Chim cuốc tìm nhau – Truyện ngắn của Việt Thắng

501

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi cứ muốn ứa nước mắt, khi nhìn bà khóc và những ước ao đơn giản mà chưa thực hiện được. Tôi bàn với bà, chuyến trở về tôi sẽ đưa bà đi theo vào Sài Gòn và dẫn bà lên chỗ chôn anh Hoàng để đem xương cốt anh về quê. 

Nhà văn Việt Thắng 

Tôi và Hoàng hai đứa thân lắm, học chung với nhau từ bé cơ mà. Khổ nỗi chúng tôi sinh ra thời kháng chiến chống Tây, nên hòa bình anh, chị nào cũng lớn chín mười tuổi cả rồi mới được cắp sách đi học. Lớp thì chả ra lớp, khi thì học trong kho của hợp tác xã, khi thì học ở những ngôi chùa làng; đã được các thanh niên tiên tiến quăng bớt các tượng Phật xuống giếng chùa. Đi đâu cũng rủ nhau, cả những khi chăn bò, cắt cỏ, bắt cua… đôi khi còn rủ nhau ra tận sông Kim Ngưu lặn mò ốc, hến. Học lực hai đứa cũng chẳng đến nỗi nào nên cứ mỗi năm một lớp đều đều cho đến năm thứ hai của cấp ba. Chiến tranh tràn tới, đứa nào cũng đã vượt tuổi mười tám. Thế là có tên gọi đi khám nghĩa vụ. Hoàng to con hơn tôi, nên đi khám được kết luận sức khỏe hạng A3, còn tôi mới B1 cộng. Tưởng tôi không phải đi đợt đó. Ai dè họ quơ hết.

Ba tháng quân trường. Ban ngày học bắn súng, chiến thuật, chính trị… Đêm phải bỏ những hòn đất nặn to như cục gạch block đã phơi vào ba lô. Anh nào trước khi đi cũng bị chỉ huy nhắc thử ba lô; xem có ăn gian trọng lượng đã qui định bắt buộc 25 kí lô gam không. Đang là học sinh tò te, đùng một cái bị gò vào khuôn khổ ai mà chả ngán, chả than. Được cái là cơm ăn no, bữa nào cũng có tí thịt, đậu… chẳng như ở nhà, cơm đã độn khoai, sắn phơi khô, thức ăn là cả rổ rau muống, hoặc lang luộc chấm nước tương. Họa lắm thì có đĩa tôm tép, hoặc cá tự đi tát mò mẫm ngoài đồng. Rèn luyện khổ thế mà hết đợt học anh nào cũng lên vài ba cân.

Hành quân sáu tháng, đi dọc Trường Sơn cũng may là không dính những đợt bị B 52 bừa tọa độ nào. Khi đến điểm tập kết ở tỉnh Tây Ninh, đơn vị cũng hao hụt quá nhiều vì sốt rét phải nằm lại đọc đường. Cũng may là hai thằng tới nơi chỉ bị sốt rét sơ sơ nên không phải nằm lại. Cả hai đứa được bổ sung về cùng trung đội của một sư đoàn đang hoạt động tại miền Đông Nam Bộ. Sau những đợt mở chiến dịch đánh xuống đồng bằng. Đơn vị lại rút về đóng quân chỉnh huấn trong những khu rừng nằm cạnh sông Sài Gòn. Bên kia sông là đất Campuchia.

Để tránh bị sát thương qua những đợt bom pháo của Mỹ và phe quốc gia. Khi tới đóng quân ở khu rừng nào, cũng phải đào hầm chữ A. Hầm được đào sâu xuống đất; sau đó chặt cây đường kính cỡ mười phân gác từng cây lên nhau như từng vỉ kèo làm nhà nhưng sát vào nhau. Mỗi hầm cũng phải mất cả chục cây làm nóc hầm. Sau đó đổ đất đá lên. Qua thực tế người ta nhận thấy loại hầm chữ A này chống bom pháo và chống bị sập nắp hầm tốt hơn loại hầm chỉ gác ngang cây trên mặt đất thẳng từ mép hầm này qua mép hầm kia. Ở dưới hầm thì đốt đèn dầu thoải mái vì chỉ cần che ánh sáng bằng tấm tăng trên miệng hầm là ánh sáng không lọt ra ngoài, nên an toàn về mặt phòng không. Nếu bom pháo nhiều, lính ta có thể giăng võng ngủ luôn cả tổ ba người dưới hầm. Ở rừng, đêm đến chẳng biết làm gì giải trí. Chỉ có bộ bài tú lơ khơ đánh tiến lên.

Tối. Cơm nước xong, tôi xách cái nồi nấu cơm sang hầm của Hoàng đánh tiến lên. Luật bất thành văn đã có từ lâu, để cổ động và khích lệ cho tinh thần những đợt đánh tiến lên. Quy định như sau: Anh nào bị thua chót sẽ bị anh tới nhất quệt một vạch đen vào mặt. Nhiều anh tới nhất kỹ càng nhúng tay vào nước và tìm chỗ nhiều lọ nghẹ nhất quệt cho thâm đen vào ngón tay và bôi vào mặt anh thua chót đúng một vạch đen dài. Thế là những tiếng cười cứ vang lên cả hầm. Tan cuộc giải trí, anh nào đánh giỏi nhất cũng bị vài quệt đen, còn anh nào đánh dở thì trên mặt chẳng còn chỗ nào quệt, đành quệt cả xuống cổ. Cười đùa chọc quê nhau nhưng chả anh nào giận anh nào cả. Tối nào rảnh rỗi là y rằng lại rủ nhau sang hầm của nhau đánh tiến lên. Đang hăng tiết vì những cú sát phạt quệt nhọ nghẹ vào mặt nhau. Bỗng tiếng ì ì rền vang từ cuối chân trời, biết là máy bay B 52 bỏ bom tọa độ. Ngay đợt đầu bỏ gần như sát bên; xong đợt bom mạnh anh nào, anh nấy ba chân bốn cẳng chạy về hầm của mình. Vừa kịp chui xuống hầm của tôi, đợt bom thứ hai và thứ ba bừa tới. Thường thì mỗi đợt bỏ bom là chúng đi một lúc ba chiếc bỏ rải thảm. Những quả bom nổ gần hầm tôi, ai nấy ngồi dựa vào vách hầm, lấy hai ngón trỏ bịt kín hai lỗ tai, miệng thì há rộng ra để tránh bị thủng màng nhĩ do sức ép của bom. Người cứ nẩy lên, dập xuống theo từng đợt bom nổ. Hầm lắc lư như đưa võng, các vĩ kèo chống hầm kêu răng rắc. Mọi người trườn nhanh ra khỏi hầm, mảnh bom, đất đá từ những quả bom nổ tung lên trời rơi xuống lộp bộp khắp nơi, may mắn không trúng vào ai. Sau khi hết ba đợt bom, cái hầm của tổ tôi cũng đã sập. Không gian yên tĩnh trong giây lát, sau đó là tiếng gọi tên nhau í ới. Ánh đèn pin nhoang nhoáng. Tôi chạy qua hầm Hoàng, quả bom nổ sát bên, nó khoét một lỗ to, đất đá đã trùm lên đè sập cái hầm rồi. Gọi khản cả cổ cũng chẳng nghe tiếng trả lời. Lệnh trên truyền xuống phải di chuyển gấp; để tránh B 52 bỏ bom tọa độ đợt nữa. Tôi quệt nước mắt, vừa đi vừa ngoái đầu lại cứ réo gọi: Hoàng ơi, Hoàng ơi… trong vô vọng.

Ba ngày sau tôi xung phong vào đội tìm kiếm tử sĩ trong đợt bom Mỹ bỏ vừa qua. Đi cả mấy tiếng đồng hồ; mới tới cánh rừng ngày trước đơn vị đóng quân. Không còn hình dung nổi cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn là những cây cổ thụ, mà nay chỉ thấy khoảng trống trong tầm nhìn mút mắt. Cây cối ngã ngổn ngang trong mọi tư thế. Có cây bị trúng bom ngay gốc chỏng chơ cả bộ rễ giơ lên trời, có cây thì bị phạt ngang hông, phần trên đổ gục lá héo úa; nhựa từ chỗ gãy tứa ra trên vỏ cây vàng khè. Những cây bụi nhỏ đất đá phủ lên, có cây còn cố ngóc những cành lá trong đám đất đỏ sậm. Cả khu rừng mênh mông nay chỉ nhìn thấy toàn những hố bom. Theo kiểm tra đợt B 52 bỏ bom hôm vừa rồi cũng sập cả gần chục hầm. Phần nhiều là chạy ra khỏi hầm trước khi bị sập. Có nhiều người bị mảnh bom làm bị thương đã được đồng đội cáng theo lúc di chuyển. Chỉ duy có trung đội tôi là bị sập hầm của Hoàng; vùi xác cả ba người dưới đó mà thôi. Loanh quanh mãi chúng tôi mới tìm được căn hầm sập của Hoàng. Mới lại gần đã ngửi thấy mùi hôi thối bốc lên từ dưới hầm. Loay hoay đào cả tiếng đồng hồ, chúng tôi mới lôi được xác ba người lên. Tôi thẩn thờ không còn nhìn ra Hoàng nữa, cả khuôn mặt và người đã tím bầm do ngạt thở tụ máu; bụng trương phình lên. Chúng tôi lấy tăng của ai thì gói xác người ấy, tôi cố lục túi của Hoàng còn tìm được tấm ảnh cô người yêu học cùng lớp; và cả lá thư anh mới nhận được hôm đi chiến dịch về. Mồ hôi hòa cùng nước mắt chảy lã chã từ khuôn mặt xuống môi mặn chát. Khiêng xác các anh tới quả đồi có cây chồi lúp xúp cao chưa khỏi đầu người; chen lẫn trong những đám cỏ tranh; cách cánh rừng bị bỏ bom hơn nửa cây số. Đào huyệt và chôn xong, trời cũng quá chiều, vì nơi đây sỏi nhiều hơn đất nên đào huyệt mộ mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi chỉ còn biết đẽo vội mấy nhánh cây ghi họ tên của các anh cắm đầu mộ. Riêng Hoàng tôi kỹ càng hơn, cố tìm được cục đá có mặt phẳng, mỗi chiều cỡ gang tay. Hì hục lấy dao găm đẽo gọt khắc tên, quê quán xong bỏ vào tấm tăng gói theo xác của anh. Hy vọng tới ngày hòa bình; nếu tôi còn sống có thể đưa gia đình vào đem xác anh về quê. Tôi lầm rầm nói những lời chia tay với vong hồn anh. Lã chã mồ hôi, nước mắt chảy xuống gò má lấm lem thành từng vệt; thất thểu tôi theo đồng trở về đơn vị.

Hết chiến tranh, tôi trở về quê. Vì cuộc sống thời bao cấp khó khăn. Lang thang hết nơi này tới nơi khác; cuối cùng tôi cũng định cư tại một tỉnh của đồng bằng Nam Bộ. Cách cánh rừng năm xưa bị bom B 52 Mỹ bừa chừng hơn một trăm cây số. Lăn lộn trong cuộc sống, thi thoảng cũng nghe trên đài nhắc tên các liệt sĩ trong các buổi phát thanh. Lòng cứ tự nhủ lòng, chuyện đó bên các ông thương binh xã hội lo. Đôi khi lại tự hỏi; chẳng biết mấy mộ liệt sĩ chôn cùng Hoàng hồi đó; đã có ai đã đi tìm và di dời về nghĩa trang nào chưa?

Cuộc sống cứ trôi đi thầm lặng vì mải lo miếng cơm manh áo. Có lẽ cũng được hơn mười năm tôi nhận được bức điện khẩn: Bố bệnh nặng về ngay. Mua vội vé tàu tốc hành bằng giá chợ đen; dạ cứ thấp thỏm, không biết ra có kịp nhìn mặt bố hay không?

Sau ít ngày, bố tôi xuất viện trong tình trạng sức khỏe đã khá hơn. Tôi tất tả lên xóm trên thăm mẹ của Hoàng. Ông bố Hoàng đã mất mấy năm nay, hai cô em gái đi lấy chồng ở xã bên, thi thoảng mới đảo qua nhà thăm mẹ được chốc lát. Khi thấy tôi, bà cứ ôm lấy tôi mà khóc. Hết nắm tay lại sờ lên đầu mà nhắc chuyện hồi hai đứa cùng đi học. Bà nghẹn ngào:

– Hồi ông nhà còn sống thì nghèo quá, chẳng có tiền vào chỗ  anh nhờ chỉ chỗ chôn Hoàng mà đem xác anh nó về.

Tôi cứ muốn ứa nước mắt, khi nhìn bà khóc và những ước ao đơn giản mà chưa thực hiện được. Tôi bàn với bà, chuyến trở về tôi sẽ đưa bà đi theo vào Sài Gòn và dẫn bà lên chỗ chôn anh Hoàng để đem xương cốt anh về quê. Tôi cũng nói rõ cho bà hay, không biết có ai đã thu gom xác các anh chưa, nếu thu gom thì phải đi tìm ở các nghĩa trang địa phương; còn nếu chưa thì mình mới đem hài cốt về được. Bà bảo nếu họ đã thu gom rồi; vào cho biết nơi chôn để lương tâm khỏi cắn dứt. Bàn đi tính lại, bà gọi cô con gái có chồng ở làng bên đi cùng. Sau khi đã xin cái giấy phép của cơ quan có thẩm quyền. Chúng tôi trở vào Sài Gòn.

Đi hai chặng xe đò, lại phải đi xe ôm chúng tôi mới vào vùng năm xưa bị bom Mỹ rải thảm. Mấy chục năm trở lại; không còn hình dung ra những cánh rừng bạt ngàn năm xưa. Có những cánh rừng đã thay lớp áo bằng những rừng bạch đàn, hoặc cao su, hay vườn điều… Có những ngọn đồi chỏng chơ đất cát, và những thân cây mì đã thu hoạch nằm dưới nắng chói chang của mùa khô phía Nam.

Lần mò, hỏi thăm mãi chúng tôi mới tới con suối mà cánh rừng năm xưa nằm vắt ngang nó. Dân nhập cư từ các nơi tới đây khai phá, chẳng còn thấy cánh rừng nào cả. Thành thử lần mò mãi mới tới một trang trại của một cán bộ về hưu tên Bình. Sau khi nghe hỏi thăm và trình tờ giấy giới thiệu của địa phương. Ông  vui vẻ tiếp chúng tôi trong niềm vui hồ hởi. Dù sao cũng là những người lính một thời sốt rét như cơm bữa, hứng chịu bom pháo địch thường nhật, nên dễ thông cảm và hòa đồng với nhau. Trời cũng xế chiều, nên ông vui vẻ đề nghị:

– Anh đã dẫn bác và chị tới đây là chắc ăn rồi. Cứ cơm nước nghỉ ngơi cho khỏe, ngày mai tôi sẽ đi tìm cùng anh và gia đình.

Cả đêm, tôi và chủ nhà cứ chuyện trò làm như bạn thân nhau từ lâu lắm rồi. Nhắc mãi về một thời bom đạn. Nhất là trận B 52 bừa bom khu vực này. Anh kể lại hồi lên phá rừng làm rẫy; gia đình anh đã phải hàng tháng trời san lấp hố bom. Bà mẹ Hoàng và cô em gái tuy chẳng hiểu gì, nhưng cũng cứ ngồi lẳng lặng mà nghe.

Mới tờ mờ sáng, ai nấy cũng thức dậy cùng chủ nhà. Sau khi cơm nước xong xuôi; tôi lôi chiếc la bàn ra tìm hướng. Từ nơi đây tôi nhớ rất rõ là chúng tôi đã khiêng xác đồng đội về ngọn đồi cây lúp xúp có lẫn những đám cỏ tranh ở hướng đông. Anh chủ nhà dẫn chúng tôi tới đúng ngọn đồi. Có lẽ do đất ở đây xấu toàn đá sỏi nên chẳng có ai khai hoang. Vì vậy cây chồi và cỏ tranh… vẫn xanh tốt như hồi chiến tranh. Tôi lục tìm hòn đá mồ côi hồi đó; to như cái chiếu trải giường. Còn nhớ hòn đá nằm dưới chân đồi về hướng tây mà khi chôn xong tôi đã đứng ngắm nghía định hướng. Từ đây chếch về hướng đông bắc, lên chỗ chôn các anh độ hơn chục mét. Đốt ba nén nhang bà mẹ Hoàng  quỳ xuống khấn lầm rầm về bốn hướng. Khi bà cắm ba nén nhang xuống đất, những giọt nước mắt cứ trào ra hai khóe mắt đã hõm sâu nhăn nheo vì tuổi già.

Từ hòn đá tôi vạch cỏ tranh, và những cây mua, mắc cỡ cùng những cây chồi…, đi chếch về hướng đông bắc. Chừng được chục mét tôi bảo mọi người vạch cỏ, cây ra tìm. Tôi nói những ý nghĩ của tôi cho mọi người nghe: Đã hàng chục năm nay, mấy cái cây làm mộ bia đã mục và bị mối ăn hết là cái chắc, phần mộ ngày đó chôn ở sườn đồi dốc thoai thoải, chắc chắn nắp mộ đã bị mưa gió bào mòn bằng mặt sườn đồi. Theo thời gian, bị mưa nó sẽ lún sâu hơn những chỗ đất xung quanh. Nếu ai tìm thấy chỗ nào có hiện tượng như thế thì hãy gọi mọi người.

Tôi và bà mẹ Hoàng tìm một hướng, anh Bình và cô em gái Hoàng tìm một hướng. Tôi đi trước vạch cỏ tranh cùng những cây mua, mắc cỡ gai góc. Có chỗ nghi ngờ lấy dao phát cỏ nhìn; vã mồ hôi mà chưa thấy dấu vết gì cả. Mặt trời đã lên cao, ánh nắng chói chang của mùa khô phía Nam, chiếu vào người, mặt nóng hầm hập. Tội cho mẹ Hoàng già cả sức yếu, mà cũng cố theo phụ tôi vạch cây tìm tòi. Đang mải miết tìm, bỗng tôi thấy khoảng đất trũng xuống so với bên cạnh. Vội vã vạch cỏ ra, lần theo vết trũng hơn; tôi mừng muốn ngất luôn. Đúng đây rồi, chiều ngang của vết lõm khoảng một mét, chiều dài cỡ hai mét. Hú gọi anh Bình và cô em của Hoàng quay lại chỗ tôi.

Vừa mệt vừa mừng, tôi ngồi thở dốc; lấy bình nước uống một hơi. Mồ hôi cứ tứa ra trên khuôn mặt. Anh Bình và em gái Hoàng trở lại. Chúng tôi bàn nhau, phát cây cỏ tìm đủ cả ba huyệt mộ; thì mới chắc chắn cái nào là cái chôn Hoàng. Hơn nửa tiếng đồng hồ, ba ngôi mộ đã hiện ra. Đúng như tôi dự đoán, các tấm bia mộ tạm bằng những khúc cây hồi đó, đã mục nát và có lẽ bị mối ăn biến thành đất chẳng để lại dấu vết gì. Trong ba huyệt mộ hồi đó tôi đã chôn anh Hoàng ở giữa. Tôi cam đoan với mẹ Hoàng là không thể lộn được. Bà cứ gục đầu xuống phần đất trũng mà khóc, mà gọi tên con; cả cô con gái cũng hùa theo mẹ khóc thảm thiết và gọi tên anh. Tôi và anh Bình đứng nhìn, chẳng ai cầm nổi nước mắt. Trời đã đứng bóng, chúng tôi an ủi và dìu mẹ Hoàng trở lại nhà anh Bình, cơm nước nghỉ ngơi. Tôi bàn với anh Bình là chúng tôi sẽ hốt cốt của Hoàng để gia đình đem về quê. Chiều nay tới giờ hành chính, anh sẽ đem giấy tờ của mẹ Hoàng tới trình địa phương. Sợ đôi khi họ hiểu lầm tới làm khó dễ, tủi thân cho thân nhân liệt sĩ. Riêng hai mộ liệt sĩ còn lại; tôi đã ghi rõ tên tuổi từng người. Phần còn lại anh sẽ báo cho cơ quan chức năng; để họ di dời về nghĩa trang địa phương.

Tính đợi chiều dịu mát sẽ ra đào mộ; nhưng bà mẹ Hoàng nôn nóng, nên mới khoảng ba giờ chiều bà đã hối chúng tôi phải đi. Ra tới nơi, sau khi bà mẹ đã đốt ba nén nhang khấn vái thổ địa và vong hồn của Hoàng. Chúng tôi hì hục đào, chừng sâu một mét gặp lớp ni lông; mở lớp ni lông ra toàn bộ thịt đã phân hủy thành màu đất đen. Riêng xương vẫn còn nguyên hình dáng. Có lẽ đất nơi đây toàn là sỏi đá, nó không phân hủy xác người ta nhanh như chỗ khác chăng? Điều đáng tin cậy nhất là cục đá tôi đẽo gọt năm xưa vẫn còn nằm trên phần bụng của Hoàng. Lấy nước và khăn lau sạch đất cát;  hiện rõ ràng dòng chữ tôi khắc bằng dao găm, họ tên và quê quán. Lúc này mẹ Hoàng cứ ôm cục đá khắc tên, gào khóc thảm thiết gọi tên con.

Mở chiếc va ly đóng bằng tôn thiếc, mà tôi đã dự trù tìm mua ở thành phố. Vì chiếc va ly này có chiều cao cỡ gang tay, nó mới chứa nổi cái hộp sọ; cả thể tích của nó tôi dự tính là sẽ đựng hết số hài cốt nếu còn nguyên vẹn. Gặp không khí một số mảnh xương tã ra gãy làm nhiều mảnh. Trải ny lông lót trong va ly; chúng tôi cẩn thận chất từng mảnh xương vào, nó vẫn còn  khoảng trống. Riêng mớ tóc vẫn còn nguyên lẫn lộn trong đám đất đen, bà mẹ Hoàng bảo cứ hốt hết. Mùi nhang khói, tiếng khóc của hai mẹ con, mặt mũi tôi và anh Trung ai cũng lem luốc, mồ hôi chảy ra đã kẻ thành từng vạch trên khuôn mặt bụi bặm. Trời xế chiều ánh nắng dìu dịu. Sau khi đã hốt hết số xương trong mộ, tôi đậy nắp va ly lại. Lấy vạt áo quệt mồ hôi, đưa bình nước lên tu ừng ực. Xa xa trên lưng chừng đồi, tiếng những con chim cuốc gọi nhau: Quắc quắc quắc cà quắc, cà quắc… gào lên thống thiết. Hòa trộn với những tiếng khóc của bà mẹ và cô em gái Hoàng làm tôi cứ thẩn thờ như người mất hồn.

V.T