Phút lịch sử trong chiến dịch Bác Hồ trực tiếp ra trận

1179

Chiến dịch Biên giới thu đông năm 1950 là chiến dịch đầu tiên, cũng là chiến dịch Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu.

Những ngày đầu tháng 10, hàng trăm đại biểu từ khắp nơi tề tựu về Lạng Sơn để cùng ôn lại những hồi ức lịch sử trong hội thảo Chiến thắng Biên giới thu đông 1950 – Tầm nhìn chiến lược của Đảng và bài học lịch sử.

Một ông lão đặc biệt, trong bộ quân phục đã ngả màu, ngực đeo đầy huân huy chương chống gậy từ từ bước vào hội trường tỉnh Lạng Sơn trong niềm hân hoan chào đón của cán bộ, chiến sĩ và các nhà khoa học.

Ông là Đại tá Nguyễn Bội Giong (93 tuổi) – nguyên cán bộ VP Tổng Chính ủy, phái viên VP Bộ Tư lệnh trong chiến dịch Biên giới 1950. Ông cũng là trợ lý đầu tiên của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Tuổi cao, sức khỏe giảm sút đi nhiều do di chứng của chiến tranh, khi nhận được lời mới từ Bộ Quốc phòng, Ban Tuyên giáo TƯ ông vô cùng hào hứng, cất công từ Hà Nội lên xứ Lạng để chia sẻ về trang sử vẻ vang của dân tộc, những chỉ đạo chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Biên giới.

Chiến dịch Bác Hồ trực tiếp ra trận

Tháng 6/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì Hội nghị Ban Thường vụ TƯ Đảng mở rộng quyết định mở Chiến dịch Biên giới, mang mật danh Chiến dịch Lê Hồng Phong II.

Chiến dịch Biên giới năm 1950 là chiến dịch đầu tiên, cũng là chiến dịch Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp ra mặt trận chỉ đạo, động viên quân và dân chiến đấu.


Đại tá Nguyễn Bội Giong chia sẻ bên lề hội thảo.

Đại tá Nguyễn Bội Giong khi đó là cán bộ của VP Tổng Chính ủy do ông Nguyễn Cơ Thạch làm Chánh Văn phòng, cùng với các ông Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Thượng, Võ Hồng Cương giúp Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Thường vụ TƯ Đảng chỉ đạo những mặt công tác chính về quân sự của cuộc kháng chiến.

Ông Giong tham gia chiến dịch Biên giới với chức trách là một phái viên của Văn phòng Bộ Tổng Tư lệnh. Ông được giao hai nhiệm vụ: cùng các cán bộ tham mưu theo dõi, nghiên cứu tình hình tác chiến để làm báo cáo tổng hợp lên Bộ Chỉ huy chiến dịch và giúp truyền đạt những mệnh lệnh, chỉ thị của Bộ Chỉ huy chiến dịch cho các đơn vị.

Nhiệm vụ thứ hai là cùng một số cán bộ bảo vệ của Bác Hồ bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc hành quân của Bác từ Thái Nguyên lên Cao Bằng và phục vụ Bác trong những lần đi xuống thăm các đơn vị tác chiến, cũng như khi Bác đến nói chuyện với các sĩ quan Pháp bị bắt làm tù binh ở khu vực phụ cận Thất Khê.

Hạ tuần tháng 8/1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.

Chia sẻ nhiệm vụ vừa là niềm vinh dự vừa là sự khó khăn đó là bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Bác Hồ, Đại tá Giong nhớ lại khi đó, Bác đã hơn 60 tuổi đi từ Thái Nguyên lên Cao Bằng. Người ở lại Sở Chỉ huy Chiến dịch một buổi rồi đến ngay một số khu vực khác để cùng các lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch và lãnh đạo địa phương xem xét tình hình, chỉ đạo tác chiến.

Mỗi khi Bác cần đi xuống đơn vị nào, khu vực nào để tìm hiểu tình hình, những cán bộ như ông Giong phải chuẩn bị rất bí mật và thật trọn vẹn, cũng có lúc không dám nhờ đến sự giúp sức của đơn vị đang tác chiến.


Tháng 6/1950, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng chủ trương mở chiến dịch lớn đánh địch trên tuyến biên giới.

Sáng sớm ngày 16/9/1950 tại đài quan sát chiến dịch (ở đỉnh Ngườm Cuông, núi Báo Đông thuộc bản Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng) Bác đã chăm chú quan sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến trận Đông Khê.

“Tôi nhớ như in lúc đó, Người treo lên vị trí quan sát đã được chuẩn bị trước để có thể nhìn rõ được cứ điểm Đông Khê. Chúng tôi rất lo vì sự an toàn, nhưng Bác nói:

Các đồng chí yên tâm, Bác từ Thái Nguyên lên đây còn đi được nữa là trèo lên một đoạn cao để có thể trực tiếp nhìn thấy cứ điểm Đông Khê”.

Vị trí quan sát lúc đó của Bác là ở trên cao chừng 10m, đứng gần Bác là ông Dũng Mã, cán bộ trung đoàn thuộc VP Tổng Chính ủy, vừa được điều xuống đơn vị chiến đấu.

Còn ông Giong và hai cán bộ bảo vệ khác phải đứng ở dưới bảo đảm cho Bác được an toàn và thoải mái. Khi nhìn rõ lá cờ tam tài của địch ở vị trí Đông Khê, Bác nói:

Các chú phải hạ lá cờ đó xuống”.

Trong khoảnh khắc Người đang chăm chú theo dõi trận đánh bằng ống nhòm trên đỉnh núi Báo Đông, ông Vũ Năng An, nhiếp ảnh riêng của Bộ Tổng Tư lệnh đã chụp được bức ảnh “Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê”. Tấm ảnh rất nổi tiếng, ai đã xem dù chỉ một lần đều nhớ mãi.


Chủ tịch Hồ Chí Minh quan sát mặt trận Đông Khê. 

Sáng sớm hôm đó, quân ta bắt đầu nổ súng đánh cụm cứ điểm Đông Khê mở màn chiến dịch. Sau 54 giờ chiến đấu, sáng ngày 18/9, bộ đội ta chiếm toàn bộ cụm cứ điểm Đông Khê.

Ngay sau chiến thắng Đông Khê, Bác Hồ và Bộ Chỉ huy chiến dịch nhận định: Có thể địch sẽ chiếm lại Đông Khê để đón quân ở Cao Bằng rút lui. Do vậy, ý đồ tác chiến của ta là “nhử thú dữ vào tròng” để “khép vòng lưới thép” tiêu diệt chúng.

Chiến thắng oanh liệt của trận mở màn ở Đông Khê đã cổ vũ khí thế giết giặc lập công trên khắp các mặt trận.

Tiếp đó,  ta truy kích và bắt gọn quân địch rút chạy từ Cao Bằng. Ngày 8/10/1950, quân ta tiêu diệt hai binh đoàn ứng cứu của Pháp. Sau 29 ngày chiến đấu ở vùng biên giới (từ 16/9-14/10), ta đã tiêu diệt và bắt sống hơn 8.000 địch, tiêu diệt 10 tiểu đoàn, thu trên 3.000 tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh, giải phóng hoàn toàn khu vực biên giới từ Cao Bằng đến Đình Lập (Lạng Sơn), củng cố và mở rộng căn cứ địa Việt Bắc…


Bác Hồ lên đường ra mặt trận cùng Bộ Chỉ huy chiến dịch trực tiếp chỉ đạo chiến dịch. 

Hình ảnh vị lãnh tụ tối cao của Đảng, của dân tộc không ngại khó khăn, nguy hiểm, trực tiếp ra mặt trận để cùng Bộ Chỉ huy chỉ đạo cuộc chiến đấu là nguồn động viên to lớn, làm nức lòng cán bộ, chiến sĩ, dân công. Trong những ngày truy kích địch, Bác Hồ cũng liên tục gửi nhiều thư, điện động viên bộ đội.

Sự kính trọng của viên sĩ quan Pháp dành cho Bác Hồ

Khi chiến dịch kết thúc thắng lợi, Bác muốn đến trại tù binh nói chuyện với một số sĩ quan cao cấp của thực dân Pháp đang bị giam ở khu vực phụ cận với Thất Khê.

Bác đến gặp và nói chuyện với Sác tông (Tư lệnh đặc khu Cao Bằng) đã bị bắt cùng cơ quan tham mưu của y tại Bản Ca trong chiều ngày 7/10/1950.

Ông Giong cùng hai cán bộ địch vận của Bộ Chỉ huy chiến dịch đi theo Bác đến chỗ giam Sác tông. Đến nơi, Bác không cho ai đi theo vào phòng giam. Mọi người rất lo vì sợ không bảo đảm được an toàn cho Bác.

Ông Phan Phác (Tham mưu phó Chiến dịch Biên giới) khi đó đã trấn an ông Giong rằng: “Các đồng chí yên tâm, tôi đã bảo đảm tuyệt đối an toàn để Bác có thể thong thả nói chuyện với Sác tông”.

Bác ở trong khu giam giữ, nói chuyện với viên sĩ quan Pháp khoảng 30 phút rồi quay ra. Lúc ấy, Bác bảo: “Chú nào thạo tiếng Pháp cho vào nói chuyện với Sác tông”.


Đại tá Nguyễn Bội Giong.

Ông Giong và 2 cán bộ địch vận liền vào ngay. Thấy Sác tông đang ngồi, đầu hơi cúi xuống, thái độ rất buồn và có vẻ đang trầm tư suy nghĩ, ông Phan Phác chỉ Sác Tông và nói với ông Giong cùng 2 cán bộ:

“Từ lúc Bác nói chuyện xong, nó buồn lắm và ngồi im không nói gì”.

Khi Đại tá Giong nói với Sác tông bằng tiếng Pháp: “Anh yên tâm sẽ được hưởng độ lượng khoan hồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho về nước và được sống với gia đình anh”.

Viên sĩ quan ngồi im, đầu hơi cúi xuống, độ mươi phút, hắn chỉ nói một câu tiếp bằng tiếng Pháp: “Il se peut que nous serons battus dans cette guere!”  – “Có thể chúng tôi sẽ thất bại trong cuộc chiến tranh này!”

Nghe ông Phan Phác nói lại, khi Bác ra về, Sác tông đã nghiêm chào Bác theo lễ tiết của quân đội Pháp. Viên sĩ quan Pháp có hỏi ông Phan Phác:

“Ông già đó có phải là một lãnh đạo rất cao của Việt Minh không?”

Ông Phan Phác nói với viên sĩ quan:

“Tôi cũng không được rõ, chỉ biết ông là một lãnh đạo cao cấp địa phương này”.

Chia sẻ về ý nghĩa to lớn của chiến dịch Biên giới, Đại tá Nguyễn Bội Giong cho biết đây là lần đầu tiên ta mở một chiến dịch tiến công lớn thắng lợi đánh vào một tuyến phòng thủ mạnh của địch. Chiến dịch đã làm phá sản kế hoạch Rơ ve, khiến ý chí xâm lược của thực dân Pháp bị lung lay.

Đường giao thông quốc tế nối liền Việt Nam với các nước XHCN sau 5 năm bị đế quốc bao vây được nối lại. Căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, đường liên lạc giữa Việt Bắc với đồng bằng Bắc Bộ và Liên khu IV được thông suốt.

Sau khi Chiến dịch Biên giới kết thúc, Bác Hồ đã trực tiếp đi thăm chiến trường Đông Khê, Thất Khê. Người thăm hỏi và động viên các thương binh, các đơn vị tham gia chiến dịch, thăm dân công, gửi thư gửi thư cảm ơn và khen ngợi đồng bào Cao – Bắc – Lạng.

Theo Vietnamnet