Xứ sương giăng: Ông già bá xôi ở cây số 6 – Truyện dài Võ Anh Cương

182

Chương 5

(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Một con đường – 2009 – Từ nhà ông Tuất ra về, Văn sực nhớ lâu quá mình không gặp ông An. Không biết ông già làm ăn ra sao, Văn nghĩ khi cho xe chạy về phía nghĩa trang. Qua nghĩa trang xổ xuống con dốc là đến nhà ông An, con đường được đổ bê tông nên bằng phẳng, dễ đi. Chắc con đường mới được làm, màu bê tông còn mới lắm. Thỉnh thoảng Văn gặp một cái gờ giảm tốc, có lẽ khi thi công làm gờ này hơi cao nên đi xe máy tới chỗ này phải chạy thật chậm chứ không là té, dường như cái gờ này hơi thừa. Văn chưa kịp đến nhà ông An thì nửa đường gặp Bằng chở một người phía sau.


Nhà văn Võ Anh Cương

Hai chiếc xe máy đối đầu nhau giữa đường nhưng chẳng gây chút trở ngại giao thông nào. Bằng hỏi:

– Ông đi đâu mà vô đây?

– Lâu quá không ghé nhà chú An, không biết dạo này ổng ra sao?

Người ngồi sau xe Bằng lên tiếng:

– Ông An à, giờ thì ổng khẩm rồi!

Văn hỏi:

– Chú An trúng hàng à… mà tôi thấy anh quen quen?

Bằng giới thiệu:

– Đây là Phúc, bộ ông quên rồi sao? Hôm nhậu nhà chú An có ông Long đó, Phúc cuối biền mới vô!

Văn vỗ đầu:

– Ái chà…cái đầu này, xin lỗi ông nhé!

Phúc cười:

– Có gì đâu, anh vô nhà chú An trước đi, chút tui với thằng Bằng ghé sau. Tui đi lấy cái xe sửa ngoài ngã ba.

Khi Phúc và Bằng đến nhà ông An họ thấy anh nhà báo đang nói chuyện gì đó với ông An mà ra vẻ rất say sưa, Phúc hỏi ngay khi vừa bước vào phòng khách:

– Chú và ông Văn đang nói chuyện gì đó?

Ông An trả lời:

– Anh nhà báo nhà văn hỏi về con đường dẫn vô xóm mình thôi mà!

Phúc nhìn Văn:

– Ông muốn hỏi gì thì hỏi tui nè, tui là người của dân hai tổ trong này bầu làm giám sát!

Nãy giờ Văn hỏi thăm ông An về con đường, con đường đổ bê tông xi măng trông khá chắc chắn, bề mặt chừng gần 5 mét. Ông An cho biết từ ngày có con đường dân vùng làm vườn trong này đi lại dễ dàng, họ thật sự thoát khỏi cảnh mưa thì lầy lội còn nắng thì bụi mù trời. “Toàn bộ do dân đóng góp đó cậu ạ, cử bổ theo đầu sào đất vườn mà thu, cũng phải gần hai năm mới đủ”, ông An cho hay. Với một người làm báo, Văn cảm nhận bên trong câu chuyện làm đường này có cái gì đó…không bình thường như cách nói của ông An. Bây giờ anh nghe Phúc xưng là giám sát thì hay quá, Văn “bập” liền:

– Ghê chưa, ông là giám sát cơ đấy!

– Tui chỉ là thành viên, còn 4 người nữa.

Rồi không đợi Văn hỏi, Phúc nói liền một mạch:

– Bà con trong này mong được một con đường đổ bê tông từ lâu lắm rồi, đường đất thì có từ thuở mở đất làm vườn kia. Nghe mấy ông già lớn tuổi kể lại, vùng này trào ông Diệm ty canh nông cho trồng thử lúa nước nên cán bộ xây dựng nông thôn hồi đó đi xe Jeep đến đây tạo thành một đường mòn. Đến khi bà con mua lại vùng này của người Lạch để làm vườn, bà con không làm đường mới theo con đường mòn bởi vì đường mòn chạy qua đỉnh đồi tạo nên độ dốc lớn. Bà con làm đường men theo thung lũng tuy có dài hơn nhưng đường mới vợi hàng rất tiện. Hồi đó ông già tui đi làm theo sự huy động của xóm hoài, cứ một cái cuốc chỉa hay cái vá là a lê… lên đường.

Ngừng một chút nhấp ngụm nước trà ông An rót nãy giờ, Phúc tiếp:

– Tui nói vậy để ông nhà báo biết con đường này giống như vận mạng dân xóm trong này nên bao năm nay hai mùa mưa nắng bà con lại được huy động để đi sửa đường cũng là cách đào đất lấp ổ voi ổ trâu thôi. Mùa mưa đường trơn trợt tui té hoài, nhứt là mỗi lần…sỉn!

Văn cười:

– Chắc bà xã cự dữ?

– Còn phải nói, mấy bà ghét nhậu lắm nhưng hễ có món ngon là làm… đồ nhậu, ai mà chịu được chớ hả? Mà muốn làm đường ngọt xớt như mấy bà làm đồ nhậu thì ông tổ phải xin ý kiến phường, nếu được đồng ý mới làm còn không… khó à nghen!

– Văn hỏi:

– Phường có đồng ý không?

– Họ ủng hộ bà con quá xá, nói bà con thông cảm nhà nước, đúng ra nhà nước phải làm nhưng hiện kinh phí kẹt nên ưu tiên chỗ khác trước…. Rồi ông phó chủ tịch lại hướng dẫn ông tổ về làm phương án, lên dự toán trình phường, phường trình lên cấp trên nếu được thì nhà nước và nhân dân cùng làm, kinh phí cưa đôi!

Kinh phí cưa đôi có nghĩa là dân một nửa nhà nước một nửa. Đã là nhà nước dù cũng chỉ chi như dân nhưng đó tiền ngân sách rót nên ông nhà nước làm chủ dự án, dân chỉ giám sát thi công thôi! Phường sẽ lo tất cả, dân cứ yên tâm sẽ có con đường ngon lành cành đào! Đa số bà con nghe ông tổ trưởng báo vậy thì gật gù nhưng có mấy người thì hơi nghi nghi. Họ nghi bởi vì họ đã từng đi trên những con đường do công ty XYZ mà phường giới thiệu sẽ thi công cho họ. Họ nêu ý kiến, đa số giật mình vì cái gật đầu của mình. Vậy là bà con kéo lên khảo sát con đường được các ông dân phát hiện. Thiệt là tệ, con đường đổ bê tông mới nửa năm mà xuống cấp trầm trọng, tổ báo phường, phường gật, mải sau mới cử người xuống coi… rồi im luôn tới giờ. Bà con tại chỗ nói vậy.

Dân kéo về bàn nhau rằng ta xin phường tự làm, số tiền nhà nước hỗ trợ dành cho chỗ khác khó khăn hơn, “đó là cách nói khéo”, ông An đệm theo chuyện kể. Ban đầu phường ứ chịu, sau nhờ ông bí thư tổ có chưn trong cấp uỷ làm việc sao đó, cuối cùng phường cũng lơ để cho dân vùng này tự làm.

Phúc nói “tụi tui ghi chép đàng hoàng từng mẻ bê tông, cứ theo lời của thằng con ông Bảy Xị, nó là kỹ sư xây dựng: xi măng bao nhiêu, cát, đá 1×2 bao nhiêu, đổ dày bao nhiêu đúng theo tiêu chuẩn, không ai có thể ăn gian lấy một ký xi măng nào hết. Ông yên tâm con đường này dùng phải hơn chục năm là ít nhất!”.

Con đường hoàn thành đúng y như bà con mong đợi nhưng nó không có trong báo cáo thành tích của phường năm đó, trong văn bản nó vẫn là con đường đất!

Đó là những gì Văn biết khi rời nhà ông An. Cái này làm phóng sự điều tra được đây, nhưng thể loại đó dường như…đã không còn đất sống?

2. Gia phả – 2010

Cầm trên tay cuốn gia phả ông An đưa, Văn chưa vội đọc. Anh đang nghĩ về nghề của mình, một nghề mà hồi nhỏ anh không bao giờ nghĩ tới. Dường như nghề làm báo chọn Văn chứ không phải Văn chọn nghề làm báo nhưng dù gì đi chăng nữa nghề báo cũng cho anh nhiều cung bậc càm xúc trong những năm qua. Văn đã trải qua nhiều thử thách và đã vượt qua, có điều đôi khi cũng bị u đầu mẻ trán!

Thử thách trước mắt Văn giờ là gia phả học. Văn chưa được học hay nghiên cứu về bộ môn này, chỉ biết qua loa đại khái rằng một gia phả, phả ký hay phổ truyền đôi khi cung cấp nhiều tư liệu quý cho nhiều nhà xã hội học, sử học về sau cho dù được viết súc tích hay đơn sơ nhất.

Hôm qua sau khi hỏi về con đường “làm lụi” xong, bất thình lình Văn nhớ tới ông Tuất với câu kết luận “Cậu thấy sao, chuyện này cũng “đượm” chớ hả. Tôi còn biết nhiều chuyện ở xứ sương giăng này lắm hôm nào rảnh cậu cứ lên đây tôi kể cho nghe chuyện nhà ông An với ông Vinh chồng bà Hóa, hấp dẫn lắm nghe”. Ký ức giống như một con quái vật, thoắt ẩn thoắt hiện không biết đâu mà lường. Lúc nãy khi gặp Phúc, Văn không nhận ra anh làm vườn đã cùng uống rượu với mình mà giờ gặp ông An, chi tiết câu chuyện mấy năm về trước lại xuất hiện mới thật là kỳ. Hồi Văn mới quen ông Tuất ở ngã ba cây số sáu anh chưa biết ông An, Văn nghe ông Tuất hứa kể chuyện ông An bà Hoá thì biết vậy chứ chưa có ý gì. Sau cuộc rượu bất ngờ khi Bằng dẫn Văn lên nhà ông An rồi gặp đại tá Lê Chí Long, Văn quen ông An, gặp lại ông nhiều lần, lúc thì ở nhà ông Long, lúc trong nhà hàng hay tại ngôi nhà cấp 4 rộng trên trăm mét toạ lạc trên một ngọn đồi nhìn qua Thung lũng tình yêu. Từ lúc đó Văn trở thành người thân của hai anh em ông Long!

Văn hỏi:

– Nghe nói chú đồng hương với bà Hoá, ông Vinh phải không?

Ông An ngạc nhiên:

– Ai nói cho cậu biết?

Văn cười không đáp, thấy vậy ông An nói “chắc ông Long nói chứ gì…quái lạ làm sao ông Long biết bà Hoá, ảnh đi tập kết từ hồi nhỏ mà?”. Ông An vẫn thấy anh nhà báo nhà văn cười cười và lắc đầu, ông tiếp:

– Chịu cánh nhà báo nhà văn các cậu, cái gì các cậu cũng biết…nhưng mà cậu muốn biết điều chi?

– Thì đất mới gặp người đồng hương là vui rồi, mà bà Hoá lại bán hàng phục vụ nông nghiệp nữa, cháu nói có đúng không?

Ông An cười:

– Cậu nói cũng có phần đúng. Nếu mà ở ngoài quê thì không bao giờ tui ngó tới nhà đó…nhưng bây chừ ở đây, chuyện cũ như nước chảy mây trôi mất rồi!

Văn rắn mắc hỏi:

– Sao vậy chú?

– Cậu sinh sau đẻ muộn không trải qua nhiều cảnh ngộ thời chiến. Tui chứng kiến cảnh cha tên Vinh dẫn dân vệ vào nhà bắt cha tui, từ đó đưa đi đâu không biết…sống chết ra răng không biết! Phận làm con mà đến chừ không biết ngày chết của cha là ngày nào để cúng chén cơm, dĩa muối cậu thấy có… đau không?

Mắt ông An bỗng nhiên sụp buồn khiến Văn thấy ái ngại. Anh tự trách mình khi không lại lôi chuyện cũ ra làm gì để ông An buồn. Như nắm bắt được ý nghĩ của Văn, ông An nói tiếp:

– Mua bán thì tui cũng mua bán bình thường với chỗ bà Hoá, sau này là cô Chi… nhưng thân cận thì không bao giờ!

Ngừng một chút ông An nói tiếp:

– Nguyên nhân không chỉ chừng đó đâu cậu à, uyên nguyên của nó thì dầy dặn hơn nhiều. Để tui cho mượn cuốn gia phả nhà tui cậu đọc sẽ thấy… mà nó liên quan đến một phần lịch sử đó cậu Văn à!

Rồi ông An nhìn Văn cười cười:

– Nhân tiện thì tui nhờ cậu đánh máy vi tính cho gia phả nhà tui chớ cuốn chép tay này tui e để lâu không được…mà cậu là nhà báo nhà văn nên tui nhờ cậu “dò” cho kỹ thiệt kỹ chứ không đời sau hiểu sai thì phải tội!

Ông già “bản lãnh” thiệt, Văn nghĩ. Một hòn đá mà chọi được hai con chim mới khéo chứ. Nhưng là người vật lộn với chữ nghĩa anh thấy ông An chọn…đúng người, vả chăng Văn rất vui khi giúp ông An. Văn nói:

– Chú yên trí, chú chọn đúng người rồi. Cháu sẽ in cho chú mấy cuốn gia phả tuyệt đẹp để đến trăm năm hay hơn nữa cũng không xi nhê gì!

Sau lời cám ơn, ông An bắt qua chuyện khác không đá động gì đến bà Hoá ông Vinh nữa. Ông lục trong tủ trà ra một củ giống như củ gừng nhưng vỏ sần sùi, ông đưa cho Văn:

– Tui định biếu cậu thứ này lâu rồi nhưng không có dịp đưa. Đây là một thứ ngải, cậu uống rượu có say quắc cần câu chỉ cần nhai một lát củ này, dăm phút sau tỉnh như chưa từng uống rượu. Tui tặng cậu bởi cậu là nhà báo nhà văn!

Văn hỏi:

– Thiệt vậy hả chú?

– Nói nào ngay, thứ ngải này tui được mấy người Lạch quen biết cho lâu rồi, tui đã từng dùng kết quả thì khỏi nói. Vừa rồi tui phát hiện một cây củ này ở sau nhà….

3. Thung lũng tình yêu – 1970

Ông An mời:

– Trưa nay mời cậu ở lại dùng cơm với nhà tui, lâu quá không được nâng chén với cậu!

Nâng chén nghĩa là uống rượu, rượu mà uống buổi trưa nếu say thì mệt lắm, Văn thoáng nghĩ. Nhưng không, rượu ông An mời trưa nay chỉ đúng một chén con con mà thôi:

– Thứ rượu ni tui ngâm bằng trái dứa dại miền biển, nó có giá trị như thuốc nếu dùng đúng liều.

Cơm nhà nấu ngon quá. Gạo dẽo, ngọt. Thức ăn ngoài món cá rô phi chiên còn lại là sú luộc mềm chấm hột vịt dầm nước mắm, lấy nước thêm vô hai trái cà chua thành canh. Trên bộ xa lông nhìn ra một thung lũng, ông An rót nước chè tươi vào hai cái bát mời Văn:

– Mời cậu thời…. Bầy tui vô trong ni lâu rồi dưng mà vẫn thích uống nát trong cái bát đất thôi!

Bỗng dưng ông An nói giọng quê khiến Văn lấy làm ngạc nhiên, anh hỏi:

– Chắc chú nhớ quê?

Ông An nâng bát chè xanh lên nhấp một ngụm:

– Chuyến về thăm quê với anh Long khiến tui nhớ lại nhiều thứ, còn bây chừ tui lại nhớ chuyện ở đây. Hồi tui mới vô đây ở, vùng này đồi núi còn hoang sơ lắm không như bây giờ.

Ông An giơ tay chỉ xuống một thung lũng:

– Hồi đó Thung lũng Tình yêu ở dưới quả đồi trước mặt chứ không phải chỗ bây giờ đâu. Chỗ đó hồi trước bầy tui gọi bằng hồ Đa Thiện… nhưng mà vật đổi sao dời cũng là chuyện bình thường. Chiều chiều từng cặp nam nữ đến đây tình tự, ngày chủ nhật thì thanh niên nam nữ đến đây chơi đông hơn, họ cắm trại, ca hát rồi xuống hồ chữ S tắm. Vui lắm!

Ông An như chìm vào ký ức, Văn tôn trọng khoảng lặng của người già anh bâng quơ nhìn thung lũng tình yêu đích thực như lời kể của ông An. Cái hồ chữ S giờ không biết nằm đâu trong đoạn suối dưới lòng thung?

Ông An tiếp:

– Hồi đó tui quen với hai người, đó là một cô gái và một chàng trai. Cô gái chắc nhỏ hơn tui nhưng chàng trai thấy cứng cáp hơn tui. Anh ta có lẽ là một người lính qua cách đi đứng, nói chuyện của anh ta. Tui cũng có một thời đi lính nên không lạ gì tác phong này. Nhưng lúc đó tui lại trốn lính nên hơi ngại, người thanh niên thấy vậy nháy mắt với tui rồi nói:

– Trốn lính hả, kệ, hồn ai nấy giữ!

– Người thanh niên tên Đệ, người con gái tên Loan, họ chở nhau trên chiếc Honda S66 đến đây tình tự. Không như những người khác, Đệ và Loan đến thung lũng tình yêu hướng bên đất mới chứ không phải từ trên đồi đi xuống. Họ hay qua trại tôi ở xin nước uống, thỉnh thoảng cô Loan biếu tôi ít mận Trại Hầm hay vài trái ổi xá lỵ….

Một hôm không hiểu sao họ đến thung lũng tình yêu khá muộn, mây đen kéo kín trời. Họ chạy vội qua trại của tôi xin trú mưa, cô Loan đã ướt áo rồi. Mưa càng lúc càng hung, có lẽ mưa cả đêm không chừng. Tôi nấu cơm mời cô Loan và cậu Đệ ăn. Cơm dưa cà cá mắm thôi nhưng họ ăn ngon lành. Họ đành ngủ lại nhà tôi vì không thể về, mà qua 9 giờ tối là đến giới nghiêm…. Thời buổi chiến tranh, tuy ở đây chưa có gì là ác liệt nhưng tiếng súng cũng là một thứ tiếng quen thuộc. Nhà có mỗi cái giường tui định nhường cho khách nhưng anh Đệ nhứt quyết không chịu, họ xin ngủ trên bộ phản tôi dùng làm nơi ăn uống. Mưa đến khuya mới tạnh, sáng ra họ về sớm.

Từ đó tui không thấy họ lên thung lũng tình yêu nữa, không biết họ gặp chuyện gì….Trưa ni tui sực nhớ đến ông Đệ, cô Loan, tui kể cho cậu nghe cũng vì cậu là nhà báo nhà văn….Tính đến giờ cũng tròm trèm 40 năm mà tui thấy như mới ngày hôm qua!

4. Truyện ngắn Thung lũng Tình Yêu – 2010

Truyện ngắn Thung lũng Tình yêu Văn viết trong một đêm mưa….

Không biết ai cho địa chỉ của tôi mà anh tìm đúng phóc nhà tôi khi vừa về nước. Trông anh trẻ hơn tuổi sáu mươi của mình. Tôi ngắm anh trong chiếc quần jean, chân mang giầy thể thao, áo phông bỏ thùng. Còn anh thì nhìn tôi tủm tỉm cười. Anh nói:

– Trông cậu cũng vậy, không khác ngày trước mấy, có điều mập hơn một chút!

Tôi mời anh vào nhà, chưa vội ngồi ngay, anh nhìn quanh quẩn phòng khách rồi hỏi:

– Vậy chớ nhà cậu không treo ảnh gia đình hay bạn bè à?

Tôi trả lời trước kia em có treo nhưng năm rồi quét sơn lại em cất mấy tấm hình vào tủ không treo nữa. Anh hỏi sao vậy, treo hình gia đình mình cũng là một nét đẹp của người Đà Lạt mà, sao cậu lại cất đi, tiếc thật. Anh chậm rãi ngồi xuống bộ sa lông, tay anh mân mê tách trà nóng tôi vừa rót, anh nhấp một ngụm nhỏ rồi nói:

– Tôi có đem cho cậu một chút quà, để trong một cái túi xách nhưng xuống phi trường lại bị thất lạc mất, về đến mấy ngày mà vẫn không nghe hãng hàng không thông báo gì cả, cậu thông cảm.

Tôi nói anh về thăm quê là quý rồi còn quà cáp làm gì, của một đồng công một lượng. Tôi hỏi tiếp anh về được bao lâu, anh thấy quê mình giờ ra sao? Anh trả lời cậu cứ coi tôi như người xa lạ, cứ hỏi y như một công thức vậy, sao lại thế? Tôi ngạc nhiên anh ơi, ai về lại quê hương đều được người ta hỏi vậy mà, đâu riêng gì em? Anh cười, cậu biết không bên đó tôi tìm được hãng truyền hình có kênh VTV4, tôi không lạ thời sự trong nước đâu. VTV4 cũng chiếu cảnh Đà Lạt hoài, nhất là mấy kỳ Festival Hoa Đà Lạt, chà coi hoành tráng dữ. Mà thôi, tôi muốn rủ cậu đi chơi với tôi một chút được không? Tôi nói ô kê, anh chờ em xíu, em thay quần áo, anh em mình đi liền.

Con đường Thánh Mẫu trải bê tông nhựa nóng vòng vèo đưa tôi và anh đến Thung lũng Tình yêu. Anh cứ đòi đi chơi Thung lũng Tình yêu trước, các chỗ khác đi sau hoặc không đi cũng được, nhứt định phải đi Thung lũng Tình yêu thôi cậu. Tôi mua 2 chiếc vé, anh theo tôi đi qua cánh cổng và vào khu du lịch. Anh ngắm những loài hoa trồng trong những tiểu cảnh, anh nói ở Chicago hoa trên phố nhiều và đẹp hơn ở đây, họ trồng cũng nghệ thuật lắm nhưng hoa ở bên nhà thân quen hơn. Tôi hỏi thân quen là sao anh? Anh đáp như là của mình vậy mà, tôi ngắm hoa không thấy xa lạ, còn bên kia hoa đẹp đó nhưng khi nhìn tôi thấy cứ như người dưng! Về lại Đà Lạt, anh nói thêm, tôi muốn cậu chỉ cho tôi vài loài hoa dại được không? Tôi nói em cũng biết vài loài hoa dại tỷ như Bồ công anh. Anh ngắt lời hoa Bồ công anh màu vàng phải không, tôi biết hoa này, nhưng tôi muốn cậu tìm cho tôi mấy loài hoa không tên kia. Tôi ngạc nhiên hoa không tên ở Đà Lạt cũng nhiều nhưng anh muốn biết loài hoa nào?.

Anh kể “ngày trước, tôi hay lang thang trên đồi cỏ bằng chiếc xe 67, lúc mỏi tay lái tôi tắt máy ngồi xuống bãi cỏ xanh, bên dưới là Thung lũng Tình yêu. Cậu biết không tôi thấy nhiều loài hoa dại mọc rải rác trên đồi. Có một loài hoa màu vàng, cánh hoa chỉ nhỏ bằng móng tay út trẻ con, tôi hỏi một cậu chăn bò đi ngang qua đó là loài hoa gì? Cậu nhỏ nói chú không biết sao, cây này có củ ăn được nó dẻo lắm, tụi cháu kêu là củ dẻo. Tôi chỉ một loại hoa khác, màu trắng, thằng nhỏ trả lời chú nhổ lên đi củ này ăn cũng được nó giống như củ sắn vậy. Tôi nhổ cây hoa lên, quả vậy củ này ăn hơi giống củ sắn, nhưng nó nhỏ chỉ bằng hột đậu phụng. Thằng nhỏ nói chú coi, nó giống hột mưa đá, tụi cháu kêu là cây mưa đá. Còn chú thấy cây ăn ruồi không? Thằng nhỏ chỉ vào một cây, hoa của nó tựa như cái lạp xưởng, màu đỏ có nắp đậy. Thì ra là cây ăn thịt. Tôi nhìn vào bên trong thấy một số bộ phận của ruồi và kiến đang bị tiêu hóa”. Anh tiếp:

– Đó, tôi muốn hỏi cậu mấy loại hoa đó?

Cũng là người Đà Lạt, nhưng tôi chịu chết không biết mấy thứ hoa lạ như anh kể. Anh và tôi đi lên đồi rồi theo con dốc xuống hồ, vừa đi chúng tôi vừa nhẩn nha ngắm cảnh, thỉnh thoảng anh lại bình luận vài câu. Đến cửa đập nước, hồ này nguyên là một con suối bị chận lại, nước dâng lên thành một cái hồ, anh ngừng chân:

– Tôi e cậu lầm mất rồi, đây là hồ Đa Thiện, còn Thung lũng Tình yêu bên kia kìa!

Tôi giải thích anh nói đúng, bây giờ hồ Đa Thiện nhập vào Thung lũng Tình yêu rồi, người ta gọi chung khu vực này là Thung lũng Tình yêu. Anh ngỏ lời muốn tìm lại Thung lũng Tình yêu ngày xưa kia. Tôi ngẫm nghĩ, muốn vậy anh và em phải qua Đất mới, mà chỗ đó giờ người ta làm vườn cả rồi anh ơi.

Anh ngồi xuống bãi cỏ xanh. “Hồi đó chiều thứ bảy tôi thường ra Thung lũng Tình yêu chơi. Tôi dựng xe trên đồi và đi bộ xuống Thung lũng. Tôi còn nhớ dưới thung lũng có một con suối nước trong veo thấy cả mấy con cá lòng tong đang bơi. Lau sậy mọc ken dầy ở một vài đoạn, trên bờ là những bãi cỏ xanh, trên đồi thông vi vu, khung cảnh hữu tình lắm….”. Tôi hỏi ngang anh đi một mình hay hai mình hả? Anh cười:

– Tôi đi chơi với bồ, ai lại đi một mình ra Thung lũng Tình yêu bao giờ, mà thôi cậu để tôi kể tiếp cho cậu nghe.

… Bữa đó tôi dựng chiếc 67 trên đồi khóa cẩn thận rồi dìu Hương đi xuống Thung lũng. Hương người Sài Gòn lên đây trọ nhà người bà con đi học, em học trường nữ trung học Bùi Thị Xuân, còn tôi học trường nam trung học Trần Hưng Đạo. Chiều thứ bảy Hương mới được phép ra ngoài chơi. Tôi hay đưa Hương đi chơi và chở em về tận nhà trước bữa cơm chiều. Bấy giờ tôi mười chín tuổi, Hương thua tôi hai tuổi. Hai đứa tôi quen nhau từ năm tôi vào lớp đệ tam, tôi tình cờ gặp Hương tại nhà một người bạn. Đó là mối tình đầu của tôi và cũng là cuối cùng. Cậu ngạc nhiên ư? Bên Mỹ tôi cũng có bạn gái nhưng chỉ là bạn thôi, đến giờ tôi vẫn sống độc thân, ráng đi làm thêm mấy năm nữa rồi về hưu, chắc là lại nhờ cậu kiếm cho tôi một căn nhà nhỏ để tôi có chốn đi về.

Anh cười héo hắt nói tiếp “Cóc chết 3 năm quy đầu về núi, ông bà ta nói cấm có sai cậu à?”. Anh im lặng một chút, bỗng đâu tiếng chim hót véo von vang lên, một đôi chim te te tờ huýt vừa bay vừa hót. Anh nói tiếp, tôi kể đến đâu rồi nhỉ? Phải, bữa đó tôi dẫn Hương ra Thung lũng Tình yêu chơi, buổi chiều nắng vàng, trời trong mây xanh mà lại vắng người, rất hợp ý tôi. Cậu biết tôi rắp tâm làm điều gì không? Ai mà biết được, tôi nghĩ, trong đầu tôi xuất hiện một cảnh phong tình. Chắc là ổng lại rắp tâm làm hại đời cô thiếu nữ tên Hương chăng? Trong đầu tôi xuất hiện liền tù tì mấy tình huống. Chẳng là tôi ám ảnh bởi biết bao chuyện xấu xa diễn ra. Báo chí nói đầy, các ông nhà báo kể chi tiết những chuyện hảm hại đời con gái người ta cứ như là đang chứng kiến vậy. Chớp mắt thôi mà sao tôi lại nghĩ được nhiều chuyện đến vậy chứ? Chắc anh cũng vậy, chẳng là anh đang rắp tâm đó sao?

Anh hắng giọng. “Tôi rắp tâm tỏ tình với Hương bên bờ suối, chỗ con suối lượn lờ hình chữ S, chúng tôi gọi là hồ chữ S”. Chỉ vậy thôi sao, tôi nghĩ, có ghê gớm gì đâu, nhưng tôi không lộ ra mặt. Anh tiếp “tôi mất đến hai năm trời để nghiền ngẫm ba chữ thôi mà không nói được, chiều nay nhất định tôi phải nói với Hương, tôi nghĩ như vậy. Khi hai đứa ngồi xuống bờ suối, Hương đung đưa chân nghịch nước, nước bắn tung tóe ướt cả áo tôi. Tôi hít một hơi dài, nắm bàn tay em rồi nói:

– Hương, anh muốn nói với em một điều?

Hương ngước mắt nhìn tôi:

– Anh nói đi, em nghe?

Tôi nói:

– Anh…anh yêu em!

Hương cười:

– Em tưởng anh nói điều gì khác kia chứ chuyện ấy em biết từ lâu rồi!

Tôi sửng sốt nhìn Hương không nói tiếp được một tiếng nào. Hương lại cười, nụ cười của em làm tôi chết mệt. Em nói:

– Em đọc trong mắt anh điều đó từ lâu rồi, anh không tin sao?

– Không, anh tin chứ, có điều em…em có….

Hương nghiêm mặt:

– Em chưa biết, nhưng em đang chờ anh chứng tỏ tình cảm của mình đối với em!

– Anh phải làm sao để em hiểu tình cảm anh dành cho em?

Hương nói:

– Em không biết!”

5. Tiếp tục Thung lũng Tình yêu – 2010

Anh ngừng ngang câu chuyện đang kể. Nãy giờ tôi chú ý đến chuyện tình của anh, nó không nhạt phèo như cách vào chuyện. Cô Hương ấy cũng cá tính dữ, tôi nghĩ. Đề bài cô dành cho anh không hóc lắm nhưng chắc là phải có nhiều lời giải, tôi đâu biết được tính cách con người của cô Hương? Tôi giục:

– Anh kể tiếp đi?

“Cậu biết không, tôi dìu Hương lên đồi, chiếc 67 tôi khóa cẩn thận vậy mà không cánh mà bay. Tôi vừa tiếc của vừa bực tức và tội nghiệp Hương vì phải đi bộ về nhà, đâu ít gì gần bảy cây số! May mà tụi tôi vẫy được chiếc xe lam chạy từ Đa Thiện về phố. Xe ngừng ở bến đường Tăng Bạt Hỗ, tôi đưa Hương về nhà tận Xuân An cách bến chừng hơn cây số rồi lội bộ về nhà. Mới đi qua rạp Ngọc Hiệp, một toán cảnh sát áo trắng chặn tôi lại. Sau cái chào là màn hỏi giấy. Tôi làm gì có giấy Hoãn dịch nên méo mặt leo lên chiếc xe GMC chờ sẳn. Tụi nó tập trung đám thanh niên bị bắt lính ở một ngôi nhà to gần ngã ba chùa, đâu như trước kia là Hợp tác xã rau gì đó. Bọn cảnh sát phát cho mỗi người một ổ bánh mì và nói sáng mai sẽ thanh lọc, ai có giấy tờ gì thì nhắn người nhà mang xuống. Tôi nhìn ngang nhìn ngửa, cố tìm người quen qua cánh của chớp của ngôi nhà. Tin lành đồn xa, tin dữ cũng đồn xa, thân nhân của đám thanh niên bị bắt kéo đến tìm người nhà mình. Người thì đưa giấy tờ, người thì tiếp tế thức ăn hoặc đưa quần áo, chăn màn…. May quá, tôi nhìn thấy chú Sáu bạn của cậu tôi, chắc chú cũng có con bị bắt như tôi vậy! Sau này nghĩ lại, nếu hôm đó tôi đừng gặp chú Sáu thì đời tôi có lẽ không phải lang bạc tận xứ người….”

Tôi ngạc nhiên với lời tự sự của anh, định hỏi nhưng thôi. Đúng vậy, sau một chặp im lặng anh nói tiếp. “Tôi biết chắc mình dính chấu rồi, tôi 19 tuổi đang học lớp 12 thì ai cấp cho tôi Giấy Hoãn dịch chứ? Nếu chỉ có cái căn cước, tôi sẽ bị hốt xuống Trung tâm Huấn luyện Quang Trung ở Hóc Môn, 3 tháng sau thì ra trường tôi sẽ bị tống ra sư đoàn 22, 23 gì đó. Cậu à, tôi biết làm thằng lính khổ như chó, nên khi gặp chú Sáu tôi mừng lắm, tôi nhắn chú nói mẹ tôi tìm cho tôi cái bằng Tú tài 1 để mai tụi nó thanh lọc, tôi đưa ra chắc là được đi học Thủ Đức. Ở Thủ Đức tôi gởi thư cho Hương có đề địa chỉ KBC 31….đàng hoàng, vậy mà không nhận được hồi âm của em. Sáu tháng ở quân trường, tôi ra trường với cái lon chuẩn úy rồi bị đưa ra sư đoàn 23. Cậu phải biết, vùng Bình Định nơi tôi đóng quân chiến tranh ác liệt lắm, tôi chẳng muốn đánh đấm chút nào, nhưng guồng máy chiến tranh nó lôi nghiến tôi đi. Tôi cũng bị thương vài lần may mà nhẹ, còn mạng mang về. Mấy năm ở lính tôi biên thư cho Hương nhưng vẫn biệt vô âm tín. Hết chiến tranh tôi rã ngũ chạy về Đà Lạt, ra trình diện rồi đi Sông Mao học tập mất mấy năm. Cậu biết rồi đấy, những năm đó khó khăn quá, tôi không có một chút tin tức nào của Hương. Ra trại, tôi về nhà, làm nghề tự do. Tôi mua mấy cái tăng phô đèn nê ông đôi của Mỹ tháo ra mang xuống Nha Trang bán cho mấy tàu đi đánh cá đêm. Cứ vậy tôi sống cũng không đến nỗi nào. Hàng tháng tôi lên Đồn Công an trình diện, may gặp được ông Trưởng đồn thông cảm không làm khó. Rồi có chương trình HO, tôi đăng ký đi HO5, trước khi đi tôi có qua nhà chào cậu, nhưng cậu lại đang đi học ở Sài Gòn. Qua Mỹ, tôi đi học lại lấy được cái bằng kỹ sư cơ khí rồi đi làm đến giờ. Lần lữa mãi, năm nay tôi mới về…”.

Anh ngừng ngang câu chuyện, tôi cũng im lặng và nhớ lại cái lần quen anh cách đây cũng rất lâu. Chiều hôm đó tôi đang trên đường về, tôi đi băng ngang con đường xuyên mả thánh số 4 gần ấp Hà Đông. Tôi dắt chiếc xe đạp cà tàng vừa đi vừa dòm hai bên đường. Trời mới mưa xong, cơn mưa đầu mùa xua đi bao nóng nực. Tôi không chú ý đến cái chuyện mát mẻ của không khí đầy hơi nước chung quanh, tôi chú ý đến…những con bọ rầy. Đầu mùa mưa, bọ rầy sinh sôi rất nhiều, chiều chiều chúng ưa bám vào những ngọn thông non để kiếm ăn. Kia rồi, một cây thông non bị bọ rầy bu kín. Tôi vứt chiếc xe đạp mặc cho nó ngã chỏng chơ, tôi bắt bọ rầy bỏ vào chiếc túi ny lông tái sinh màu xám nhờ nhờ tôi mang theo và cất trong cái túi vải treo trên đòn dông xe đạp. Tôi mê mải bắt bọ rầy, hết cây thông ngày đến cây thông khác, hết chỗ nhốt bọ rầy trong túi ny lông, tôi không ngần ngại mở nắp lon ghi gô đựng cơm trưa ra bỏ bọ rầy vào. Khi tôi ngẩng lên tôi thấy anh. Anh cười làm quen:

– Cậu bắt bọ rầy làm gì vậy?

Tôi cũng cười với anh, tôi nói “em đem thứ này về nuôi vịt”. Tôi giải thích thêm, bầy vịt của em tăng gia khoản chừng ba chục con, thứ này đem về cho vịt ăn, chúng mau lớn lắm. Anh biết không, em còn đi đào trùn cho vịt ăn nữa đó, đầu mùa mưa, trùn nhiều lắm. Vui miệng tôi nói “vịt cũng như người vậy anh à, lâu lâu cũng phải có chất tanh chúng mới lớn. Thỉnh thoảng chừng hai ba tuần, em mần một con để cải thiện”. Anh nói vậy sao, cậu có vịt ăn là nhất rồi. Tôi cười lặng lẽ không đáp, không lẽ tôi lại kể anh nghe cùng lắm tôi chỉ gặm được cặp chân, còn phần thịt lóc ra băm nhỏ dành cho thằng con ăn dần, nó cần thịt để lớn chứ trông vào 3 lạng thịt hàng tháng của tôi mang về sao được? Anh nói hay là cậu ghé nhà tôi, nhà tôi có cái hồ đang bỏ hoang cỏ mọc đầy nhưng rất nhiều ốc, cậu bắt về cho vịt ăn, mà món ốc bươu luộc cũng ngon lắm đó. Câu chuyện tôi quen anh chỉ có vậy, tôi đến nhà anh bắt ốc về nuôi vịt, có một lần anh và tôi cũng lựa những con ốc to hấp xả lai rai với nhau ly rượu khoai mì. Rượu nấu từ khoai mì nặng và uống xong thì nhức đầu kinh khủng, nên tôi không uống thêm với anh lần nào nữa, vậy là bầy vịt được hưởng lợi. Quả chúng có chất tanh nên mau lớn lắm, thằng con tôi cũng vậy, nó phổng phao nhờ bầy vịt tôi nuôi chứ cái thứ sữa con chim toàn đường là đường là tiêu chuẩn của trẻ con đâu làm cho nó lớn? Mới đó mà đã mấy chục năm, thằng con tôi đã vào đại học, ra trường, đi làm, có vợ và sắp có con. Vài năm nữa tôi cũng về hưu, vui tuổi già. Già rồi sao, nhanh quá vậy, đôi khi tôi tự hỏi mình như vậy. Tôi nhớ, có lần tôi ghé thăm anh, nói thăm cho ra vẻ chứ tôi muốn bắt ốc là chính. Tôi còn mang vài cái trúm trong đó đựng trùn thối, biết đâu trong cái hồ hoang của anh có lươn? Tôi tìm quanh không thấy anh đâu, cửa nhà không khóa, gọi anh không trả lời. Tôi đẩy cửa bước vào nhà. Anh nằm trên bộ phản, mắt nhắm nghiền. Tôi lay gọi, anh không trả lời, người anh lạnh ngắt. Anh bị trúng gió. Tôi lục tủ tìm chai dầu gió đánh gió cho anh. Lưng anh bầm đen, anh mở mắt nói “cám ơn cậu”. Tôi nấu cho anh nồi cháo hành, hối anh ăn nóng cho ra mồ hôi mau hết bệnh. Nhìn anh ăn nhỏ nhẻ như một đứa trẻ con tôi phì cười. Anh hỏi sao cậu lại cười. Tôi nói lý do, anh trả lời lắm khi tôi muốn mình là trẻ con mà cũng không được, trẻ con là khoảng thời gian sung sướng nhất đời đó cậu.

Vậy mà mấy chục năm trôi qua, giờ anh về, anh và tôi đã qua cái tuổi tri thiên mệnh. Tôi hơn anh một chút, tôi có một gia đình, không giầu gì nhưng cũng không đến nỗi. Còn anh, trơ trọi một mình, nghĩ cũng tội. Chúng tôi ra về, khi đi ngang qua cổng khu du lịch, tôi gặp chị Sáu, chị họ tôi đang bán củ bông huệ. Tôi chào chị, chị hỏi:

– Cậu đi đâu vậy, chà sung sướng dữ ra khu du lịch chơi à?

Tôi nói đâu có em đưa ông bạn bên Mỹ về thăm lại chốn xưa thôi chớ mấy khi mình ghé vô khu du lịch hả chị, Bụt chùa nhà không thiêng mà! Chị chép miệng:

– Cậu nói đúng ít ai ở thành phố du lịch mà đi chơi mấy khu du lịch, toàn người ở xa tới không hà!

Lúc đó anh đang hỏi mua cái mũ cao bồi bằng da, hình như anh thích thứ mũ này lắm. Lúc nãy anh mượn mũ của tay cho thuê ngựa rồi hối tôi chụp cho anh tấm hình. Giờ thì anh mua mũ chắc là đem về Mỹ. Anh đang chọn màu, anh lưỡng lự giữa mau đen và màu cam. Anh gọi tôi cậu ơi màu nào hợp với tôi? Bất ngờ anh buông cái mũ, anh hối hả bước tới chỗ tôi:

– Hương, Hương….

Anh nhìn sửng, bà chị Sáu của tôi mặt như hóa đá. Chị Sáu cũng nhìn lại anh, đôi mắt chị long lanh, long lanh….Trong một cái chớp mắt, tôi vụt hiểu tất cả. Anh và chị Hương, câu chuyện trùng phùng của hai người yêu nhau xưa như trái đất! Tôi để mặc hai người, tôi ra về trước, sự có mặt của tôi giờ vô duyên quá. Bà chị Sáu của tôi chồng chết từ lâu, không con tự kiếm sống bằng nghề buôn củ bông ngoài cổng Thung lũng Tình yêu. Chị chắp nối lại với anh cũng là chuyện bình thường. Còn anh trở về Mỹ một mình cũng là chuyện bình thường hay anh có lấy chị Hương cũng là chuyện bình thường. Bình thường, bình thường….vừa chạy xe tôi nghĩ bình thường về họ như vậy đấy.

Vậy mà chuyện của họ không bình thường chút nào. Anh không về Mỹ, không lấy chị Sáu, anh chết vì một cơn nhồi máu cơ tim! Anh rời xa Đà Lạt từ lâu, lang bạt kỳ hồ rồi về chết tại nơi anh sinh ra đúng như câu nói gỡ của anh “Cóc chết ba năm…”. Hôm mở cửa mả cho anh, chỉ có tôi với chị Sáu. Ngồi bên đống lửa trong chiều tà ở nghĩa trang Thánh Mẫu, chị Sáu và tôi chắc là ủ dột lắm. Bây giờ chị mới hỏi tôi:

– Em ơi, giờ mọi chuyện đã kết thúc, cái số chị vậy, không sống đời với ai được lâu, chị hỏi khi không phải, có phải thím không đưa thơ của anh cho chị?

Tôi lặng lẽ gật đầu, tôi kể, mẹ em nói để cho con Hương nó học, yêu thương sớm không tốt. Mẹ đâu biết em cũng đang yêu, em rình mẹ đi vắng lấy thư anh viết cho chị ra đọc. Ban đầu chỉ là tò mò, sau em chép lại gần như nguyên văn thư của anh gởi chị. Thư tình anh viết hay quá, Hương cứ như mất hồn khi đọc thư tình em viết, cô ấy đâu biết nỗi nhớ nhung ấy là của anh gởi chị. Mà em cũng mới biết chuyện hôm rồi ở Thung lũng Tình yêu, em ân hận quá!

Chị Sáu quay qua tôi nói:

– Thôi cậu, cái số chị nó vậy mà, cậu chép thư tình của anh gởi cho mợ phải không? Rồi chị tiếp:

– Cuối cùng bức thư cũng có người đọc, mà không phải chị. Bây giờ bọn nhỏ yêu nhau có viết thư tình không cậu?

Làm sao tôi biết được, tôi đâu phải là “bọn nhỏ”. Câu hỏi của chị lọt thỏm vào cái không gian hoang hoải của buổi chiều tà.

7. À à… được được – 2010

Đại tá Lê Chí Long nhìn đống bản thảo để trên bàn gương mặt lộ rõ vẻ ưu tư. Công việc “bếp núc” của một tờ tạp chí văn nghệ ra hàng tháng chiếm hết thời giờ của ông. Tuy đã về hưu nhưng bạn bè, nhất là giới văn nghệ sĩ vẫn gọi ông là đại tá, cấp hàm cuối cùng ông mang sau mấy chục năm phục vụ quân đội. Ông Long nhận được điện thoại của nhà báo Văn Văn xin gặp ông một lát. Ông thầm trách “anh em văn nghệ với nhau chứ có phải quan chức đâu mà cậu ấy giữ kẽ thế không biết”. Văn lại nghĩ khác, ông Long tuy là văn nghệ sĩ nhưng ông xuất thân từ quân đội nên nền nếp, tác phong của ông vẫn giữ như hồi ở lính, giờ nào việc đó rõ ràng. Còn Văn nhiều khi sa đà, hay chuyện nên nhiều khi anh tự nhận mình khá…vô duyên!

Nghe tiếng Văn gõ cửa, ông Long lên tiếng:

– Cậu Văn à…mời vào!

Ông pha bình trà mới tiếp khách với từng cử chỉ cẩn thận, động tác tráng ấm, châm nước vào các chén rất thuần thục khiến Văn thích thú, anh mở lời:

– Mỗi lần vào phòng anh là được uống chè Thái, còn ở nhà em “chơi” toàn nước lọc, lên nhà chú An lại được chú mời nước chè tươi, đúng là phong vị mỗi nơi mỗi khác!

Ông Long cười:

– Tôi quen uống trà Thái từ hồi còn ở miền Bắc, hôm nào không uống là thấy nhạt mồm nhạt miệng. Sao cậu gặp tôi có chuyện gì?

Văn nhìn ông Long:

– Em định hỏi xin anh một cuốn tạp chí Lâm Viên số tháng rồi không biết có được không?

Mặt ông Long lộ rõ vẻ ngạc nhiên:

– Tưởng cậu có ý gì chứ chuyện đó nhỏ mà, cậu biết đấy kinh phí cấp ngày càng khó, tạp chí in ra chủ yếu biếu cho hội viên và các đồng chí lãnh đạo ngành nên số lượng tạp chí đưa ra ký gởi ở các nhà sách, sạp báo ít lắm! Tôi cứ tưởng cậu đề xuất một phương án nâng cao chất lượng và đẩy mạnh việc phát hành tạp chí văn nghệ của tỉnh đến người đọc rộng rãi chứ!

Văn cười:

– Anh ơi chuyện “quốc gia đại sự” đâu đến phần em? Nhưng em xin được chia sẻ với các anh tâm nguyện đưa văn học thâm nhập vào đời sống của đông đảo người dân. Chắc ta chưa tìm ra đúng “chìa khoá” để mở cánh cửa đến với bạn đọc chứ không lẽ văn hoá đọc đã…chết như một số ý kiến bi quan trước sự lớn mạnh của mạng phải không anh?

Rồi anh tiếp:

– Số tháng rồi các anh cho cái truyện ngắn Thung lũng Tình yêu của em “đi”, tác giả có một cuốn tạp chí biếu nhưng em xin thêm một cuốn để tặng cho chú An, người kể em nghe một câu chuyện giúp em lấy cảm hứng viết nên truyện ngắn này!

– Tôi nghe anh Chu nói có truyện của cậu khi duyệt nhưng mải đến khi đem tạp chí từ nhà in về tôi mới rảnh để đọc!

Nhìn Văn với ánh mắt lạ, ông Long hỏi:

– Cậu quê ở đây sao, hồi trước tôi ở miền Bắc nên không biết được những chi tiết cuộc sống trong này, anh Chu thường trao đổi với tôi một truyện ngắn hay phải có tình tiết hay, tôi thấy tình tiết trong Thung lũng Tình yêu giống như cậu là người trong cuộc?

Văn cả cười:

– Quê của em có thể nói là Đà Lạt cũng được mà không phải cũng được. Còn như anh nói em giống người trong cuộc thì một phần do em nghiên cứu, một phần do mẹ em kể…mà thôi, chuyện này dông dài lắm, em định hỏi anh một ít chi tiết về dòng họ nhà anh, được không anh?

Ông Long lộ rõ vẻ ngạc nhiên:

– Dòng họ nhà tôi?

– Đúng vậy anh ạ!

Văn đem chuyện cuốn gia phả ông An cho anh mượn xem đồng thời nhờ anh đánh máy vi tính và in giúp ông kể cho ông Long nghe. Văn kết luận:

– Em mới đọc sơ qua, thực ra đây là cuốn phả ký khá vắn tắc, đôi chỗ còn pha trộn một chút huyền thoại nữa anh ạ!

Ông Long cảm động:

– Chú An giỏi quá, bỏ quê vào đất mới lập nghiệp mà còn mang được cuốn phả ký theo. Tôi là nhánh trưởng nhưng lại không có những tư liệu đó, chỉ có một số ký ức mà thôi!

Ông nhấp một ngụm trà rồi nói tiếp:

– Cậu in xong tặng tôi một cuốn được chứ?

– Tất nhiên rồi, em xin đại diện chú An tặng anh chị và các cháu một cuốn Phả ký dòng họ Lê!

Bây giờ em xin hỏi anh số ký ức dòng họ nhà anh, được chứ?

Ông Long vui vẻ ra mặt:

– À à…được được, cậu muốn hỏi điều gì trước?

8. Nhà nông đọc truyện – 2010

Ông An lạ lẩm cầm cuốn tạp chí Lâm Viên trên tay. Sáng nay anh nhà văn nhà báo Văn chạy lên nhà ông rất sớm để biếu ông cuốn tạp chí này rồi đi liền sau khi nói:

– Cháu biếu chú cuốn tạp chí mới nhất đọc chơi, trong này có cái truyện ngắn Thung lũng Tình yêu cháu mượn chuyện chú kể viết thành truyện ngắn này!

Ông An bận xuống vườn bơm thuốc đám cải thảo nên để cuốn tạp chí trên bàn phòng khách, ông định trưa nay ăn cơm xong sẽ đọc. Vườn cải thảo đang “trải” trông khá bắt mắt vậy mà những con sâu tơ tự nhiên xuất hiện. Làm vườn trồng rau chữ thập (loại rau có gân lá ngang và dọc giống chữ thập– tác giả) mà mắc loại sâu này nhiều khi vô phương cứu chữa. Đó là chuyện ngày trước, khi thuốc sâu hoá học xuất hiện trên đồng đất Đà Lạt. Nông dân mừng vui khi bơm những loại thuốc hiệu Mytox thấy sâu tơ chết thảm sầu trên những miếng vườn rau cải. Niềm vui dài chẳng tày gang, chừng một năm sau, gặp mùa sâu nở trên vạt sú đang “vô khuôn” (cuốn), nhà vườn bơm liền tay cũng loại thuốc sâu đó nhưng sâu…không chết mà dường như nó còn mập mạp hơn trước! Họ đâu biết rằng sâu lờn thuốc, hãng chế tạo phải tìm ra loại thuốc sâu hoá học mạnh hơn thì mới diệt được đám giặc tàn phá mùa màng. Và cứ thế vòng luân hồi phát triển, ngày càng tăng tốc làm nhà vườn chóng mặt khi phải chạy theo nhà sản xuất!

Ông An nhớ lại ngày xa xưa, ông nghe ông Hai Phong kể rằng hồi chưa có giống sú NS Cross của Nhật, dân Đà Lạt trồng giống sú nồi của Pháp, sâu cũng có nhưng chỉ là loại sâu xanh, to bằng cọng đũa nên dân làm vườn vạch lá bắt sâu hàng ngày. Giống sú nồi còn gọi là sú “tuya”, cây con được chiết ra từ gốc cây mẹ rồi “dâm” thành cây giống mang ra rò (luống, rộng cỡ 1, 2 – 1, 4 mét, dài theo lô đất) trồng. Bây giờ giống sú NS gieo bằng hột, tiện lợi vô cùng nhưng giống phải mua của nước ngoài. Và đồng thời sâu tơ xuất hiện, giống sâu này chỉ nhỏ như hạt gạo Mỹ dài ngày trước, thả một sợi tơ tòn teng chính là lúc sâu đẻ trứng, nhìn rò sú hay cải thảo bị sâu “đánh” tơi tả ai chẳng đau lòng?

Nay chuyện sâu lờn thuốc hoá học đã trị được phần lớn. Người làm vườn đã biết sử dụng thuốc sinh học không độc khi đến tay người ăn, lại có thứ thuốc làm từ bào tử khi bơm vô cây nó sẽ sinh ra một loại “trùng” chuyên tấn công sâu. Ông An thán phục các nhà khoa học vô cùng, ngay cả máy bơm bây giờ cũng khác xưa, dùng sức cơ bắp để tạo thành áp lực là “xưa” rồi, người ta chế máy chạy bằng mô tơ phun ra những hạt nước chứa thuốc nhỏ li ti thành một làn sương bám vào tất cả ngóc ngách của cây trồng. Con sâu có chạy đằng trời….

Buổi trưa ăn cơm xong ông An lên nhà trên uống chè xanh đọc sách. Cái này lạ nghen, vợ ông dòm lén lên nhà rồi nghĩ thầm như vậy. Ông An không để ý đến chuyện gì khác, ông uống một ngụm nước chè xanh rồi tìm ngay đến trang thứ 12 đọc truyện ngắn Thung lũng Tình yêu mà anh nhà văn nhà báo giới thiệu. Ông đọc một lèo hết 6 trang giấy trắng tinh, chữ màu đen khá nhỏ, trang 18 có vẻ hình một cặp tình nhân ôm nhau ngồi bên bờ suối, nét vẻ sinh động như cảnh thật!

Nếu tính từ hồi ông rời ghế nhà trường, đây là lần đầu tiên ông An đọc truyện, một truyện ngắn đàng hoàng. Ông An lấy làm lạ, hôm trước khi Văn ghé chơi nhà, ông đã kể chuyện cặp đôi Đệ Loan cho Văn nghe. Đó là sự thực, ông không thêm thắt chút nào. Đêm đó, trong tiếp mưa rơi lộp bộp trên mái tôn khu nhà trại, nơi ông ở tạm để chờ thời, ông nghe tiếng thở dồn dập của anh chàng Đệ và cô nàng Loan. Chuyện gì đã xảy ra với họ, ông không nghĩ ra nhưng sáng hôm sau ông thấy cô Loan hơi …dị dị. Cô Loan dị chuyện gì với mình, lúc đó ông chịu không hiểu được cho đến khi ông lấy vợ thì mỗi khi nhớ lại chuyện này ông vỡ vạt hẳn ra những nghi vấn ngày xưa….

Tự nhiên khi không lại xuất hiện một tay xưng tôi, là sao? Ông không bao giờ xưng tôi, tiếng tui nghe đằm thắm hơn nhiều. Rồi ông Việt kiều ở đâu lại xuất hiện, hay là anh chàng Đệ sau này vượt biên hay đăng ký đi diện HO? Đúng rồi, cảnh tả trong truyện giống như những gì ông thấy hồi đó, chỉ khác Đệ Loan đến thung lũng tình yêu tình tự bằng lối đường Đất mới chứ không phải từ trên đồi đi xuống để bị mất chiếc xe 66. Cái tay này hay thiệt khi tả cảnh bị bắt lính. Hồi đó mình cũng bị bắt như vậy, nhưng ông không có mảnh giấy tờ lận lưng nên “người ta” cho ông đủ 18 tuổi rồi bắt đi học quân trường….

Ông lại nghĩ đến cô Loan. Quái, chắc cậu Văn lộn chứ sao lại là Hương? Ông Việt kiều không thấy cậu Văn nhắc tên, chỉ có cô bồ cũ của ổng sau mấy chục năm mới gặp lại, mà sao lại tên Hương?. Thiệt là tội nghiệp, mà cô cũng có chồng nhưng chồng cổ chết, con thì không…tội thiệt! Bỗng nhiên một tia sáng loé lên trong đầu ông An, đúng rồi cô đó tên là Hương Loan, cậu Văn ác thiệt tự nhiên bỏ mất chữ Loan để ông phải đoán già đoán non mới phát hiện ra….

Cô Hương Loan đang bán củ bông ở trước cửa khu du lịch Thung lũng Tình yêu, hôm nào rảnh mình phải ghé qua thăm cổ mới được, bốn mươi năm rồi còn gì, mình rủ cổ đưa mình lên nghĩa trang đốt cho anh Đệ một nén nhang….

Cái cậu Văn này, quen hai người mà lại không kể đi viết ra chi vậy cho mất thì giờ. Hôm nào Văn lên chơi phải phạt hắn ba ly mới được.

Ông An chìm vào giấc ngủ trưa, trong mơ ông thấy mình cỡi chiếc xe 66 màu đen dũng mãnh lướt trên những ngọn thông ở Thung lũng Tình yêu!

9. Ký ức – 1970

Đọc xong truyện ngắn Thung lũng Tình yêu trong lòng ông An bỗng nhiên nhớ lại một thời tuổi trẻ. Tuổi trẻ và tình yêu luôn gắn vào nhau nhưng tuổi trẻ của ông An lại chưa hề thưởng thức những phút giây tình tự như cặp đôi Đệ Loan. Khi ông An kể cho Văn nghe chuyện của họ, trong lòng ông xuất hiện một thứ cảm giác lạ lẫm. Nay cảm giác đó càng đậm nét hơn sau khi ông đọc xong chuyện của họ và sau giấc ngủ trưa ngắn ngủi….

… Thằng nhỏ An ở nhà có tên là Tộ ngày ngày theo mạ đi xúc chắt chắt nên đen nhẻm. Tộ không để ý đến chuyện này, ngoài giờ đến trường Tộ còn giúp cho mạ nhiều chuyện khác. Tộ rất thương em gái, con Tích cũng thương anh không kém, hai anh em thường chơi chung với nhau những trò chơi mà bọn con trai con gái trong làng hay tụ tập tại khoảng đất trống trước sân đình.

Cuộc sống nghèo khó nhưng tràn ngập tiếng cười không kéo dài được lâu. Chiến tranh như con quỷ khát máu xuất hiện tại làng quê thanh bình với nhiều bộ dạng, đôi khi lại là những khuôn mặt cười. Danh sách người bị chính quyền Quốc gia bắt ngày càng dài với đủ thứ tội danh, cha Tộ chỉ là một trong số những người không thấy trở về. Xóm làng càng trở nên vắng vẻ khi có nhiều người bỗng dưng biến mất để lại sau lưng họ những lời rì rầm to nhỏ của dân làng, họ bỗng trở thành…huyền thoại. Trên gương mặt của bất cứ người nào, cảnh giác là thái độ thường trực bởi tai bay vạ gió có thể đến với họ bất cứ lúc nào….

Tộ lớn lên trong bầu không khí ngột ngạt với tiếng súng đì đùng bất kể đêm ngày, tiếng súng như biểu tượng của Thần Chết mang lưỡi hái tử thần đi lục lạo khắp làng. Một hôm Tộ mà bây giờ đủ lớn để được gọi là An đi qua chợ quê như thường lệ, anh thấy dân làng bị chận lại họ túm tụm ở một phía. Phía bên kia ngoài mấy anh dân vệ mặc quần áo màu đen, vai mang khẩu Ga răng dài thượt – ở nhiều người bá súng còn chạm tới đất, là toán cảnh sát áo trắng đang khám xét từng người. Vài người đàn ông lạ mặt mang kính đen đứng xa đám cảnh sát một chút, họ quan sát đám đông với một thái độ xét nét.

An tính bỏ đi lối khác nhưng đã muộn. Anh dân vệ người làng bên lấy súng cản An khi anh vừa dợm bước đi. An không có bất cứ một loại giấy tờ nào, ông cảnh sát hỏi ông Liên gia trưởng được điều động “thi hành công vụ”. Ông Liên gia trưởng trả lời “đâu như hắn mười tám tuổi!”.

An bị đưa lên một chiếc GMC có hai băng ghế đặt dọc thân xe cùng với đám thanh niên còn vương mùi rơm rạ, gương mặt ai nấy thất thần. Tiếp theo là những ngày khốn nạn. Ba tháng quân trường, bộ trây di màu cứt ngựa biến vẻ ngoài của An thành một người khác hẳn. Đời lính trơn khổ như chó, An phải tuân lệnh cấp chỉ huy cho dù lệnh ấy phi lý đến thế nào. Mùi chiến tranh với anh thanh niên mười tám là một thứ mùi ám ảnh, anh không thể nào quên. Đó là hỗn hợp của mùi thân thể lâu ngày không được tắm gội với mùi tử thi bị chương sình ruồi bọ bu đầy. An nhiều lần lộn mửa khi phải đối diện với chết chóc….

Ba ngày phép đầu tiên của anh lính trẻ được đánh dấu bằng một nỗi đau không gì thê thiết hơn! Một tráo ô buýt từ một trận địa pháo ở nơi nào xa thẳm rơi đúng căn nhà tranh của An đêm trước khi anh về đến nhà. Mạ và em Tích chết không toàn thây, máu vương vất lên tận ngọn tre bên hông nhà. An không nhỏ được một giọt nước mắt bởi đau thương này làm tê liệt mọi cảm xúc của con người. Đau thương biến thành sự căm thù, An căm thù vô bờ bến tất cả những gì liên quan đến chiến tranh. Anh tởm lợm bộ trây di mình đang mặc, đôi giầy lính mình mang.

An theo lời dặn của mạ từ ngày trước, dường như bà linh cảm điều bất hạnh sẽ giáng xuống gia đình mình, bà dặn con trai lấy lên khỏi cái hố cuốn gia phả bà bọc ni lông cẩn thận và 5 lượng vàng bà chôn dưới gốc cây sung bên trong hộp đạn đại liên nếu bà có mệnh hệ gì. Vừa làm An vừa nhỏ những giọt nước mắt âm thầm xuống cái hố mới đào.

Trở về đơn vị, anh đem tâm sự của mình nói với người bạn thân. Hắn khuyên An khi có cơ hội thì cao chạy xa bay chỗ khốn kiếp này. Và cơ hội đến khi hắn rủ An mua một Sự vụ lệnh giả giống như thật. An đọc đi đọc lại tờ giấy pơ luya mỏng tang được đánh bằng loại máy chữ không có dấu “VIET NAM CONG HOA – QUAN LUC VIET NAM CONG HOA – QUAN KHU 1…,

SU VU LENH

Cap cho: Chuẩn uý Lê minh Thái…”

Bãi bằng với trại bò của ông Hai Phong rộng mở đôi tay đón An. Bầu trời cao nguyên trong xanh trong mắt chàng trai xa xứ dường như cao hơn, xanh hơn!

10. Ký ức 2 – 1970

Trong lúc ông An mơ màng với những ký ức xám màu, ông Tuất cũng đang nhớ lại những ký vãng không thể nào phai trong lúc ông đang chuẩn bị cho nồi xôi ngày mai. Người ta thường nói người già hay nhớ chuyện cũ y như cái băng cát sét, những chuyện càng lâu lại càng rõ nét mới thật là kỳ….

Ngày Tuất dẫn “ông thầy” về cho biết nhà là một ngày nắng đẹp. Khi chiếc xe Jeep lùn dừng trước nhà anh, như một số phận định sẳn, cô Loan cháu bà Hai Thị thường tránh mặt Tuất lại xuất hiện bất thình lình trước cửa nhà. Nhà ông bà Hai và nhà Tuất cách nhau một khoảng đất trống không trồng đến cả một “giậu mồng tơi” để hai người có “nỗi buồn giống nhau”! Mắt cô Loan hướng về chiếc xe, đại uý Đệ vừa bước xuống bỗng nhiên ông chỉ huy như hoá đá khi thấy người con gái mặc chiếc áo vàng nhạt nhà bên. Phải một lúc lâu cả hai mới hoàn hồn, họ trở lại hoạt động bình thường nhưng dường như trong lòng họ một cơn gió mát thổi qua hay sao mà trông họ vui hơn mức độ thường ngày….

Tuất nghiền ngẫm chuyện của ông thầy mình và cô hàng xóm với tâm sự ngổn ngang, anh ước giá gì nàng cũng nhìn mình một lần như vậy thì cho dù có…ăn đạn của Vi Xi anh cũng vui lòng. Nhưng chưa bao giờ nàng nhìn anh như vậy, nàng trốn anh như thể trốn một ám ảnh kinh hoàng. Anh không thể chấp nhận một thực tế hiển nhiên rằng Loan coi anh đồng nghĩa với gương mặt

V.A.C