Đôi song mã

1015

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mấy tiếng vạc eo óc rời rạc ngoài trời báo hiệu canh năm vừa hết, giọng mấy con chim chìa vôi, trao trảo ở vườn bên bắt đầu thánh thót, líu lo như một điệp khúc thường nhật, báo hiệu đêm tàn. Trong bầu trời mờ đục, từ dưới sông Cái Tắc rì rầm vọng lên tiếng người xen lẫn tiếng dằm, tiếng mái chèo rẽ nước, khua xào xạc của những người dân quê miệt thôn xa đi chợ sớm. Theo thói quen, mỗi buổi sáng, sau khi thức dậy, ba tôi luồn chân vô đôi guốc vông, lấy lại sự tỉnh táo giây phút rồi đi rảo nhanh một vòng quanh nhà để xem coi có gì lạ xảy ra trong đêm tối, rồi mới bắt đầu những công việc thường nhật.

– A, có chuyện lạ quá bà ơi, ra đây mà coi này! Từ nhà trên, tiếng ba tôi sang sảng gọi xuống mẹ tôi đang ở nhà sau, vừa nấu xong nồi cơm nếp và đang hăm hở sửa soạn ra ruộng.

– Được rồi, tôi ra ngay, chuyện gì đó ông ?

– Thì ra đây sẽ thấy.

Ba tôi dứt lời thì mẹ tôi cũng vừa ra tới chỗ ba tôi ở nhà trước.

Một đường hầm vừa đủ rộng khoét hằn sâu xuống nền nhà bên dưới vách mắt cáo đủ cho một người từ bên ngoài bò luồn vào trong. Hai chú chó Mực và Phèn cũng tới quấn quýt bên chân ba mẹ tôi. Bỗng ba tôi nhận ra gần đầu miệng hầm xuất hiện lạ thường một đầu ống quần vải đen rách tả tơi, và chỉ trong thoáng chốc, người nghĩ được chuyện gì vừa xảy ra trong đêm tối.

Thế hệ chú bác và cô tôi gần đủ chục, tất cả đều đã có gia đình đàng hoàng và ra ở riêng mỗi người một nơi. Trước khi ông bà nội tôi về với tổ tiên, ba tôi là con trai út hiền lành, hiếu thảo, biết lo làm ăn được ông bà tôi tin tưởng, giao cho việc trông giữ nhà thờ. Ngôi nhà tổ phụ nghe nói được giữ lại từ đời ông cố, do ba tôi trách nhiệm giữ gìn cúng kiến, lo việc thờ tự, lễ giỗ hằng năm. Nhà xây cất toàn bằng gỗ quý khá rộng, kiến trúc theo lối xưa, rất khác biệt so với những kiểu nhà gỗ thời hiện đại hôm nay. Ngôi nhà có thiết diện nền vuông vắn, bao gồm hai không gian gần cách biệt nhau: chính thất bên trong rất thâm nghiêm để các bàn thờ ông bà, tổ tiên với bốn vách chạm trỗ bằng loại gỗ quý, ngăn cách với không gian thứ hai là ngoại thất chạy quanh bên ngoài như một vành khăn tay. Táng lót nền, hình lập phương cạnh rộng gần năm tấc, dài trên năm mét là những khúc cây nguyên, xẻ ra từ loại danh mộc quý giá. Những táng gỗ bệ vệ nằm ì im lặng như những con cá voi, đội bốn bức vách chính thất qua thời gian có chỗ bị mẻ cạnh và trong ruột bị mối, mọt ăn lũng. Nhiều chỗ bộng ruột bên trong, dùng chân giậm mạnh hay tay gỏ lên bằng khúc cây nghe vang lên những tiếng bùng bung, bùng bung…ban đêm sẽ cảm thấy rợn người. Các loài rắn, cóc, ếch, nhái, ễnh ương… lợi dụng khoảng trống tối tăm sầm uất làm sào huyệt để ở.

Những đêm thanh vắng trong lúc đang yên ngủ, người trong nhà thỉnh thoảng lại nghe tiếng hút gió réo rắt của lũ rắn đói ăn, từ trong hang âm thầm bò ra kiếm bắt cóc nhái. Cũng có đôi lúc nhận được tiếng huỳnh huỵch, khè khè của chúng lúc quần nhau để bắt cặp giao tình. Một lần, giữa khuya thức dậy đi ngoài, từ trên giường ba tôi vừa bỏ chân xuống nền nhà gạch, tìm đôi guốc thì đạp ngay một vật gì lành lạnh, ba tôi hiểu ngay là con rắn mà không thấy có gì lạ.

Chắc là đạp ngay đầu nó. Ba tôi tinh ý càng nhấn mạnh thêm mà không dám dở chân lên để không bị nó cắn. Phản xạ như cái máy, ba tôi nhanh nhẹn lấy ngay chiếc đèn pin và cây chĩa treo sẵn ở đầu giường, đâm chết nó. Nghe động tỉnh, hai con Mực, Phèn có mặt lập tức có mặt đúng lúc, bên con rắn nằm dãy dụa dưới mũi chĩa của ba tôi mà sũa om sòm Trong ánh đèn pin mờ mờ, mọi người trong nhà nhận ra đó là một con rắn hỗ hành, màu nâu bụng xám, dài hơn mét, mập to vì có chữa. Chắc là nó bò đi tìm chỗ đẻ, thân nó bốc mùi hành tanh tưởi hôi dậy cả phòng nên loại bò sát này được gọi là rắn hỗ hành. Lũ rắn ở lâu dưới nền nhà tôi tính ra có hơn tiểu đội, đủ các loại rắn: hỗ đất, hỗ mang, hỗ lửa, hỗ hành, mai gầm, hỗ ngựa, rắn nước, rắn trun, rắn lãi… ở trong hang dưới đất, có loại rắn ráo, rắn liu diu nhỏ con nương náu nơi kẹt hốc tối tăm của đầu kèo cột trên mái nhà. Đôi khi, cũng gặp những chú rắn lục xanh lè như những tên đạo chích, từ cành cây xanh rất khó phát hiện từ ngoài vườn đột nhập, chui vào mái nhà vào trong cũng rất nguy hiểm vì chúng có nọc độc chết người.

 Chó mực

Chó Phèn

Môi trường âm u của không gian ngưng đọng nơi ngôi nhà cổ lâu năm khiến giống sinh vật bán thú bán điểu là lũ dơi cũng mượn làm sào huyệt. Nào dơi chuột, dơi bắt muỗi loắt choắt nhỏ con đến loài dơi quạ to kềnh cũng xập xòe bay lượn vùn vụt ngày đêm dưới gầm nóc ngói nhà ngói cũ rêu phong. Loài dơi đêm thường bay đi ăn, ban ngày chúng đậu yên một chỗ trên cột kèo hoặc vách nhà, đầu chúng xa trông như đầu chuột, chúi đất xuống và luôn xả bậy xuống nền nhà gạch. Ngoài những chú thạch sùng treo ngược trên trần nhà, kẹt vách tối tăm, những con tắc kè bông mình mẩy rằn ri như quân phục anh biệt kích, hình thù dữ tợn như con cá sấu ở những khu rừng nguyên sinh Châu Mỹ. Trong những ngày về quê nghỉ hè hay ăn Tết, thấy tôi rảnh rổi không cầm vở học bài hay đi ruộng với các chị, ba tôi thường sai tôi xách ky, chổi làm vệ sinh cho sạch phân dơi vài lần một tuần nơi gian chính thất thâm nghiêm có bàn thờ Phật và ông bà, tổ tiên.

Quê tôi ngày xưa rất ít khi nghe nói tới cảnh cướp của giết người man rợ như thời đại công nghệ số hôm nay. Chỉ lâu lâu mới xảy ra trường hợp những gia đình khá giả bị ăn trộm khi chủ nhà ban ngày đi vắng hoặc bị bọn đạo chích đêm khuya, lợi dụng người nhà ngủ say, lén lút đào hầm, khoét vách những để ăn cắp đồ đạc. Do vậy, trong nhà, ba mẹ tôi lúc nào cũng có nuôi mèo để bắt chuột và vài chú chó như Mực, Phèn để canh chừng bọn trộm đạo, trông giữ vườn tược sau nhà hoặc xua đuổi bớt đi các loài rắn rết…

Mực và Phèn, cả hai đều không thuộc loại chó Bẹc-giê (Berger), hay chó lai mà là giống chó ta rặt ròng, nhưng đặc điểm nổi bật trước nhất dễ nhận ra là chúng khá to con. Khi anh em tôi ra tỉnh học, ba tôi đã tìm xin Mực, Phèn lúc hãy còn bé tí từ hai người bạn thân ở làng bên để giữ nhà và cho gia đình tôi bớt đi phần vắng vẻ. Buổi đầu Mực, Phèn mới về nhập tịch vào nhà tôi, với lòng yêu thương loài vật trung thành có nghĩa, mọi người đã thực sự coi chúng là thành viên của gia đình. Mực có bộ lông dày rậm và lúc nào trông cũng mướt rượt như thoa dầu dừa, đôi chân cao, chân rắn chắc như Phèn nhưng đôi tai Mực hơi vễnh thẳng lên như loài chó Tây, trông nó không  khác nào một chú ngựa ô. Phèn khác biệt chút ít so với Mực ở bộ lông xù màu vàng, hai tai khá to và cụp xuống trong lúc mũi nghếch lên trên khuôn mặt rộng, không khác gì chúa sơn lâm sư tử. Không cùng chung cha mẹ, nhưng Mực và Phèn ra vẻ yêu thương nhau từ ngày về nhà tôi.

Ăn chung, ban ngày ngủ chung một chỗ, đi đâu chúng cũng quấn quýt một cặp không rời nhau. Những buổi trưa hè nóng bức, anh em tôi đều cùng Mực, Phèn ra sông tắm mát đùa giỡn thật hào hứng thú vị. Nhưng tối đến thì Mực ngủ nhà trước, Phèn ngủ nhà sau để canh giữ nhà cửa. Tập quán rất dễ thương của chúng là, dù không nói được tiếng người, nhưng bất cứ ai trong nhà, nhất là ba tôi lên tiếng ra lệnh thì chúng nó biết vâng lời, răm rắp làm theo như đã nghe được tiếng người. Ban đêm, nghe có tiếng động lạ hoặc theo chu kỳ hai tiếng một lần, Mực, Phèn luôn thức dậy, hăng hái chạy crọc…crọc… vài vòng khắp nhà để tuần tra, canh chừng bọn trộm cắp, không khác gì một đôi song mã của những hiệp sĩ trên đường lâm trận. Nhớ lời ba tôi dặn, cả hai đều rất ngoan, không làm ồn hay sủa vang mỗi khi giữa đêm khuya, anh chị hai tôi đi du kích về thăm gia đình.

Những ngày nghỉ hè ở quê, trời nắng ráo, tôi và thằng Tý em tôi hay theo người anh họ ở gần nhà đi bắt chuột ngoài đồng. Mực, Phèn cũng lăn xăn chạy theo anh em tôi như muốn tích cực góp công. Chúng đánh hơi rất giỏi, rượt bắt chuột, hay đuổi rắn cũng tài tình. Ban đêm, sự hiện diện của chúng bên cạnh khiến anh em tôi dạn dĩ trong những lúc đi thăm bẫy chuột ở ngoài đồng ruộng tối tăm vắng vẻ. Tính yếu bóng vía hay sợ ma, những đêm ngoài trời mưa gió bão bùng, khi cha mẹ, các anh chị vắng nhà, hai anh em tôi hay gọi cả Mực và Phèn cùng thức dậy, tôi đốt đèn sáng lên cả nhà và thắp nhang nghi ngút lên các bàn thờ Phật, bàn thờ ông bà thì tôi và thằng Tý mới thực sự an lòng, hết lo sợ ma quỷ vu vơ.

Một đêm cuối thu, đúng vào tâm điểm mùa nước nổi, trong khi mọi người đang ngủ say, cả nhà bỗng giật mình tỉnh giấc vì có tiếng động lạ và tiếng sủa inh ỏi dồn dập của Mực, Phèn vọng lên từ gian nhà trong. Vốn trải nghiệm, ba tôi tinh ý chổi dậy, rời khỏi giường, lấy vội chiếc đèn pin và cây chĩa sắt nhọn hoắc treo sẵn trên vách ở đầu giường ngủ, nhanh nhẹn mở cửa nhà trong, tìm nơi có tiếng động… Dưới gầm bàn thờ nội tôi, trong ánh sáng mờ mờ, một cảnh tượng đặc biệt diễn ra. Mực và Phèn đang tưng bừng quyết đấu một mất một còn với một con rắn hỗ mang to lớn khác thường dài gần mét rưởi. Con rắn lạ sọc trắng đen đang gồng mình, nghễnh chiếc đầu lên với cái miệng đỏ choét to như cái bàn nạo dừa, hai nhánh lưỡi dài trong miệng, thè vô ra, phun khè khè… nghe muốn nổi da gà. Nửa thân sau con rắn cuộn vòng tròn như khoanh dây thừng xuống tận nền gạch, lấy thế để đầu và miệng nó ngẩng lên đối phó trước hai chú Mực, Phèn đang chạy loanh quanh, quần thảo với nó.

Trận thư hùng hiếm thấy, quyết liệt giữa hai chú chó nhà khỏe mạnh và một gã bò sát ngoại tộc không rõ nguồn gốc, dám ngang nhiên xuất hiện trong lĩnh địa yên bình sở hữu của người khác. Hai chọi một, Mực và Phèn như cương quyết hạ gục cho được kẻ thù ngổ ngáo lạ mặt, trong lúc con rắn dữ cũng ỷ lại vào bản lĩnh và vũ khí độc của nó mà nghênh ngang chống cự. Tính Phèn vốn nóng nảy háo thắng, nó lên đòn trước con rắn dữ bằng một cú nhảy, quyết cắn phặp vào cổ con rắn. Gã hỗ mang cũng tinh ranh không vừa, nó nhanh nhẹn quặt đầu sang một bên tránh hàm răng nhọn hoắt của Phèn. Tức thì nó phản đòn, mổ nhanh như chớp vào dưới cổ Phèn. Nhưng Phèn lẹ làng nhảy tránh tạt kịp thời trong khi con Mực phía sau sủa “quấu quấu” inh ỏi, mà chưa tiếp tục xung trận. Dường như Mực còn đang “tương kế tựu kế” tìm ra đòn hiểm để hạ gục đối thủ. Chưa hạ gục được kẻ thù, con hổ mang tức lồng lộn, bỏ ngay Phèn quay lại quyết ăn thua đủ với hiệp sĩ áo đen. Nhưng Mực không phải tay vừa nghĩ nhanh ra cách sử dụng đòn túy quyền. Nó lỡn cỡn nhảy tới lui, nhảy qua lại liên tục như người say rượu, khiến cho con hổ mang không biết phải ra đòn cách nào cho hiệu quả. Một hồi lâu, gã rắn độc có vẻ nao núng và thấm mệt trở nên lừ đừ, không còn hăng hái nhanh nhẹn như lúc đầu. Nhưng đó là động tác giả, thoắt một cái, lợi dụng trong lúc Phèn không để ý, con hỗ mang nhảy tới cắn phặp sâu vào cổ Phèn, dùng phần thân dài gân guốc của nó quấn chặc vào thân con chó.

Gã hỗ mang quyết không nhả Phèn khiến cho Mực điên tiết lao vào, lấy hết sức cắn mạnh vào cổ con rắn độc làm nó phải buông nhả Phèn ra. Hai hàm răng nhọn Mực vẫn ngoạm chắc lấy cổ rắn, rẩy qua rẩy lại rất mạnh như để hả hê cơn giận để  trả thù cho Phèn cho đến khi con rắn độc chết hẵn. Nhưng mấy  hôm sau, Mực buồn dàu dàu, chống hai chân trước ngồi nhìn Phèn bỏ ăn và kiệt sức dần vì nọc rắn độc. Đôi mắt Phèn trở nên đỏ thâm, lờ đờ và miệng Phèn bắt đầu tuôn ra máu bầm và dần dần bỏ ăn. Thấy Tý đến, Phèn cố mở mắt, lờ đờ nhìn Tý và quẫy nhẹ đuôi.

– Bị rắn độc cắn rồi Phèn có hết bệnh không ba? Thương phèn, nhìn thân nó tiều tụy ốm dần, thằng Tý ngậm ngùi hỏi ba tôi.

– Để ba cố gắng hết sức chạy chữa cho nó. Biết thằng Tý rất yêu quý con vật, ba tôi trấn an nó.

Dốc hết lòng lo cho Phèn, không ngại lặn lội đến các nơi xa xôi tìm thuốc hay, thầy giỏi chữa bệnh cho con thú nhà giỏi giang, nhưng ba tôi đành tuyệt vọng trước nọc dữ của con rắn hỗ mang…

Từ ngày vắng đi Phèn trong nhà, Mực dàu dàu buồn ra mặt vì đã mất đi một bạn đường thân yêu. Còn lại một mình, Mực vẫn trung thành, gắn bó với gia đình tôi cho đến khi ngày cuối đời, Mực đã chết rất anh hùng bởi một một phát đạn tàn nhẫn của lũ cướp cạn trong làng trong lúc nó bênh vực ba tôi bị chúng uy hiếp. Cả nhà, nhất là ba mẹ, tôi và thằng Tý em tôi đều đã dành trọn tình yêu thương cho Mực, Phèn, hai con vật giỏi giang và có nghĩa mà gia đình tôi thường gọi chúng là “đôi song mã”. Cả Mực và Phèn, hai con vật trung tín, chan chứa tình người, khi chết, ba mẹ tôi tôi đồng ý bỏ tiền tìm mua ván xoài, đóng hòm chôn chúng trong khu vườn cây ăn trái sau nhà, bên cạnh khuôn viên phần mộ của ông bà nội tôi để hình bóng Mực, Phèn đọng lại mãi trong tâm trí mọi người.

Lam Kiều