Người trẻ thử sức với phê bình

34

Được biết “Những phức cảm phận người” (NXB Hội Nhà văn, 2023) là tập phê bình văn học (PBVH) đầu tay của cây bút Lê Hương, nên tôi đọc với một tâm thế trân trọng và chờ đợi.

Tôi quý ở cây bút phê bình này trước hết do cái tình đồng nghiệp, cùng giáo giới với nhau, làm nghề dạy học môn Văn trong nhà trường. Chưa có ai làm phép thống kê, nhưng tôi tin rằng, chắc chắn có đến hơn một nửa trong số đội ngũ làm nghiên cứu, PBVH hiện nay hoặc xuất thân, hoặc đang là nhà giáo. Mà các nhà giáo dạy văn đương nhiên đều đi ra từ các “lò đào tạo” đại học văn học cả, cho dù cái đích của nơi đào tạo là để người học ra đời làm nghề dạy học hay nghiên cứu.

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh sinh thời hay nhắc đến câu nói của một nhà phê bình nào đó bên phương Tây rằng phê bình văn học sinh ra từ nền đại học, với cái ý là phần lớn các nhà phê bình được đào tạo từ các ngành văn chương bậc đại học, bởi ở đây mới có khả năng trang bị cho các cây bút phê bình năng lực nghiên cứu và tri thức văn chương mang tính chuyên nghiệp.

Trở lại với tác giả Lê Hương, chị là một cây bút được đào tạo bài bản về khoa học văn học, không chỉ bậc đại học mà còn sau đại học. Chị có điều kiện đọc nhiều, tiếp xúc nhiều với đội ngũ những người thầy đồng thời là các nhà nghiên cứu, phê bình; cũng lại được tiếp xúc nhiều với các tác giả, tác phẩm, các sinh hoạt văn học, các diễn đàn văn học nói chung. Tất cả những điều kể trên đã làm nên một cái phông nền khá yên tâm cho cây bút này bước vào công việc viết PBVH. Tuy nhiên, ai cũng hiểu, học ở nhà trường đại học là điều kiện cần nhưng chưa đủ (mà trên thực tế, sự học đối với một người làm nghề văn chương thì không bao giờ là đủ). Cái mang tính quyết định là ý chí và khả năng tự học không ngừng nghỉ của mỗi người cầm bút.

Nhìn vào tập sách này, ngoài ba trường hợp viết về sách của ba tác giả nước ngoài (trên bản chuyển ngữ), còn lại là 13 bài viết về tác phẩm của các tác giả đương đại trong nước.

Có lẽ bắt đầu đi từ tên cuốn sách. Đây là một cái tên hay, vừa có ý nghĩa tương đối rõ ràng lại vừa mang tính mở. “Phức cảm” vốn là một khái niệm gắn liền với lý thuyết phân tâm học của Sigmund Freud khi ông đề xuất khái niệm “Phức cảm Ơ-đíp” (Oedipus Complex) liên quan đến vấn đề tính dục ấu thơ của đứa trẻ gái/trai đối với cha/mẹ mình. Tạm gác lại nội hàm phức tạp của khái niệm này, tôi chỉ muốn nói rằng tác giả Lê Hương sử dụng hai chữ “phức cảm” được hiểu như một trạng thái cảm xúc phức tạp không dễ nắm bắt (khi rõ ràng, khi mơ hồ; khi thuộc về ý thức, khi thuộc về vô thức; có khi mang tính tích cực lại có khi mang tính tiêu cực… nằm trong cơ chế tinh thần của mỗi cá thể) làm tên tác phẩm của mình. Phức cảm luôn thuộc về cá nhân, hiện diện và chi phối đời sống cụ thể của mỗi cá nhân. Lê Hương đã trưng dụng khái niệm “phức cảm” với cái nghĩa này, và coi mỗi nhà nghệ sĩ khi thể hiện về con người chính là nắm bắt và thể hiện “những phức cảm phận người”. Tên cuốn sách là cái tứ của tập sách, vừa như một sự tự ý thức của người viết nhằm tạo nên một sự nhất quán nào đó, lại như một dấu hiệu gợi ý cho người đọc.

Trên thực tế, người viết không hẳn hoàn toàn đi theo một hướng tiếp cận rõ ràng nào, mà linh hoạt vận dụng một số điểm thích hợp với từng đối tượng từ các hướng tiếp cận thi pháp học, phân tâm học, nữ quyền luận, hậu hiện đại…

Ở một số trường hợp, tác giả Lê Hương đã vận dụng lý thuyết phân tâm học. Có vẻ như Lê Hương khá thích thú với lý thuyết này trong việc ứng dụng để cắt nghĩa tác phẩm văn học. Trong những bài viết về thơ Hoàng Thụy Anh (“Bản ngã cô đơn của EM”), về tiểu thuyết của Hữu Phương (“Con người tính dục trong Súng nổ bến thiên đường”)…, tác giả đã vận dụng một ít tri thức của phân tâm học để cắt nghĩa tác phẩm.

Thấy đây đó, tác giả có liên hệ hoặc vận dụng một chút lý thuyết nữ quyền luận khi đi vào tác phẩm. Thể hiện rõ nhất điều này là bài viết “Ý thức nữ quyền trong Nếu chỉ có một ngày để sống”, một tiểu thuyết của Nicola Yoon. Ở đây, tác giả bài viết căn cứ vào tác giả và nhân vật đều là người nữ để đặt ra và phân tích mấy vấn đề: Người phụ nữ với khát vọng giải phóng, Người phụ nữ luôn trong thế chủ động (trong cuộc sống, trong tình yêu). Nhờ có cách tiếp cận này, bài viết đã thấy được thành công riêng và hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm.

Cũng lại chỗ khác, tác giả Lê Hương đã vận dụng cái nhìn của lý thuyết hậu hiện đại một cách thích hợp để soi chiếu vào thế giới nghệ thuật của nhà thơ Đỗ Thành Đồng, chỉ ra được “cái tôi không toàn vẹn, mà đã bị phân rã, tác động bởi hiện thực khách quan”. Hay chị cũng đã vận dụng lý thuyết chấn thương để soi vào tác phẩm như trong bài “Kiểu con người chấn thương trong Giữa hai chúng ta”…

Tuy chưa phải đã hết, nhưng chỉ mấy ví dụ kể trên cho thấy ngòi bút Lê Hương rất chủ động tìm hiểu các lý thuyết, phương pháp nghiên cứu hiện đại, lấy đó làm điểm tựa để khám phá tác phẩm và thế giới nghệ thuật của nhà văn. Đây là một ý thức rất quan trọng để bảo đảm cho một người làm phê bình chuyên nghiệp vượt lên cái nhìn cảm tính, tiến tới những giải mã mang tính khoa học, thuyết phục. Làm phê bình, vận dụng các tri thức lý thuyết có nhiều cấp độ. Có cấp độ trực tiếp, tức là dựa vào các tri thức lý thuyết được trích dẫn, sau đó lấy tác phẩm để chứng minh cho nó. Có cấp độ gián tiếp theo cách ẩn lý thuyết, chỉ cần nắm lấy chính xác tinh thần của lý thuyết để khám phá tác phẩm/tác giả. Mỗi kiểu vận dụng có cái hay riêng. Tuy nhiên, dù cách nào đi chăng nữa vẫn cần đảm bảo tính tương hợp giữa đối tượng và phương pháp, đối tượng ấy chỉ có thể tương thích với phương pháp ấy, không có phương pháp vạn năng. Nếu không hiểu điều này, việc vận dụng sẽ bị gượng ép, áp đặt, chuệch choạc theo kiểu “Đẽo chân cho vừa giầy”, hoặc “Dùng dao mổ trâu để giết gà”… Về cơ bản Lê Hương đã vượt qua thử thách này. Nhưng ngay ở điểm này cũng lại đặt ra vấn đề cần nắm thật chắc lý thuyết, hiểu cho đúng và sâu các điểm cốt lõi của lý thuyết để khi vận dụng không bị sơ lược hoặc thiếu chính xác.

Một thao tác tương đối nhất quán trong các bài viết của Lê Hương là nghiêng về lối viết thẩm bình, bình giảng. Thao tác thẩm bình, bình giảng (vừa bình luận vừa giảng giải) cũng rất cần trong các trang viết phê bình, và ai cũng phải sử dụng. Nó khiến cho tác giả có điều kiện phô diễn sự tinh tế và cá tính của ngòi bút. Cách làm của Lê Hương thường là đưa ra một nhận định có tính khái quát, sau đó diễn dịch bằng các minh chứng thuộc về dẫn chứng và diễn giải, nhất là các dẫn chứng mà chị hay gọi là “mã tự”. Cách làm này rất giống với lối giảng văn ở nhà trường các cấp. Lê Hương là một cô giáo dạy học Ngữ văn ở trường phổ thông, nên dấu vết nghề nghiệp để lại khá rõ lên trang viết. Nhờ đó, một số trang viết có được độ tinh tế, giàu cảm xúc. Tuy nhiên, về điểm này, tác giả cần khéo léo và đa dạng hơn, nếu không sẽ dễ bị lặp thao tác, hạn chế hiệu quả của bài viết đối với bạn đọc. Đã có lần, các bậc thầy làm nghiên cứu, phê bình văn học như Nguyễn Đăng Mạnh, Hoàng Ngọc Hiến cũng đã nhắc đến với cái ý cho rằng có một số cây bút chưa thoát hẳn dấu vết “ông đồ” trong bài viết của mình, tức muốn nói đến thao tác giảng bình có phần bị lạm dụng trong bài viết…

Đối với một bài phê bình, có nhiều yêu cầu khác nhau. Nhưng theo tôi, có hai điểm quan trọng: thứ nhất, muốn tiếp cận theo cách nào đi chăng nữa nhưng các kết quả đưa ra trong bài viết phải có khả năng thuyết phục bạn đọc; và thứ hai, bài viết phải có giọng, có cá tính, có “vân chữ” riêng. Ở tác phẩm phê bình đầu tay này, Lê Hương đã có một số bài đáp ứng được đòi hỏi trên.

Trong bối cảnh ngày càng ít người viết trẻ theo nghề phê bình văn học, việc xuất hiện một cây bút phê bình như Lê Hương đã đem đến chút niềm vui ấm áp cho đời sống phê bình văn học hiện nay.

THEO NGÔ VĂN GIÁ/ VAN.VN