Mái nhà Văn ấm áp – Bút ký của Kim Quyên

613


Nhà văn Kim Quyên.

Họ tên khai sinh: Huỳnh Kim Hường – Bút danh: Kim Quyên. Quê quán: Xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Sinh ngày: 09/09/1953

Thường trú tại: 75 Tô Hiệu, cc 8X Đầm Sen, P. Hiệp Tân, Q Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh.

Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Khoa Nga văn (ĐHSP Thành phố HCM). Tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Khoa Anh văn (CĐSP Tiền Giang).

Nghề nghiệp: Giáo viên Ngoại ngữ.

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000.

Hội viên Hội Nhà văn TPHCM năm 2000. Hội viên Hội Điện ảnh Thành phố HCM năm 2016. Tác phẩm đã xuất bản:

Văn:

Nụ hôn đắng (Tiểu thuyết, Sở TTVH Tiền Giang, 1991);
Nước rút (Tập truyện ngắn, NXB Trẻ, 1999);
Người dưng khác xứ (Tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ, 2004);
Món ăn khoái khẩu Nam Bộ (Tạp bút, NXB Văn Nghệ, 2006);
Ngã ba sông (Thơ, NXB Văn Nghệ, 2008);
Sài Gòn hào hoa (Tản văn, NXB Trẻ, 2010);
Món ngon miền Tây (Tạp văn, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2013);
Đi biển một mình (Tập truyện ngắn, NXB Văn hóa- Văn Nghệ, 2015);
Tình không biên giới (Tiểu thuyết, NXB Hội Nhà Văn, 2017);
Ước mơ xanh (Tập truyện ngắn, NXB Văn hóa- Văn nghệ, 2018);
Thành phố bên sông (Tiểu thuyết, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2019);
Mối tình đầu (Tiểu thuyết, NXB Công An, 2020);
Bên dòng sông Bat-Sắc (Hồi ký, NXB Văn hóa – Văn nghệ, 2021).

Kịch bản phim:

Tiếng hót chim chìa vôi;
– Mùa dưa gang;
– Thành phố bên sông.

Kịch bản sân khấu: Ngã ba sông.

Giải thưởng:

– Huy chương vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam (2004).
– Giải thưởng bút ký của Hội Nhà văn Việt Nam (2008).
– Giải thưởng thơ của Tổng Công ty Cao su (2012).
– Giải thưởng bút ký của Bộ Giao thông Vận tải (2015).
– Giải thưởng tập truyện ngắn của Bộ Nông nghiệp Việt Nam: “Đi biển một mình”, năm 2016.
– Giải thưởng Mekong (6 nước Đông Nam Á) lần 8, cho tiểu thuyết “Tình không biên giới”, năm 2017.
– Giải thưởng của Ban Tuyên giáo Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cho tiểu thuyết “Thành phố bên sông”, năm 2020.
– Giải thưởng Tôn vinh tác giả viết về biên giới, hải đảo từ năm 1975 đến 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết “Tình không biên giới”, năm 2020.
– Giải thưởng cuộc thi viết “Vì sự học ngày nay” của Tuần báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam cho bài “Một vài suy nghĩ về nền giáo dục Việt Nam hiện nay”, năm 2020.
Khen thưởng của Nhà nước:
– Huân chương Kháng chiến hạng Ba.
– Nhiều bằng khen, giấy khen khác của Bộ và sở Giáo dục về nghề giáo viên.

Mái nhà Văn ấm áp

Năm 2000, tôi và hai con từ Tiền Giang dời dạt về Sài Gòn. Tôi vốn sinh ra và lớn lên bên dòng sông Tiền mênh mang nắng gió, quen với cuộc sống ruộng vườn giản đơn, bây giờ chuyển qua cuộc sống khác nơi phồn hoa náo nhiệt, tôi như con cá lóc mẹ bơi theo bầy ròng ròng bỏ sông ra biển, nơm nớp lo vì không biết mình có hòa hợp được với lối sống mới hay không.

Thật ra, từ thời trung học, tôi đã lên Sài Gòn đi học, tham gia phong trào sinh viên đô thị, những bài thơ bài văn đầu tiên trên con đường văn chương được in trên các báo phản chiến thời bấy giờ (Điện Tín, Tin Sáng, 1973). Tuy không phải là dân Sài Gòn “chính hiệu” nhưng thời tuổi trẻ cũng đã lên lên xuống xuống Thành phố mà lúc ấy, tôi xem Sài Gòn là thành phố lớn và đẹp nhất, sang trọng và rất anh hùng.

Từ giã nơi mình đã sinh sống từ nhỏ cho đến tuổi trung niên để đi tới chỗ mới, tôi buồn sanh bệnh nhưng tôi không muốn mình bị chìm trong cơn trầm cảm tinh thần nên vội vàng tìm đến Hội Nhà văn Thành phố, nơi mà tôi có quen biết với một vài nhà văn thuộc bậc đàn anh, mong rằng nơi đây tôi sẽ tìm được niềm vui bên những người bạn văn chương.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng lúc ấy là Chủ tịch Hội Nhà văn Thành phố và là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Anh hay về Tiền Giang để nói chuyện chuyên đề về văn xuôi nên chúng tôi biết và xem anh như người anh thân thiết, hồn nhiên và vui tính. Tôi gặp anh để báo là tôi đã theo mấy con về Thành phố vì chúng nó đứa đi làm, đứa đi học, tôi phải trồi lên, bơi theo nó. Tôi xin anh kết nạp tôi vào Hội vì tôi hiện là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn học nghệ thuật Tiền Giang. Anh vui vẻ nói “Em không cần kết nạp mà chỉ chuyển về thôi vì dư tiêu chuẩn rồi”.

Tôi nghe nói vậy rất mừng, lo soạn sách vỡ và hồ sơ đưa cho anh để được nhập vào sinh hoạt Hội. Hội Nhà văn Thành phố lúc đó nằm ở đường Nguyễn Văn Đậu, ngôi nhà nhỏ gọn xinh xinh, hàng ngày các nhà văn, nhà thơ Thành phố ra vào tấp nập, đàm đạo chuyện thơ văn, chuyện trên Trời dưới đất rồi kêu nước uống hay thức ăn gì đó cùng nhau ăn uống rất vui vẻ. Lúc đó Ban Chấp hành có chú nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái), nhà thơ Lê Giang, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà văn Nguyễn Khải…

Tới lui Hội một thời gian, tôi quen biết khá nhiều anh chị, chuyện trò đàm đạo qua lại, rồi tiếp tục viết bài đưa cho chú Anh Đức đăng trên Tạp chí Văn (những truyện “Khu vườn và tiếng chim”, “Hồi xuân”…), những truyện ngắn mà tôi viết về nỗi nhớ quê khi rời bỏ quê hương. Chú Anh Đức khen tôi viết xúc động và nói rất tâm trạng khi một con ngtfời bị bứng ra khỏi mảnh đất quê nhà.

Sinh hoạt vui vẻ thân tình của Hội đã làm cho tôi vơi bớt nỗi buồn ly hương. Mấy tháng sau, nhà văn Nguyễn Quang Sáng kêu tôi làm hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam. Tôi vừa mừng vừa lo vì thấy mình viết còn mỏng quá, rủi vào không được thì “quê” cho mấy người giới thiệu. Anh Sáng nói anh bàn với nhà văn Anh Đức và nhà văn Nguyễn Khải rồi, hai người đã đồng ý.

Hồ sơ gởi đi rồi tôi cũng không dám mong chờ. Tôi nói với chú Anh Đức là chắc tôi không đủ tiêu chuẩn vào Hội đâu. Tôi lo cho mấy anh mấy chú giới thiệu không được thì bẽ mặt quá. Chú Anh Đức cười, động viên: “Cháu đừng có mặc cảm như vậy, so ra mỗi vùng miền có những điểm hay riêng, mình không kém cạnh ai đâu, cháu vững tin đi”.

Một thời gian sau, vào một buổi đẹp trời, đang dạy cho đám học trò nhờ tôi kèm tiếng Anh thì tôi nhận được tờ báo của Hội Nhà văn Việt Nam, có tên “Kim Nguyên” (Tiền Giang) trong danh sách hội viên mới được kết nạp. Tôi ngỡ ngàng, không biết tên mình hay tên ai, bèn gọi hỏi chú Anh Đức thì ông trả lời “Cháu chớ còn ai vô đó nữa. Họ đánh tên sai đó, báo ra ngoài ấy cho họ viết tên lại đi”. Nhà văn Anh Đức tính tình hiền lành, đầy trách nhiệm và rất kiệm lời. Ông không bao giờ nói trước chuyện gì khi chtfa có kết quả cụ thể.

Ngày kết nạp hội viên mới cho khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ được tổ chức trong khu vườn xoài của tỉnh Long An, do Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Văn học nghệ thuật Long An tổ chức. Tôi, nhà thơ Trịnh Bửu Hoài (An Giang), nhà văn Khai Phong (Cần Thơ) và một số hội viên của miền Đông được kết nạp dưới đêm trăng trong khu vườn xoài. Phía Bắc có nhà thơ Hữu Thỉnh, nhạc sĩ Trần Hoàn, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhà thơ Nguyễn Hoa, trong Sài Gòn có nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Anh Đức, nhà văn Lê Văn Thảo… Phía Hội Long An có Phó Chủ tịch tỉnh Long An, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Long An và nhiều nhà văn, nhà thơ của Long An. Sau nghi lễ kết nạp, thì mọi người được Hội nhà mời ăn cháo khuya và nghe đờn ca tài tử. Những nghệ sĩ tài tử đờn hát thật hay. Nhà thơ Hữu Thỉnh đang ăn cháo phải ngưng lại chăm chú lắng nghe rồi anh buột miệng: “Giời ơi! Tuyệt vời! Tuyệt vời!”, anh vỗ tay giòn giã, nở nụ cười rất tươi. Nổi hứng, nhạc sĩ Trần Hoàn đứng lên xin hát một bài. Bài ruột của anh là bài Lời người ra đi. Anh cầm cây ghi ta vừa đệm vừa hát “Một chiều anh bước đi, em tiễn chân anh tận cuối đồi…”. Giọng ca trầm ấm, giai điệu buồn buồn, ngân nga theo gió trông anh rất nghệ sĩ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm đọc bài thơ nói về nỗi nhớ quê nhà thật thắm thiết. Nhà văn Anh Đức, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và nhà văn Lê Văn Thảo rì rầm bàn bạc công việc sắp tới của Hội.

Từ bấy đến nay đã hơn 20 năm, nhưng ấn tượng buổi lễ kết nạp hội viên vẫn ghi khắc trong tâm não tôi vì sự ân cần lo lắng của những nhà văn đi trước, chăm lo cho các thế hệ sau này. Những câu nói giản dị đôi lúc hóm hỉnh của các anh, các chú có ý nhắc nhở động viên, khiến tôi tự tin hơn trên bước đường văn chương đầy gập ghềnh sóng gió. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng khi nói về sáng tác, ông thường nói vui: “Mấy em viết thế nào cho người nào đọc cũng đã chớ không phải chỉ một mình mình đã thôi nghen”, “Tác phẩm tự nó khẳng định giá trị tài năng của người viết, nó hay thì ai cũng biết, nó dở thì ai cũng hay, đừng tự xưng hùng xưng bá coi kỳ lắm, mà nói cho ngay, nó không hay cũng chìm lỉm không ai đẩy lên được, nó hay thì dù có đè nó xuống hay xuyên tạc thế này thế kia tự thân nó vẫn đứng mãi trong lòng người đọc thôi”. Chú nhà văn Anh Đức căn dặn: “Làm nghề viết phải biết tự kềm chế mình, không tự cao mà cũng không tự ti, biết khiêm tốn nghe lời phê bình của người khác rồi rút ra thành kinh nghiệm của mình, vậy mới khá nổi”, nhà văn Nguyễn Khải thì khuyên: “Em viết được mà lười quá! Mỗi ngày phải ngồi vào bàn viết mấy tiếng đồng hồ, viết theo những gì mình đã định, viết không xong thì xé đi, ngày mai viết lại, xem như tập thành thói quen, phải nghĩ là ngày mai mình chết, nên hôm nay phải viết rốt ráo cho xong”. Lời ông căn dặn lúc đó tôi còn tre trẻ nên chỉ cười cười đáp lại rằng tôi còn lâu mới chết nên lo chi dữ vậy. Bây giờ nghĩ lại, lời ông nói thật chân tình. Nếu không bức xúc trong việc viết lách, cứ lề mề như tôi thì bao giờ mới viết được?

Còn nhiều câu khuyên nhủ khác mà tôi không nhớ hết nhưng tôi giờ đây đã thấm hiểu thế nào là thời gian, kế hoạch và quyết tâm trong công việc nặng nhọc này.

Tôi vẫn chưa ưng ý những gì mình đã sáng tác vì chưa nói nhiều về cuộc sống đang diễn ra đầy chi tiết sống động với bao hỉ nộ, ái ố; chưa có tác phẩm tầm cao cho xứng với thời đại, nhưng hình ảnh của những nhà văn đàn anh luôn là hình ảnh động viên, thôi thúc tôi đi tiếp con đtfờng mà tôi đã chọn.

Tôi luôn nghĩ, Hội Nhà văn Thành phố là “Mái nhà Văn ấm áp”, nơi ươm mầm những thế hệ nhà văn, nhà thơ chân chính tương lai, nơi tụ họp những văn tài của Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là nơi trong sáng nhất, đoàn kết nhất để tạo nên một mái nhà ấm êm, hạnh phúc.

TP. Hồ Chí Minh, ngày 21/6/2021
K.Q