Những người vviết hiện nay chưa có nhân tố mới bật hẳn lên. Còn các đơn vị/tổ chức đến cá nhân người viết, đa số chưa xem trọng văn học thiếu nhi.
Trong khi Trên đồi, mở mắt, và mơ (2017) vẫn trên hành trình đến với bạn đọc thì nhà văn Văn Thành Lê (sinh năm 1986) vừa giới thiệu đến độc giả nhỏ tuổi tác phẩm mới: Bên suối, bịt tai nghe gió (Nhà xuất bản Kim Đồng). Anh cũng vừa trở thành thành viên của Hội đồng Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam.
* Phóng viên: Cảm hứng viết tác phẩm “Bên suối, bịt tai nghe gió” đến với anh như thế nào?
– Nhà văn Văn Thành Lê: Từ những phản hồi tích cực của độc giả nhỏ tuổi và phụ huynh, rồi “đường dẫn” của những câu chuyện trong Trên đồi, mở mắt, và mơ gợi lên những ý hướng cho tôi hình dung về mùa hè tiếp theo của cậu bé Thành cùng những người bạn. Tất cả làm thành động lực để tôi cho các nhân vật bước tiếp vào mùa hè cuối cấp tiểu học với những vui buồn sâu hơn trong Bên suối, bịt tai nghe gió.
* Trong “Bên suối, bịt tai nghe gió” có nhân vật “chú nhà văn” về trường học truyền cảm hứng đọc sách. Nhân vật này có phải là anh không?
– “Chú nhà văn” là thấp thoáng hình ảnh tôi, và cả những tác giả khác đã đồng hành trong việc truyền cảm hứng đọc sách đến với các em học sinh. Tôi trò chuyện và thấy các bạn nhỏ ở những ngôi trường tôi đến khá hào hứng, nhưng còn rất nhiều ngôi trường tôi chưa có dịp, và chắc chắn sẽ không đến hết được, thì qua trang sách, mong rằng những thông điệp nhỏ bé như vậy có thể lan tỏa rộng hơn.
Nhà văn Văn Thành Lê hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng.
* Tác phẩm trước đã tái bản đến lần thứ 5, anh dự báo như thế nào về thành công của tác phẩm mới này?
– Văn chương là thứ không thể ăn quen bén mùi thấy bùi ăn mãi. Đơn giản là tôi thấy còn nhiều “đất” cho các nhân vật có thể quậy, có thể cười và cả khóc, thêm những ước mơ bé con hồn nhiên đáng yêu nữa. Khi cho các nhân vật “đi bước nữa” xong, nhận phản hồi từ các bạn nhỏ đã đọc Trên đồi, mở mắt và mơ thì thấy Bên suối, bịt tai nghe gió không bị rơi vào tình trạng nói dài nói dai thành ra…dở (cười).
Số phận của mỗi tác phẩm không phụ thuộc vào ý chí của tác giả. Tuy nhiên, tôi hy vọng rằng độc giả đã đọc Trên đồi, mở mắt, và mơ chắc hẳn sẽ đủ vui và tò mò để đọc tiếp Bên suối, bịt tai nghe gió khi có cơ hội; hoặc là ngược lại.
* Kế hoạch dài hơi cho văn học thiếu nhi của anh là gì?
– Trong bài viết về văn học thiếu nhi gần đây, tôi có nói, thật khó hiểu, nếu như chúng ta vẫn còn nghi ngờ việc viết cho thiếu nhi, nghiên cứu văn học thiếu nhi, xem văn học thiếu nhi là “chiếu dưới”. Chính văn học thiếu nhi mới là mảnh đất còn nhiều chỗ trống, phì nhiêu, đón đợi người viết. Và hứa hẹn những trái ngọt dài lâu, nếu người viết đủ tài và đầy tâm. Từ khi về Nhà xuất bản Kim Đồng, làm việc trong môi trường sách dành cho các em nhỏ, có cơ hội tương tác nhiều với độc giả nhỏ tuổi, thuận lợi để “đứa bé” trong tôi cựa quậy, đòi cất tiếng nói, thì nhu cầu và đường hướng viết nhiều hơn cho các em trở nên rõ ràng và thường trực hơn.
Hai tác phẩm dành cho thiếu nhi được ra mắt gần đây của nhà văn Văn Thành Lê.
Trẻ em vẫn thích, vẫn hào hứng với sách
* Theo anh, những nguyên do nào khiến văn học thiếu nhi trong nước vẫn không “bật” lên được?
– Chủ quan, là chúng ta thiếu tài năng văn chương. Lực lượng viết hiện nay không quá mỏng nhưng bình bình, đều đều, chưa có những nhân tố mới bật hẳn lên. Còn khách quan thì, từ các đơn vị/tổ chức đến cá nhân người viết, đa số vẫn chưa xem trọng văn học thiếu nhi. Chúng ta thiếu một giải thưởng văn học thiếu nhi có uy tín; thiếu người đọc văn học thiếu nhi một cách chuyên tâm, nghiêm cẩn, có nghề…
Cần nhất hiện nay là một đơn vị đủ uy tín cùng ban tổ chức đủ năng lực, công tâm, vì trẻ con thật sự, để trao cho những cuốn sách hay một danh phận, để tác phẩm trội hơn không rơi vào cảnh cá mè một lứa, lẫn vào các sáng tác khác. Hầu như đầu sách trong nước và quốc tế ấn tượng, muốn lan tỏa rộng đều được bảo chứng bởi giải thưởng nào đó.
* Có điều kiện tiếp xúc với bạn đọc nhỏ tuổi thông qua chuỗi chương trình “Cùng trang sách bước đến tương lai”, anh có nhận xét gì về sự đọc của các em hiện nay?
– Nhiều người cho rằng tình yêu với sách trong xã hội đang đi xuống, bi quan hơn còn nói đi xuống theo phương thẳng đứng, trẻ em ít quan tâm đến sách. Nhưng đến nhiều trường học, trực tiếp trò chuyện và đưa sách đến gần với các em, tôi nhận ra học sinh vẫn thích sách, hào hứng với sách. Do sách ở xa tầm tay của các em hơn ti vi, điện thoại, máy tính… nên các em bị các phương tiện giải trí khác “dắt mũi”, chứ không phải các em thờ ơ với sách.
Nhìn ánh mắt nhiều em, nhất là ở vùng sâu vùng xa, lần đầu được cầm trên tay những cuốn sách in màu với minh họa sinh động, hay sách Pop – Up mới lạ đầy ngỡ ngàng, tôi nghĩ sách vẫn đầy hấp lực với các em. Còn đọc nhiều hay ít, có cơ hội đọc sách hay không, là do thói quen của bố mẹ và thầy cô, chứ các em vô tội. Vậy nên viết cho thiếu nhi vẫn là mảnh đất màu mỡ.
Nhà văn Văn Thành Lê thường xuyên có những buổi trò chuyện về sách với các em học sinh
* Nhưng anh nghĩ sao về quan niệm tác giả Việt Nam không sống được với nghề?
– Điều này hiển nhiên quá. Sống được bằng nhuận bút văn chương ở nước mình chắc chỉ có nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, nếu kể thêm người thứ hai, là Nguyễn Ngọc Tư. Nhưng sống được bằng chữ thì không hiếm. Vì bên cạnh viết văn là viết báo, dịch vụ chấp bút, viết content, làm copywriter… Phi thương bất phú nhưng “buôn chữ” thì khó mà “phú”, chỉ là sống được. Chữ “được” lại tùy quan niệm của mỗi người (cười).
* Vậy anh đã nuôi giữ cảm xúc viết lách như thế nào?
– Tôi nghĩ chim thì bay, cá thì bơi và người viết thì cứ viết thôi. Đến một lúc nào đó, khi đã giữ được khoảng cách nhất định với những ồn ào, thì các điều kiện khách quan bên ngoài sẽ trở thành nguyên liệu cho sáng tác chứ không phải trở ngại. Người viết mê viết, đơn giản như người chơi cây cảnh sẽ mê tỉa cành tưới cây, thì cảm xúc viết lách chính là cảm xúc với cuộc sống thôi. Chất liệu đến từ mắt thấy, tai nghe, tay chạm, não động đậy cùng trí tưởng về tất cả những gì diễn ra quanh mình và ở trong mình.
Theo Thành Vinh/PNO