Giòng sông tỉnh thức 17 – Ánh sáng và bóng tối

53

Những hạt mưa rơi thưa thớt càng làm bầu không khí ẩm ướt và lạnh hơn. Lệ chạy như bay về khu cư xá công nhân, vồ lấy chiếc xe đạp dựng ở nhà xe bên cạnh rồi nhanh chóng lướt qua trạm gác. Cô dù cố gắngtự nhiên nhưng cũng không nở nổi nụ cười đáp trả cái vẫy tay thân thuộc của một công nhân nhà máy.

Ra tới đường chính, Lệ dừng lại một phút, không ngần ngừ cô quay ngược xe leo dốc trở lên đầu nguồn. Cô đã nhìn thấy ánh mắt xem thường của trưởng phòng Đan khi nhìn cô. Hẳn hắn ta nghĩ rằng cô không có cơ hội lẩn trốn. Con đường độc đạo men theo sông TT là lối thoát duy nhất của cô. Nhất định hắn sẽ giăng lưới.

Con đường ven mỏ đá hoang ít người biết đến. Phần là vì đây chỉ là một bờ hẹp bên mỏ đá đã khai thác sâu hun hút.Nước lưu cửu không thoát được có màu xanh rêu đục. Đã có lúc một nhà đầu tư muốn biến nơi đây thành khu du lịch, đi thuyền, v.v… nhưng rồi đành chịu thua sau khi đập thủy lợi bắt đầu xây dựng. Mỏ đá bỏ hoang nhưng con đường nhỏ vẫn tồn tại dù bị gạch đá, cây cối thu hẹp. Nói chung đây là một cung đường nguy hiểm, hoang vắng. Chính vì vậy, con đường trở thành lối đi bí mật của một nhóm người, trong đó có Lệ.

Đến xế chiều, Lệ mới tới nơi. Đón cô là Phước. Nét mặt anh dãn ra như vừa trút được một gánh nặng khi thấy Lệ.
– Anh sợ cô không rời đi được. Để rồi anh sẽ thu xếp cho cô. Đừng lo lắng quá. Cô vào trong đi.
Lệ hầu như không còn sức để bước thêm bước nào. Cô ngồi thụp xuống một tảng đá bên gốc cây tràm, mắt nhìn quanh trống rỗng.
Phước linh cảm có chuyện gì đó, anh vỗ nhẹ vào tay Lệ:
– Ngày mai, anh sẽ đưa cô đi khỏi Tỉnh Thức. Đừng nghĩ đến chuyện cũ nữa, đừng một mình đấu tranh kiếm tìm sự thật. Mọi sự đã thay đổi. Tỉnh Thức không chỉ một mình Quân hy sinh đâu. Bọn anh cần nhiều sự thật hơn thế. Vì vậy, giai đoạn này cô cứ nghỉ ngơi cho thật tốt. Đến một lúc nào đó, bọn anh sẽ cần cô đấy, nhưng từ đây đến lúc đó, cô phải sống, khỏe mạnh và nguyên vẹn.
Lệ nắm tay Phước nức nở:
– Em đã thấy hắn. Kẻ giết anh Quân.
– Cái gì? Ai?
– Trưởng phòng Đan…

Phước im lặng. Mắt anh ẩn nước. Nỗi đau cũ trỗi dậy như vết thương sâu bị bục chỉ. Sợi dây tương ái của người cùng huyết thống luôn nối kết chặt chẽ. Ngày Quân mất, từ nơi xa, trái tim anh buốt lạnh như bị chém nát. Anh bỏ tất cả trở về, nhưng vẫn không kịp nhìn thấy xác em trai, người em song sinh mà anh chưa từng biết mặt. Lúc bà Sáu chết vì mất máu sau khi sinh đôi tại trạm y tế thôn, một mình ông Sáu không thể cưu mang cả hai đứa trẻ, ông đã gửi Phước cho một người họ xa, bị hiếm muộn, trên thành phố, với điều kiện khi đứa bé đủ tuổi trưởng thành mới được phép gặp cha mẹ. Phước đón tuổi 18 ngay ngày Quân mất. Người thím nuôi giữ đúng lời hứa đưa anh về Tỉnh Thức nhận họ hàng. Với láng giềng, Phước về Tỉnh Thức trên danh nghĩa người em con cô cậu ruột. Đó là một ngày mưa bão và đập Tỉnh Thức xả lũ nhấn chìm nhà cửa cư dân hai bên bờ. Nhưng căn nhà đã tan hoang, thân xác tội nghiệp của Quân trong quan tài trôi theo lũ ra biển. Giữa cơn đau cùng cực, nếu Phước không xuất hiện, hẳn ông Sáu đã gục ngã. Miền đất quê quá nghèo và quá bất công khiến Phước không thể ngồi yên, anh quyết định ở lại, một mặt nâng đỡ tinh thần của người thân, một mặt cố gắng giúp đỡ những bà con khốn cùng. Lòng nhiệt huyết thanh xuân của Phước phần nào lan truyền cho mọi người như một mối an ủi và điểm sáng khiến cuộc sống lạnh lẽo triền miên của họ được sưởi ấm đôi phần.

Giọng Lệ đều đều thuật lại ngày kinh khủng ấy. Nỗi sợ, đau đớn và bất lực qua năm tháng như đã thành chai sạn. Chỉ có Phước ngồi đó nghe với bàn tay nắm chặt và đôi mắt tóe lửa. Hai năm qua, anh đã dẹp bỏ lòng căm ghét và ước muốn tìm ra người thủ ác. Bởi hoàn cảnh bà con Tỉnh Thức quá khổ, việc cấp bách mà anh cần ưu tiên là tìm những người cùng mục đích với mình, đấu tranh, đòi hỏi quyền lợi để người dân Tỉnh Thức không còn chịu đựng cảnh bất công, khốn cùng trước những kẻ trục lợi, có quyền thế.
Lệ đứng dậy, lau nước mắt. Cô đã quyết định.
– Em không trốn chạy nữa. Em sẽ ra làm chứng. Em cũng có bạn bè có thể giúp vạch trần kẻ giết người.
Phước thở dài. Anh không phản đối Lệ. Cô có quyền chọn con đường cô muốn đi. Nhưng anh biết cô đã nghĩ quá đơn giản.

Lam ngồi trong một quán cà phê nhỏ, vắng vẻ. Cô đang viết một bài báo nói về tình trạng Công ty Moonlight trục xuất khẩn cấp người dân ở cuối sông để nhận đất sạch mà chưa có kế hoạch di dời rõ ràng đang khiến cả trăm gia đình không nơi sinh sống.

Người dân đi từ bất mãn đến phản kháng, nhưng chủ đầu tư và chính quyền hình như vẫn không muốn nhượng bộ. Ủy Ban Nông Đô đã ra thông cáo với nhà đầu tư là không thể chờ đợi hơn nữa, và Ủy Ban cũng không muốn chậm kế hoạch phát triển Nông Đô mới. Phòng phát triển Nông Đô cho biết nếu không gấp rút thi công bệnh viện thì số tiền phía trên chuyển xuống để Nông Đô Tỉnh Thức phân cho các dự án cấp thiết sẽ không thực hiện được. Còn nếu, bệnh viện khởi công, số tiền đầu tư mà Moonlight hứa sẽ được chia sẻ và ưu tiên cho giáo dục, v.v…

Lam vẫn còn băn khoăn. Cô chưa biết hết vì khó khăn gì mà những dự án trường học cứ hoãn tới hoãn lui trong khi các trường cũ vẫn duy trì với cơ sở vật chất cùng chất lượng giảng dạy xuống cấp nghiêm trọng. Cô muốn gặp Hiệu Trưởng Thọ nhưng anh hầu như biến mất từ hôm trước. Rồi Lệ nữa. Cô đã gặp Hải chưa? Và anh có trấn an được Lệ? Lệ đâu có làm gì sai. Cô chỉ vì sợ mà trốn lánh. Đó cũng có thể cho là Lệ đang mắc bệnh hoang tưởng. Chỉ có tình yêu và sự mạnh mẽ của Hải mới khiến tinh thần Lệ khỏe mạnh lên, mới giúp Lệ thoát khỏi cái bóng đen ám ảnh mình để có thể hòa nhập với cuộc sống. Lệ và Hải, cả hai người này cô vẫn chưa liên hệ được.
– Cô phải đi đây một lát.
Thanh đi vào như một cơn lốc. Giọng anh hơi căng thẳng. Lam hơi ngạc nhiên. Thanh nói nhanh, giọng rất bức xúc.
– Đã có biểu tình thật sự. Là cư dân ở khu định cư… Nhưng bọn họ đã bị bắt hết. Hiện đang tạm giữ tại sân của Ủy Ban. Mình đến đó đi.

Cán bộ Nông Đô họp khẩn cấp, các Trưởng phòng nhao nhao như chợ chiều.
– Làm sao mà người dân ở đây lại dám biểu tình phản đối chứ? Những cư dân vùng vừa bị Moonlight cưỡng bách thì còn hiểu, chứ những người dân ở khu định cư phía thượng nguồn cũng về hùa, yêu cầu này nọ là sao? Họ đã được cấp nhà cấp đất, họ còn muốn gì nữa?
Trưởng phòng Tài chính gấp cuốn sổ lại một cách bực bội.
– Nông Đô đã đổ tiền xây nhà cho họ rồi. Họ muốn chống phá đây mà. Ủy Ban phải tỏ thái độ, không nhân nhượng nữa. Chúng ta còn bao nhiêu chuyện phải giải quyết. Lũ nhà báo lại được dịp tung tin vịt…
Trưởng phòng đầu tư đập mạnh tay lên bàn:
– Chúng ta đã tăng tốc thông tin, đã đổi mới công nghệ, có mạng lưới an ninh mạng, vậy mà không ai hay biết gì chuyện này để ngăn chặn kịp thời? Các anh đã làm gì để chuyện này xảy ra vào đúng ngày hôm nay. Nếu cánh nhà báo điều tra đưa tin, phía trên hay được, tiền ngân sách dừng lại, liệu các anh chịu trách nhiệm đến đâu.
Trưởng phòng an ninh xoa trán, anh ta liếc sang phó phòng của mình với ánh mắt nghi hoặc:
– Khi chuyện xảy ra chắc cậu vẫn còn trong phòng tiệc, đúng không?
Phó phòng lúng túng vờ chuyên chú nhìn vào màn hình điện thoại. Ở đó tràn ngập những tin nhắn…
– Phải làm gì với đám dân biểu tình đây? Chuyện chưa có tiền lệ nên chúng ta phải chờ quyết định của chủ tịch Nông đô.
– Ừ, mà Chủ tịch và Phó chủ tịch đang ở đâu nhỉ?
Ở cách đó hơn 200 mét, bộ sậu cao nhất Ủy Ban Nông Đô Tỉnh Thức đang họp khẩn cấp. Chủ tịch Nông Đô bóp trán, mặt ông nhăn nhúm, những nếp nhăn làm gương mặt tròn quay của ông trông tựa một trái cam khô, trong khi bà Thủy, phó Chủ tịch lại nhàn nhã săm soi mấy ngón tay sơn màu lá mạ. Bà bĩu môi:
– Không hiểu tại sao các ông làm quá lên vậy. Biểu tình là biểu tình, nước nào trên thế giới này mà lịch sử không có biểu tình, chống đối. Tôi nghĩ, khi quả bóng căng quá, biểu tình giống như cái lỗ mọt để xì hơi cho quả bóng không bị bể…
Giám đốc Tân của dự án Moonlight đỏ mặt vì giận. Ông đập bàn nói to:
– Bà nói vậy là thế nào? Các người phải dẹp ngay vụ lộn xộn này. Dự án của tôi không muốn bị tai tiếng. Tôi đã bỏ tiền ra…
– Giám đốc nghĩ chừng đó là đủ chắc? Đất ở đó là vàng đấy. Nếu tụi này không nghĩ đến chuyện tổ tiên ông đã từng là con dân Tỉnh Thức, còn nữa, nếu không phải xu hướng bây giờ là người mình làm chủ đất mình, thì thôn sẽ giao dự án cho ông chắc? Mấy công ty nước ngoài đang xếp hàng đợi đấy.
Phó Đồng nhếch mép cười:
– Hay đổi cho Moonlight đất bên thôn Hạ?
Giám Đốc Tân gào lên:
– Cậu nói chơi đấy chứ? (Rồi mặt ông đanh lại) Được thôi. Nhưng mọi người ở đây phải trả nợ tôi… cả vốn lẫn lời…
Bà Thủy ngước mắt nhìn mọi người:
– Gì nữa đây? Các vị không sợ… những chủ đầu tư khác cạch mặt Tỉnh Thức hả? Còn Giám Đốc Tân, ông đừng nghĩ chỉ ngần ấy tiền có thể buộc chúng tôi làm theo ý ông. Thể diện Nông Đô Tỉnh Thức cũng là thể diện của các dự án mà Moonlight đầu tư. Chúng ta không thể vì cơn giận nhất thời mà quên rằng hiện nay là thời buổi mà mạng xã hội nắm vị thế đứng đầu dư luận.
Gương mặt Giám Đốc Tân giãn ra. Ông nhìn bà Thủy thán phục:
– Phó chủ tịch sáng suốt. Để đối phó, chúng ta cần tấn công họ bằng dư luận dày hơn, mạnh hơn. Sẽ có những kẻ hoang mang, những kẻ hám tiền, những kẻ ngu dốt, cả tin. Những người đó không có lập trường, chao đảo và chúng ta tận dụng đúng thời cơ. Nhưng để làm được chính quyền cần bỏ tù hết những người biểu tình cho tôi.
Chủ tịch Nông Đô mỉm cười:
– GĐ Tân đòi như vậy chắc ông biết phải làm gì chứ?
GĐ Tân nhăn nhó:
– Tại sao Công ty tôi phải chịu thiệt thòi? Các người phải nhả ra một chút chớ.
Bà Thủy đứng dậy dứt khoát:
– Tỉnh Thức có cách làm riêng của mình. GĐ yên tâm đi . Nhận được khoản đầu tư Nông đô sẽ cho Moonlight khai thác dự án hợp đồng cung cấp gạo độc quyền.
Nói xong bà Thủy nháy mắt với GĐ Tân rồi thong thả bước ra khỏi phòng trong khi Chủ Tịch Lý lắp bắp:
– Cái gì? Tôi đã phân khu vực đó cho cậu Tuân, phòng Nông Nghiệp rồi mà. Rồi tui giải thích với bà xã thế nào đây?
GĐ Tân cười đểu:
– Ôi chuyện gia đình dễ giải quyết mà. Cám ơn Trưởng Nông Đô nhé. Anh là số 1 đó…
Chủ tịch Lý lạch bạch chạy theo bà Thủy. Khi Giám đốc Moonlight rời đi trên chiếc xe màu xanh đen, bà Thủy gõ nhẹ mấy ngón tay sơn màu lá mạ, hất hàm, mím môi nói :
– Hắn tưởng chúng ta ngốc đến độ thỏa mãn hết những gì hắn muốn sao? Anh cũng phải cương quyết lên. Chủ tịch quận Toàn Năng tỉnh Phù Du tiết lộ rằng, lão Tân đã bỏ ra đến hơn 200 tỷ để thắng thầu dự án Nhà Hát đó.
Chủ tịch Lý trợn mắt. Bà Thủy khoát tay.
– Tôi sẽ bắt lão bỏ ra gấp 3…
– Nhưng dân đang biểu tình. Báo chí viết lung tung thì ai mà dám đầu tư.
– Để xem. Bộ chủ tịch Lý nghĩ rằng bên an ninh không biết gì về cuộc biểu tình này à? Muốn bắt chuột phải chờ chuột ra khỏi hang. Còn báo chí? Chỉ một nốt nhạc.
Bà Thủy búng tay. Lái xe trịnh trọng mở cửa. Chủ tịch Lý nhìn theo, miệng ông phát ra một câu chửi thề thô tục.

Lam vội vàng nhảy xuống xe chưa tắt máy. Thanh lắc đầu. Anh đẩy xe vào sân Ủy Ban. Nơi đó chộn rộn với hàng chục phóng viên. Tiếng máy hình bấm lách tách, tiếng hỏi, trả lời ồn ào xen lẫn tiếng kêu la của những cư dân bị quây gọn giữa sân. Mọi người bị ép ngồi xổm trên đất. Những ánh mắt phẫn nộ có, lo âu có, quay quắt nhìn những phóng viên nhà báo. Ông Sáu đứng ở giữa mọi người. Chiếc áo nâu bạc màu, gương mặt khắc khổ cùng làn da rám nắng khiến ông như một điển hình nổi bật của dân thôn Tỉnh Thức. Ông nói to hết sức trong nỗ lực gây chú ý với đám nhà báo:
– Chúng tôi không phải là nhóm phản động gì hết. Chúng tôi là con dân Tỉnh Thức. Chúng tôi cũng muốn xây dựng thôn làng, tin theo lời hứa của Ủy Ban, chấp nhận di dời… Kết quả là gì? Đất canh tác chỉ là vùng đất sỏi, đồi trọc, thiếu nước, thiếu phân. Làm sao chúng tôi, những người chỉ biết làm ruộng trồng cây sống được? Chúng tôi tụ về đây với một yêu cầu duy nhất là phân bổ lại ruộng cho chúng tôi…
– Tôi ở báo Nông thôn mới. Theo tôi biết các hộ gia đình di dời đã nhận tiền đền bù lần thứ nhất rồi. Lần thứ hai được phân nhà ở và ruộng canh tác. Mọi người đều chấp nhận. Sao bây giờ lại đòi hỏi, nhất là thời điểm lại trùng hợp với cuộc giải tỏa đất ở khu hạ Tỉnh Thức?
Lam nói nhỏ bên tai Thanh:
– Mấy tên nhà báo này đang giăng bẫy đấy…
Thanh len vào cạnh phóng viên vừa đặt câu hỏi. Anh bấm chớp nhoáng một tấm ảnh rồi nói to:
– Các gia đình di dời hẳn có nguyên do. Vì vậy, tôi muốn biết bên Ủy Ban đã hứa hẹn những gì với các anh chị? Tình trạng đất canh tác hiện giờ ra sao? Vì sao nông dân không nhận ruộng?
Từ hàng cuối, một thanh niên đứng dậy. Anh nói, giọng chậm rãi mà rõ ràng:
– Việc di dời và chiếm đất của người dân đã gây nên nhiều hệ lụy mà không phải ai cũng nhìn thấy được ngay tức thời. Chúng tôi là những người dân đã sống ở Tỉnh Thức từ mấy đời trước. Là nông dân, chúng tôi khai khẩn đất ven sông, đất thung lũng từ ông bà tổ tiên để lại, chăm chỉ cày cấy trồng trọt nuôi sống gia đình. Chúng tôi chỉ mong ước được sống bình an, no đủ, nuôi dạy con cái lớn khôn, khỏe mạnh để có cuộc sống tốt hơn đời cha mẹ. Chúng tôi không mảy may nghi ngờ rằng mình sẽ bị lừa dối, bị bóc lột. Chúng tôi muốn được làm người công dân tốt, một cuộc sống tốt hơn nên chấp nhận hy sinh một chút, chịu thiệt một chút… Vậy mà…
– Thế cái gì khiến các cô bác đây thấy mình bị thiệt thòi, lừa dối…?
– Ai đã lừa dối người dân?
– Các cán bộ phụ trách có biết chuyện? Họ đã làm gì để an dân?
– Có ai biết số tiền mà các công ty đã đầu tư vào Tỉnh Thức?
Giới nhà báo liên tục đặt những câu hỏi mà họ quan tâm. Đúng lúc đó một tiếng nổ chói tai. Khói tỏa ra… Lửa bùng lên… Ai đó kêu to:
– Bom xăng… Chạy đi…

Mọi thứ mờ mịt hỗn loạn. Các nhà báo tháo chạy ra ngoài. Dân biểu tình cũng sợ hãi chen nhau chạy… trong tiếng hét của công an…
Ai đó giật mạnh cái laptop của Lam. Đầu cô va vào một vật gì đó rất cứng. Cô quỵ xuống. Một cánh tay giữ Lam rồi kéo cô ra khỏi đám hỗn loạn.

Sương mù và khói quyện vào nhau khiến bầu trời Tỉnh Thức như tối sầm lại. Những người biểu tình bỏ chạy tan tác. Các nhà báo, đài cố bảo vệ dụng cụ tác nghiệp, họ tránh khỏi đám hỗn loạn, dạt về phía chợ. Không ai để ý và cũng không biết có một chiếc xe bít bùng xuất hiện rồi rồ máy chạy về hướng thượng nguồn.

Kim Hài
(Trích trong truyện dài Giòng Sông Tỉnh Thức)

(còn tiếp)