Lê Đạt – người phu chữ thanh xuân

2879

Võ Tấn Cường

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hơn nửa thế kỷ qua, thi ca của các nhà thơ Việt Nam hiện đại đã hướng về hành trình chung và hoàn thành trọng trách vẻ vang đối với vận mệnh của dân tộc. Các nhà thơ đã tập hợp thành đội ngũ đông đảo nhưng chưa tạo được những đỉnh cao thi ca bừng sáng, chói lọi. Xét về tự do sáng tạo, các nhà thơ vẫn bị những qui tắc, lề luật của thi pháp cổ điển trói buộc dẫn đến tình trạng ngôn ngữ thi ca bị xơ cứng, đóng khung trong chuẩn mực ngôn ngữ của cộng đồng. Thi đàn vắng bóng những nhà thơ dám dấn thân vào tận cùng mê lộ chữ nghĩa bất chấp áp lực tư duy ngôn ngữ xã hội.

Sự sáng tạo ngôn ngữ thi ca của các nhà thơ vẫn bị chi phối bởi chuẩn mực ngôn ngữ xã hội và sự cương tỏa của trách nhiệm công dân. Sự xuất hiện trở lại của nhà thơ Lê Đạt và các tập thơ như: “Bóng chữ“, “U75 Từ Tình” với sự mông lung, nguyên sơ của ngôn ngữ thi ca và tập tiểu luận: “Đối thoại với đời và thơ” đã gây nên sự dao động thẩm mỹ trong quá trình tiếp nhận thi ca của người đọc và tạo được những cuộc tranh luận, đối thoại thẳng thắn, thú vị…

1. Lý luận thơ của nhà thơ Lê Đạt có gì mới?

Nhà thơ Lê Đạt

Quan niệm của nhà thơ Lê Đạt về quá trình sáng tạo thi ca gần gũi với nhà lý thuyết thơ Paul Valery (1871-1945) chuyên giảng dạy thi pháp ở trường College De France (Pháp). Ông tự cho mình là phu chữ trong lao động nghệ thuật vất vả và cực nhọc. Cách đây hơn nửa thế kỷ, Paul Valery cũng từng đề cao lao động nghề nghiệp, ông lên án những nhà thơ thần hứng, đồng cốt và cho rằng nhà thơ cần có tay nghề, gọt giũa, nhân tạo.

Thực ra, quan niệm về ngôn ngữ thi ca của Lê Đạt không phải là mới khi ông coi trọng “diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ, bài thơ.” Paul Valery cũng từng viết: “Thơ ca phải nói lên bằng ngôn ngữ riêng của nó – ngôn ngữ trong ngôn ngữ – trong lúc cái nội dung là cần thiết đối với văn xuôi thì ở đây cái hình thức duy nhất, nó chi phối và sống mãi. Đó là âm thanh, nhịp điệu, sự kết hợp về mặt hình thể của các từ. Vậy là trong một bài thơ, cái ý nghĩa không thể lấn át cái hình thức và phá hủy hình thức…” Như vậy, theo tôi, có thể thấy Lê Đạt không phải hoàn toàn là nhà cách tân về lý luận thi ca như một vài nhà phê bình đã đánh giá. Ông là một trong những nhà thơ hiếm hoi của Việt Nam có văn hóa thơ? Phẩm hạnh thi ca của Lê Đạt chính là ở chỗ ông đã thể nghiệm đến cùng chẳng màng đến thành công hay thất bại…

2. Lê Đạt – người phu chữ thanh xuân

Paul Valery từng cho rằng âm thanh là luồng ngầm của ý nghĩa. Trong cơ chế mã hóa ngôn từ, Lê Đạt rất chú trọng đến sự tương quan, cộng hưởng giữa âm thanh và ý nghĩa. Âm thanh trong ngôn ngữ thơ của Lê Đạt hướng về tiếng hạt nảy mầm, tiếng ú ớ trong cơn mơ, tiếng cúc áo bật từ lồng ngực trinh nguyên của thiếu nữ và cả tiếng thở dài của người thiếu phụ hồi xuân giữa đêm khuya. Lê Đạt thấu hiểu vẻ đẹp của âm thanh và sự vang vọng của ý nghĩa ngôn từ nhưng ông vẫn bị nó mê hoặc, dẫn dụ. Đôi khi Lê Đạt tự chôn bản ngã của ông trong nấm mồ chữ để tự vẽ chân dung bằng thơ nhằm bộc lộ trạng thái tâm hồn và thi ca của mình:

“…Thành tích
Mấy trang giấy sờn
Mấy câu thơ bụi
Núi vô sơn”

(Xưng danh)

Bài thơ chỉ gồm mấy chục chữ xếp bậc thang mà vẫn gây được cảm giác khấp khểnh, chông chênh của con đường thi ca và số phận nhà thơ. Câu thơ như bụi xếp thành núi hay núi tan thành câu thơ bụi? Bài thơ đẹp toàn vẹn trong mọi chiều kích, có thể đọc ngược, đọc xuôi vẫn không bị thay đổi về ý nghĩa…

Câu thơ của Lê Đạt thường có sự nhập nhằng về nghĩa. Ông không “thủ tiêu” ý nghĩa của câu thơ mà thường tạo ra nét nhòe về nghĩa trong từng câu thơ và giữa các câu thơ với nhau tạo sự gợi cảm, lay động tâm thức của người đọc:

“Ai xui em đẹp em xinh
Ba lần con thiến gáy”

(Mới tuổi)

Phải chăng cái đẹp có ma lực cuốn hút khiến cho sinh lực của sự vật đã tiêu hủy chợt phục hồi? Câu thơ gợi cảm giác xót xa về sự tương phản giữa cái đẹp và sự sống mong manh bị tàn phá, lụi tắt…

Ngôn ngữ thơ của Lê Đạt nằm giữa lằn ranh cơn “hấp hối” của lý trí và sự thăng hoa của tiềm thức. Ngôn ngữ thơ của ông không sinh ra từ sự thông minh của trí tuệ và vốn văn hóa mà ra đời từ sự xung động những ám ảnh sâu xa của tiềm thức. Nó giống như những hoa văn in chồng chéo lên vỉa than mà khi ngắm nhìn người ta có thể hình dung ra cả rừng cây xào xạc… Lê Đạt là người hòa âm thi ca. Ông thường chế tác ra những cụm từ láy mới hoặc cho những từ cùng âm thanh nhưng khác ý nghĩa kết hợp với nhau tạo nên nét nhòe về ý nghĩa:

“Chiều Âu Lâu
Bóng chữ động chân cầu

(Bóng chữ)

Câu thơ của Lê Đạt thường có sự chuyển dịch về hình ảnh của ngôn từ dẫn đến sự thay đổi, lan tỏa về ngữ nghĩa:

“Khi gió mùa anh đi
Sang sông tìm nắng khác

Mẹ già anh ngơ ngác
Lưng còng đau gậy tre
Người yêu anh đốm bạc
Tóc khế xanh đầu hè”

(Gốc khế)

Sự hoán đổi hình ảnh trong những câu thơ gây nên trạng thái trái ngược của sự đổi thay giữa tuổi già và tuổi thơ, giữa tuổi xuân và sự già cỗi, giữa sự sống ngắn ngủi của kiếp người và sự bất tử của thiên nhiên…

Sự tương giao, chuyển động của hình ảnh liên quan đến sự vật trong thơ Lê Đạt nằm giữa hai thái cực của cuộc đời. Thơ ông là ngày hội của cuộc gặp gỡ giữa tuổi thơ và tuổi già:

“Tuổi lú lẫn
Ngược nhầm ga trẻ dại”
Hay ngây ngô không biết lối về già
Tha thẩn chữ ngã ba”

(Truyền thần)

Phải chăng tâm hồn nhà thơ thường không có tuổi chính vì họ luôn sống trong trạng thái phân vân giữa tuổi thơ và tuổi già, giữa khôn và dại, giữa vô hình và hữu hình?

Lê Đạt – người phu chữ thanh xuân đã âm thầm sáng tạo hơn nửa thế kỷ nhằm “đào bới” những quặng chữ để tìm ra vẻ đẹp của thi ca trong “bóng chữ”. Cuộc hành trình về cõi tâm linh của nhà thơ Lê Đạt đã vượt qua “nghĩa tiêu dùng” của ngôn ngữ để hướng về chiều sâu thẳm vang vọng của âm thanh và ý nghĩa của ngôn từ trong mối tương quan với nhau. Sự thể nghiệm của ông chỉ thành công khi ngôn ngữ thi ca vừa có ma lực về âm thanh như những câu thần chú vừa có sự chuyển dịch về hình ảnh, ý nghĩa gây sự bùng nổ, chấn động trong thế giới tâm linh của người đọc. Ngược lại, khi ngôn ngữ thi ca của nhà thơ Lê Đạt chỉ là trò chơi của tiềm thức với sự kết hợp đơn thuần giữa các lớp vỏ âm thanh với nhau, không có sự thăng hoa của cảm xúc và hình tượng thì những câu thơ của Lê Đạt bị sa vào “vết lầy” của chủ nghĩa Đađa, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa siêu thực…

Tuy vậy, qua các tập thơ: “Bóng chữ” và “U75 Từ Tình“, nhà thơ Lê Đạt đã làm được điều mà theo cách nói của Paul Valery, chức năng của nhà thơ không phải là cảm nhận trạng thái thi ca mà phải là sáng tạo nên nó trong những người khác, là phải biến đổi độc giả thành người được gây cảm hứng.

V.T.C