Bài thơ Đi học được được Hoàng Minh Chính viết khi mới 15 tuổi

589

Đi Học

Hôm qua em đến trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em đến lớp…

Từ lâu những vần thơ này đã trở nên quen thuộc với bao thế hệ học sinh miền Bắc. Đó là những câu thơ trong bài “Đi học” của nhà thơ Hoàng Minh Chính. Nó được tuyển chọn vào chương trình tiếng Việt lớp 2. Và sau đó được nhạc sĩ Bùi Đình Thảo phổ nhạc. Thế nhưng không mấy ai biết đằng sau những vần thơ “trẻ mãi không già” đó là câu chuyện về số phận và cuộc đời của nhà thơ Hoàng Minh Chính.

Sinh ra ở quê nhà Ý Yên (Nam Định) năm 1944, nhưng suốt tuổi thơ và thời cắp sách, Minh Chính lại gắn bó với miền cọ Trung du (thôn Tiên Phú, xã Phú Hộ, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ). Đây là nơi gia đình anh đã dừng chân trên con đường kháng chiến.

Bài thơ nổi tiếng “Đi học” được Minh Chính viết từ năm 1959, bằng mực Cửu Long xanh đen trên giấy thếp, khi anh mới mười lăm tuổi. Bản thảo lần đầu ấy, bài thơ có 4 khổ như sau:

 

“Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi

Hương rừng thơm đồi vắng

Nước suối trong thầm thì

 

Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp

 

Đường xa em đi về

Có chim reo trong lá

Có nước chảy dưới khe

Thì thào như tiếng mẹ

 

Dù bom rơi đạn nổ

Em vẫn học vẫn hành

Vẫn ngắm màu cờ đỏ

Rạo rực giữa rừng xanh”.

Ngày anh Chính học cấp 1, do trường xa mẹ thường xuyên phải đưa anh đi học. Nhưng nhiều hôm mẹ bận, chị bận anh phải đi học một mình. Anh phải băng qua con suối, đồi cọ, rừng chè tới trường. Có lẽ vẻ đẹp đó đã khiến một học sinh có năng khiếu thơ tái hiện trong bài đi học khi anh mới 15 tuổi:

“Cọ xòe ô che nắng

Râm mát đường em đi…”.

Bài thơ được sửa chữa lại sau đó, vào năm nào không rõ, nhưng chắc chắn phải sau năm 1964, khi chiến tranh phá hoại của Mỹ đã lan ra miền Bắc vì bên lề bản thảo có nhiều gạch xóa và những câu thơ gợi không khí của chiến tranh. Đây là một số câu thơ rời được viết thêm bên lề:

“Trường của em be bé

Nằm lặng dưới dặng cây

Chiến hào chạy giữa lớp

Chẳng sợ gì máy bay”

 

“Cô giáo em tre trẻ

Dạy em hát rất hay”

“Mũ rơm thơm em đội

Hương cốm chen hương rừng”

 

“Mỗi lần em tới lớp

Là một lần lớn thêm”…

Cũng trong lần sửa chữa này, Minh Chính đã dùng gạch chéo xóa bỏ đoạn thơ cuối trong lần viết đầu và ta có thể dễ dàng nhận thấy anh đã sắp xếp lại các câu thơ, đảo lại trật tự các khổ thơ để có một bản chính thức đã quen thuộc với bạn đọc bây giờ.

Đêm 7/3/1971, để chuẩn bị cho trận đánh anh Minh Chính đã dẫn 11 đồng đội đi trinh sát địch ở Sở 5, sau khi đã chọn được cửa mở, nắm được toàn bộ cách bố trí các lô cốt và hỏa lực của địch thì tổ rút ra. Không may mắn, khi ra đến khu vực bìa rừng cao su thì bị địch phản pháo. Hai đồng chí đã hi sinh, Hoàng Minh Chính bị thương rất nặng ở mặt. Sau đó được đưa về căn cứ bên bờ sông Măng – biên giới Campuchia thì Hoàng Minh Chính đã hy sinh.

Theo Tư liệu văn học