Nhà thơ Phạm Vân Anh – Nữ chiến sĩ bền bỉ với văn chương

305

Phùng Hiệu

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhắc đến nhà thơ thiếu tá Phạm Vân Anh, người ta sẽ nghĩ ngay đến hình ảnh một người phụ nữ mạnh mẽ và cũng đầy chất đàn bà. Chị đại diện cho người Hải Phòng đầy hào sảng, lúc “ăn sóng nói lớn”, lúc cũng rất dịu dàng.

Thiếu tá, nhà thơ Phạm Vân Anh

Tháng 12 này, Thiếu tá QĐND Việt Nam, nhà thơ, nhà văn, nhà biên kịch, nhà hoạt động xã hội Phạm Vân Anh vui mừng đón nhận Giải thưởng Vừ A Dính. Điều này là sự ghi nhận những nỗ lực của Phạm Vân Anh trong các hoạt động sáng tác, nghiên cứu về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi cùng các hoạt động an sinh xã hội bền bỉ suốt 10 năm qua. Điều này cũng chứng tỏ, bằng tình yêu nồng nàn với quê hương đất nước, một tấm lòng bền bỉ với văn chương và một khát vọng hướng thiện, chị có thể vượt qua được rất nhiều khó khăn để tạo dựng một con đường sáng tạo mang dấu ấn riêng mình. Trên con đường ấy, Phạm Vân Anh ngày càng vững bước và gặt hái thêm nhiều thành công cũng như cống hiến nhiều hơn cho văn chương, cho xã hội.

Những người tiếp xúc với Phạm Vân Anh đều cảm nhận được một nguồn năng lượng dồi dào mà chị đang mang trên mình. Đó là ánh mắt tươi vui, nụ cười lúc nào cũng rạng rỡ và lòng nhiệt thành với những chuyến đi đến các đồn biên phòng xa xôi để viết kịch bản, làm phóng sự, sáng tác văn chương hay các hoạt động thiện nguyện mà chị thực hiện bằng cả trái tim mình. Nên khi nhận được tin mình được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Quỹ học bổng Vừ A Dính trao tặng giải thưởng Vừ A Dính, Phạm Vân Anh thực sự rất vui và tự hào.

Chị hồ hởi tâm sự: “Tôi luôn cho rằng các hoạt động hướng về biên giới, biển đảo và chăm lo cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của bản thân tôi là một điều gì đó rất đỗi tự nhiên, là mệnh lệnh mà trái tim của một người lính, một người mẹ thúc giục.

Điều kiện xét giải căn cứ vào cả một quá trình cống hiến của đối tượng được xét giải. Với cá nhân tôi, giải thưởng là sự ghi nhận những nỗ lực của bản thân trong các hoạt động sáng tác, nghiên cứu về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi cùng các hoạt động an sinh xã hội bền bỉ suốt 10 năm qua. Vinh dự này tôi luôn ghi nhớ đó là nhờ sự vun vén, hỗ trợ, yêu thương, tin tưởng của đồng chí, đồng đội cùng bạn bè, gia đình đã hỗ trợ tôi trên mọi phương diện”.

Nhìn lại quá trình cống hiến miệt mài, chúng ta thực sự nể phục và ngưỡng mộ sức lao động của Phạm Vân Anh. Một người phụ nữ vừa làm vợ, làm mẹ, vừa giỏi việc nước với không biết bao nhiêu chuyến đi đến tận những vùng biên viễn xa xôi của Tổ quốc để đồng hành, thấu cảm nỗi vất vả, khó khăn, hi sinh của chiến sĩ biên phòng, của đồng bào nơi giữ đất giữ trời. Chỉ có nguồn năng lượng dồi dào trong mình được duy trì bởi tình yêu văn chương, yêu Tổ quốc, chị đã biến những chất liệu phong phú, ngồn ngộn sau mỗi chuyến đi thành các tác phẩm ở những thể loại khác nhau.

Nhà thơ Phạm Vân Anh trong chuyến công tác hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số

Đó là hàng trăm bài báo, phóng sự, phim tài liệu về BĐBP và đồng bào các dân tộc thiểu số nơi biên giới được đánh giá cao, phục vụ tốt công tác giáo dục truyền thống, tuyên truyền, làm sáng đẹp thêm vai trò, cống hiến của quân dân các dân tộc trên biên giới trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ an ninh biên giới quốc gia. Đó là 5 cuốn sách gồm tập trường ca Sa Mộc, truyện “Đường biên cương dệt mùa xuân” (NXB Quân đội – 2017), “Binh pháp chống dịch” (NXB Quân đội – 2021), “Theo dấu phù sa” (NXB Văn học – 2021), “Những người anh em trong lòng dân tộc” (NXB Quân đội – 2022) về đề tài biên giới và đồng bào các dân tộc thiểu số; Kịch bản loạt phim tài liệu lịch sử 30 tập “Những trang sử biên thùy” phản ảnh về chiến công bảo vệ biên cương bờ cõi của quân dân biên giới từ 1945 đến nay phát rộng rãi trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương; Loạt kịch bản phóng sự trải nghiệm văn hóa 54 dân tộc anh em (hiện VTVcap đang tiến hành ghi hình tiền kỳ), dự định phát sóng đầu năm 2023.

Những thành công trên con đường nghệ thuật của thiếu tá, nhà thơ Phạm Vân Anh không phải ngẫu nhiên mà có. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không ai theo nghệ thuật, không có ai khuyến khích, tất cả nhờ năng khiếu và sự chăm chỉ, bền bỉ sáng tạo suốt nhiều năm liền. Đã có lúc, chị lựa chọn học đại học chuyên ngành ngoại ngữ để mong có công việc ổn định về sau, nhưng nghề chọn người nên chị bén duyên với văn chương-nghệ thuật đến tận bây giờ. Hạnh phúc hơn là được khoác lên mình bộ quân phục mang quân hàm xanh.

Nhớ lại chặng đường đã qua, chị Vân Anh tâm sự, không được đào tạo bài bản bất cứ chuyên ngành nghệ thuật nào có lẽ lại là điều may mắn, bởi chị dường như thăng hoa hơn khi không gò bó vào các quy phạm sáng tác. Một chuyến đi miền biên viễn dài ngày, chị có thể xúc cảm làm thơ, viết nhạc trước cảnh núi non hùng vĩ; nghe kể về những câu chuyện giữ rừng giữ bản để cho ra đời truyện ký; tìm hiểu phong tục tập quán để có những bài viết về văn hóa dân gian… Làm nhiều việc một lúc như vậy nhưng ít thấy tác phẩm kém chất lượng, vẫn ghi đậm cá tính sáng tạo của tác giả.

Bí quyết để đi, viết không ngừng như vậy, Phạm Anh cho biết chị luôn cố gắng cân bằng mọi khía cạnh trong đời sống cá nhân, công tác chuyên môn cũng như hoạt động sáng tác.

“Với tôi, việc vượt qua khó khăn trong cuộc sống có vẻ như dễ dàng hơn là vượt qua khó khăn nội tại để sáng tác hiệu quả. Sự “đa mang” của bản thân quả cũng nhiều lúc khiến tôi có cảm giác mình đang đi trên dây, nếu không cẩn trọng, bình tĩnh và tinh tế thì có thể thất bại bất cứ lúc nào. Dẫu biết là không hề dễ dàng để thành công trên mọi đề tài, thể loại nhưng tôi vẫn luôn đặt ra những cái đích để phấn đấu”, Phạm Vân Anh tâm sự.

Trong nhưng tháng ngày miền Nam gồng mình chống chọi đại dịch Covid19, Phạm Vân Anh là người lính trực tiếp tham gia các hoạt động chống dịch của Bộ đội Biên phòng, đồng thời có mặt trong nhiều hoạt động thiện nguyện hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng Covid-19. Chị đã gửi hơn 10 tấn lương thực, thực phẩm ủng hộ người dân TP.HCM nhằm chung tay vượt qua khó khăn, thử thách.

Nhà thơ Phạm Vân Anh tham gia chống dịch Covid

Trong quá quá trình hoạt động và sáng tác, nhà thơ Phạm Vân Anh đã đạt nhiều giải thưởng văn học và báo chí, trong đó có những giải thường giá trị như: Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật 5 năm Bộ Quốc phòng (2014 – 2019) cho tác phẩm “Lá cờ trên biên giới”, Giải Ba giải thưởng 45 năm văn học về đề tài Biên giới – Biển đảo của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020 cho tác phẩm trường ca “Sa mộc”, Giải Ba (không có giải Nhất) về Ký trong Cuộc vận động sáng tác về đề tài Biên phòng do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam tổ chức năm 2009, Giải A, giải thưởng của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho tác phẩm báo chí xuất sắc hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” năm 2009 cho tác phẩm “Nơi Bác trở về”, Giải B Giải báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2010 cho tác phẩm “Vương “Mảng”; năm 2011 cho tác phẩm “Những ông già Đại đoàn kết”; Giải C năm 2013 cho tác phẩm “Họ mang dòng máu Việt”; Giải C năm 2014 cho tác phẩm “Về với buôn làng”, Giải Nhất cuộc thi ca khúc 70 năm Quốc hội do Quốc hội Việt Nam trao tặng năm 2015 cho tác phẩm “Quốc hội sáng ngời niềm tin” (nhạc Vũ Đức Tạo – lời Phạm Vân Anh), Giải B, Giải thưởng âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2017 của cho tác phẩm “Tiếng hát từ ngã ba biên” (nhạc Tuấn Anh – lời Phạm Vân Anh), Giải B năm 2021 cho tác phẩm “Những người trai đi trong lòng biển” (nhạc Tuấn Anh – lời Phạm Vân Anh), Giải thưởng tác phẩm xuất sắc về đề tài  Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022 do Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam trao tặng cho ca khúc “Biên cương gửi nhớ” (nhạc Xuân Đại – lời Phạm Vân Anh) cùng nhiều bằng khen thưởng của các thành phố, các bộ ngành trung ương và các giải thưởng quan trọng khác.

 P.H