Những vần thơ từ quê làng biên giới 

257

 Trần Quang Khanh

 (Đọc tuyển tập tác phẩm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tỉnh An Giang – “Từ quê làng biên giới”, NXB Đà Nẵng 2022)

 An Giang từ lâu đã có lớp người sáng tác văn học dầy dặn, tên tuổi trên văn đàn cả nước. Đó là các nhà văn, nhà thơ quê gốc An Giang như Nguyễn Quang Sáng, Anh Đức, Viễn Phương, Mai Văn Tạo, Lê Văn Thảo, Lê Thành Chơn… Nối tiếp lớp người tiên phong này là một lớp người mới xuất hiện bằng những sáng tác văn học mới như một kế thừa vững vàng.

Đó là lớp người không ngừng nỗ lực, tạo được những tác phẩm thơ có giá trị lâu dài trong người đọc. Tính từ sau giải phóng 1975, những người làm thơ có thể kể Phạm Thường Gia, Trịnh Bửu Hoài, Phạm Nguyên Thạch, Hồ Thanh Điền, Nguyễn Lập Em, Phạm Hữu Quang, Nguyễn Thị Trà Giang, Trần Thế Vinh, Trương Công Thuốt, Lê Thanh My… Kẻ trước người sau lần lượt được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Tất nhiên, trong vườn hoa văn học sẽ có những hoa sen, hoa quỳnh, dạ lý…  Sẽ có những đóa hoa “hữu sắc vô hương” như hoa giấy từ chối danh vị, phẩm hàm, chẳng cần khoa trương mà chỉ cảm thấy hạnh phúc trong việc sáng tác một cách âm thầm, lặng lẽ…

Từ đây cho thấy tiến trình dòng chảy của Văn học An Giang luôn giữ được sự lắng đọng và nét thăng hoa. Thơ An Giang ở phương diện nào đó đã góp phần quan trọng, tạo nền móng cho những tín hiệu khởi sắc và triển vọng kể từ sau 1975 cho đến nay.

Năm 2021, vô cùng phấn khởi khi Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp hai hội viên mới là Nguyễn Đức Phú Thọ (chuyên ngành Thơ) và Lê Quang Trạng (chuyên ngành Văn học thiếu nhi), chiếm tỉ lệ 2/4 hội viên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long kết nạp cùng đợt. Niềm vui tiếp niềm vui, An Giang lại là tỉnh đầu tiên của khu vực thành lập được Chi hội Nhà văn Việt Nam tại tỉnh An Giang. Những gương mặt tiêu biểu, nổi bật nhất của văn học tỉnh nhà đã có một “ngôi nhà chung”. Bằng nguồn lực vận động và được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đồng hành, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật An Giang phối hợp, Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh An Giang đã tuyển chọn tác phẩm gồm văn xuôi và thơ của các nhà văn Việt Nam ở An Giang để xuất bản một tuyển tập có tên “Từ quê làng biên giới” (Nxb Đà Nẵng, 2022). Đọc tuyển tập, người viết xin được mạn phép ghi vài dòng cảm nghĩ về các bài thơ được chọn in trong tuyển tập này.

Nhà thơ kỳ cựu Hồ Thanh Điền, với 7 tập thơ và hai lần giải Nhì cuộc thi Thơ ĐBSCL các năm 1999, 2006 góp mặt với chùm thơ: Thế kỷ đi về, Ngày Bác về, Rụng một bông xoài.

Như có một lòng tin son sắt vẫn tồn tại âm thầm mà mãnh liệt nơi ngòi bút của thi sĩ – Tâm trạng quyến luyến, tri ân luôn thường trực trong tâm trí Hồ Thanh Điền:

 “Lẽ nào anh thôi hát

 Những bài ca Tổ quốc

 Những bài ca bạn bè

 Những bài ca tình yêu”

 Một thời tuổi trẻ gắn với chiến tranh, sống rồi yêu trong mỗi khoảnh khắc sự sống và cái chết cách nhau đầy ngắn ngủi. Trong tình yêu chung có nỗi đau riêng, nỗi đau nơi tâm hồn của người làm thơ có sự lắng đọng nỗi đau chất ngất, quặn thắt tâm can, ruột gan của người mẹ liệt sĩ, của anh em, bạn bè đã rời bỏ cõi tạm, hy sinh vì đất nước…

“Lẽ nào anh không hay

 Có hoàng hôn chia tay

 Có mùa đông thế kỷ

 Lạnh mấy vầng mây bay

 

 Cõi về. Thì anh về

 Những người thân thiết cũ

 Thắp một nén nhang nghe

 Lóe mùa sang gió hú”

                      (Thế kỷ đi về)

Nói đến đề tài chiến tranh ở vùng đất phía Tây Nam Tổ quốc, là phải nói đến những bài thơ vô cùng ấn tượng của Trần Thế Vinh – nhà thơ của vùng Thất Sơn (Bảy Núi), của những núi Dài, Tức-Dụp, Cô Tô… – mảnh đất đã đau đớn bao lần, lớn lên từ mưa bom bão đạn…

Khởi nguồn từ câu hỏi phát vấn, khơi gợi đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhà thơ xứ núi mở đầu câu chuyện:

“Xào xạc nỗi lòng hỏi người đã khuất …

Phiến đá trăm năm

Có cùng người xưa thao thức cảnh đời

Âm dương hai cõi đất trời

Chu kỳ sáng tối làm nơi tao phùng”

(Trò chuyện cùng người đã khuất)

Nhà thơ nói chuyện với người, hay nói đúng hơn là với “hồn người” – cái thuộc về tinh anh khi con người đã mất… Hay chỉ là cái cớ để làm cuộc về với tâm tưởng, mình độc thoại với mình:

“…Đá khóc cùng người cách mạng gian lao

Hỏi chú Mười có về thăm địa đạo?

Hay dì Út còn nương náu trời xanh

Về tắm Ô Thum trong lành

Xóa vết chiến tranh dựng thành điểm sáng

Tức Dụp bây giờ lãng mạn…”

Bút pháp như tái hiện một trường liên tưởng, như đang trò chuyện với hai nhân vật điển hình “chú Mười” và “dì Út”. Dòng tư tưởng cứ chảy trôi theo bao cảm xúc như là bất tận,thâu tóm dẫn về khổ thơ 4 và 5. Đó là những hình ảnh của huyện miền núi Tri Tôn- vùng đất giàu truyền thống cách mạng của đất biên viễn An Giang với nhiều địa danh lừng lẫy đi vào sách sử: Quả đồi “2 triệu đô-la” – Tức Dụp; suối Ô Thum; căn cứ quân sự Ô Tà Sóc… Nhà thơ đã vận dụng liên tiếp nhiều phương pháp ẩn dụ, hoán dụ, nhân hóa tạo ra trường thi ảnh độc đáo, sống động: “Công viên hít thở, phím đàn” hoặc “Mắt lá… hé cười chơn chất”; “Núi chở nghĩa ân, suối mát lòng người”…

Khép lại là hình ảnh biểu cảm lắng đọng nét nhìn lạc quan pha lẫn niềm tự hào, thành kính:

“Tự mình đá trổ hoa xuân

Mời cô, rước chú… về mừng đoàn viên”

Dòng cảm xúc theo mạch tuôn chảy khi tôi chạm vào thơ Trịnh Bửu Hoài – Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, một người từng làm quản lý văn học, một ngòi bút đa tài, viết trải dài với nhiều thể loại. Ông đã xuất bản 57 đầu sách.Trước năm 1975 nhà thơ đã chủ trương và chủ bút nhiều đặc san, tạp chí: “Khai hoang” (1967), “Đối diện” (1968), Khai phá (1969), Khuynh hướng (1970).

Ở độ tuổi sang thu, Trịnh Bửu Hoài đã khơi sâu dòng triết lý nhân sinh trong rất nhiều tác phẩm. Ấn tượng đậm nét nhất có lẽ là bài thơ “Khoảnh khắc”:

“Tôi đi tìm gương mặt khả ái mỗi sớm mai

Để có một ngày đáng yêu

Để có một người đáng nhớ

Trong dòng đời cuộn chảy

 

Tôi giữ trong lòng mình vẻ đẹp suốt ngày hôm ấy

Mặc cho thời gian trôi

Mặc cho nắng gió bên trời

Chỉ mình tôi trong sương khói cuộc đời

 

Có điều gì đó thật mong manh

Mà ta không hủy hoại được

Có điều gì đó thật vĩnh hằng

Tan biến trong lòng nhau khoảnh khắc…”

Gói gọn trong 12 câu thơ theo thể tự do theo dòng ngẫu hứng là cuộc hành trình đi tìm và lưu giữ cái đẹp – cái đẹp dường như thật mong manh, dễ tan biến giữa “dòng đời cuộn chảy”… Để rồi tác giả “giữ trong lòng mình vẻ đẹp suốt ngày hôm ấy” và luôn cảm thấy cô đơn, quạnh quẽ: “Chỉ mình tôi trong sương khói cuộc đời”.

Sống trong kiếp người, vẫn còn đó những hạn chế của con người trong đời thường “thật mong manh” nhưng “mà ta không hủy hoại được”. Cách chuyển xưng hô từ “tôi” sang “ta” thật sắc nét. Ta là tôi, tôi cũng chính là ta, dù riêng hay chung vẫn là một bản thể trữ tình của người thi sĩ – yêu cái đẹp và trân quý, nâng niu cái đẹp.

Ở nhà thơ Phạm Nguyên Thạch – một ngòi bút lão luyện trong nghề, sáng tác từ những năm 1963. Ông là người thầy đã phát hiện và dẫn dắt nhiều cây bút giàu tư chất mà một trong số họ đã đạt được những thành tựu nổi bật, về sau trở thành những đồng nghiệp, bạn viết của ông. Nhà thơ Phạm Nguyên Thạch vì thế được tín nhiệm trong vai trò Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tỉnh An Giang từ buổi đầu vận động cho đến khi thành lập. Ông là tác giả của nhiều tập thơ có giá trị cao về mặt nghệ thuật. “Từ quê làng biên giới” tên tuyển tập này cũng là tên một bài thơ ông viết về địa danh Ba Chúc, nơi chịu đựng nỗi đau thảm khốc, kinh hoàng của nạn diệt chủng Pol Pốt, nơi một thời chỉ có máu, nước mắt và những xác, sọ người vô tội…

“Ở đây tiếp tiếp nhà không mái

Nghìn cột cháy đen chỏi mái trời

Gió quật chuốt mòn đá núi

Tây Nam bây giờ, biên giới ơi…

Gạch ngói ngổn ngang, bàn chân xốc

Giặc tan, nền cũ ai về

Máu người trộn đất còn hơi bốc

Em về nhà, lấy mái nào che?”

Tác phẩm là lời tố cáo sự hủy diệt của chiến tranh. Bên cạnh đó có lời ca ngợi sức chịu đựng bền bỉ và ý chí kiên cường của người dân Ba Chúc nói riêng và nhân dân An Giang anh hùng trong kháng chiến vệ quốc nói chung. Nhà Mồ Ba Chúc giờ đây còn lưu giữ tội ác của giặc! Mỗi lần đưa bạn bè trở lại đây thăm viếng, tôi vẫn luôn ngậm ngùi chứng kiến những giọt nước mắt lặng rơi. Những xương, sọ người được phân loại theo tuổi, có cụ già tuổi tám mươi, có đứa bé chỉ mới vài tháng tuổi…

Thương nhà cũ nối xóm làng ngày cũ

Người chưa nguôi viên đạn giặc xé đời

Mỗi căn nhà như trái tim không ngủ

Ai giã bàng vang nhịp đập sinh sôi”

 

Sao hiểu hết từ bóng râm dân dã

Tôi sững sờ. Núi lại màu xanh

Cây xanh đá, rễ tảo tần, đùm bọc

Ba Chúc lặng thầm vá thương tích chiến tranh”

 Sống trong cảnh thanh bình, an lạc hiện tại có ai nghĩ đến công lao, sự hy sinh cao cả của biết bao chiến sĩ xông pha trong cuộc chiến đẫm máu đầy tang thương chết chóc, khói lửa ngút trời và biết bao số phận vô tội, vùi mình oan ức nơi nỗi đau thống khổ tận cùng, nào ai dễ nguôi ngoai? Điều đáng cảm phục ở đây là tinh thần vượt khó, vượt qua tàn dư của chiến tranh. Con người Ba Chúc – xứ sở biên giới An Giang vẫn cứ thế kiên cường…

Chùm thơ Phạm Nguyên Thạch toát lên nét sáng tác cẩn trọng, tâm huyết. Cách chắt chiu chọn lọc ngôn từ gợi hình và biểu cảm. Từ cảm xúc  thật cho đến những câu thơ lắng đọng. Cứ nén chặt những âm ỉ, chất chứa khôn khuây.

Hiếm hoi trong tuyển tập là một giọng thơ nữ- quê ngã ba sông Châu Đốc- với vẻ đẹp trữ tình, đằm thắm và man mác buồn… Chân dung Lê Thanh My hiện ra với chùm thơ: Mùa sau, Cho một ngày mưa, Lời thực.

“…và bây giờ

rất thực

trước mặt chúng ta là viên đá nhỏ

điều gì đã khiến bàn chân ngập ngừng

 

Nói lời xa lại quá ngại ngần

lặng im

để nhìn khác đi về một chân trời mộng

lòng biển xanh luôn có sóng”

                                                         (Lời thực)

Tài chẳng đợi tuổi, Nguyễn Đức Phú Thọ gây nên sự chú ý đặc biệt khi trở thành thủ khoa Văn toàn quốc trong kỳ tuyển sinh Đại học- Cao đẳng năm 2007. Ít ai ngờ, chỉ vài năm sau “thủ khoa” trẻ gia nhập làng thơ và trở thành gương mặt mới triển vọng, gây nên sự chú ý. Năm 2011, anh được chọn là 1 trong 3 gương mặt đại diện “Thi quán phương Nam” của Sân thơ Hiện đại, tại Văn Miếu, thủ đô Hà Nội.

Tuổi trẻ nhưng thơ lại đậm đặc màu triết lý, ngẫm suy về dòng đời, nhân dạng, tâm tưởng… Chùm 3 bài: Vỡ, Đốm sáng, Bông cúc đỏ – mang nét hiện đại, tươi mới trong ý thức diễn đạt.

“Gió tước hết những chiếc lá bạc màu

Mùa thu trả về yên lặng

Vườn đêm qua một cơn mưa lắng

Hạt chồi tách hương

 

Dòng sông rẽ đôi bởi cung đường

Cỏ ri ri tiếng dế

Giọt nắng đầu tiên đã vỡ

Trên mắt người

Ngủ mê”

                                     (Vỡ)

 Ba câu thơ cuối vỡ ra thành ba dòng thơ thật tinh gọn trong cách dùng phương thức chuyển đổi cảm giác ẩn dụ. Một sự thức tỉnh, hay sự tuần hoàn theo chu kỳ của dòng đời. Thơ Nguyễn Đức Phú Thọ mượn chuyện xa nói việc gần, bàng bạc thân phận và bao nỗi buồn, khắc khoải. Trong “Đốm sáng” được viết từ một chuyến ghé thăm Nghĩa trang thai nhi, anh viết đầy ám ảnh:

“Những đứa trẻ túa ra từ đêm

chúng chạy nhảy thành một vòng tròn

chúng chạy nhảy xuyên qua đám cỏ

đôi mắt sâu như những ngọn gió

Chúng

nhìn tôi”

Nhân vật trữ tình như ở một góc cuộc đời, nhìn sâu vào  nội tâm, bên trong mình. Phải chăng số kiếp người thi sĩ là cứ phải đào sâu, cứ phải đối mặt trực diện với thế giới nội tâm, với chính mình, mới tìm thấy được sự giải thoát?

Mỗi một tác phẩm sẽ mang nhiều tầng nghĩa, nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi người viết có sự nội cảm và lối sáng tạo, dẫn dắt thuộc về riêng họ. Những thế hệ nhà thơ của một vùng đất biên viễn phía Tây Nam cứ nối tiếp nhau, sống và viết, trải nghiệm và chắt lọc từ lịch sử, từ đất- nước- gió- lửa, từ quá khứ và hiện tại, từ nỗi bất hạnh, khổ đau và cả niềm hạnh phúc, bình yên… Như những chiếc lá vàng sẽ vun đắp cho lộc xanh nảy nở trên cành. Từ trong nứt nẻ, khô cằn lại ngập tràn những sắc hương, lại khao khát dâng đời bao mùa văn chương đẹp.

T.Q.K