“Xuân trên xóm cồn” – Truyện ngắn của Nguyễn Bá Hòa

607

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thằng Nhách níu áo mẹ: “Tết ni mẹ cho con về nhà ngoại, con muốn tắm sông, con muốn đi ghe thả lưới ban đêm với ngoại…”

Bảy vùng vằng hất tay thằng bé:

– Về chi xóm nghèo nớ, chừ ở đó không còn ai hết.

Thằng Nhách không chịu thua:

– Còn ông bà ngoại, còn cậu mợ chứ răng không còn ai!

– Ông bà ngoại về ở với cậu mợ bên kia sông rồi!

Thằng Nhách im lặng, môi bặm lại, má phính ra, cái mặt trông ương bướng lắm.

Biết con không vui, Bảy vẫn cương quyết:

– Đừng nhắc chuyện về ngoại nữa nghe không!

Nhìn thằng Nhách phụng phịu lảng ra sân, Bảy thấy thương con, thương mình, thương cái xóm nghèo ngày xa xưa đó.

Con sông quê với cái tên kỳ cục, Đá Thỉnh, chẳng biết đầu nguồn là đâu, cứ xuôi miền ký ức lách luồn trong tim rồi chảy về miền nhớ. Dòng sông lờ lợ nỗi niềm, mang theo tuổi thơ những khuất chìm quên nhớ. Một doi đất nhỏ như cái bàn tay chìa ra, có phải ngửa xin trời đất sự yên lành hay đón nhận phù sa, chẳng biết? Bảy sinh ra từ cái doi đất ấy, thằng Nhách sinh ra từ cái doi đất ấy, nhưng ba thằng Nhách lại mất đi cũng từ cái doi đất ấy. Cái doi đất, cái xóm Cồn ấy, làm chi có sự yên lành, con sông ấy làm chi có phù sa mà đón nhận?

Xóm Cồn, vùng trũng thấp nhất, vùng nghèo đói nhất của thị xã. Người dân nơi đây, ban ngày qua bên kia sông làm thuê gánh mướn chạy bữa, tối về giăng lưới bắt cá nuôi nhau. Trẻ con chẳng ai coi ngó mặc sức chơi, mặc sức ngủ, chẳng được dạy dỗ học hành chi! Bảy có chữ mô đâu. Đại, chồng Bảy cũng có chữ mô đâu. Con sông vô tình hay vô cảm, mặc cho cuộc sống những con người ngụp lặn bám sông ngày một mỏi mòn. Mà sông có hơn gì người, cũng ngày một già nua xấu xí đến tội nghiệp. Hoang sơ mấy cụm lục bình, lau lách um tùm xơ xác, những cánh cò đêm chơi vơi ngơ ngác. Chỉ cách nhau một bờ gió mà bên kia sông là phồn hoa đô thị, là âm thanh xập xình với muôn sắc màu quyến rũ.

Thằng Nhách được hai tuổi, lũ về, vùng trũng thấp nhất thị xã bị nhận chìm trong nước. Cả nhà Bảy trèo lên mái tôn chờ ghe đến cứu. Thằng Nhách không chịu nỗi cái lạnh cắt da cắt thịt buông tay, Đại nhảy ùm xuống dòng nước bạc, cứu được thằng Nhách nhưng không cứu được mình. Đại bị cuốn trôi theo dòng nước ngay trước mắt những người thân, thật tội nghiệp, đến giờ này vẫn không biết thân xác về đâu! Bảy rùng mình nhớ lại cái ngày mưa lụt ấy, nước mắt chảy ròng.

– Mắc mớ chi mẹ khóc?

Nhách xuất hiện ngơ ngác nhìn mẹ. Bảy ôm chầm thằng bé vào lòng, không gào thét thất thanh như ngày Đại bị nước cuốn đi nhưng nỗi đau có lẽ còn cuộn xoáy dữ dội hơn nhiều. Thằng Nhách mơ hồ cảm nhận được điều gì đó khiến mẹ đau lòng nên không tìm cách thoát khỏi vòng tay mẹ như những lần trước. Tại mình đòi về quê nên mẹ giận, nhưng không đi thì thôi có chi mà giận hung rứa? Hay mẹ nhớ ba, phải rồi, mẹ nhớ ba! Nhiều đêm mẹ kể cho Nhách nghe chuyện ngoại và ba chèo xuồng thả lưới bắt cá ban đêm, khuya lơ khuya lắt mới về nhưng có đêm chẳng được con nào, rồi mẹ khóc. Khi ấy, Nhách chỉ muốn được cùng ba và ngoại đi bắt cá thôi, chừ ba chết rồi, nên muốn đi với ngoại. Nếu mẹ không muốn thì Nhách sẽ không nhắc chuyện ấy nữa. Nhích từ từ khỏi tay mẹ, Nhách chạy biến ra ngõ.

Sau trận lụt ấy Bảy xin ông bà ngoại bồng thằng Nhách vào Tây Nguyên sống nhờ người bà con kiếm công ăn chuyện làm. Nói là người bà con cho nó thân tình, thực ra cũng là dân xóm Cồn đi tìm đất sống, giờ cũng khấm khá hơn trước rất nhiều.

Mới đó mà đã hơn sáu năm rồi, thằng Nhách đang học xong lớp 3, biết đọc biết viết, biết nhớ quê, mà quê hương trong Nhách như một bức tranh do mẹ vẽ nên từ mỗi đêm buồn nhớ.

Trời tối sầm lại, Bảy ra ảng múc nước rửa mặt, có lẽ trời sắp mưa. Phải lôi mấy rổ củ cải cà rốt phơi nắng khi sáng vào, không khéo mưa ướt hết, tết ni không có dưa món mà ăn với bánh tét. Ông trời lại thử thách Bảy? Chẳng ăn thua đâu, một mẹ một con, tim nặng nỗi đau, lòng tràn nỗi nhớ, vẫn đủ sức dầm mưa dãi nắng trên nương trên rẫy, vẫn sống sờ sờ ra đó, có chi mà lo. Bảy thường tự an ủi mình như thế nhưng sâu xa Bảy biết nếu không có gia đình ông Thạch cưu mang thì đừng hòng có sắn có khoai mà ăn chứ ngồi đó mà nhớ quê nhớ xóm, mà tự hào tự mãn!

– Con Bảy làm chi đó, trời sắp mưa rồi, áo quần còn phơi ngoài rào kìa!

– Ui! Bác Thạch! Bác vào nhà chơi, con mang mấy thứ này vào đã!

– Chơi chi mà chơi, qua hỏi thử mi có về quê không cho tau gởi ít quà về cho bà con.
Bảy khựng lại, chẳng biết trả lời ông Thạch sao đây, năm nào cũng hứa với ông sẽ về, sẽ về, sáu cái tết rồi! Như đoán được ý con Bảy, ông Thạch lại nói như những năm trước ông đã từng nói:

– Thôi tau về, mai mốt hai mẹ con qua nhà tau ăn tết.

Bảy không dám vâng dạ chi hết, cứ yên lặng nhận lỗi nhận cả tình yêu thương ơn nghĩa mà gia đình ông Thạch ban tặng. Ai nghĩ được cái xóm Cồn nghèo khó ấy lại sản sinh ra những con người giàu lòng nhân ái đến thế. Ở cái xứ lạ này mới thấy tình đồng hương thiêng liêng mà thực tế biết bao. Đang lui cui nhóm bếp, nghe tiếng chân, Bảy giật mình nhìn ra cửa, ông Thạch vẫn chưa về.

– Bảy nè, mi chê thằng Sanh nhà tau, nó buồn lắm, tau cũng chẳng vui gì, có khi nào mày nghĩ lại không con? Sau tết định đi hỏi vợ cho nó, chừ bác nói với con trước để con khỏi bất ngờ!

Bảy biết anh Sanh thương yêu Bảy thật lòng, ông Thạch cũng muốn có con dâu như Bảy, nhưng Bảy nhất quyết từ chối. Được cái ông Thạch không ép, ông còn khen Bảy không có chữ mà hơn người có học, biết tình biết nghĩa, có thủy có chung.

– Thôi tau về đây!

Khi thì ông tau tau mi mi, khi thì ông bác bác con con, cục mịch thô lỗ nhưng không ai thương người tốt bụng bằng ông. Một lần nữa, có thể là lần cuối, Bảy mạnh dạn thưa với ông:

– Con cảm ơn bác và anh Sanh đã thương yêu con, giúp đỡ cưu mang mẹ con con, nhưng con đã nguyện ở vậy nuôi thằng Nhách đến ngày khôn lớn… Ông Thạch xua tay lia lịa nhưng đầu thì gật gật:

– Đừng nói ơn nói nghĩa nữa, nghe hoài chán lắm, tau hiểu rồi, thôi tau về…

Ông đi vội ra ngõ như sợ cơn mưa ập đến bất ngờ.

Ngày xưa ông Thạch là người duy nhất ở xóm Cồn làm nghề đưa đò, anh Sanh con ông Thạch lớn hơn Bảy vài tuổi chi đó, cũng bám đò theo ông, vừa học nghề vừa phụ giúp khách chuyển đồ đạc lên đò. Khách qua sông chủ yếu là bà con trong xóm, mà chỉ những người già yếu, bọn thanh niên đi bộ hoặc đi xe đạp vòng qua cầu hết trơn. Khi bà Thạch chết vì bệnh sốt xuất huyết, ông quyết định bán chiếc xuồng nhỏ, bỏ xứ đi biệt. Sau này khá giả ông về thăm xóm Cồn, tối ra bờ sông tìm trăng tìm cò, trưa lại ra sông nhìn quanh nhìn quất, có lẽ đợi tiếng gọi đò chăng! Một lần về quê, biết được gia đình Bảy gặp nạn, lại nghe Bảy có ý định đi tìm đất mới, ông đã hứa giúp đỡ mẹ con Bảy.

Cứ nghĩ đến ông Thạch, Bảy không nghe tiếng chuông điện thoại cứ réo hoài từ nãy đến chừ. Vừa mới vo xong rá gạo, điện thoại lại réo, Bảy giật nảy mình. Chẳng có cuộc điện thoại nào mang lại niền vui cho Bảy cả, lúc mẹ đau, lúc cha nhập viện, lúc cậu thằng Nhách giục Bảy về quê… Trời không mưa, lại còn sáng lên nữa, cứ tưởng… Điện thoại lại réo, gấp gáp lắm, Bảy ném rá gạo lên chiếc chõng tre, vồ lấy điện thoại. Tiếng cậu thằng Nhách hổn hển bên kia đầu dây:

– Răng chừ mới chịu cầm máy, anh Đại không chết, chị về gấp!

Tai Bảy ù ù tiếng được tiếng mất.

– Em nói chi? Ai chết?

– Chị nghe cho rõ đây, anh Đại không chết, anh đã tìm về được nhà mình rồi, chị về gấp!
Chiếc điện thoại rơi khỏi tay Bảy. Thằng Nhách ngoài sân chạy vào thấy mẹ nằm sóng soài trên đất hốt hoảng qua kêu ông Thạch. Khi bà con chòm xóm nghe tin Bảy bị trúng gió kéo đến thì Bảy đã tỉnh lại nhưng ai hỏi chi cũng làm thinh, Bảy sợ mình nghe nhầm hoặc đang mơ ngủ. Ông Thạch nhanh trí mở điện thoại xem và gọi về cho cậu thằng Nhách. Bà con nóng ruột chờ đợi còn ông thì nói chuyện chi mà lâu lắc, gương mặt lúc co lúc giật, đôi mắt nhướng lên hạ xuống liên tục. Một lát sau, ông Thạch mới chậm rãi tuyên bố với mọi người.
– Tưởng chuyện buồn hóa chuyện vui, chồng con Bảy đã chết nước từ trận lũ cách đây sáu bảy năm chi đó nhưng thực ra không chết, nước cuốn ra biển, có tàu nước ngoài vớt được, chừ hắn đã tìm được về nhà, mẹ con thằng Nhách sẽ về quê ăn tết đoàn tụ với gia đình.
Bảy lại ôm chầm thằng Nhách khóc nức nở, ông Thạch thì vẫn cứ nói:

– Xóm Cồn quê hương tui chừ khác xưa rồi, lần trước tui về bị lạc đường đó, con sông Đá Thỉnh không còn rác rưởi muỗi mòng bẩn thỉu ô nhiễm nữa, cầu qua sông hai ba cái, đèn điện sáng trưng, con Bảy đợt ni về sướng hung rồi!

Bà con ồ lên hưởng ứng. Bảy đâu có nghe ông Thạch nói, trong cái đầu mụ mẫm của Bảy lúc này chỉ nghĩ được một điều là sẽ mang về hủ dưa món ăn với bánh tét, tết mà! Lẽ ra phải nghĩ đến những chuyện lớn lao trọng đại hơn, mùa xuân trên xóm Cồn chẳng hạn, đúng là…

N.B.H