(Vanchuongphuongnam.vn) – Người ta hay gọi mưa ở Huế là “đặc sản”, có nghĩa là ngoài bún bò, bánh canh, cơm hến, bánh bèo, bánh lọc, chè hạt sen, kẹo mè xững… nay lại có thêm… mưa. Vậy mưa Huế có “mùi vị” gì? Mặn ngọt ra sao? Ví như bún Huế phải có vị ruốc, bánh bèo phải là tôm đồng làm nhân và nước mắm pha chế đặc biệt vừa ngọt vừa thanh, cơm hến phải là hến lấy lên từ Cồn Hến mới cảm nhận hết món dân dã đậm đà của sông Hương núi Ngự!… Có lẽ không ai giải thích cặn kẽ từ này mà chỉ mặc nhiên công nhận không cần định nghĩa. Thôi thế vậy!
Mưa Huế đối với người Huế là điều gì đó thâm căn cố đế, vừa thân thuộc vừa ám ảnh, càng ám ảnh hơn khi xa Huế. Mỗi mùa mưa đến, nước đổ dầm dề, dai dẳng. Mưa như trút nỗi ấm ức, xoá đi cái mùa hè nắng lửa gió Lào, mưa như ân tình trả nước lại cho sông sau những ngày khô hạn, mưa cho khoan nhặt mái chèo, mưa cho câu hò ướt đẫm, mưa cho bài hát lâm ly, cho bài thơ ủy mị…
Với khách của Huế, mưa là hoài niệm, là cánh dù hoa trước chợ Đông Ba, là gánh chè đậu xanh, đậu ván bên hồ Tĩnh Tâm, là bánh khoái xì xèo trước cửa Thượng Tứ, là bắp nướng Kim Long. Mưa cho ai đó ngơ ngác trên Tràng Tiền, mưa chôn chân trên gác Trịnh để thẩm thấu ca từ mê hoặc, mưa hòa âm với tiếng rao đêm ấm lòng, mưa nhốt tâm hồn trong thâm trầm của Huế…
Phải chăng từ cảm quan trên nên gọi là “đặc sản”, một đặc trưng được kết hợp không gian, thời gian, thời tiết, nếp sống đặc thù… Không phải nêm nếm bằng vị giác.
Tôi xa Huế cứ mỗi mùa mưa lại nhớ về căn nhà thơ ấu ở nội thành. Tôi lớn lên ở Huế chỉ vẻn vẹn vài năm thời tiểu học, nhớ ngôi trường của giáo xứ Tây Linh đã dạy tôi cầm viết những mẫu tự đầu tiên, dạy tôi ê a đánh vần, tập cho tôi những bài hát về quê hương đất nước. Hằng tuần được nghe giáo lý của Chúa, dù tôi không có đạo. Những giờ giáo lý đã cấy vào tâm hồn điều thánh thiện, vị tha ươm mầm cho tôi cây nhân bản.
Mùa mưa ở Huế kéo lắm từ tháng 9 đến tháng 2, hình như nơi đây chỉ có hai mùa nắng, mưa. Tuổi thơ tôi sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh chiến tranh, thế giới mộng mơ đóng khung bởi bốn bức tường thành, sân chơi chỉ quanh quẩn trước nhà thờ hay hồ sen gần cửa chánh tây thả diều. Đôi khi rủ vài đứa bạn trốn cha mẹ ra cầu Ngự Hà (Cầu Kho), nhìn về cống Lương Y, nhìn qua hồ Tĩnh Tâm, cúi mặt xuống dòng sông Vua, ước vọng về một chân trời thanh bình được vùng vẫy tự do. Mưa tựa như tấm gương ngăn cách, cảnh vật mờ mịt bên ngoài lại càng buồn hơn. Ru rú trong nhà chơi ô ăn quan, chơi trốn tìm hoài cũng chán… Mỗi chiều chiều mẹ tôi, lúc nướng khoai lang, lúc rang bắp, lâu lâu làm kẹo đậu phộng bằng mật mía cho chúng tôi ăn. Nhà nghèo nên ăn gì cũng ngon, cũng không ngán. Mẹ tôi sâu mắt dưới chiếc nón lá tả tơi chạy chợ. Nỗi buồn đầu đời về thân phận mà mưa Huế thấm vào tôi vừa ngọt ngào vừa khắc khoải.
Mưa, anh chị em tôi co ro trong căn nhà lợp tranh, vách tranh. Cột nhà cũng chỉ là những cây tre. Mấy cột nhà bằng tre đó, tôi nhớ cha tôi dành cho mỗi đứa con mỗi cột, ông cưa trên đầu đốt tre một cái miệng nhỏ đủ để bỏ đồng tiền xu gọi là bỏ ống để dành, mỗi lần bỏ tiền vào đó tôi tự hỏi lúc nào mới lấy ra được? Chắc phải đến khi làm nhà mới, mà bao giờ mới làm nhà mới? Nhìn dáng cha gầy còm, vất vã nuôi bảy miệng ăn, sáng sớm đội mưa,chiều tối trở về ướt sũng mà thương.
Xuân mậu thân 1968 chiến sự cô lập phía bắc sông Hương, tôi ở nội thành gần đồn Mang Cá nên chứng kiến được sự ác liệt của đạn pháo. Cái đêm ba mươi trừ tịch năm ấy mưa phùn gió bấc, cả nhà quây quần bên nồi bánh tét, đến giao thừa có tiếng đùng đùng, âm thanh không phải là tiếng pháo. Bà tôi bảo Giao Thừa năm nay ngừng bắn có lẽ ai đó gõ thùng phi thay tiếng pháo chăng? Thỉnh thoảng pháo sáng bắn lên trời, tiếng đùng đùng càng lúc càng lớn, pháo sáng càng lúc càng dày. Có gì đó bất ổn cha tôi gọi cả nhà vào trong, tắt nồi lửa bánh tét… Sau đó có những bóng người mang súng chạy qua, đạn bay vèo vèo… Thế là hết tết! Mưa lây phây cùng gió mùa đông bắc rét run người. Cả xóm chạy lên nhà thờ tránh trú, vài ngày sau căn nhà tranh của tôi bị cháy,cha tôi chạy về xem còn gì không, tất cả đã thành tro, những đồng tiền xu bỏ ống tre nóng chảy ra thành một nắm kim loại quắt queo tội nghiệp.
Năm ấy mưa không ngừng đổ đến cuối tháng giêng, mưa không lớn chỉ như những hạt bụi lâm râm vừa đủ để ướt suốt cuộc đời. Mùa mưa cuối cùng của Huế và tôi. Chỉ vài tháng sau đó vì mưu sinh gia đình tôi rời xa Huế. Tôi không còn được tắm mỗi năm dưới cơn mưa “đặc sản” ấy nữa.
V.L