Nét đẹp thơ đêm trắng

1814

Nguyên Bình

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi mong những đêm trắng trong đời thi nhân sẽ rút ngắn dần lại để thơ Mạc Tường Vi không còn dằng dặc những nỗi đau. Tôi vô cùng thích thú và ngưỡng mộ cách biểu đạt thể thơ lục bát của Mạc Tường Vi trong bài Giật mình mùa đông. Nó làm nên cái mà tôi xin phép được gọi là nét đẹp thơ đêm trắng.

Nhà thơ Mạc Tường Vi

Cảm xúc khi tiếp cận một tác phẩm văn học nghệ thuật không hề lệ thuộc vào mối quan hệ giữa độc giả và tác giả, giữa người thưởng lãm và nghệ sĩ sáng tạo. Tôi mượn câu nói của Tagore trong tập thơ “Người làm vườn”:

“Hãy mở cửa và hãy nhìn ra ngoài
Bạn đọc ơi,
Bạn là ai,
mà sẽ đọc thơ tôi
một trăm năm sau nữa?”

Vâng, với không gian và thời gian cách trở, mọi người trên hành tinh này vẫn hằng thưởng thức và cảm thụ văn chương nghệ thuật Đông Tây kim cổ. Vậy nên, dù chưa hề quen biết Mạc Tường Vi nhưng những cảm xúc của tôi khi đọc bài thơ Giật mình mùa đông cứ dâng trào.

Nghiền ngẫm cả tuần nay, bài lục bát ngắt dòng theo phong cách hiện đại của Mạc Tường Vi như xoáy cuốn, như kéo dìm tôi ngụp lặn trong đáy vực sâu, vào một thế giới hoang vắng âm thầm, lẻ bóng, rồi từ nơi đáy thẳm trầm luân đó. Nỗi đớn đau cam chịu bỗng ánh lên ngàn tia sáng huy hoàng, cũng như tiếng nức nở đoạn trường trong màn đêm vụt  bùng cháy thành ngọn lửa thơ chói lọi.

Chúng ta hãy bước vào thế giời của Giật mình mùa đông:

Héo mòn đêm giữa lặng thinh
Chợt nghe thảng thốt!
Giật mình mùa đông
Thu từ tiền kiếp còn không
Đằm trong kí ức
Nghe lòng còn đau…

Thế là nỗi đau của thi nhân (nhân vật trữ tình trong thi phẩm)  đã tồn tại dai dẳng bao đêm dài. Với câu thơ mở đầu trực khởi, Mạc Tường Vi đã giới thiệu tâm lí tình cảm nhân vật gọn gàng mà đầy đủ, xuyên suốt thời gian từ quá khứ mù xa đến thực tại héo mòn. Ở đây, ta đã bắt gặp nàng thơ của Mạc Tường Vi triền miên cam chịu “héo mòn đêm giữa lặng thinh”, chứng kiến những dòng lệ nóng âm thầm tuôn trào trên gối chiếc hằng đêm lẽ bóng.

Rồi bỗng nhiên, trong cái thinh lặng triền miên ấy, thi nhân chợt thảng thốt, giật mình khi mùa đông chạm ngõ, đem cái buốt lạnh về mơn man trên thịt da cô phụ. Tại sao nàng lại phải giật mình thảng thốt? Theo tôi, tên tội phạm quái ác kia chính là bóng thời gian cứ mãi trôi qua vô tình, vô tình như vòng quay của bốn mùa lặng lẽ nghiến ngấu dần mòn thanh xuân của nàng thơ? Mới hôm qua đây thôi, thu vẫn heo may đó mà, nàng tự vấn trong nuối tiếc: “Thu từ tiền kiếp còn không”? Mùa thu của trời xanh mây trắng dịu dàng, mùa thu của tay nắm tay dìu nhau trong nắng vàng áo lụa, trên phố dài thênh thang, thu của bao ân tình êm đềm xưa cũ đã đi xa thật rồi sao? Khung trời đễm mộng ấy đã “đằm trong kí ức” mà lòng nàng mãi còn bộn bề trầm kha, nuối tiếc.

Và rồi, sau cái giật mình thảng thốt kia là cả một vùng cảm hoài nhức nhối vò xé, thi nhân viết mà như vẽ nên bức tranh nội tâm nức nở. Và theo tôi, đây là sự khởi đầu của một đêm trắng, hay từng đêm trắng và nỗi thao thức khi đông về làm nên vẻ đẹp của tiếng thơ tiếng lòng diệu vợi, vừa cô đơn vừa xa xót:

Khép chiều lá rụng
Xanh xao
Mùa đông lạnh lẽo
Xô vào thế nhân
Người đi vào cuộc phong trần
Ta về vớt xác
Trầm luân bể đời.

Chiều đã khép, màn đêm đã về, lá đã rụng để bộn bề xào xạc. Tất cả xanh xao vàng võ vây chặt tấc lòng thi nhân. Tôi không muốn hiểu “lá rụng xanh xao”, và tin chắc tác giả cũng dụng ý như vậy. Một vài chiếc lá xanh xao rụng rơi thì không có ý nghĩa gì lắm, sao bằng buổi chiều lá rụng để thi nhân chợt nghe lòng hoang vắng. Cái hoang vắng của không gian, thời gian trữ tình vây chụp lấy nàng thơ khiến cho cảnh vật xung quanh nàng bỗng xanh xao cô quạnh? Và, phút giây thảng thốt khi đêm đông ùa về, mang theo cái lạnh lẽo phủ trùm lên cõi thế nhân sầu úa, ở đó – giữa ta và người – là một cuộc phân ly: “Người đi vào cuộc phong trần” và ta trầm luân trong bể đời chua chát.

Chúng ta tiếp tục thưởng thức khúc thơ tuyệt vời tiếp theo:

Chiều, thoi mãi miết xuôi trôi
Gượng bàn tay níu
Lỡ bồi thời gian
Nẻo đi
Hút hút dặm ngàn
Nẻo về
Nén. Đợi
Úa tàn ngày xuân

Thật bất ngờ đúng không các bạn? Thủ pháp vắt dòng điêu luyện khiến cho tứ thơ dù không mới nhưng cảm xúc như bật tung ra khỏi trang giấy. Cách dụng ngữ cũng đầy tính sáng tạo. Tác giả không lạm dụng các cặp đối truyền thống mà tiết chế nó khiến cho bài thơ mất sự trôi xuôi êm đềm mà dậy cuộn như sóng, sủi bọt như dòng nước băng qua thác ghềnh. Nẻo đi/ Nẻo về (đối) nhưng đến hun hút/ Nén. Đợi thì tác giả không vận dụng bút pháp tu từ xưa cũ nữa. Thông thường, ai đó sẽ tìm một từ láy rất cảm tính để nó cân bằng với từ hun hút, tạo cho câu thơ êm êm vần điệu, nhưng Mạc Tường Vi lại không làm như vậy. Ví như, nếu là tôi, tôi tạm dẫn chứng:

Nẻo đi hun hút dặm ngàn
Nẻo về héo hắt úa tàn ngày xuân…

Thêm nữa, tác giả lại  dùng dấu chấm giữa Nén và Đợi. Nén là một câu. Đợi là một câu, khiến cho nỗi nghẹn ngào và sự đợi chờ trở thành một tâm thế đậm đặc niềm riêng, một sự khẳng định chua chát, một sự thật không thể chối cãi. Nén, đợi như hai phiến đá tảng của nội tâm băng giá, nỗi chịu đựng đẳng dai từ muôn kiếp nào…

Và đây là những câu thơ biểu đạt cái đau đớn hoang liêu ngoại cảnh mà nàng thơ của chúng ta vừa chạm phải:

Đường khuya heo hút
Bần thần
Kể từ… phố vắng bước chân
Người về
Màn đêm lạnh
Gió sắt se
Tiếng chim lạc bạn
Kêu! Nghe não lòng

Lấy cái hờ hững bên ngoài khắc họa nỗi đau bên trong, Mạc Tường Vi cũng như bao thi nhân nữ khác, họ vô cùng nhạy cảm với những biến thiên của đất trời sương gió. Màn đêm lạnh/ gió sắt se/ tiếng chim lạc bạn/ tất cả chỉ làm nàng thơ của chúng ta thêm “nghe não lòng”.

Thôi đành cam chịu. Cam chịu như một mệnh đề tiên khởi cho bao thân phận nữ nhi yếu đuối, bất hạnh trước cái thế giới nhân gian quái ác. Tôi cảm thấy mình cũng có lỗi, như một tên tội đồ hèn nhát không gióng nổi một hồi chuông. Giọt buồn giọt đông se sắt dồn nén vào mảnh tâm linh khắc khoải, chẳng biết chia sẻ cùng ai nên thi nhân phải tự an ủi mình:

Giọt buồn
Lặng chảy vào trong
Đáy sâu hồi ức
Nghe lòng còn thiêng
Nặng nề trần tịch cõi riêng
Đừng gom phai lá liệm miền hoang liêu.

Tôi mong những đêm trắng trong đời thi nhân sẽ rút ngắn dần lại, thơ Mạc Tường Vi không còn dằng dặc những nỗi đau. Tôi vô cùng thích thú và ngưỡng mộ cách biểu đạt thể thơ lục bát của Mạc Tường Vi trong bài Giật mình mùa đông. Nó làm nên cái mà tôi xin phép được gọi là nét đẹp thơ đêm trắng.

Chúc tác giả trẻ Mạc Tường Vy, Hội viên hội nhà văn TP. HCM tiếp tục sáng tác, cho ra đời nhiều tác phẩm tuyệt vời hơn nữa.

Bà Rịa, 14/11/2019

Giật mình mùa đông

Héo mòn đêm giữa lặng thinh
chợt nghe thảng thốt!
giật mình mùa đông.
Thu từ tiền kiếp còn không
đằm trong kí ức
nghe lòng còn đau
Khép chiều lá rụng
Xanh xao
Mùa đông lạnh lẽo
xô vào thế nhân
Người đi vào cuộc phong trần
Ta về vớt xác
Trầm luân bể đời
Chiều, Thoi mãi miết xuôi trôi
Gượng bàn tay níu
lỡ bồi thơi gian
Nẻo đi
Hút hút dặm ngàn
Nẻo về
Nén . Đợi
úa tàn ngày xuân
Đường khuya heo hút
bần thần
Kể từ… phố vắng bước chân
Người về
Màn đêm lạnh
Gió sắt se
Tiếng chim lạc bạn
Kêu! Nghe não lòng
Giọt buồn
lặng chảy vào trong
Đáy sâu hồi ức
Nghe lòng còn thiêng
Nặng nề trần tịch cõi riêng
Đừng gom phai lá liệm miền hoang liêu.
 
Mạc Tường Vi