Ba đời – Truyện ngắn của Huyền Văn

958

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi về quê trên chiếc xe đò khá cũ, thỉnh thoảng bị sốc ổ gà, mọi người trên xe nháo nhào, thét lên. Tôi nôn nao nhìn ra ngoài trời, nắng trong leo lẻo, nhớ da diết ánh nắng phía sau khu vườn, xuyên qua kẻ lá như những dây kim tuyến long lanh, đã bao năm rồi, không biết nắng có còn thơm mùi bùn đất sau những trận mưa tầm tã.

Nhà văn Huyền Văn

Không phải hôm nay tôi mới có cảm giác nhớ nhà, mà kể từ ngày đất nước nước được thống nhất sau chiến thắng 30/4/1975, tôi đã khao khát về quê sum họp gia đình, nhưng tôi còn đang phụ trách hơn một trăm em học sinh chờ ngày thi tốt nghiệp, mãi đến ngày 26/6/1975, tôi mới được tổ chức cho nghỉ phép về Nam. Lúc đó tôi muốn nhảy cẫng lên, sung sướng đến rơi nước mắt.

Đang miên man nghĩ về giây phút đoàn viên, xe dừng lại dưới dốc cầu Xáng, đôi chân cứng cáp của tôi từng vượt Trường Sơn không nao núng, giờ đây líu ríu khi đứng trên mảnh đất quê nhà. Xe chạy vụt đi bỏ lại một làn khói đen xìn xịt, vậy mà tôi cảm thấy khoan khoái lạ thường. Tôi quảy ba lô lên vai, sửa lại cái nón cối, bước chậm lên cầu, lòng bồi hồi xúc động khi thấy nhà máy Cháy vẫn ở đằng kia, vẫn là con kinh với hàng cây xanh thẳng tắp hai bên bờ, nước trong văn vắt, những đám lục bình trôi mênh mang trên dòng nước, một chiếc xuồng gắn máy rẻ sóng dạt ra xa, thưở còn thơ, tôi cùng đám bạn tắm sông, lội đì đùng té nước vào nhau, vừa hét vừa cười ầm ĩ.

Bỗng một giọng nói vang lên cắt đứt dòng hồi tưởng của tôi: “Chú bộ đội về đâu mà đứng giữa cầu đây?”. Trước mặt tôi là một ông lão cao dong dỏng, tuy mái tóc đã lâm râm nhưng ánh mắt vẫn còn sáng, đôi mày rất rậm, tôi thảng thốt kêu lên:

– Ba! Ba!

– Cậu là…

– Con là thằng Hiệp nè, ba không nhận ra con hả. Ba tôi nhìn tôi từ đầu đến chân rồi đưa tay sờ mái tóc bên phải của tôi, gần vành tai tôi có một vết sẹo. Ông ôm chầm lấy tôi:

– Đúng là thằng Hiệp rồi! Nó còn sống đây nè. Ông buông tôi ra, giọng buồn buồn: – Con ơi, má con mất rồi, anh Tư con cũng hy sinh rồi.

Tôi bàng hoàng, chạy về  phía sau vườn, quỳ trước mộ của má: “Má ơi, vì chiến tranh con phải xa nhà, không phụng dưỡng sớm hôm, nay hòa bình con trở về, thì má đã ra đi vĩnh viễn”. Thắp nhang lên mộ má, mộ đứa em tên Thắng, con của Tư Phùng. Tôi bàng hoàng khi thấy tấm bia mộ của “Nguyễn Văn Đời, sinh năm 1920, từ trần ngày 04/08/1959, hưởng dương 39 tuổi”, than ôi, một người tài hoa, đức độ như anh Ba lại ra đi trong độ tuổi thanh xuân.

Trong chiến tranh, chia ly là lẽ thường tình, nhưng tôi không thể nào quên lần chia tay vội vã với anh Ba Đời năm ấy, ai ngờ lại là lần chia tay vĩnh biệt.

Tôi còn nhớ như in, lần đầu tiên tôi gặp anh Ba Đời là ngày 23/10/1953, lúc đó tổ chức cho tôi về thăm nhà ba ngày, nhân chuyến công tác ở ngã Tư Cây Dương, Phụng Hiệp. Vừa bước vào nhà tôi vô cùng ngạc nhiên, khi thấy có người như Tây lai trạc ba mươi, da trắng, mái tóc hơi dợn sóng đang ngồi điềm nhiên trên bộ ván gõ, tôi gật đầu chào, chưa biết xưng hô ra sao thì ba tôi từ nhà sau bước ra, thấy tôi, ba mừng rỡ:

– Con mới về đó hả?

– Dạ, cơ quan cho con về thăm nhà ba ngày đó ba.

– Ờ! Lại đây chào anh Ba Được đi con, anh Ba là con của bác Ba Nghi đó.

– Dạ, thì ra đây là anh Ba, vậy mà con tưởng ảnh là Tây lai đó ba.

Ba tôi cười: – Tây gì ở đây, hai đứa là anh em chú bác ruột đó. Ba tôi hướng về anh Ba:

– Nó là thằng Hiệp, con trai út của chú đó.

Anh Ba bước đến bên tôi, ánh mắt thân thiện:

– Là anh em mà giờ mới biết nhau, coi bộ chú em cũng bảnh trai lắm đó nghen.

– Hơn mười năm qua, cháu làm gì, ở đâu, sinh sống ra sao? Ba tôi hỏi.

Anh Ba trầm tư, đôi mắt xa xăm, một lúc sau anh từ tốn kể về cuộc đời của anh.

*

Định mệnh đã xô đẩy một đứa trẻ lên mười rơi vào tay của bọn buôn người. Bọn chúng đưa anh xuống tàu buôn của người Ấn tại bến cảng Sài Gòn, sáu ngày lênh đênh trên biển rồi tới cảng Paradip, bang Orisa miền Đông Ấn Độ. Chúng bán anh cho bọn người da đen, tóc xoăn, môi đỏ, hàm răng trắng toát. Cầm đầu là một ông chủ, năm người còn lại làm tay sai đắc lực, đặc biệt là người nào cũng biết chữa trị rắn cắn bằng bùa phép. Kể từ đó, anh Ba sống những ngày tháng làm nô lệ cực kỳ gian khổ.

Anh và những nô lệ khác, phần đông đến từ các nước Đông Nam Á, bị đưa đến vùng Đông Bắc Ấn Độ giáp Trung Quốc, làm những công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm, thường xuyên lội xuống ao hồ, dùng lưới ny lon bắt động vật hoang dã chủ yếu là cá, rùa, rắn. Một đợt như vậy khoảng chín đến mười ngày, khi các thùng đựng cá, rùa, rắn đầy ắp thì thuê xe chỡ về các tỉnh, thành phố để tiêu thụ.

Lần đầu tiên anh Ba chứng kiến họ chữa trị cho một nô lệ bị rắn cắn bằng bùa La bang, anh đã rất muốn học, nhưng họ chỉ truyền trong thân tộc, không truyền cho người ngoài. Thời gian sau, bọn chúng thấy anh Ba nói được tiếng Ấn lại siêng năng, nên đồng ý dạy anh học chữa bệnh.

Cuối tháng 10 năm 1943, bọn họ chở hàng về cảng Paradip bán, được con trai thị trưởng bang Orisa cho ở phía sau ngôi biệt thự. Hôm sau, ông thị trưởng mở tiệc chiêu đãi một quan chức cấp cao thuộc phủ thủ tướng Ấn Độ. Khoảng hơn mười hai giờ trưa, anh Ba đi dạo quanh khu biệt thự, đến gần cổng lớn thì nhặt được chùm chìa khóa tám chìa, một chìa mạ vàng, bảy chìa còn lại mạ bạc sáng lấp lánh, anh cất giữ cẩn thận. Khoảng ba giờ chiều, ông thị trưởng đi ra đi vào tìm kiếm dưới đất, anh đến chào hỏi:

– Thưa ông, ông tìm cái gì mà con thấy ông đi ra đi vào mấy lượt vậy?

– Lúc nãy tao tiễn khách ra về rồi bị rớt chùm chìa khóa!

– Dạ phải ông tìm chùm chìa khóa này không, con lượm được, con xin trả lại ông.

Ông thị trường mừng rỡ, reo lên:

– Ờ, đúng nó rồi, tao tìm hoài không thấy, mày vào nhà để tao hỏi chuyện.

Anh Ba hơi sợ, miễn cưỡng đi theo, lần đầu tiên bước vào biệt thự rộng lớn, sang trọng, anh bị khớp. Ông thị trưởng hỏi:

– Mày có màu da vàng, ở nước nào đến đây mà nói tiếng Ấn rành vậy?

– Dạ thưa ông, con ở nước An Nam, con nói được tiếng Ấn vì con ở đây mười ba năm rồi.

– Mày là đầy tớ của bọn mua bán động vật hoang dã phải không?

– Dạ thưa ông, con là đầy tớ.

– Bọn chúng nó không tốt đâu, tao hỏi thiệt, mày có muốn về An Nam không?

– Con rất muốn về, nhưng không có tiền ông ơi.

– Để tao giúp, mày phải đi ngay trong chiều nay, vì ngày mai bọn nó về mày không đi được đâu. Tao thưởng cho mày một số tiền về An Nam sinh sống.

Ông thị trưởng viết một tờ giấy, ký tên, đóng dấu, gọi tài xế chở anh ra bến Cảng, đúng năm giờ chiều anh mua vé tàu về nước, khi chiếc tàu nhổ neo từ từ rời bến cảng, anh Ba hồi hộp và vui mừng vì không ngờ mình cũng có được ngày thoát kiếp làm nô lệ.

Tàu cập bến cảng Sài Gòn trong một buổi sáng đẹp trời, anh Ba chạy lên boong tàu, hít thật sâu không khí trong lành, mừng vui khôn tả, bao năm mơ ước nay đã thành sự thật, anh thốt lên: “Ôi, Việt Nam đây rồi, quê ta đây rồi”, trong lòng hết sức hân hoan, nhưng vừa đến cầu chữ Y đã bị cảnh sát bắt đưa về khám Chí Hòa vì không có giấy thế thân. Chúng nghi anh là Việt Minh nên tra tấn rất dã man.

Một buổi tối nọ, một con rắn hổ chui vào phòng giam, trên đầu có cục gù nhỏ màu đỏ như son, cất cao đầu gáy te te, tư thế sẵn sàng chiến đấu, mấy người tù sợ quá dạt ra bốn góc tường, nhưng kỳ lạ là con rắn bò đến chỗ anh Ba đang nằm, anh vẫy tay ba cái, con rắn ngoan ngoản bò lên lòng bàn tay, anh để con rắn nằm trên bụng, đầu con rắn lắc qua lắc lại như muốn bảo vệ cho anh, đêm đó anh ngủ một giấc ngon lành, sáng dậy anh để con rắn vào túi áo pijama, khoảng tám giờ, cảnh sát gọi tên “Nguyễn Văn Đời” rồi tuyên bố anh được thả tự do.

Anh Ba về tới quê nhà, xã Đình Thần, huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang, mới hay má anh đã mất, cha anh có vợ kế và sinh được hai người con gái là Nguyễn Thị Ne và Nguyễn Thị Che (Bảy Che). Anh ở nhà được ba ngày, sau khi anh cứu sống một người bị rắn cắn, thì một người đến nhà dẫn anh đi gặp ông Hương Tổng quản (1).

Hai người đi tới sân nhà ông Bảy Cồ, ông Hương ra bắt tay anh Ba và dẫn vào nhà, rồi giới thiệu, ông Lý là em kết nghĩa, ông Bảy Cồ, là em út. Ông Bảy Cồ, tên thật là Cồ, nổi tiếng bắt rắn hổ mang bằng cách cắm bảy cây tên xuống miệng hang rắn, ổng bỏ đi, hút xong một điếu thuốc lá quay lại thì con rắn nằm tròn dưới bảy cây tên, ổng thò tay bắt rắn bỏ vào bao đem về bán cho người tiêu dùng, vì vậy ổng có biệt danh là Bảy Cồ.

Bảy Cồ nói:

– Hơn mười năm qua chưa có ai làm ăn qua mặt tôi, từ khi có anh xuất hiện, anh làm mất uy tín của tôi. Nên tôi mời anh tới đây để so tài cao thấp, nếu anh thắng tôi, tôi kêu anh là sư phụ, nếu anh thua tôi mời anh đi nơi khác.

Anh Ba thấy ông Bảy Cồ tai chuột, mắt lé, thuộc người hiếu danh, hám lợi, anh muốn từ chối cũng không được, anh hỏi:

– Anh muốn thi cao thấp bằng cách nào?

– Bằng cách cho rắn cắn đối phương.

– Tôi không thích thi thố tài năng, nếu anh cố tình thì tôi đành chịu, nhưng với một điều kiện là phải viết tờ cam kết, người nào chết gia đình không được kiện cáo.

Mọi người đồng ý viết tờ cam kết, sau đó cho bốc thăm. Kết quả anh Ba sẽ bị rắn của ông Bảy Cồ cắn trước. Anh Ba đặt tay trái lên bàn, ông Bảy Cồ mở nắp cái hộp gỗ hình chữ nhật, xung quanh hộp chạm trỗ hoa văn bằng xà cừ rất đẹp, trên nắp hộp có khoan nhiều lỗ nhỏ để thông hơi, ông Bảy Cồ thò tay vào hộp lấy ra một con rắn hổ mang khoảng 200 gram, dài khoảng ba tấc rưỡi, rồi dí con rắn cắn vào mu bàn tay anh Ba, xong ông bỏ con rắn vào hộp đậy nắp lại. Anh Ba đưa tay vào miệng hút nọc rắn ba lần, nhổ vào tờ giấy quyến (2), rồi bình thản ngồi uống trà, nói chuyện cùng mọi người như không có chuyện gì xảy ra. Mười phút trôi qua, anh Ba vẫn khỏe mạnh không bị kéo đờm. Tới phiên ông Bảy Cồ bị rắn anh Ba cắn.

Ông Bảy Cồ để tay lên bàn chờ sẵn, anh Ba thò tay vào túi áo, lấy con rắn để trên bàn, con rắn này nhỏ hơn con rắn của ông Bảy Cồ, nhưng trên đầu nó có một cục u màu đỏ, nó cất cao đầu bằng một phần ba thân mình, rồi kêu te te như con gà tre mới tập gáy, ông Bảy Cồ thấy vậy sợ hãi nhắm mắt lại, con rắn vẫy đuôi lượn ba vòng rồi cắn phập vào tay ông Bảy Cồ một cái, xong lượn về chỗ cũ, anh Ba chìa tay ra, nhẹ nhàng để con rắn vào túi áo.

Ông Bảy Cồ nhai thuốc đắp vào vết thương nhưng thuốc bị rớt ra, uống thuốc không khỏi, đờm mỗi lúc kéo lên càng nặng hơn. Ông Hương, ông Lý, vợ ông Bảy Cồ van xin anh cứu ông Bảy Cồ. Anh Ba yêu cầu viết giấy cam kết, sau khi ông Bảy Cồ được cứu sống thì không được trả thù, ông Hương đồng ý, anh Ba chữa trị cho ông Bảy Cồ, khoảng mười phút sau thì mắt ông Bảy Cồ từ từ mở ra. Anh Ba nói: “Tôi đã chữa cho anh Bảy sống lại rồi, gia đình để ông Bảy nằm yên trong vòng hai ngày sẽ bình phục”, rồi anh xin phép ra về.

Anh Ba đi ngang đình Thần, thấy xung quanh cây trái xanh tươi, gần đó có một gò đất cao, cỏ mọc xanh um, anh Ba thả con rắn lên gò đất, nói: “Ta cảm ơn chúa của loài rắn đã cứu ta hai lần gặp nạn, giờ đây ta chia tay để thần rắn về với cuộc sống hoang dã tự nhiên của đất trời”. Anh đọc thần chú, con rắn cất đầu lạy anh ba cái rồi ngoan ngoãn bò lên gò đất, lẫn vào bụi cỏ mất dạng.

Anh Ba về tới nhà, từ biệt cha, rồi mua một chiếc ghe chở hàng loại lớn, xuôi theo dòng sông Hậu.

*

Tôi thẩn thờ đi dọc bờ sông, miên man nghĩ về anh Ba. Nơi này hai mươi hai năm, khi nghe tiếng kêu cứu của anh Tính, con của dì Tư: “Bà con ơi, anh Bảy Bụng bị rắn cắn chết rồi”. Anh Ba tức tốc nhảy xuống ghe tam bản, tôi với chú Mười Két đi theo.

Tới nơi, tôi thấy anh Điền Khả Thiếu Lan, cán bộ đại đội 1090, đang nhai cỏ và hột trái cây chuyên trị rắn cắn, nhổ ra lòng bàn tay đắp lên mu bàn chân trái của anh Bảy, nhưng không bớt, cổ bắt đầu kéo đờm, anh Lan lắc đầu thất vọng. Chị Bảy lo lắng định đưa anh Bảy ra cầu Đình tìm thầy giỏi, anh Ba từ tốn nói “Chị đừng sợ, đưa anh Bảy lên nhà để tôi trị cho”.

Anh Ba cầm hai cây nhang, đứng thẳng người xá bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, miệng lâm râm đọc thần chú, rồi lấy hơi, kê miệng vào đường gân xanh, chỗ nọc rắn đang chảy ngược lên phía đầu gối, anh thổi một hơi dài và mạnh, anh làm như vậy đến lần thứ ba, thì nọc rắn trở về chỗ vết thương. Anh Ba kê miệng vào vết thương đang rịn máu, hút thật mạnh rồi nhổ máu bầm ra tờ giấy quyến, đến lần thứ ba, anh lấy dây tôm (3), cột phía trên chỗ rắn cắn, khoảng tám phút sau, anh Bảy từ từ mở mắt, mọi người hết sức kinh ngạc, không ngờ anh Ba tài tình như vậy, chị Bảy xúc động nói trong nước mắt “Cảm ơn thầy Ba đã cứu mạng anh Bảy”.

Sáng hôm sau, mặt trời vừa lên, anh Hai Đa đem lại một cái bao bố đựng con rắn bên trong. Bà con lối xóm đến xem rất đông. Ba tôi và ông Nguyễn Văn Búp, tự là Bảy Búp chủ tịch xã, yêu cầu bà con đứng xếp hình chữ U hướng ra bờ sông. Anh Ba Đời ngồi bệt xuống đất, quay mặt ra bờ sông. Anh Hai Đa vừa mở miệng bao thì con rắn từ từ bò ra, nó dừng lại một chút để xác định phương hướng. Anh Ba để ngửa bàn tay lên, ngoắc ngoắc con rắn, nó từ từ bò lên bàn tay anh, rồi quấn tròn trên cánh tay, anh đọc thần chú, tay trái chỉ ra bờ sông, tay phải hạ xuống đất, con rắn nhẹ nhàng rời khỏi tay anh, bò xuống sông, đầu nhô lên cao, thân nó lượn uốn khúc, không mấy chốc con rắn qua bên kia sông, bò lên bờ rồi mất dạng sau mấy lùm cây. Mọi người ngỡ ngàng. Thật là kỳ diệu, nếu tôi không tận mắt chứng kiến thì cũng không thể nào tin được.

Sáng ngày thứ ba hết thời hạn nghỉ phép, tôi phải về đơn vị ở Nhà Tầm, ngã tư ông Dèo, xã Thới Lai, huyện Ô Môn, tỉnh Cần Thơ. Tôi đang chuẩn bị tư trang, thì nhiều người đến gặp anh Ba, một số người chấp hai tay trước ngực hướng về anh Ba: “Thầy Ba ơi, hãy nhận chúng tôi làm đệ tử đi thầy, cực khổ mấy cũng chịu, tụi tui hứa là cứu người chứ không ăn tiền ăn bạc gì đâu, làm ơn đi thầy”. Anh Ba bối rối, đến bắt tay từng người, rồi vui vẻ nhận lời, niềm vui như vỡ òa, mọi người hò reo ầm ỉ. Tôi vừa bất ngờ, vửa nể trọng tính cách quyết đoán và hào sảng của anh Ba.

Ba tôi lấy tấm đệm trải dưới gốc cây vú sữa trước sân nhà, mọi người ngồi xuống, vừa uống trà vừa nghe anh Ba giảng giải: “Chữ bùa La Bang rất khó nhớ và khó viết, các câu thần chú vô cùng phức tạp, các cô chú, anh chị tha thiết học, tôi không nỡ từ chối nhưng để chữa trị rắn cắn rất khó không phải ai cũng học được, trước hết tôi sẽ hướng dẫn mọi người học để tự vệ bản thân trước, còn học trị bệnh sẽ tính sau”. Sau đó, anh Ba chọn những người từ ba mươi tuổi trở lên, lần lượt xăm chữ bùa La Bang lên nốt ở khớp tay, khớp chân cho họ, để họ tự bảo vệ bản thân, tác dụng khi nọc rắn di chuyển từ nốt nọ đến nốt kia là mười hai giờ, đủ thời gian tìm thầy cứu chữa, hoặc đến nhà thương điều trị.

Lúc đó tôi nghe rất rõ và nhớ từng câu từng chữ lời anh Ba nói. Nhưng đã đến giờ tôi phải đi, tôi bắt tay anh:

– Em phải về cơ quan rồi, anh ở lại mạnh khỏe, tiếp tục giúp đỡ bà con mình, lần sau em về sẽ nói chuyện với anh nhiều hơn.

Anh Ba ôm tôi một cách chân tình: – Anh rất quý em, còn nhiều chuyện muốn nói với em, nay em đi anh chúc em mạnh giỏi, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, hẹn một ngày không xa, hai anh, em mình lại gặp nhau, sẽ nói chuyện thật nhiều.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5/1954, vài tháng sau tôi tập kết ra Bắc, vẫn mong có một ngày gặp lại anh. Nay đất nước hòa bình, tôi được trở về sum họp với gia đình, nào ngờ anh Ba đã nằm yên dưới lòng đất lạnh.

Dẫu biết rằng chiến tranh không tránh khỏi mất mát đau thương, nhưng nghĩ tới anh Ba là người dân lương thiện, ở hậu phương trị bệnh cứu người, cũng không tránh khỏi làn tên mũi đạn của quân thù, lòng tôi thấy xót xa, tiếc cho người hiền mà chết trẻ.

Anh Ba ơi, dẫu gặp anh chỉ ba ngày ngắn ngủi, nhưng trong tâm trí em luôn hiển hiện một người anh, khí khái kiên cường, bao dung, quảng đại, tận tâm cứu người cứu người không cầu báo đáp. Anh là người có chiến công thầm lặng, tuy không có bảng ghi công, nhưng bà con quê mình mãi mãi nhớ đến anh, một người trí rộng, tài cao mà cuộc đời ngắn ngủi.

Dòng sông quê dẫu biến đổi thăng trầm, vẫn trong ngần biên biếc, sóng nước lung linh trong áng chiều trôi bảng lảng, thấp thoáng bóng anh Ba Đời đang đứng trước mũi ghe, hay tay chắp phía sau, ngước nhìn bầu trời xanh vời vợi.

H.V

(Theo lời kể của ông Nguyễn Thành Hiệp)

Ghi chú:

(1) Hương Tổng quản (còn gọi là Hương chức): Một chức vụ trong làng thời Pháp thuộc

(2) Giấy quyến: Dùng để cuốn thuốc lá

(3) Dây tôm: Sợi chỉ đỏ