(Vanchuongphuongnam.vn) – Việc nó vào Đại học được xem như một chấn động lớn ở vùng quê nghèo khó nầy. Ở cái xứ bị coi là “thò tay sát nách không đụng hạt gạo” thì mấy ai được ăn học đàng hoàng?. Như cỏ dại, nó cứ lớn lên bằng bữa đói bữa no và cũng được đến trường, cho dù học đến đâu hay đến đó. Hình như dân vùng nầy không biết đến khái niệm “tương lai”.
Ảnh minh họa. Nguồn internet
Thằng Khôi đậu đại học. Tin ấy đến tai bà Dần như một giấc chiêm bao. Bà chỉ biết như vậy là vinh hạnh lắm vì vùng nầy chưa nhà nào có được. Vui chưa trọn thì lo buồn ập tới: lấy tiền đâu ra để cho con khăn gói lên thành phố học?. Tài sản lớn nhất của bà là đôi bông tai búp mù u mà mẹ bà để lại. Vậy là bà mang ra chợ bán để lấy tiền lo cho việc học của con.
Rồi thì mọi việc cũng qua đi một cách tự nhiên như mồ hôi trên lưng của bà, cứ chảy ra rồi tự khô đi. Thằng Khôi đã học đến năm thứ tư trên thành phố. Đều đặn, cứ hai tháng một lần nó gởi thư về thăm mẹ. Mỗi lần nhận thư, bà mang sang hàng xóm nhờ đọc hộ. Mặt bà cứ sáng dần lên hay tối sầm lại theo tâm sự đứa con và cũng có lẽ theo giọng đọc ngắt ngứ của người hàng xóm mới học đến lớp ba. Chào hàng xóm ra về, những nhọc nhằn trong bà như được rũ sạch đi bởi thành tích học tập của con. Bà nâng niu những lá thư như báu vật. Nó được xếp theo thứ tự và được đặt vào chiếc hộp bánh tây mà trước kia bà xin được ngoài chợ. Cái hộp nầy mấy năm trước bà dùng để cất giữ đôi bông tai búp mù u.
Thời gian là dòng chảy một chiều. Nó chầm chậm trôi nhưng không bao giờ quay lại. Có lẽ người đời nói thời gian qua nhanh là vì vậy. Khôi bây giờ đã là một thầy giáo cấp ba. Ngày nó về cái xóm nhỏ nầy là ngày vui nhất của đời bà Dần. Bà đã chuẩn bị cho ngày nầy bằng việc nuôi sẵn con heo để cúng tổ tiên. Niềm vinh dự như được nhân lên khi đứa con trai duy nhất của mà được dạy ở trường cấp ba của huyện nhà.
Nhà bà Dần hôm nay mở tiệc. Bà giỗ chồng hay mừng con thành đạt?. Có lẽ cả hai. Bởi chưa bao giờ nhà nầy có tiệc to như vậy. Hơn chục người vừa xóm giềng vừa dòng họ được mời đến đã là đông đúc lắm. Mọi người cười nói huyên thuyên. Ai cũng chúc mừng. Trong sự ngưỡng mộ pha lẫn chút ganh tỵ.
– Mẹ thằng Khôi hôm nay khỏe hẳn rồi chứ?
– Dạ ổn rồi chị, bệnh tôi như giả bộ ấy mà.
Căn bệnh bấy lâu hành hạ bà giờ như không còn nữa. Bệnh có đau đớn gì đâu, chỉ là những cơn ho nhưng cứ luôn làm bà mệt mỏi. Lần khám bệnh sắp tới, nhất định bà sẽ đi cùng con trai. Nó có học, chắc nó biết đó là bệnh gì?
Hôm nay không có giờ dạy, giáo viên mới ra trường dạy cũng không nhiều tiết. Tranh thủ, Khôi đưa mẹ đi lên thành phố khám bệnh. Trong lúc ngồi chờ đến lượt mẹ vào khám bệnh, anh đưa mắt lơ đễnh ra đường. Con đường quen thuộc này gắn liền với những cơ cực của sinh viên nghèo tỉnh lẻ. Ngày ấy, tên đường tự anh đặt cho chính mình: Đường cơm tấm, đường bánh mì, đường…. Cứ mỗi đêm khuya chạy Grab hay chạy bàn cho quán cà phê về, anh đều ghé qua khi cái dạ dày rỗng nhắc anh rẽ vào đường tên gì.
– Người nhà của bà Phạm Thị Dần.
Tiếng gọi từ phòng khám vọng ra đã kéo Khôi về thực tại. Anh vội chạy vào.
Bác sĩ tư vấn, dặn dò, động viên nhưng sau đó anh chẳng nhớ được ngoài mấy tiếng:
– Mẹ của anh bị ung thư phổi thời kỳ cuối.
Cầm tờ giấy trên tay và đưa mẹ ra xe về, anh bước đi như đất sụp. Giá như anh không biết chữ để không đọc được chữ “K” oan nghiệt trên tấm phim chụp phổi.
Chữ “K” như chữ ký của thần chết ký vào bệnh án của mẹ anh. Bởi anh biết K viết tắt cho chữ “canser”: Bệnh ung thư.
Không! anh không có quyền sụp đổ. Anh không van xin số phận!
Thừa biết rằng những ngày sắp tới sẽ là những đau đớn mà mẹ anh phải chịu đựng và những nhọc nhằn vất vả mà anh phải đương đầu, nhưng anh quyết ngoi lên.
Như người tiều phu kiệt sức mà phải mang vác cây gỗ quá dài, quá nặng. Một bước đi hai bước lùi trở lại và không ít lần té sấp. Anh vẫn vác như mang đòn thù của số phận mà đi. Trong tận cùng của bế tắc, anh như thách thức: Cứ trút xuống nữa đi những oan nghiệt của cuộc đời!. Anh nguyện với lòng, dẫu cuối con đường mặt đất có nứt ra thì anh vẫn đặt cây gỗ trên vai xuống mà bắt làm cầu đi tiếp.
Ngày ấy rồi cũng đã đến. Lúc soạn đồ đạc để liệm bà Dần, Khôi đã thấy chiếc hộp bánh tây bà cất kỹ. Tò mò mở ra, anh nhận ra đó là những bức thư anh đã gởi về nhà lúc còn là sinh viên sư phạm. Tâm trí bần thần nhưng anh vẫn nhận ra rằng cả đời mẹ chắc chưa được ăn loại bánh nầy. Những bức thư thì anh cất giữ, chiếc vỏ hộp bánh tây thì sau nầy người ta thấy nó luôn hiện diện trên bàn thờ bên bức di ảnh của bà. Chỉ có Khôi mới biết lý do nhưng chắc hẳn anh chưa hiểu hết vì sao bà Dần yêu quý nó. Nó đã từng đựng đôi bông tai mẹ của bà để lại. Nó đã từng chứa bao nhiêu yêu thương trong những bức thư con bà gởi về dù bà không biết chữ.
Dẫu sao đi nữa, ngày giỗ của bà, bao giờ Khôi cũng mua về cúng mẹ hộp bánh tây.
C.V