Jack London – người hốt bạc từ nghề văn

399

Jack London là một trong những nhà văn hiện đại Mỹ có tác phẩm được dịch in nhiều nhất đồng thời cũng là một trong số những nhà văn Mỹ được mến mộ nhất ở Việt Nam.

Ông tên thật là John Griffith Chaney, sinh ngày 12/1/1876 tại San Francisco, Mỹ trong một gia đình nghèo. Thuở nhỏ, ông bị xem là “con hoang”. Mãi tới khi đã lớn, ông mới biết cha đẻ của mình chính là nhà chiêm tinh William Chaney. Ông bèn viết thư cho cha, song Chaney nhất quyết cự tuyệt. Cuộc sống vốn đã túng bấn của Jack London vì thế càng thêm khốn khó.


Nhà văn Mỹ Jack London.

Jack London đã phải trải qua một tuổi thơ đói khát. Trong một cuốn tự truyện, ông từng kể năm lên 7 tuổi, ông đã phải ăn cắp một chiếc bánh sanwich của cô bé hàng xóm. Tới năm lên 9, ông mới có chiếc áo sơmi đầu tiên trong đời. Năm lên 10 tuổi, ông phải đi giao báo. “Tôi phải dậy từ lúc trời còn mờ tối để kịp giờ học đầu tiên sau khi phát hành báo xong”. Mặc dù ham mê đọc sách từ nhỏ, song tới năm 14 tuổi, do hoàn cảnh, Jack phải bỏ học. Từ đây, ông bắt đầu cuộc sống phiêu bạt với đủ thứ nghề: làm công nhân nhà máy đồ hộp, nhà máy điện, nhà máy đay. Năm 17 tuổi, Jack London trở thành thủy thủ. Ông theo tàu sang Nhật Bản; đi săn hải cẩu ở Thái Bình Dương. Ông từng bị bắt vì tội “lang thang”, từng bị giam giữ vì tham gia các hoạt động kêu gọi đình công…

Với ý chí mãnh liệt, qua bao vất vả tự học, cuối cùng Jack London cũng được vào học tại Trường đại học Berkeley. Tại đây, ông đem lòng yêu một nữ sinh cùng trường tên là Meibl Epplgart.

Dưới cái nhìn của Jack, Meibl là một cô gái thật “hoàn hảo”: Xuất thân trong một gia đình trí thức, cô có lối phát âm thật chuẩn, biết chơi đàn piano. Tóc cô vàng óng, bồng bềnh như mây. Vòng eo thon nhỏ tuyệt mỹ… Hai người thường gặp nhau vào ngày chủ nhật mỗi tuần, trên một chiếc du thuyền. Trong bối cảnh thơ mộng vậy, Meibl khẽ khàng đọc những bài thơ tình buồn cho người bạn trai của mình nghe. Không biết có phải xuất phát từ khung cảnh nên thơ đó và được tình yêu chắp cánh mà một ngày nọ, Jack bỗng tuyên bố với Meibl về mơ ước trở thành nhà văn của mình. Có lẽ Meibl là người duy nhất nghe với thái độ nghiêm túc và tin tưởng khi Jack thổ lộ nguyện ước.

Được người yêu khích lệ, Jack sáng tác và khi thấy một tờ báo đăng tin họ sẽ tổ chức chấm giải cho những truyện ngắn hay nhất, ông gửi truyện dự thi và đã thành công. Tuy nhiên, mức thù lao được trả có vài đôla khiến Jack cảm thấy khó có thể giải quyết được một số việc hệ trọng trong cuộc sống bằng viết văn.

Bởi mức học phí quá cao, Jack phải vừa học vừa kiếm tiền. Ban ngày lên lớp, tối ông làm thêm cho một số nhà hàng, thậm chí còn làm thêm một ca nữa ở xưởng giặt.

Cuộc mưu sinh quá vất vả, Jack từ bỏ trường đại học đi Alaska với hy vọng nhanh chóng “đổi đời” bằng việc đào đãi vàng, từ đó ông sẽ cưới được Meibl. 16 tháng trời biền biệt không một hồi âm, một ngày kia Jack lầm lũi trở về, không một đồng xu dính túi. Để giải quyết “nguồn sống trước mắt”, Jack xin vào làm một chân đưa thư. Với cái túi thư đầy ních bên mình, Jack như chú ngựa chạy khắp vùng. Và khi đồng lương đã đủ đảm bảo, Jack bắt đầu để dành thời giờ chăm chút cho việc sáng tác.

Thời gian đầu, những tốn phí cho việc mua giấy bút, phong bì và tem thư coi như “lõm”. Những tạp chí danh tiếng từ chối không đăng truyện của Jack London. Nhưng ông không nản lòng. Một thời gian sau, khi mà Jack dường như không còn trông chờ thì đột nhiên tạp chí Xuyên lục địa thông báo sẽ đăng truyện ngắn về Alaska của ông. Cũng tương tự vậy là thông báo của một vài tạp chí khác.

Quá xúc động, ngay ngày hôm sau, trên một ngọn đồi có thể nhìn thấy toàn cảnh San Francisco, Jack đã ôm chầm lấy Meibl, tới tấp hôn lên má cô và ngỏ lời cầu hôn. Meibl đáp lại trong niềm hân hoan hạnh phúc, rằng cô đồng ý.

Tuy nhiên, vì điều kiện kinh tế chưa đảm bảo, cho nên sau gần một năm rưỡi ngỏ lời, sự việc chẳng tiến triển được là bao. “Hay là anh quay lại với công việc của người đưa thư?” – Meibl một ngày nọ đã phải sốt ruột thốt lên.

Song, con ngựa đang đà phi nhanh làm sao có thể dễ dàng bắt nó dừng ngay được. Jack nói với người yêu rằng, ông không thể trở lại làm nghề đó, vì mong ước lớn nhất của ông là phải trở thành một nhà văn, hơn thế, một nhà văn danh tiếng và giàu có. Ông mong cô hãy thông cảm mà nán chờ thêm một thời gian nữa.

Meibl bật khóc. Có ai hiểu được nỗi lòng cô bấy nay? Và trong giây phút không làm chủ được mình, cô đã thốt lên cái lời cay nghiệt mà đáng ra trong bất kỳ cảnh ngộ nào cũng không nên phát lộ, ấy là việc cô cho Jack biết cô chưa bao giờ thích những sáng tác của ông, rằng thì nó rất thô lỗ, rằng thì cô yêu ông nhưng không muốn ông là một người mơ tưởng hão.

Cuộc tình của họ đến đây coi như chấm dứt.

Nếu như ở những truyện ngắn đầu tiên, Jack London chỉ được các tòa báo trả cho vẻn vẹn 4 đôla mỗi truyện, thì về sau, mức nhuận bút đã là 8 đôla. Cho đến khi ông trở thành tác giả “quen hơi bén tiếng” và được độc giả yêu thích, mức nhuận bút của ông đã tăng vù vù, có lúc lên tới 30, 50 rồi 100 đôla cho mỗi truyện. Đã có thời kỳ, Jack London là nhà văn Mỹ có mức nhuận bút được trả cao nhất tính theo số chữ.

Năm 1900, Jack London cho xuất bản tập sách đầu tay “Con trai của loài sói”. Một năm sau là cuốn “Con gái vùng băng tuyết”. Năm 1903, tác phẩm “Tiếng gọi nơi hoang dã” ra đời, được ghi nhận là cuốn sách best-seller đầu tiên của ông. Tên tuổi Jack London nhanh chóng được người đời chú ý. Ông không còn biết đến nợ nần. Để cải thiện cuộc sống của mình, nhà văn trẻ đã mua một trang trại tại Glen Ellen, gần San Francisco.

Từng một thời phải bán sức lao động một cách rẻ rúng, đã tới lúc Jack có thể tự hào tuyên bố, ông là nhà văn duy nhất của nước Mỹ biết kiếm sống một cách đàng hoàng chỉ nhờ ngòi bút của mình. Thậm chí, trong cơn phấn khích, ông từng phát biểu rằng ông sẽ “bòn rút chủ nghĩa tư bản tới đồng đôla cuối cùng”.

Với vốn sống phong phú, lại chịu đọc, chịu viết, chỉ trong ít năm hoạt động văn học, Jack London đã có được một khối lượng tác phẩm đồ sộ, gồm đủ các loại, từ những chuyện tình giản dị, đến truyện khoa học viễn tưởng; từ truyện ngắn đến tiểu thuyết, ấy là chưa kể mảng báo chí với những bài tường thuật các sự kiện chính trị, xã hội, những trận đấu quyền Anh… Jack ham viết đến mức, ngày nào ông cũng phải viết ít nhất 1.000 từ. Vợ ông có nhiệm vụ đánh máy bản thảo thành nhiều bản. Ông cũng sẵn sàng nhận lời đặt hàng của bất kỳ tờ báo nào có mức chi trả hậu hĩnh. Bởi thế mới có giai thoại: Một lần, do chậm nộp bản thảo cho một tạp chí ở New York, Jack London đã bị ông chủ của tờ tạp chí “tống đạt” một bức thư có nội dung hăm dọa như sau: “Ngài Jack London thân mến! Xin thông báo với ngài rằng, nếu trong vòng 24 tiếng nữa, ngài không có bản thảo nộp cho tôi, tôi buộc phải đến tận buồng ngài ở và dùng chân đá ngài lộn nhào xuống cầu thang. Chẳng là, tôi vẫn có thói quen buộc mọi người phải giữ lời hứa bằng cách ấy đấy”. Xem xong thư, Jack hóm hỉnh viết mấy dòng phúc đáp: “Ông bạn quý mến! Để giữ đúng lời hứa với ông bạn, chắc tôi phải sáng tác bằng cả… đôi chân nữa”.

Trong 18 năm sáng tác không mệt mỏi (từ 1898 đến năm ông mất – 1916), Jack London đã để lại một văn nghiệp đồ sộ với 19 tiểu thuyết, 150 truyện ngắn, 3 vở kịch. Ông chia tác phẩm của mình ra làm hai loại: Loại viết để kiếm tiền và loại viết vì lý tưởng. Tuy nhiên, dẫu có tuyên bố công khai vậy song có lẽ, những năm tháng cơ hàn đã ảnh hưởng không nhỏ tới cách suy tính của ông.

Nhà văn Anh gốc Ireland Bernard Shaw từng kể lại câu chuyện lạ lùng: Lần ấy, ông bất ngờ nhận được từ Mỹ một lá thư với mấy dòng như sau: “Tôi đã viết 33 cuốn sách, một khối lượng khổng lồ truyện ngắn và bài báo, nhưng vẫn không biết rõ các văn sĩ khác được trả thù lao là bao nhiêu. Ngài có thể nói thật cho tôi biết không, nhuận bút của ngài ra sao?”.

Tác giả bức thư là nhà văn trẻ Jack London, bấy giờ tên tuổi đã được biết đến rộng rãi trên toàn thế giới. Điều mà Bernard Shaw lấy làm ngạc nhiên là tại sao Jack London lại quá quan tâm tới vấn đề nhuận bút như vậy, khi mà mức nhuận bút người ta dành cho ông đã ở mức đáng ao ước đối với nhiều tác giả. Điều ngạc nhiên nữa là chỉ sau khi ông nhận được bức thư nói trên vài tháng, Jack London đã… tự vẫn. Chẳng lẽ một người không biết nuối tiếc cuộc sống của mình lại quan tâm đến những thứ nhỏ nhặt như vậy sao?

Sự thực thì, theo nhiều nhà nghiên cứu văn học, vào những năm cuối đời, Jack London đã gặp phải những khủng hoảng về tinh thần. Cuộc sống gia đình gặp nhiều trắc trở, sức khỏe suy sụp bởi bệnh tật. Bản thân việc sáng tác, thời kỳ này cũng không đáp ứng được những gì ông mong muốn (chỉ có cuốn “Sói biển” là đáng kể). Về tài chính, là người kiếm tiền nhanh, song Jack tiêu pha cũng hoang phí. Ông vung tiền vào các vụ mua sắm, tậu đất đai, máy móc. Ông sở hữu hàng trăm hécta đất tại một vị trí đẹp ở California. Ông có một mảnh đất lớn tại San Francisco và dự định biến mảnh đất sỏi đá này thành mảnh đất phì nhiêu, song công việc bị ách lại vì lý do sức khỏe.

Ngày 23/11/1916, Jack London uống thuốc độc tự tử. Cái chết của ông làm người ta liên tưởng tới nhân vật Eden trong cuốn tiểu thuyết có tính chất tự thuật “Martin Eden” của ông. Cuốn tiểu thuyết viết về một nhân vật Eden – nạn nhân của sự tha hóa giai cấp, vì anh ta không thuộc về giai cấp lao động nữa, trong khi nhân vật này lại chối bỏ những giá trị vật chất của tầng lớp quý tộc mà vì nó anh ta đã phải lao động cật lực. Trên chuyến tàu tới Nam Thái Bình Dương, Eden đã nhảy xuống biển tự vẫn.

Mặc dù, hiện xung quanh cái chết của Jack London vẫn còn nhiều giả thiết, song cuốn tiểu thuyêt nói trên cũng giúp người đọc nắm bắt dược phần nào những suy nghĩ thực trong những năm tháng cuối của đời ông.

Theo Trần Duy Anh/Vanvn