bạn đến nhà chơi mà có bày biện gì thì bố của Bình không bao giờ la mắng, còn động viên chúng đoàn kết, có gì ăn bố Bình đều chia cho lũ trẻ và phân chia rất đồng đều nên bọn trẻ trong xóm rất thích. Còn ở những gia đình khác như vậy thì dễ bị “tản cư” lắm, đó là lý do nhà Bình lúc nào cũng “đông khách”;

– Sao không rủ thằng Tùng đi với? Thằng An đi từ phía sau lên tây cầm con dao, miệng hỏi.

– Nó không có nhà – thằng Dậu đáp.

Thằng An cũng chưa đi ngay vì chưa xác định Bình hay nó đi cùng với Minh và Dậu, một trong hai phải ở nhà coi nhà và coi thằng em Út.

– Mày ở nhà coi nhà, coi em để tao đi cho, phải chặt nhiều một chút vì mình làm ba cái lòng đèn lận đó! Bình nói.

– Mày ở nhà đi, chút nữa bà Tư ghé nhà gửi đồ cho mẹ, mẹ dặn không nhớ hả? Thằng An đáp.

Bình học lớp Tư, An học lớp Hai, hai anh em trạng trạng nhau nên gọi nhau bằng mày tao. Mà ở xóm này cũng vậy, hơn nhau hai ba tuổi cũng mày tao tuốt luốt, “dân ruộng” mà.

– Ừ, vậy cũng được. Bình đáp.

Từ nhà Bình đến chỗ chặt trúc cũng không xa lắm, khoảng hơn năm trăm thước, chỗ đó trước kia là cái trụ sở trường cấp hai của Nông trường, nhưng bây giờ nó chỉ còn lại là đống gạch vụn, đổ nát, vô chủ, trên đó có dừa, có trúc, tre, tràm …nghe bố mẹ Bình nói trồng từ khi mới khai sinh lập địa, bây giờ không có người quản lý, ai muốn lấy gì thì lấy.

Ba thằng nó vừa đi được một lát thì trời kéo cơn, mưa ập xuống, Bình lo lắm vì về ướt hết quần áo, lỡ có bị ốm thì mẹ đánh đòn ba anh em là chắc, Bình và thằng em Út ngồi ôm nhau quấn mền mong trời đừng mưa.

Đến quá trưa mà ba thằng nó vẫn chưa thấy tăm hơi đâu, Bình lo lắm, vì thằng An chưa biết lội sông, xung quanh đây toàn là sông nước, với lại trên đường đi có một cái đập xổ phèn từ trong rừng ra, tụi nó mà rủ nhau đến đó xem cá rô tăm tích lội nước ngược mà không may có chuyện gì thì… chết, nhưng đã có thằng Dậu nó lội giỏi lắm, Bình lẩm bẩm tự trấn an.

Đang miên man suy nghĩ những điều chẳng lành thì nghe tiếng của ba thằng nó nhí nhố từ ở đằng xa, Bình và thằng Út chạy xộc ra đón. Trời ơi! ba ông tướng mình mẩy nhếch nhác, lấm lem, tay cầm dao, vai vác trúc, trên cổ đeo cái quần dài cột túm hai ống dưới bằng dây chuối, bên trong ống quần có trái gì trong đó mà nhìn bề ngoài thấy tròn tròn. Vừa thấy Bình thằng Dậu đã ông ổng cái miệng như để khoe chiến lợi phẩm.

– Sẵn đi chặt trúc, gặp ổi chín và bình bát ương tụi tao hái luôn.

Thì ra mấy ông trời con đi bẻ mấy thứ đó nên lâu vậy, vào tới nhà thằng An ném bó trúc xuống đất, cởi ống quần dài đổ ra bên trong ra lủ khủ ổi, bình bát xanh đỏ lộn xộn.

– Đem dú trong bồ lúa đi, chín mình làm tiệc trung thu luôn. An lên tiếng.

 Nó leo lên bồ lúa vùi bình bát và ổi xuống cào cào lúa lấp lên, tụi này chu đáo thiệt. Chiều hôm đó trên đường từ nhà Minh về, thấy An mặt mày thờ thẩn có vẻ mệt lắm, đó không nói năng như mọi ngày nữa, cứ khoanh tay ôm ngực như ông già cúi đầu đi về.

– Mày đói hả? Bình hỏi.

Nó lập cập không muốn nói

– Vậy mày bị làm sao? Bình hỏi dồn dập. Bình lo lắm vì có chuyện gì nó sẽ là thằng bị ăn đòn trước.

– Tao lạnh…! An quay lại trả lời, môi run run lập cập thâm xì.

 Rồi An bước nhanh về nhà, Bình hấp tấp chạy theo, đến nhà thì trời đã nhá nhem tối, thằng em Út đã tắm rửa sạch sẽ, nó đứng vịn song cửa sổ trên ván ngựa đợi hai anh em Bình. Thằng An vào trong nhà lấy dép rửa chân rồi chạy lên giường trùm mền kín bít, Bình xuống bếp kiếm cái quyẹt đá lửa đốt đèn cóc cho sáng rồi đi lùa gà vào chuồng, kệ thằng An nằm đó.

– A…!…Mẹ… mẹ về r…ồ…i! Bình đang đóng cửa sổ thì nghe thằng Út reo lên.

Tim Bình dần thình thịch vì lo vụ thằng An.

– Mấy anh đâu mà vắng vẻ vậy con? mẹ hỏi.

Tim Bình càng đập mạnh dồn dập, Bình lao vút từ trong buồng ra miệng lí nhí.

– Con nè Mẹ ơi! Bình làm như vậy để chặn lại, sợ thằng Út khai cái vụ hồi sáng.

Trong bữa ăn tối thằng Út ngồi lọt thỏm trong lòng mẹ, để được mẹ quạt cho ăn cơm, nó thường được ăn trước vì phải có người canh chừng lo vẽ cá lấy xương ra cho nó ăn, còn anh em Bình đợi bố ngồi lên mâm mới ăn.

– Ủa… thằng An đâu mà từ chiều tới giờ nghe im re vậy Bình? thấy vắng, mẹ Bình tay cầm cái quạt mo đuổi muỗi vừa hỏi.

– Nó bệnh rồi hay gì mà đang nằm quấn mền trên giường kìa! Bình giật mình thốt lên, sợ dúm cả người, toát mồ hôi hột.

– Thật là khổ! ở nhà trông coi nhà cửa coi em con để em dọc nước phải không? Mẹ Bình dường như đã đoán được mọi chuyện.

– Dậy ăn cơm đi con, tao đã dặn cả trăm lần rồi, ở nhà không được đi ra sông ra đìa chơi, chưa đứa nào biết lội hết trơn hết trọi đó nghe. Mẹ Bình cầm đèn cóc đến chỗ thằng An nằm ngủ kêu nó.

– Ông ơi! Thằng An nó sốt cao quá trời rồi, mình mẩy đầm đìa mồ hôi ,mồ kê nè. mẹ sốc An lên hoảng hốt.

Chị em Bình xúm lại chỗ An, trong ánh đèn dầu loe lói Bình thấy mặt nó xanh lè, môi khô ran, miệng lắp bắp ”Con khát nước”!

– Đứa nào lấy nước cho em coi! Bà quay sang nói.

– Không sao đâu, chắc bị cảm mưa thôi, mùa này con nít đứa nào cũng có thể bị! Bố Bình từ sau đi lên trấn an cả gia đình.

Nghe ông nói Bình thấy mình đã có chỗ dựa và bớt đi một phần tội sắp sửa bị mẹ điều tra, ông tiếp lời:

– Lấy nước nóng đưa cho Mẹ lau cho em đi các con!

Rồi ông lấy cho nó uống mấy viên thuốc cảm, chị gái Bình pha cho nó ly nước đường uống, ông kêu nó đi ngủ ngày mai mau hết bệnh đến tối còn đón trung thu nữa.

– Bình nè! ở nhà sao con không giữ em, để nó đi mưa bệnh vậy? Bố hỏi.

Tới đây Bình đành khai thiệt hết cho mọi người cùng nghe cái vụ hồi sáng.

– Tụi bay tối ngày quần tam tụ ngũ, phá làng, phá xóm không hà! nghe xong câu chuyện mẹ Bình  mắng.

– “Quý trẻ, trẻ đến nhà, quý già, già đến ngõ” mẹ mày đừng quá gắt gao với tụi nhỏ xóm mình, nó sợ không giám chơi với con mình nữa đâu. Với lại chuyện hôm nay như vậy là tốt, con mình nó còn nhỏ mà có ý thức tự lo cho bản thân, bà cũng đỡ đi gánh nặng, sau này nó lớn lên bà đỡ lo. Bố Bình trấn tĩnh.

– Lo được tôi với ông đã khỏe, ba thằng này mai này lớn lên nó phá sập nhà luôn,

– Sập nhà vào rừng đốn cây cất lại. Thằng Út ngây thơ chen vô. Nó làm cả nhà phì cười,

– Mai mốt nếu thấy trời mưa con đừng cho em đi đâu hết nghe, nguy hiểm lắm.Bbố Bình quay sang dặn.

Bình ngước mắt nhìn ông như thầm cảm ơn và hối lỗi rồi “Dạ” nhẹ nhàng.

***

Hôm sau thằng An vẫn sốt ly bì không dậy nổi, hai chiến hữu Minh và Dậu đã có mặt trong nhà, chúng trẻ tre rôm rốp mà hình như thằng An vẫn không biết gì thì phải.

Đến tối thằng An cũng không dậy nổi, Bình nghe dài dài nhà bên cạnh tụi nó đốt đèn cầy, xách lòng đèn đã đi khắp xóm, thằng Út cũng lăng xăng lấy phần của mình ra đốt nến, nó kêu Bình dẫn đi chơi với mấy đứa nhà bên, Bình do dự không muốn đi vì thiếu thằng An, Bình định đi vô trong nhà thì nghe ngoài cổng tụi bạn lò mò vô tới, đèn lòng như đom đóm gọi ý ới.

Trên bầu trời ông trăng đã lên gần tới đọt dừa, trăng tròn và đẹp quá, Bình chợt nhớ năm ngoái đi qua sân nhà thằng Viện đón trung thu với thằng Tùng, An hỏi.

– Bộ mỗi nhà có một ông trăng hả mày?

Làm mấy người lớn cười nghe một cái “rầm”, bây giờ trăng còn đẹp hơn năm ngoái nữa mà không nghe tiếng nó cũng buồn.

Bọn trẻ quây quần trước sân nhà Bình, bố Bình lấy bánh kẹo trung thu ở Cơ quan phần cho con cán bộ để đãi, chưa ăn hết kẹo thằng Minh đã nói đến chuyện hôm qua, Bình chạy vào bồ lúa lấy “trái cây” ra đãi khách cho thịnh soạn, bên trong nhà An vẫn chùm mền, đầu thì đắp cái khăn trườm nước nóng.

***

Đó là cái tết trung thu cuối cùng của anh em Bình, vì năm sau Bình đi theo anh Ba lên trường huyện học, đi học xa, chỉ về nhà vào dịp hè, không phải ngay trung thu nên không cùng nhau làm lòng đèn nữa.

Năm tháng cứ thế dần qua, tuổi thơ của anh em Bình không như ngày nào, giờ đây sau gần hai mươi năm rồi thấy mấy đứa trẻ gần nhà rủ nhau làm lòng đèn mà Bình ngậm ngùi nhớ em, giá như hôm đó trời đừng mưa, thằng An đừng sốt, thì tới giờ này Bình không phải hối hận và trăn trở, anh em Bình cũng đã có một cái tết trung thu cuối cùng trọn vẹn bên nhau.

An đã qua đời sau một tai nạn lao động cách đây vài năm, Bình muốn về lại chốn xưa, nơi An đã tới ngày hôm đó, để tìm lại cây ổi và cây bình bát trèo lên bẻ đem về cho An trong đêm trung thu.

Mẹ Bình thì dường như đã hết nước mắt, mong để được ngồi lau mồ hôi dưới anh đèn dầu loe lói cho nó, và mắng lại anh em Bình câu mắng yêu thương ngày xưa “ba thằng này mai này lớn lên nó phá sập nhà luôn”. Nhưng tất cả chỉ còn lại sự nuối tiếc trong đêm trung thu không trọn vẹn.

 T.B