Từ xưa đến nay, con viết về cha là điều vẫn thường xảy ra trong sinh hoạt văn hóa của các quốc gia, cả phương Đông lẫn phương Tây, đặc biệt khi những người cha ấy là những người có tầm ảnh hưởng lớn, những danh nhân của đất nước hoặc nhân loại. Đa phần đó là những hồi ức, tưởng nhớ, hoặc những phân tích, bình luận, diễn giải… của người con đối với cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, hoặc những hành động thể hiện phẩm chất xuất sắc, lớn lao của người cha. Tuy nhiên những cái viết ấy thường khiêm tốn về dung lượng, có khi chỉ là một bài thơ trữ tình ngắn. Nên, viết về cha bằng cả một thiên “tiểu thuyết lịch sử” dày và nặng như tác giả Trần Việt Trung đã viết về thân phụ mình, tướng Trần Tử Bình, thì có lẽ khá hiếm.
Chúng ta đang nói tới cuốn sách Người công giáo cộng sản (Nxb Văn học, 2020) dày 600 trang, khổ 16 x 24cm. Chắc hẳn nó phải dày và nặng như vậy thì mới đủ để tác giả ôm trọn cuộc đời cha mình (1907 – 1967), cuộc đời của một “con người hành động” đúng nghĩa, một nhà cách mạng đã chiến đấu và cống hiến liên tục, từ trước khi Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập (1930) cho đến tận lúc ông bất ngờ bị một cú nhồi máu cơ tim cướp đi cả sinh mạng lẫn ý chí hành động vẫn đang hừng hực. Ở đây có một điểm đáng chú ý: Khác với nhiều tác giả thường chọn ngôi “tôi” để kể về “cha tôi” bằng những gì “tôi thấy”, “tôi nghe”, “tôi tìm hiểu”, tác giả Trần Việt Trung đã kể về cha mình từ ngôi của thượng đế ở trên cao, tức người kể chuyện biết mọi chuyện và luôn tin chắc vào những điều mình kể lại. Người kể chuyện ấy, theo lối viết sử biên niên, đã đưa người đọc vào lịch sử cuộc đời của một con người, một “đại nhân vật”: từ thuở là đứa trẻ sinh ra trong một gia đình bần nông nghèo rớt mồng tơi nhưng ngoan đạo ở thôn Đồng Chuối Thượng, Bình Lục, Hà Nam; đến lúc là chủng sinh trường dòng Hoàng Nguyên; đến lúc xuống tàu vào Nam làm phu ở đồn điền cao su Phú Riềng và lãnh đạo anh em công nhân cao su đấu tranh để viết nên một “Phú Riềng đỏ” vang dội; đến lúc bị chính quyền thực dân bắt đi đày khổ sai 5 năm ở ngục Côn Đảo; đến lúc trở về hoạt động bí mật trong vai Thường vụ Xứ ủy Bắc Kì, bị tù Hỏa Lò, vượt ngục, và sau đó đã có những quyết định kịp thời, dứt khoát để lãnh đạo quần chúng đấu tranh cướp chính quyền tại Hà Nội vào ngày 19/8/1945; đến lúc góp phần quan trọng vào chiến thắng Thu – Đông năm 1947 và được phong Thiếu tướng trong đợt phong tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam (cùng đợt với Đại tướng Võ Nguyên Giáp); đến lúc là Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Thanh tra Quân đội và đã ra quyết định gây chấn động dư luận khi trực tiếp điều tra xét xử một “đại án” tham nhũng trong kháng chiến, là tử hình Đại tá Giám đốc Nha Quân nhu Trần Dụ Châu; đến lúc kiêm chức Tổng Thanh tra Chính phủ và đã đôn đáo khắp nơi để khắc phục tối đa những vụ oan sai trong Cải cách ruộng đất; đến lúc làm lãnh đạo Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn tại Trung Quốc, gánh trọng trách đào tạo lực lượng cán bộ quân sự “chất lượng cao” cho Quân đội nhân dân Việt Nam; rồi cuối cùng là làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa suốt từ 1959 đến 1967, năm ông đột ngột qua đời.
Một cuộc đời như thế là một cuộc đời tuyệt đẹp, một cuộc đời mà người ta chỉ có thể nói về bằng cách ca ngợi. Và quả thật tác giả Trần Việt Trung đã ca ngợi tướng Trần Tử Bình, cả trong tư cách một hiếu tử luôn tự hào về thân phụ, cả trong tư cách một người viết luôn nỗ lực nhìn nhận lịch sử như nó đã thực sự diễn ra. Chân dung của tướng Trần Tử Bình trong cuốn sách này, ở những nét lớn, xứng đáng là một chân dung mẫu mực đối với mọi người cộng sản Việt Nam: yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, trung thành với lí tưởng cộng sản, tuân thủ triệt để nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, không ngại gian khổ không sợ hi sinh, chiến đấu suốt đời vì sự nghiệp cách mạng, vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân. Nhưng nếu chỉ là như thế, chân dung văn học của tướng Trần Tử Bình sẽ rất dễ bị lẫn vào chân dung đã có của những người cộng sản Việt Nam thuộc thế hệ đầu tiên. Tác giả Trần Việt Trung chắc sớm nhận thấy điều này, và ông đã hóa giải sự mẫu mực mang tính đồng phục ấy bằng cách nhấn mạnh những nét khác, đa diện hơn, trên bức chân dung tinh thần của thân phụ.
Tướng Trần Tử Bình (thứ hai từ trái sang) tại cơ quan Thanh tra quân đội 1959.
Trước hết, như chính cái tên của cuốn sách, Người công giáo cộng sản, cho biết: Tướng Trần Tử Bình là người cộng sản đồng thời là người công giáo. Hay nói chính xác hơn, ông là người công giáo trước khi là người cộng sản, và ông vẫn là người công giáo trong khi sống và chiến đấu hết mình trong tư cách một người cộng sản. Tác giả Trần Việt Trung kể với chúng ta rằng cha mẹ của Trần Tử Bình đều là những con chiên ngoan đạo, và Phê-rô Phạm Văn Phu – tên thánh của Trần Tử Bình – từng được gửi đi học ở trường dòng Hoàng Nguyên để sau này sẽ trở thành một linh mục phụng sự việc Chúa. Nhưng do chống lệnh cố đạo Tây – cấm để tang nhà chí sĩ yêu nước Phan Chu Trinh – Phê-rô Phạm Văn Phu đã bị đuổi khỏi trường dòng, phải trở lại quê làm việc giảng kinh ở các thôn xóm, rồi gặp người cộng sản Tống Văn Trân và lần đầu tiên trong đời được nghe nói đến thuyết đấu tranh giai cấp cùng sự cần thiết phải “tự công nhân hóa bản thân” v.v… Đây là chi tiết quan trọng, bởi cái phần công giáo ấy chính là phần nền trong cấu trúc nhân cách người cộng sản của tướng Trần Tử Bình. Công giáo cho con người đức tin mạnh mẽ và kiên định vào Chúa, vào sự tồn tại vĩnh hằng khi nhân loại được cứu rỗi bằng tình yêu và niềm thương mến bao la. Đức tin ấy, khi gặp lí tưởng cộng sản về một thế giới đại đồng, không có áp bức bóc lột giữa người với người, không có sự nô dịch giữa các quốc gia với nhau, thì càng được nhân bội. Nó chính là nguồn sức mạnh tinh thần dường như vô tận để anh Phu/ tướng Trần Tử Bình có thể vượt qua được những thách thức to lớn, những cạm bẫy hiểm nguy luôn rình rập trên con đường cách mạng thiên lí. Nhấn mạnh phần nền công giáo trong con người cộng sản của tướng Trần Tử Bình là không thừa khi trong thực tế, xuất phát từ những căn rễ lịch sử rất phức tạp, luôn có những định kiến nhất định về giáo hội công giáo và người công giáo Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của tướng Trần Tử Bình, qua cái viết của Trần Việt Trung, đã chứng minh điều ngược lại.
Hơn nữa, từ môi trường công giáo thuở hoa niên, tướng Trần Tử Bình còn được học võ nghệ, và được tiếp nhận sự quật cường như tiếp nhận một di sản hàng trăm năm của nhà thờ công giáo, truyền thừa qua nhiều thế hệ người công giáo Việt Nam, những con người luôn phải biết cách “vệ đạo” trước các làn sóng “sát đạo” đầy cuồng nộ. Phẩm chất, kĩ năng này, khi được tiếp lực từ các giai thoại về những trang anh hùng hiệp nghĩa trong cổ thư, được trui rèn trong thực tế hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, đã hình thành ở người cộng sản Trần Tử Bình một nét tính cách rất đậm: khí phách ngang tàng, hành động dứt khoát, dám làm và cũng dám chịu của bậc hảo hán. Thậm chí có thể nói, chân dung văn học của Trần Tử Bình trở nên hấp dẫn hơn, chính là do việc tác giả đã thể hiện rất sống động cái tính cách hảo hán này. Đọc Người công giáo cộng sản, rất khó quên được chi tiết xảy ra trong hầm xay ở ngục Côn Đảo: Để dằn mặt đám tù thường phạm chuyên hành hạ anh em chính trị phạm, người tù cộng sản Phạm Văn Phu đã thách tên trùm đơn đả độc đấu, bằng quyền cước, và đã chiến thắng một cách thuyết phục. Hay trong Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở Hà Nội, khi cần phải làm phép thử để biết thái độ của quân Nhật trước những vấn đề nội bộ của người Việt Nam, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kì Trần Tử Bình đã đại diện Việt Minh một mình vào doanh trại Nhật để dàn xếp tình hình, rất đỗi bình tĩnh, mặc kệ xung quanh là những hàng kiếm Nhật đang sáng lòa thị uy. Hay trong Cải cách ruộng đất, khi tướng Bình liên tục đi khắp các vùng nông thôn Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để thẩm tra những vụ xử oan sai, thì lúc đó, bên cạnh vai trò của một Tổng Thanh tra Chính phủ đầy tinh thần trách nhiệm, nhiều chi tiết cho thấy ở ông vẫn hiện diện cái bóng của một vị huynh trưởng hào hiệp, luôn quan tâm đến sự sống chết của cán bộ chiến sĩ dưới quyền. Tóm lại, có thể nói, tinh thần hảo hán là nét khá đặc biệt trên chân dung của một vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam xuất thân công giáo.
Tác giả Trần Việt Trung xác nhận cuốn sách của mình là “tiểu thuyết lịch sử” – in ngay trên bìa 1 – nhưng xem ra cái chất lịch sử của tác phẩm đậm hơn nhiều chất tiểu thuyết. Người viết đã dày công tham khảo tư liệu thành văn từ nhiều nguồn, và lời kể của nhiều chứng nhân lịch sử khác nhau. Đọc sách, ta không chỉ thấy chân dung một con người, mà còn thấy lại diện mạo đất nước cả một thời kì khá dài. Thậm chí ở một số đoạn, cuốn sách của Trần Việt Trung còn mang dáng dấp của những nghiên cứu lịch sử, những phản biện ngầm trước các kết luận trái chiều. (Ví như chính quyền mà Việt Minh giành được trong Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội ngày 19/8/1945 không hề là “một chính quyền nhặt được”, như quan điểm của Philippe Papin trong công trình Lịch sử Hà Nội, và của nhiều sử gia khác nữa, mà nó là thành quả của một cuộc đấu tranh lâu dài, của năng lực phán đoán đúng và trúng thời điểm hành động, của nghệ thuật lãnh đạo biết tập trung sức mạnh to lớn của các khối quần chúng nhân dân.) Và, từ một phía khác, chất tiểu thuyết của tác phẩm có khi lại được thay thế bằng những chi tiết thực nhưng rất giàu chất huyền thoại. Chẳng hạn, khi tướng Trần Tử Bình sang Bắc Kinh nhậm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc, lễ trình quốc thư của ông được Chủ tịch Mao Trạch Đông chấp thuận lập tức, cho tổ chức ngay trong đêm, và ông được quyền liên lạc trực tiếp với Văn phòng Chủ tịch nước khi có việc cần. Hay, mỗi khi từ Bắc Kinh về Việt Nam công tác, Đại sứ Trần Tử Bình đều có cuộc làm việc riêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh trước cuộc làm việc cùng toàn thể Bộ Chính trị.
Cái thấp thoáng huyền thoại ấy, cùng với dày đặc lịch sử như nó đã thực sự diễn ra, đã làm nên chân dung của tướng Trần Tử Bình trong Người công giáo cộng sản, một chân dung đa diện mà thống nhất.
Theo Hoài Nam/VNQĐ