Sóng Hồng – một nhà thơ chính khách

5053

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trước ngày thống nhất đất nước, ở các vùng tạm chiếm công chúng văn học và nhà giáo có tưởng tiến bộ, chỉ có thể gián tiếp triển khai ý nghĩa tích cực những tác phẩm: Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt), Hịch tướng sĩ (Trần Hưng Đạo), Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi ), Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc (Nguyễn Đình Chiểu), Thơ Phan Văn Trị (1830-1910)… Đến ngày thống nhất đất nước, người đọc mới thực sự được tiếp cận với những tác phẩm mang hồn nước cháy bỏng và chất lửa đấu tranh thực sự – một bộ phận thơ văn có nội dung lành mạnh mà tác giả là những nhà văn, nhà thơ, cả những chiến sĩ và cán bộ cách mạng đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp đấu tranh chống ngoại xâm. Bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh, thi sĩ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi… nhà thơ Sóng Hồng đích thực là một chính khách – nhà thơ.

Tổng Bí thư Trường Chinh (bút danh: Sóng Hồng)

Sóng Hồng là bút danh của Tổng Bí thư Trường Chinh (1907-1988) – tên thật là Đặng Xuân Khu, nhà cách mạng kiệt xuất mang phong cách nghệ sĩ. Với tinh thần yêu nước tiến bộ, khi đang học ở Trung học (1925), Đặng Xuân Khu đã tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cho cụ Phan Bội Châu (1867-1940), đồng thời lãnh đạo cuộc bãi khóa ở Nam Định để truy điệu cụ Phan Chu Trinh (1872-1926), nên ông bị nhà trường đuổi học (1926). Năm sau, ông lên Hà Nội, tiếp tục học, tham gia vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và cuộc vận động thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng ở Bắc Kỳ, bị thực dân Pháp bắt, kết án 12 năm tù và đày đi nhà ngục Sơn La. Ông từng là Xứ Ủy viên Bắc Kỳ kiêm chủ bút báo Cờ giải phóng và phụ trách nhiều báo bằng tiếng Pháp như: Travail (Lao động), Rassemblement (Tập hợp), En Avant (Tiến ra phía trước) và Tin tức.

Bút danh Trường Chinh đã nói lên tinh thần của ông trong hoạt động cách mạng. Từ năm 1941 đến năm 1986, Trường Chinh đã ba lần được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những cống hiến to lớn cho đất nước về sự nghiệp chính trị, đồng chí Trường Chinh được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương cao quý khác. Tên của ông được đặt cho nhiều con đường ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Nam Định, Đà Nẵng, Hải Phòng, Đồng Hới, Quảng Bình, Huế, Tuy Hòa, Pleiku…

Ngoài những tác phẩm nổi tiếng về chính luận, với bút danh Sóng Hồng, ông cũng đã đã sáng tác gần 200 bài thơ theo đủ đề tài và thể loại, được tập họp và xuất bản trong các tập thơ Sóng Hồng tập I (1960), tập II (1974) vàThơ Sóng Hồng (1983).

Ở địa hạt thi ca, rất gần gũi với Bác Hồ, coi văn chương là vũ khí đấu tranh, nhà thơ Sóng Hồng thể hiện cảm xúc của tác giả trước các sự kiện quan trọng của đất nước hay tinh thần lạc quan trong sáng, và niềm tin tưởng sắt đá của một chiến sĩ yêu nước vào tiền đồ xán lạn của sự nghiệp cách mạng.

Cùng lập tường văn nghệ với nhà thơ Tố Hữu (1920-2002), Sóng Hồng đặt dấu ấn từng bước cho thơ ca cách mạng Việt Nam, giàu tính chiến đấu mà cũng đầy lòng nhân ái. Trong bài tựa tập thơ của mình, nhà thơ Sóng Hồng đã nói: “Thơ là vũ khí đấu tranh giai cấp kỳ diệu. Là sao có thể quan niệm thơ không có tính Đảng, tính giai cấp được? Thơ và cách mạng không thể tách rời Đương nhiên, không thê thơ nào cũng có cách mạng, nhưng có cách mạng thì có thơ”.

Như vậy, nhà thơ Sóng Hồng đã khẳng định mối tương quan hữu cơ giữa thi ca và chính trị không khác gì cơ duyên khăng khít mà nhà thơ cách mạng đầu đàn Tố Hữu đã nói “Làm bí thư hoài nên bí thơ / Rằng thơ với Đảng nặng duyên tơ (Tố Hữu)”.

Trước tiên, ta có thể nói thơ Sóng Hồng là loại “thi ngôn chí”, là sự hòa quyện chặt chẽ giữa lý tưởng và tâm hồn của nhà thơ qua bài tựa Cùng bạn đọc của tập Thơ (Sóng Hồng, NXB. Văn học, 1983). Thơ ông là chiếc lăng kính trong sáng, phản chiếu trung thực tình cảm tâm tư, nói lên “niềm hy vọng của cả một dân tộc, những ước mơ của nhân dân, vẽ nên nhịp đập của trái tim người nghệ sĩ cách mạng, thể hiện đúng theo lời tâm sự của tác giả và xu thế của lịch sử loài người”.

Những bài thơ ông  sáng tác ở bất cứ thời điểm, không gian nào cũng là những khúc phim thực tiễn của thiên sử truyền hình về cuộc sống xã hội bức thiết, về cuộc đấu tranh quyết liệt với kẻ thù, được coi là vũ khí tinh nhuệ để phục vụ sự nghiệp cách mạng của của toàn dân. Từ đó thơ Sóng Hồng dễ gây nên xúc cảm cho con người gần gũi vì đậm chất nhân văn, giàu tinh thần lạc quan, tin tưởng vào tương lai rạng rỡ của dân tộc. Ngay từ những bài thơ đầu tay khi nhà thơ mới vào độ tuổi hai mươi cũng đã thể hiện rõ được chí khí lớn và tình cảm lạc quan của một thanh niên giàu ước mơ trong sáng: “Chim xuống cho ta còn mượn cánh/ Để ta bay khắp bốn phương trời ” (Nhớ bạn- 1927)…

Nhà thơ cách mạng nuôi chí lớn đã nhìn mùa xuân đến với vạn vật bằng tất cả lòng hy vọng chứa chan “Sáng nay Xuân đã về/ Gieo mầm non hoa thắm khắp sơn khê/ Và gió thổi ấm vào tâm hồn chiến sĩ/ vì nhân quần nên chiến đấu say mê…/ Rất đậm hương và tràn ngập ý thơ”.(Xuân đã về). Đi họp tối, nhà thơ ung dung cởi ngựa, mắt ngắm mảnh trăng treo trong không gian rừng núi, tai nghe rì rầm tiếng suối chảy, xao xác tiếng chim rừng Rì rầm tiếng suối reo/ Xuống đèo trời mờ tối/ Vằng vặc mảnh trăng treo/ …Đường xa cơn gió rít/ Xao xác chim cầm canh …” (Đi họp).

Có được tinh thần lạc quan yêu đời, cũng như biết lấy tiếng hát át tiếng bom, thì trong thời kỳ cam go “đạn chen đầu đạn, bom kề hố bom” (Lâm Thao), hay hoàn cảnh “Dấn thân vô là phải chịu tù đày/ là gươm kề tận cổ, súng kề vai/ Và thân sống chỉ coi còn một nửa” (Tố Hữu), một khi đã kiên định theo một lý tưởng, nhân dân và chiến sĩ ta mới có cơ hội chiến thắng kẻ thù. Tại nhà tù Sơn La khi đi lấy củi, anh em cũng quên đi hết hoàn cảnh lao lý, công việc nặng nhọc, đề thưởng thức bản nhạc rừng – tiếng vượn hót chim kêu, nhưng không quên nuôi chí tiêu diệt kẻ thù chung của dân tộc: “Rủ nhau lấy củi sườn non/ Chim kêu vượn hót, bồn chồn ruột gan/… Đốt cho tiêu kiếp tù đày/ Cho bừng lửa hận, biết tay anh hùng” (Lấy củi-1935).

Ngay cả thể hiện tình cảm với những người thân yêu trong gia đình, nhà thơ Sóng Hồng cũng đã mượn dịp bày tỏ ước mơ lý tưởng cao đẹp trong sáng của mình: “Đấu tranh men đã nồng say/ Xa nhau mấy độ sum vầy em ơi/ Tự do hạnh phúc giống nòi/ Là niềm ước nguyện suốt đời của ta” (Nhân ngày sinh của vợ – 12/5/1960). Tình cảm thể hiện trong thơ Sóng Hồng, không chỉ bó hẹp trong tình yêu đôi lứa, mà còn chan hòa tình nghĩa tới tình cảm sẻ chia với người chị cách mạng, nỗi nhớ về những người bạn đồng chí kiên trung qua các bài thơ: ”Đan áo”, “Gửi người chị cách mạng”, “Viếng mộ anh Hoàng Văn Thụ”, “Đèo cao xóm vắng đêm rằm/ Nhìn trăng, anh khẽ gọi thầm em ơi !”; ” Bờ hồ em bước bên anh/ Ta đi trong ánh bình minh cuộc đời” (Nhớ vợ); “Chia bát cơm khoai, bẻ đôi củ sắn/ Nhớ những phen thoát vòng vây địch/ Ngủ bờ ngủ bụi”.

Với người chiến sĩ cách mạng như Sóng Hồng, tinh thần lạc quan trong chiến đấu, tình cảm thủy chung với đồng chí anh em, và lý tưởng cao đẹp, đã là bệ phóng vững vàng cho khí thế chiến đấu quyết thắng mãnh liệt của toàn dân trong suốt hai mùa kháng chiến chống thực dân và đế quốc.

Minh họa được nội dung thâm thuý, sáng trong lành mạnh trên, thơ Sóng Hồng được sử dụng một nghệ thuật mang tính quần chúng nên có tác dụng phổ biến rất hiệu quả. Không quá gò bó ở việc tìm ý, chọn từ, tác giả khéo léo dùng thể thơ lục bát truyền thống như đa phần các câu ca dao nên rất dễ phổ biến (Bài Nhân ngày sinh của vợ, Ở căn cứ Việt Bắc….

Bên cạnh đó là thể thơ mới năm chữ (các bài Đi họp, Đứng lên…) thất ngôn (Nhớ bạn), tám chữ (alexandrin) như bài thơ nổi tiếng Là thi sĩ đã từng gây dư luận một thời trong công chúng yêu thơ.

Ai cũng biết nhiều vềông hoàng thơ tình Xuân Diệu (1917-1985) với bài Cảm xúc (trong tập Thơ thơ, 1938  NXB Huy Xuân). Cảm xúc thuộc thể loại thơ mới tám chữ, nội dung diễn tả tâm hồn ủy mị và ướt át của một số nhà thơ tiền chiến. Bốn câu đầu bài thơ của Xuân Diệu mô tả một mẫu chân dung chàng thi sĩ lãng mạn đó: Là thi sĩ, nghĩa là ru với gió / Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn ràng buộc bởi muôn dây/ Hay chia sẻ bởi trăm tình yêu mến”. Sau đó không lâu, xuất hiện bài thơ “Là thi sĩ” của Sóng Hồng với cả hai khổ đầu tám câu, mang nội dung có vẻ như phản biện mạnh mẽ lại ý thơ ủy mị của Xuân Diệu, bằng cách mở đầu với chữ “nếu”:

Nếu thi sĩ, nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây/ Để tâm hồn treo ngược ở cành cây/ Hay lả lướt đìu hiu cùng ngọn liễu/ Nếu thi sĩ nghĩa là nhăn với mếu/ nghĩa là van Thượng đế rủ lòng thương/ Hồn bơ vơ lạc lõng ở mười phương/ Khóc rả rích như ve sầu tháng hạ…”. Nhiều người đọc lúc đầu cứ nghĩ là Sóng Hồng có ý phản biện lại với Xuân Diệu. Về sau, Sóng Hồng cho biết rõ về sự ra đời của bài thơ Là thi sĩ do mình sáng tác trong một bức thư gởi cho một bạn đọc với nội dung: khi hoạt động bí mật tại Hà Nội (1942), qua một chị làm công tác binh vận với một anh thư ký nhà binh Pháp có tình cảm ướt át, hay làm thơ lãng mạn khóc gió than mây. Sóng Hồng làm bài thơ Là thi sĩ, rồi nhờ chị trao tặng cho nhà thơ không chuyên ấy để khuyên anh ta thay đổi quan điểm nghệ thuật.

Chung kết lại, thi ca Sóng Hồng đã thể hiện rõ chân dung lớn của một nhà thơ, nhà cách mạng một lòng phục vụ tổ quốc và nhân dân. Và cũng tỏa sáng lên từ đó hình ảnh một nhà thi sĩ bản lĩnh với tâm huyết dùng thi ca làm vũ khí đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như lời bác Hồ kính yêu từng nhắc nhở văn nghệ sĩ: “Nay ở trong thơ nên có thép/ Nhà thơ cũng phải biết xung phong”.

Thơ Sóng Hồng là những viên ngọc bích quý hiếm lấp lánh ánh sáng thủy tinh trong vườn hoa văn nghệ dân tộc, đã minh họa rõ ràng khí phách anh hùng và tâm hồn trong sáng, lành mạnh của một nhà chính khách – nhà thơ.

N.T