Dòng sông Tỉnh Thức (chương 10) – Truyện dài của Kim Hài

672

Chương 10: Con đường do dự

Lệ ngước nhìn chiếc đồng hồ treo trên góc khuất của bức tường bên trái. Hôm nào cũng vậy, mỗi khi lau chùi đến đây cô lại dừng tay ngắm nhìn chiếc đồng hồ tròn trỉnh có đường viền bắng gỗ nâu. Màu gỗ sẫm, ấp áp một cách dịu dàng và độc nhất trong tổng thể bằng bê tông và kim loại. Không biết ai đã chọn treo ở đấy, chiếc đồng hồ đã bé càng bé hơn so với bức tường mênh mông, tựa như một dấu chấm nâu trên trang giấy trắng.

Cô thích chiếc đồng hồ nầy. Nói thật lòng, đây là vật duy nhất ở đây cô muốn ngắm, muốn nhấn nhá chút thời gian với nó. Chuyện xảy ra từ một đêm khuya nọ, cô bỗng ý thức mình giống hệt chiếc đồng hồ, cũng lặng lẽ và nhỏ nhoi, cô đơn hết mức trong một không gian rộng lớn. Cô không hiểu tại sao người ta lại xây cái bao lơn vòng quanh căn phòng khổng lồ nầymà chẳng phối trí một vật gì ngoài cái đồng hồ chỉ nhỉnh hơn chiếc đĩa. Lần đầu, khi tựa mình vào thành lan can nhìn xuống ba cái hộp tubin bên dưới, cô có cảm giác hoa mắt chóng mặt, phải xoay người nhìn thẳng vào cái vành nâu của chiếc đồng hồ nhỏ mới lấy lại cân bằng. Sau đó, cô không bao giờ nhìn xuống những kết cấu đồ sộ kia mà chỉ lẳng lặng lướt đi từng ngày, từng ngày trên cái nền đá hoa cương bóng láng dưới chân.

Đã hết ca làm việc. Lệ mệt nhọc kéo thùng nước lau sàn đến cửa thang máy. Cô chưa kịp bấm nút, cửa thang máy đã xịch mở. Người thay ca vừa tới, rất đúng giờ. Lệ không biết chị và cũng chẳng thăm hỏi gì. Sự mệt mỏi khiến cô không buồn nhếch mép, chỉ khẽ gật đầu chào, lách mình vào. Có lẽ chị ấy cũng chẳng biết Lệ. Những công nhân vệ sinh luôn bó người trong bộ đồ bảo hộ và bịt khăn kín mít. Cảm giác bức bối, ngột ngạt chỉ biến mất khi cô trút bỏ bộ quần áo công nhân, bước ra khỏi quầng sáng của trạm gác cổng, hòa vào màn sương tối lạnh. Lệ kéo nốt chiếc khẩu trang to tướng trên mặt, hít một hơi dài, tận hưởng làn không khí mát lạnh ban đêm.

Ở nơi đây, dòng sông Tỉnh Thức ào ào như thác đỗ. Hàng tỷ khối nước từ thượng nguồn chứa trong lòng hồ đổ xuống vực sâu gần trăm mét gây nên những tiếng động ầm ỉ liên miên bất tuyệt.

Lệ nhìn quanh rồi thận trọng vòng qua bên kia bức tường cao có rào gai bên trên. Dựa vào tường rào. Cô nhìn về hướng lòng hồ rộng lớn chứa đến hàng tỷ khối nước từ dòng sông phía thượng nguồn bị chặn lại. Bây giờ đang là mùa mưa, tiếng nước đổ dồn nghe trong đêm như tiếng quẩy lộn của bầy rắn khổng lồ. Lượng nước dốc xuống những ống dẫn to tướng dậy lên vô số âm thanh nghèn ngẹn khuấy động cả khoảng không. Có những ánh đèn pin loang loáng của đội trực đêm đang thăm chừng mực nước hồ. Lệ lặng lẽ thụt lùi rồi đi nhanh về phía khu nhà ở cho công nhân .

Cơn mưa lại đến khi cô còn chân ngoài chân trong ở hiên nhà. Những giọt mưa kèm theo gió phả và người cô mang theo hơi lạnh đến tê người. Lệ nhanh chóng mở cửa rồi đi thẳng vào nhà vệ sinh. Lúc cô trở ra, người bạn cùng phòng trở mình thức giấc, giọng ngái ngủ:

– Hôm nay em xuống ca trễ…

Lệ ậm ừ cho qua chuyện. Cô mệt và buồn ngủ đến nổi không buồn trả lời, nhoài người vô chăn, nằm sấp mình, mắt ríu lại.

Trời đang đổ mưa. Quán nước của Lệ chập chờn ánh sáng cam, xanh, tím. Quân ngồi bên cạnh cô. Trông anh căng thẳng. Những nếp nhăn lo âu hằn nếp trên trán. Không còn một Quân gan góc và quyết đoán mà trái lại ánh mắt anh tràn đầy sự bất lực xen lẫn giận dữ. Anh nói sau khi nhìn quanh cảnh giác, giọng nhỏ như tiếng muỗi kêu:

– Lệ à. Chúng nó đang hùa nhau giết dân thôn mình… nên…

Lệ trố mắt:

– Anh nói gì vậy?

– Không. Em không hiểu đâu. Chỉ cần em biết chúng nguy hiểm như quỹ dữ. Chúng sẽ tàn phá chúng ta từ tâm hồn tới thể xác…

Lệ lay Quân :

– Anh nghĩ quẩn rồi. Bác Sáu lo lắm, nhất là khi anh bị bắt đi.

– Không lo được đâu. Anh nhờ em chuyện này. Làm theo… Không được nói với ai…Không…

Quân trợn mắt, tay quơ quào nói không rõ tiếng…

– Anh… cuối cùng…

Cánh cửa bật mở… Một cơn gió lạnh buốt luồn vào thổi tung mấy chiếc ghế nhựa qua một bên. Quân ngã xuống trong tiếng thét của cả hai người. Màn sương xám kéo trùm qua mắt Lệ, qua cả tâm trí cô. Hình như có ai đó chửi thề:

– Mẹ kiếp… sao lại thêm…

Cô chìm trong cơn mê ngất…

Lệ vùng dậy ôm ngực. Mồ hôi vả ra như tắm. Đây không biết là lần thứ mấy cô mơ giấc mơ này. Giấc mơ cứ lập đi lập lại. Cô sợ nhưng cô không thể trốn tránh nó. Quân đã chết, điều đó thật rõ ràng. Song vì sao Quân chết thì cô không biết và trong giấc mơ cô cũng không biết. Cô chỉ biết sau khi Quân chết, người ta đồn thổi cô mất tích. Mà cô mất tích gì chứ. Cô vẫn sống sau một cơn hôn mê dài. Tỉnh dậy, cô có một căn chòi ở thôn Hạ. Một khạp gạo đầy và một số tiền nhỏ để cô sống đủ mà không về thôn Thượng. Trong thâm tâm cô cũng muốn quên cái quán nhỏ đầy nhạc xập xình và không khí buồn tủi ưu uất, quên những con người lạnh lùng băng giá, quên sự rẻ khinh, quên tình yêu vốn không dành cho cô.

Sau khi cây cầu Tỉnh Thức gãy sụp. Cô kiếm được một việc làm và chấp nhận cuộc sống cô đơn vắng vẻ đầy những âm thanh vang động khiến người ta không thể nghĩ được bất cứ điều gì.

Ngoài trời, mưa vẫn rơi nặng hạt, không có dấu hiệu ngừng nghỉ. Không có mùa mưa nào dai dẳng và lớn như năm nay. Ngày mai, cô có cái hẹn với Lam, nhưng kiểu này chắc khó. Có lẽ, cô phải xin lỗi và hẹn sang ngày khác mất. Lệ cứ nghĩ lan man mãi cho đến khi cô thiếp đi. Cô lại mơ một giấc mơ khác…

Lam bước xuống đầu cầu tạm khi cơn mưa bắt đầu nhẹ hạt. Mặt đất bùn lầy chao đảo với những tiếng gầm gừ của nước xiết. Dòng Tỉnh Thức đã không còn phân màu như trước đây. Hai bờ cách xa nhau đến nổi Lam không nhìn rõ được hàng dừa với những đám cỏ lau ở bờ bên kia, nhất là trong tình trạng thời tiết như hôm nay. Sương phủ dày. Cảm giác buốt lạnh len lỏi sâu trong xương tủy khiến ý nghĩ cũng tê liệt theo. Lam hối hận khi mình không nhận lời để Hải đến đón. Nhưng nhớ tới cái xe máy cũ kỹ của Hải, Lam lại thấy nhẹ lòng với quyết định của mình.

– Té ra mình cũng ”sĩ“ lắm.

Lam mỉm cười lúc nhìn thấy cơ sở thông tin của thôn Tỉnh Thức cách chỗ cô chỉ vài trăm mét. Quả là một tòa nhà to lớn đến choáng ngợp. Mặt trước gắn một dòng chữ bằng kim loại màu đỏ: “Cơ quan chuyển đổi số quốc gia” nổi bật, ngạo nghễ trên bức tường hoa cương màu trắng sữa.

Hải đón cô ngay bên cánh cổng sắt gắn chắc vào hai trụ đứng bằng đá cẩm thạch màu xanh rêu. Anh cười xởi lởi.

– Trời mưa to, tôi đã nghĩ Lam không đến được.

– Xin lỗi vì đến trễ, nước sông chảy xiết quá.

Lam bối rối bởi câu nhận định lạc quẻ của mình. Nhưng Hải như không để ý, anh mở một cánh cửa lớn rồi đưa tay mời.

Wow… Lam mở to mắt nhìn căn phòng rộng lớn. Có đến mười dãy bàn văn phòng kéo dài đến tận góc xa. Mỗi dãy khoảng hơn mười ô lớn, cách nhau bằng những vách ngăn màu xám, trong mỗi ô trang bị đầy đủ máy vi tính, máy in, điện thoại..v..v.. Tất cả máy móc đều mới cáu và có vẻ rất hiện đại.

– Ôi, tòa báo lớn nhất nước cũng không được như thế này.

Lam nhận xét thật lòng. Hải cười nhẹ:

– Theo đúng tiêu chuẩn thôi. Còn có một phòng đặt máy chủ, nhưng nơi đó không đón khách.

Lam tựa người vào một vách ngăn ô bàn, nhìn bao quát căn phòng trống hỏi:

– Cơ quan chưa hoạt động?

Hải gật đầu:

– Đang tuyển dụng… nhưng chúng tôi đã lên kế hoạch thời gian. Với bất cứ giá nào, thôn mình cũng phải đi đầu. Như cô thấy đấy, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 rất cần thiết trong việc phát triển và đổi mới nông thôn, đem lại lợi ích toàn diện cho xã hội. Chính phủ đã có chương trình hành động với nghị quyết 101156, cho nên thôn mình cũng đề ra kế hoạch cho phù hợp.

Lam nhìn Hải hoang mang. Hải thao thao nói, giọng đều đều như một cái máy hát. Lam ngắt lời Hải:

– Đúng, điều tốt thì ai cũng biết. Những lợi ích mang lại không cần bàn cải. Cái mình thắc mắc là thôn ta có lạm dụng quá đáng cho những đổi mới này không?

Lam muốn nói thêm: ”Những ngôi nhà xa xỉ, những vật dụng xa xỉ này được dùng để đánh bóng cho cái vỏ ngoài, còn bên trong, những người dân thôn Tỉnh Thức đang cố gắng kiếm sống từng bữa. Việc đổi mới nhanh hơn điện xẹt này có đem lại ấm no và hạnh phúc cho họ không?”. Nhưng cô nuốt vội câu hỏi nầy trong cổ họng.

Hải mở to mắt nhìn Lam. Mày anh nhíu lại. Một làn sương buốt lạnh lan tràn trong căn phòng trống vắng. Anh bực bội nói, giọng khô khốc:

– Lạm dụng. Sao lại nói là lạm dụng khi thôn chỉ làm theo kế hoạch của cả nước. Không lẽ cô khẳng định lãnh đạo nước ta lạm dụng.

Anh muốn chụp mũ mình chắc. Lam thầm nghĩ. Nhưng cô không nghĩ lâu được bởi cái màn hình to rộng chắn trọn vẹn bức tường phía trước mặt cô chợt sáng lên. Lam kinh ngạc. Thì ra có một bức màn che chắn màn hình như một rèm treo và bây giờ, nó đã được vén lên tự bao giờ. Trên màn hình, hình dáng béo tròn quen thuộc của trưởng thôn Hạ, không, bây giờ là trưởng nông đô Tỉnh Thức, xuất hiện. Ông cười xởi lởi.

– Chào nhà báo. Thôn ta có được một nhà báo giỏi như cô là phúc cho dân thôn. Có cô, những tin tức tốt lành từ Nông đô Tỉnh Thức sẽ được quảng bá rộng ra cả nước và khắp thế giới, đúng vậy không, cô nhà báo?

Lam há hốc miệng trước câu nói của Trưởng Nông đô. Cô lắp bắp.

– À… à… Trưởng thôn quá lời rồi.

Vừa lúc, trên màn hình lại xuất hiện một người khác, một phụ nữ đỏm đáng, sang chảnh, khá xinh xắn.

Hải giới thiệu với Lam:

– Bà Thủy. Trưởng khối Y tế kiêm xã hội dân sinh và là người chủ trương thành lập cơ sở công nghệ 4.0.

Lam nhớ loáng thoáng đã gặp người phụ nữ này ở đâu đó nhưng cô không thể tập trung suy nghĩ của mình.

– Lúc nãy, tui nghe cô phê bình chúng tôi lạm dụng đổi mới. Thiệt ra tui không nghĩ cô nhà báo dùng từ lạm dụng ở đây là đúng đắn, bởi đó là từ có nghĩa xấu. Ở đây, chúng tôi minh bạch, chỉ là đi trước, đón đầu, vì vậy có thể bị chỉ trích là quá nhanh dễ sai lầm này nọ, nhưng lạm dụng thì không. Đâu có chứng cớ gì nói là chúng tôi lạm dụng nhỉ!

Lam nghe ớn lạnh, không phải vì cô bị phê bình, đuối lý mà cô sực hiểu ra, nhất cử nhất động, lời nói của cô trong căn phòng này đã được theo dõi và không bỏ sót. Họ đã làm việc này rất chuyên nghiệp rồi. Nhưng để làm gì? Hay họ đã biết gì đó về công việc mà cô vừa nhận ?

Không thể nào. Lam lúng túng che miệng ho khẽ vài tiếng. Cô tự giận mình đã để cho người phụ nữ kia làm mình hoang mang.

Lam lạnh lùng trả lời:

– Tôi không có ý đó. Tôi chỉ nói lên một chút cảm nhận của mình với tư cách bạn bè thôi.

Có lẽ vì nơi đây hoành tráng quá, hiện đại quá mà thôn mình còn biết bao công trình đang lỡ dở.

Bà Thủy cười rộ:

– Khi muốn đổi mới, rất nhiều mục tiêu cần hướng tới. Nhưng không phải mục tiêu nào cũng có độ cần thiết giống nhau. Tùy theo mức độ đó mà chúng tôi ưu tiên. Tuy vậy, kết quả vẫn chỉ một, mọi thứ phải được hoàn tất. Anh Hải sẽ giải thích lý do tại sao thôn ta phải nhanh chóng thực hiện việc chuyển đổi số để cô có cái nhìn khách quan. Chúng tôi nhất định không dấu diếm. Đổi lại, cô là người Tỉnh Thức, cô sẽ không để dân Tỉnh Thức tổn hại chớ?

Hải tiếp lời, ngượng ngịu:

– Chúng tôi muốn xây dựng và phát triển cở sở hạ tầng thiết yếu đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 càng sớm càng tốt, càng có lợi cho dân thôn. Khi đó việc quản lý sẽ dễ dàng, nhanh chóng liên thông xuống từng cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, kể cả hộ dân.

– Kế hoạch lớn như vậy liệu có thể?

– Chính quyền nông đô sẽ làm được. Cô chờ xem.

Bà Thủy cười lớn sau câu nói khẳng định. Tiếng cười của bà vẫn còn vang vọng khắp căn phòng dù màn hình đã tắt, tấm rèm che đã kéo lại.

Hải đưa tay mời Lam, nhưng cô không còn hứng thú ở lại trong căn phòng này. Những cái lưỡi ẩm ướt chỉ thừa cơ hội vuốt ve phần để hở của cánh tay khiến da cô nổi hột. Cô tức giận vì sự hèn nhát của mình nhưng cô không đủ can đảm đi tiếp bởi cảm giác bị đe dọa dù cô không lý giải được.

Hải như hiểu được cảm nghĩ của cô, anh cười nhẹ:

– Có gì đâu. Lãnh đạo hơi bức xúc vì có người phản kháng.

Lam buột miệng:

– Tôi… tôi có phản kháng sao? Tôi chỉ mới nói vài câu.

Đôi mắt Hải tối lại.

– Dù sao, tôi cũng đã thấy hết sự hoành tráng và quyết tâm của lãnh đạo nông đô Tỉnh Thức rồi. Tôi muốn xem những nơi khác. Lâu quá rồi, tôi chưa về nên không ý thức hết những đổi thay của thôn mình.

Hải gật đầu:

– Cũng được.

Chợt Lam sực nhớ:

– À…Tôi cũng muốn thăm trường cũ.

Trường cũ không còn nữa. Đổi lại là một ngôi trường mới xây năm tầng đồ sộ. Lam háo hức muốn đẩy cánh cổng nặng nề. Cô hơi ngỡ ngàng. Trước đây, vì vướng tranh chấp mảnh đất nầy mọc đầy cỏ dại, không thể khởi công. Đây cũng chính là đất của nhà bác Sáu, ba Phúc. Cũng vì mảnh đất này mà Phúc bị đánh đập, bắt nhốt rồi cuối cùng chết thảm thương. Hồi đó, Phúc khăng khăng bám đất vì anh xác quyết ủy ban nói dối trong dự án làm trường học. Họ đã chỉ định một nhà đầu tư quen biết, xây dựng nơi đây thành một khu ăn chơi cao cấp. Nhưng sau cái chết của Phúc, không hiểu tại sao dự án thay đổi trở về kế hoạch ban đầu. Nông đô Tỉnh Thức đã có một ngôi trường trung học bề thế, hoành tráng.

– Vắng lặng quá.

Lam nhanh nhẹn đầy cánh cổng. Cô bước nhanh trong khi Hải đang dựng chống xe. Một người đàn ông lúi húi ở góc tường. Lam đoán là người bảo vệ. Tiếng bước chân của Lam khiến anh ta bối rối quay lại. Lam nhăn mũi bất bình. Hình như anh ta vừa tiểu tiện ở góc khuất sau lưng phòng bảo vệ cổng. Anh ta lắp bắp phân bua với Hải:

– Nhà vệ sinh xa quá.

Nhưng Hải không để ý. Anh vội vàng đuổi theo Lam. Cô vừa đi vừa dùng điện thoại chụp hình.

– Cô không nên. Cấm chụp đấy…

Lam ngạc nhiên. Cô vừa nhìn thấy những vết nứt, những chỗ trủng khắp hành lang. Và còn nữa, những cánh cửa bong tróc nước sơn.

Người bảo vệ hung hăng giật điện thoại của Lam.

– Cô không nhìn thấy tấm bảng cấm chụp hình sao? Cô khiến tôi bị đuổi việc đó.

Lam đỏ mặt nhìn Hải:

– Đây là trường học chớ có phải khu quân sự đâu. Có chuyện gì vậy?

Hải nhẹ nhàng:

– Công trình có đôi chỗ không đạt yêu cầu. Mà cánh nhà báo cứ viện cớ để đăng những bài viết tiêu cực..

Nói xong, Hải trừng mắt nhìn bảo vệ:

– Trả lại điện thoại cho cô ấy.

Bảo vệ đưa điện thoại cho Lam. Cô không nghĩ mình còn hứng thú đi tiếp. Cô cố gắng nở nụ cười, khoát tay nói:

– Thôi, cũng trễ rồi. Tôi phải về đây. Anh khỏi lo. Dù sao tôi cũng là dân ở đây mà. Đâu phải người lạ.

Hải không trả lời nhưng anh cũng không đi theo Lam mà chỉ đăm đăm nhìn về hướng Lam rời đi. Trên gương mặt phẳng lặng của anh, một thoáng buồn rất nhanh lướt qua như gió thoảng.

Quá trưa, trời đổ xuống một cơn mưa lớn. Lệ báo sẽ không đến được và tất nhiên chuyến đi dự dịnh đến khu định cư của Lam phá sản. Lam nấu một ly mì cay, ăn, rồi vùi mình trong chăn. Nhưng cô không thể ngủ được. Trong đầu cô luôn hiện ra căn phòng rộng lớn với nhiều thiết bị hiện đại. Để làm gì nhỉ? Họ đã làm điều đó như thế nào? Kể cả các thành phố lớn còn thua. Dù sao cũng rất đáng nể. Có đúng là họ muốn cải thiện triệt để nông thôn, hướng đến mục tiêu cao cả như họ từng nói: Chỉ có kinh tế hiện đại, chỉ có cách tân xã hội mới khiến cho dân giàu mạnh. Và nếu họ cố gắng đạt được cũng đâu có gì sai (?)

Điện thoại rung. Lam nhấc máy, tần ngần một chút rồi bấm nghe.

– Em không khỏe sao?

Lam ngớ người. Cô biết người gọi mình đúng là Thanh rồi nhưng không phải cách nói này.

– Anh xin lỗi em, anh chịu thua rồi.

– Anh… Tôi…

Giọng nói trong điện thoại có vẻ kìm nén và cố nhẫn nại:

– Tất nhiên anh biết em chỉ muốn được hạnh phúc. Nhưng liệu ở đó em có tìm được điều mình mong muốn?.

Lam hoang mang không biết câu chuyện sẽ diễn tiến ra sao. Cô bực bội gắt:

– Anh vào đúng chủ đề đi. Đừng nói những lời nhảm nhí. Tôi…

Giọng người đàn ông mềm mại, âu yếm hơn:

– Cố gắng hiểu lời anh nói. Anh không bao giờ bắt em làm những chuyện sai trái khiến em khó nghĩ. Em cứ bình tĩnh suy xét. Chỉ xin em tin yêu anh, bởi anh là người tốt mà. Ngày mai, anh sẽ có quà xin lỗi cho em.

Tất cả kết thúc bằng một tiếng cười dịu dàng và tiếng hôn gió.

Lam vứt điện thoại lên giường. Gì thế này. Đùa cô chắc. Sao bỗng dưng giống như tên điên vậy? Cô chỉ mới bắt tay vào việc có một ngày. Không lẽ cô đã gặp một tên biến thái? Lệ siết chặt nắm tay khi nghĩ mình đang bị chơi xỏ. Vậy mà cô đã nhận tiền để làm một công việc chẳng ra đầu đuôi gì hết và tệ hơn, cô đã tin đứt đuôi người thanh niên tên Thanh. Nhưng tại sao hắn lại thuê cô viết những bài báo về quê hương mình, trả tiền trước dù yêu cầu về nội dung chưa rõ ràng? Hắn biết lý lịch cô, biết luôn nội tình của thôn Tỉnh Thức và nhất là hắn biết cô luôn đau đáu trong lòng về một cái chết mờ ám. Không ai biết nổi đau ấy ngoại trừ một mình cô (cô nghĩ vậy). Do đó, khi hắn đưa cho cô tấm hình, cô lao vào không so đo, như con thiêu thần thấy ánh đèn. Vậy hắn là ai? Hắn thuộc tổ chức nào? Hắn thực sự muốn gì ở cô?

Lam rùng mình.

Hắn đang dở trò, rồi tiếp theo… có thể hắn sẽ quấy rối cô… Cô đã tin, đã từ bỏ công việc, bỏ thành phố, về quê làm theo hướng dẫn của một kẻ mà cô chẳng rõ lai lịch. Hắn trong tối, cô ngoài sáng… Trí tưởng tượng phong phú của một nhà báo khiến những điều phân tích của cô trở nên càng lúc càng phức tạp và khiến cô lo lắng, bất an. Hắn đang tống tiền mình…? Không đúng, hắn đã đưa mình cả mấy tháng lương. Hắn gài bẫy mình? Không thể, bởi mình chả là gì, đã bỏ xứ về thành phố, sống tự do, làm việc tự do. Hay hắn muốn mình làm điều gì phi pháp? Không, chẳng có gì phi pháp, công việc chỉ mới bắt đầu, mình chẳng giết ai, hãm hại ai. Nói chung chỉ mới là tung tăng chơi đùa, dạo bước xem hoa.

Vừa lo vừa tức. Lam chụp cái điện thoại, nhấn số.

– Em muốn về với anh, đúng không? Tội nghiệp em yêu.

Lam hét lên:

– Anh không được liên hệ gì với tôi nữa. Biết chưa?

Rồi cô quẳng máy ra xa, mặc cho màn hình điện thoại chớp sáng hồi lâu. Một tin nhắn. Cô tò mò nhìn:

– Em bỏ cuộc ư? Chúng ta chỉ mới bắt đầu.

– Không ngờ em yếu lòng tin như thế.

– Lương tâm em sẽ chẳng ngủ yên được đâu. Cẩn thận với giấc ngủ của mình.

Lam hét lên:

–  Cẩn thận cái đầu anh đấy. Tui vẫn sống khỏe.

Cô nhấn xóa tất cả tin nhắn rồi chui đầu vào chăn. Được vài phút, cô lại kéo chăn ra, vớ lấy điện thoại. Lý trí bảo cô: Thế giới đầy rẫy bẫy rập, lừa đảo. Đừng tin ai.

Lam đẩy cái điện thoại ra xa. Nhưng một tiếng nói khác dè dặt nhắc cô: Hãy xem lại. Có chuyện gì mà anh ta lại đột ngột thốt ra những lời lạ lùng. Chẳng phải những lời nói đùa, cũng không phải trêu chọc. Có gì đó không đúng. Mình phải hỏi cho ra lẽ. Nhưng…

Lam bực mình thốt thành tiếng: “Cứ chờ xem… Hãy khoan. Đừng quyết định gì hết. Cứ vui, tận hưởng”…

Hải ngồi sau lưng bà Thủy. Bên ngoài, trời bắt đầu chập choạng nhưng bên trong phòng kỹ thuật, đèn sáng trắng. Khánh, nhân viên mới trong bộ đồng phục màu xám đang lúi húi trước hộp truyền thông đầy dây nhợ và nút bấm.

– Cậu có ý kiến gì về cô nhà báo láo lếu đó.

Hải lơ đãng nhìn ra ngoài chiếc cửa sổ độc nhất của căn phòng, nơi đó tấm màng chắn bằng nhựa đã vén lên để lộ một khoảng sân phủ đầy sương xám.

– Trưởng phòng Hải, tôi hỏi cậu đó.

Bà Thủy xoay người lại. Ánh mắt nghiêm nghị nhìn anh. Hải luống cuống dời mắt xuống hai bàn tay đang vô tình bấu vào thành ghế. Anh cố gắng đoán xem mục đích thật của câu hỏi, nhưng vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết, đành trả lời đúng nghĩa của câu hỏi:

– Cô ấy đâu còn là nhà báo. Cô ấy đang làm nghề tự do, viết lách kiếm tiên bằng mấy truyện ngôn tình.

Bà Thủy không bằng lòng:

– Cánh nhà báo đến thôn mình khá nhiều, nhưng một nhà báo quen thuộc địa phương như người nhà cũng cần quan tâm. Họa cũng đó mà phúc cũng đó.

– Tôi không nghĩ cô ấy ở lại đây. Môi trường hoạt động của cô ấy là thành phố. Lẽ ra cô ấy đã trở thành một giáo viên triết. Đó mới là sở trường.

– Triết học… Một môn học sản sinh từ những chuyên gia bậc thầy nhưng lại tạo nên lắm kẻ lẩm cẩm, điên rồ.

Có tiếng cười nhỏ của Khánh, tên chuyên viên có gương mặt tròn xoe và đôi mắt lá răm:

– Theo tôi, phụ nữ bỏ thành phố về quê có hai nguyên do: thứ nhất thất tình, thứ hai trốn người yêu. Nói tóm lại là thất tình.

Bà Thủy cười to:

– Có lẽ đúng vậy. Hồi trẻ tôi cũng vì…

Bà bỏ lửng câu nói lỡ miệng, chuyển sang vấn đề khác:

– Cậu tìm cách đuổi cô ta về thành phố đi. Ở đây không có chỗ cho cổ.

Hải gật đầu rồi lại lắc đầu:

– Làm sao được?

Bà Thủy nhướng máy:

– Nếu muốn thì Ủy Ban làm việc thẳng thừng. Nhưng vì cậu là bạn, nên tôi để cậu tự tìm cách nào tốt nhất.

Bà đứng dậy, cầm điện thoại cho vào túi xách .

Một ngày làm việc đã chấm dứt.

Cánh cổng vừa khép lại. Khánh đứng lên ưởn lưng, bẻ mấy ngón tay lục cục:

– Ôi trời, gãy cả lưng. Có ai như bả, Y tế, xã hội mà hơn công an. Cứ bắt mình tua tới tua lui đoạn hội thoại của hai kẻ thất tình.

Hải không tin vào đôi tai của mình:

– Anh không nói là mình đang nghe lén phải không?

– Chớ anh nghĩ tôi làm gì đây? Phát triển và nâng cao năng lực thôn ta chắc?

Hải trân trối nhìn gả chuyên viên kỹ thuật đỏm đáng. Bây giờ Hải mới nhận ra anh ta lạ hoắc không phải dân Tỉnh Thức.

Khánh lại ngồi xuống chỗ của mình, cằn nhằn:

– Ăn được tiền của thôn ông cũng trầy vi tróc vảy. Tưởng là việc sẽ không nhiều ai dè phải nối kết tất tần tật, kể cả cái chuồng heo cũng không bỏ sót.

Hải quắc mắt:

– Anh không kín miệng chút nào. Lãnh đạo sẽ chẳng ưa đâu.

Khánh tái mặt. Gả chợt hiểu ra mình vừa hố to. Gả cười cười lấp liếm:

– Người mình với nhau mà. Lãnh đạo không nghe đâu.

Nhưng Hải chỉ mím môi, ghé vào tai anh ta nói nhỏ, nửa đùa nửa thật:

– Bộ anh không sợ mình cũng đang bị quan sát sao?

Nói xong, mặc cho Khánh ngẩn người nhìn quanh, Hải bước ra khỏi cửa.

Mưa lại rơi. Lạnh. Hải kéo mũ áo mưa che kín đầu, cởi chiếc xe cà tàng hướng về phía khu định cư. Nhưng khi đến giữa quảng trường, anh dừng xe, mắt vô định nhìn về phía trước. Mưa mịt mù. Anh biết mình khó đi quảng đường xa trong cơn mưa rét buốt này để về nhà. Đã chiều muộn, vài phút nữa thôi, màn đêm sẽ bao trùm khắp nơi. Chung quanh đây chỉ toàn là những tòa nhà, công ốc trống không. Ánh đèn đường không soi thấu màn sương đậm đăc. Người dân hầu như vắng bóng từ lâu. Bây giờ anh chỉ còn cách trực chỉ khu ủy ban cũ, nơi đó đã trở thành chỗ trú chân cho nhân viên, dân quân, bảo vệ , ở đó sẽ có ánh đèn ấm áp, có ti vi ca nhạc xập xình. Nhưng tại sao Hải vẫn không muốn quay xe? Đó là con đường hợp lý còn lại để anh cảm thấy mình được an toàn. Vậy mà sâu trong lòng anh là tiếng mách bảo của trái tim: ”Hãy khoan. Hãy khoan. Đừng sợ…

K.H

Dòng sông Tỉnh Thức (phần 9) https://vanchuongphuongnam.vn/dong-song-tinh-thuc-phan-9-truyen-dai-cua-kim-hai.html