Nhà thơ Trần Xuân An

1669

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ Trần Xuân An sinh ngày 10.11.1956 (08.10 Bính Thân) tại Huế. Nguyên quán: Gio Linh, Triệu phong, Quảng Trị. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Việt, Đại học Sư phạm Huế (1974 – 1978). Dạy trung học cơ sở và trung học phổ thông tại Lâm Đồng, 1978 – 1983. Từ 1991 đến nay, thường trú tại TP.HCM, chuyên sáng tác, nghiên cứu. Hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.

Nhà thơ Trần Xuân An

Tác phẩm đã xuất bản:

I. Thơ:

1. Nắng và mưa, tập thơ, Hội VHNT. Quảng Trị xuất bản, 1991.

2. Hát chiêu hồn mình, tập thơ, Nxb. Đồng Nai, 1992.

3. Tôi vẫn ở trên đường, tập thơ, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 1993.

4. Lặng lẽ ở phố, tập thơ, Nxb. Trẻ, 1995.

5. Kẻ bị ném vào bão, tập thơ, Nxb. Trẻ, 1995.

6.Hát với đời ơi thương mến, tập thơ, Nxb. Trẻ, 1996.

7. Quê nhà yêu dấu, trường ca thơ, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 1998.

8. Thơ những mùa hương, tập thơ, Nxb. Thanh Niên, 2011.

9. Tưởng niệm Mẹ, tập thơ tự tuyển, Nxb. Thanh Niên, 2010.

10. Thơ sử và những bài thơ khác, tập thơ, Nxb. Thanh Niên, 2011.

II. Tiểu thuyết:

11. Có một nơi lá mãi xanh, tiểu thuyết, Nxb. Hội Nhà văn, 1999.

12. Ngôi trường tháng giêng, tiểu thuyết, 1998, Nxb. Thanh Niên, 2003.

13. Sen đỏ, bài thơ hoà bình, tiểu thuyết, 1999, Nxb. Thanh Niên, 2003.

III. Nghiên cứu, khảo luận:

14. Thơ Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886) – Vài nét về con người, tâm hồn và tư tưởng (biên soạn – nghiên cứu, phản bác, và tập hợp một số bản dịch, bài khảo luận văn học và sử học về NVT.), 2000 & 2003, Nxb. Thanh Niên, 2008.

15.Tiểu sử biên niên phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường – kẻ thù không đội trời chung của chủ nghĩa thực dân Pháp (từ Đại Nam thực lục, rút gọn), dạng niên biểu, sách dẫn chi tiết, phần I, 2001, Nxb. Thanh Niên, 9-2006..

16. Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), một người trung nghĩa, khảo luận và phê bình sử học, 2002 & 2003, Nxb. Thanh Niên, 9-2006.

17. Phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường (1824 – 1886), truyện – sử kí – khảo cứu tư liệu lịch sử, trọn bộ 4 tập, 2002 – 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2004.

IV. Phê bình & bình luận:

18. Ngẫu hứng đọc thơ, phê bình thơ, 2003; Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2005.

19. Đọc văn chương và cảm nghĩ, phê bình, viết ngắn & điểm sách, Nxb. Thanh Niên, 2009.

B. Giải thưởng, tặng thưởng:

1. Tặng thưởng tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng, 1975.

2. Giải thưởng Hội VHNT Quảng Trị, 1991.

C. Quan niệm văn học:

Nói riêng về lĩnh vực sáng tác: Nhà văn chương chuyên về lĩnh vực sáng tác, từ khi sáng tác trở thành một loại hình lao động chuyên nghiệp và trọn đời cho đến nay, không phải là người giam mình trong sách vở, kinh điển. Nói như vậy, với hàm ý rằng: Ngoài tri thức kim cổ được truyền thụ và tự học, chúng ta cần phải trải nghiệm, tích lũy vốn sống sinh động, cụ thể, trực tiếp, để thấu hiểu mình và thấu hiểu người, thấu hiểu đời, thấu hiểu đất trời. Nhưng quyền trải nghiệm của nhà văn chương được quy định bởi cái tâm. Vốn sống và cái tâm lương thiện với lẽ sống chân chính, cùng với tài năng, góp phần làm nên cái tầm vóc văn chương của mỗi nhà cầm bút. Văn chương từ ngàn xưa cho đến muôn đời sau vẫn không thể thiếu một trong ba thành tố cổ điển (chuẩn mực), đó là chân, thiện, mĩ. Và dĩ nhiên, phong cách, cá tính nghệ thuật – tư tưởng cùng với sự riêng biệt về thân phận, thành phần xã hội làm nên nét đặc sắc. Tôi muốn nói gọn hơn: Văn chương phải THẬT, phải TỐT, phải ĐẸP và phải ĐẶC SẮC.

Văn chương khi đã cho lưu hành giữa đời là VÌ ĐỜI, trong đó có bản thân mình; thậm chí viết về cái tôi thì cái tôi ấy cũng là hình tượng trữ tình, và đăng báo, xuất bản tác phẩm chứa đựng hình tượng trữ tình của cái tôi cũng vì đời.

Ngoài sáng tác thơ, tiểu thuyết, tôi còn viết bình luận, phê bình văn chương và nghiên cứu sử học, nhưng đây chỉ giới hạn trong lĩnh vực sáng tác văn chương.

Những bài viết về Trần Xuân An