Viết tiếp huyền thoại Hải Vân – Tùy bút Nguyễn Nhã Tiên

607

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ bao giờ cái làng chài nằm dưới chân đèo Hải Vân đã trở thành quê quán tình yêu mù khơi trong trí nhớ của tôi? Từ buổi thi sĩ Bùi Giáng đề thơ: Những sóng nước biển xưa/ Đi về trong giấc ngủ/ Mù sương xuân mờ phủ/ Một châu quận bên đèo…, hay là từ buổi cái làng quê nằm dưới chân đèo –  cái “châu quận” hoang sơ cổ tích theo cách nhìn của Bùi thi sĩ, từ xứ sở ấy có một nghệ sĩ du già tay nải đựng đầy kinh kệ và thơ, đã giũ sạch bụi đường trường bước phiêu bồng an nhiên vào miền tịch tĩnh.

 

Nhà văn Nguyễn Nhã Tiên

Có lẽ là cả hai. Vâng, chính họ đã gieo rắc vào tâm tưởng tôi một quê xứ vừa cụ thể hình sông thế núi, nhưng cũng vừa quá đỗi siêu hình: Ở cuối một chân mây/ Mở một ngàn chân bước/ Một ngàn chân bước trước/ Một vạn bước chân sau (BG). Chao ơi, cái núi non xứ sở mà mỗi bước chân qua là nghe chập chùng ngàn chân bước trước, thấy mờ xa trong mây bay gió thổi nhấp nhô hư ảo bóng người kẻ trước người sau. Có lẽ trên cả đất nước này, không có con đường nào mà bước chân sử lịch vang vọng dư ba như con đường qua đèo Hải Vân kể từ buổi gót son Công chúa Huyền Trân in dấu hài bước qua đèo Ải.

“Đản kiến vân hoành tam tuấn lĩnh. Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên” (Chỉ thấy mây giăng ba đèo dốc. Chẳng nhìn thấy người giữa trập trùng mây – thơ Nguyễn Phúc Chu). Mây bay tự ngày xửa ngày xưa, thuở chúa Nguyễn Phúc Chu đi qua đèo Ải và mây bay qua Hải Vân bây giờ có khác gì nhau. Nếu hiểu theo một triết lý tương quan nào đó, rằng thế giới là cái nhìn của tôi, thì quả Bùi Giáng có lý khi trong cái nhãn quan thi sĩ của ông  dường như vĩnh cửu một châu quận tịch liêu bên đèo bất sá thời gian.  Chính ông là người dẫn dắt tôi bước lang thang qua đèo Hải Vân đi tìm cái châu quận ngập ngụa giữa màu mây cổ sử. Không có ông, không có bài thơ ông dẫn đường, cố nhiên đèo Hải Vân vẫn chót vót cái vị thế cửa ải “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, thế nhưng cái làng chài “châu quận” tịch liêu bên đèo ấy, có khi tôi lại vô tình lướt qua như bao nỗi vô tình khác. Và như thế thì làm gì có cuộc lễ hội “trần sa xá lợi” diễn ra trên ngọn đèo Hải Vân này, để từ đấy ngày kia tháng nọ, lẫn trong gió thổi và mây trắng bay qua vang vọng âm lượng hải hà đắp cho núi cao vời lung linh những huyền thoại.

Tôi cũng chả rõ lúc sinh thời Bùi Giáng đã từng bao lần qua lại con đường đèo Hải Vân này, chỉ có điều chắc rằng, Bùi Giáng từng có một người bạn tri âm – người nghệ sĩ du già ở nơi cái làng chài Lăng Cô nằm ở rẻo phía Bắc dưới chân đèo kia, đã “ngậm vành kết cỏ” cùng thi sĩ Bùi Giáng bao lần chung nhau một lứa – Những cảnh ngộ bên trời. Thời ấy, ở Đại học Vạn Hạnh – Sài Gòn, ngoài những tên tuổi nổi tiếng mà Bùi Giáng giao du quen biết như: Tuệ Sĩ, Phạm Công Thiện, Ni cô Trí Hải, còn một người cũng thuộc cái nòi “máu điên” khá thân thiết với Bùi Giáng, người đó là thi sĩ Trần Đới. Bài thơ Bùi thi sĩ viết “Bùi Giáng tặng Trần Đới” được in như lời đề từ cho tập thơ “Tảo mộ lênh đênh” của Trần Đới, đấy là đứa con của cuộc “kết cỏ ngậm vành” kia dưới mái hiên Vạn Hạnh ngày thuở bấy giờ.

Mãi cho tới sau năm 1975 tôi mới có dịp quen biết với Trần Đới tại chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn. Lúc bây giờ ông đã thọ giới sa di tại thiền viện Thường Chiếu pháp danh là Thích Thông Bác. Bắt đầu từ đây ông sống một cuộc đời tăng lữ không một chùa chiền, rày đây mai đó bầu bạn khắp sông hồ Nam – Trung – Bắc. Chiều anh đi rồi lại/ Trở về với gió mây/ Bóng nghiêng đầu xuống đất/ Hình in dài lên cây/ Linh hồn anh quá mỏng/ Nỗi sầu anh ai say. Kể từ đấy, những người bạn văn với ông, trìu mến gọi ông là “thiền sư thi sĩ”. Xin lấy cái thước tấc chữ nghĩa kinh nghiệm của nhà sư nhà văn Minh Đức Triều Tâm Ảnh mà đo bước chân ông theo dọc đường sông núi: “Ông đi tảo mộ lênh đênh, lênh đênh ông đi tảo mộ, ông viếng thăm những đền đài, những thần tượng, những nấm mồ hoang điêu tàn của lý trí nhị nguyên với sự thương yêu chan chứa, vô bờ. Ông treo một nửa trái tim trên vừng trán khổ hạnh của một nghệ sĩ Du già, còn nửa trái tim kia thì cứ mải rong chơi giữa cõi ta bà gió cát…”. Cứ như thế ông đi rồi lại ông về, năm ba tháng hay một năm vô chừng ông lại mang về một tập sách vừa mới xuất bản. Khi thì tập thơ, lúc tập tản văn, tùy bút, có lúc nghiêm cẩn tập sách Tông thừa tụng, sử các vị tổ thiền tông…

Cho đến một ngày, trời đương độ thu, thiền sư thi sĩ ghé vào Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức tỉnh Vĩnh Phúc, và vào một sớm hừng đông tại thiền viện này, ông phủi tay thanh thản vân du về cõi tịnh hư, nhẹ nhàng như câu thơ Bùi Giáng viết: Bay về ổ, chín tầng cao/ Con chim giã biệt quên chào mái hiên. Theo di chúc của thầy, sau khi hỏa táng, tro bụi nhục thân xin được  đưa về quê xứ rãi trên núi non đèo biển Hải Vân quê mẹ.

Chúng tôi lại hành hương về cái châu quận bên đèo, nơi Bùi thi sĩ ngày xưa dường như đã tiên liệu cho một cuộc trở về hòa ca trên đỉnh núi. Đèo Hải Vân hôm ấy, có lẽ là lần đầu tiên người ta nghe ra ngàn lời ngôn linh vọng vang khởi đi từ một ngôi cổ miếu nằm giữa lưng đèo. Tiếng kinh kệ của quí thầy, tiếng thơ, tiếng nhạc của anh chị em văn nghệ sĩ, tiếng tro bụi hình hài lẫn trong ngàn ngàn cánh hoa vàng bay bay trong gió. Lễ “Trần sa xá lợi”, cái tên mới mẻ do quí thầy chùa Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn đặt cho lễ hội này cũng là lần đầu gióng lên từ núi Hải Vân, ghi chép vào núi thêm một huyền thoại. Bây giờ thì thiền sư thi sĩ, hay là người nghệ sĩ du già đã tan vào mây trắng bay qua đèo Ải. Hình như trong vang hưởng cây rừng gió núi tôi còn nghe ra tiếng thơ của thầy: Ru bờ lá sớm ngàn kinh/ Ru hồn võng lặng ngàn xuân thẳm nằm/ Ba đời gió vẫn sắc không/ Qua đèo Mây hát nửa vầng thơ bay (*)!

N.N.T

 —

(*) Đèo Hải Vân ngày xưa còn gọi là đèo Mây