“Sâu thẳm tình đầy” – Tọa đàm nhà thơ Lê Thị Kim

1011

Sáng ngày 19/10/2023, Hội Nhà văn TP. HCM đã tổ chức buổi tọa đàm với tên “Nhà thơ Lê Thị Kim – Sâu thẳm tình đầy”, tại Hội trường Tòa nhà Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. HCM, số 81 Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP. HCM.

Nhà thơ Lê Thị Kim là một trong các nhà thơ nữ có nhiều đóng góp cho thi ca nước nhà. Sự kiện này nhằm tôn vinh và tri ân một nhà thơ tài hoa, đã có nhiều đóng góp làm nên diện mạo văn đàn TP Hồ Chí Minh. Đây là một trong những hoạt động thiết thực và ý nghĩa của Ban Nhà văn nữ và Hội nhà văn TP. HCM, nhân dịp Kỷ niệm 93 năm, ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10.

Nhà văn Bích Ngân, Uỷ viên BTV Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM phát biểu tại mở màn tọa đàm

Đến dự buổi tọa đàm có Nhà văn Bích Ngân – Ủy viên Ban thường vụ Hội Nhà văn VN, Chủ tịch Hội Nhà văn TP. HCM; Nhà văn Bùi Anh Tấn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP. HCM, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Nghệ TP. HCM; Nhà thơ Lê Tú Lệ, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP. HCM; Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, Trưởng đại diện Hội Nhà văn Việt Nam khu vực TP. HCM; Nhà thơ Bùi Phan Thảo, Chi hội phó Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực TP. HCM; Nhà thơ Lương Minh Cừ, Hiệu trưởng Trường Đại học Vĩnh Long; Nhà thơ Nguyễn Duy và đông đảo các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ tại TP. HCM.

Ngoài ra buổi tọa đàm rất vui mừng chào đón sự có mặt tham dự của các nhà văn tỉnh bạn, gồm: Nhà thơ Trúc Linh Lan, nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Cần Thơ – Chi hội trưởng chi hội Nhà văn Việt Nam tại TP. Cần Thơ, cùng hai nhà văn Nguyễn Ngọc Tuyết và Vương Thị Nguyệt Quế; Nhà thơ Song Hảo, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn nghệ Vĩnh Long.

Về phía gia đình có anh Nguyễn Trọng Hiếu con trai, và chị Lê Thị Kim, em gái nhà thơ.

Nhà thơ Huệ Triệu, Trưởng Ban Nhà văn nữ cùng các thành viên tặng hoa chúc mừng nhà thơ Lê Thị Kim

Nhà thơ – họa sĩ Lê Thị Kim, tên thật là Lê Thị Ngà, sinh năm 1950 tại Thanh Hoá. Sinh ra trong một gia đình cha là một nghệ sĩ, vì thế chị chịu ảnh hưởng rất nhiều tố chất nghệ sĩ của cha, điều đó đã thể hiện trong những sáng tác thi ca và hội hoạ của chị.

Trong những năm 1979 đến 1982, Lê Thị Kim là nhà thơ nữ duy nhất, trong nhóm ca khúc của Hội Trí thức yêu nước TP. Hồ Chí Minh, đi lưu diễn ở nhiều nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Tây, với những sáng tác nổi bật, lưu diễn nhiều nơi, nên chị được nhiều người biết đến và mến mộ.

Quang cảnh buổi tọa đàm

Năm 1981 nhà thơ Lê Thị Kim là một trong những hội viên đầu tiên của Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh. Chị từng giữ nhiều cương vị ở Hội nhà văn TP. HCM như: Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP. HCM khóa IV và Khóa V (2001-2010); Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học, Phó Chủ tịch Hội đồng Thơ; Ủy viên Hội đồng Thơ khóa VI (2010-2015); Uỷ viên Ban Chấp hành – Trưởng ban Nhà văn nữ (2015-2019). Đồng thời, chị còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Họa sĩ nữ Ngân Hà, thuộc Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh nhiều năm liền.

Nhà thơ Lê Minh Cừ mua ủng hộ bức tranh 500USD

Trong quá trình sáng tác của mình, chị đã cho ra đời nhiều tác phẩm: Tập thơ “Thành phố tháng Tư”, (in chung với nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 1986; Tập thơ “Khi tình yêu đến”, NXB Văn nghệ ấn hành năm 1988; Tập thơ “Đóa quỳ hư ảo”, NXB Trẻ ấn hành năm 1991 (tái bản 2 lần); Tập thơ “Sương bụi tình yêu”, NXB Văn nghệ ấn hành năm 1997 (tái bản năm 2003 và 2005); “Em lạc đâu sao kim”, NXB ấn hành năm 2020. Các tác phẩm của chị được rất nhiều bạn đọc trong cả nước, nhất là học sinh, sinh viên đón nhận nồng nhiệt.

Nhà thơ Lê Thị Kim đến với thơ từ thời đầu là sinh viên Khoa Hóa (Trường Đại học Khoa học); Năm 1978, chị đã nhận được Giải A, thơ hay nhất báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), cho 3 bài thơ được giới sinh viên thời đó yêu thích: “Thu; Vòm me mùa hạ; Tôi và cỏ”. Chị đạt danh hiệu “Nhà thơ trẻ được yêu thích nhất” TP. Hồ Chí Minh năm 1990, do bạn đọc báo Tuổi trẻ bình chọn; Hai lần được biểu dương Văn học trẻ TP. HCM 20 năm và 30 năm, vào các đợt 1975 – 1995, 1975 – 2005; Chị còn được vào danh sách 13 phụ nữ tài năng của TP. Hồ Chí Minh.

Nhà văn Nguyễn Đông Thức nhận 20 triệu “Quỹ học bổng Mô tô” cho sinh viên nghèo do nhà thơ Lê Thị Kim tặng.

Điều làm cho nhiều người kinh ngạc, là chưa một lần ra Trường Sa, nhưng năm 1980, chị đã có bài thơ “Gần lắm Trường Sa”. Bài thơ được nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên phổ nhạc thành ca khúc cùng tên, gây được hiệu ứng tức thì trên khắp cả nước. Tác phẩm đã được nhận giải B của Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh năm 1980.

Bạn đọc biết đến Lê Thị Kim không chỉ là một nhà thơ nữ nổi tiếng, với những bài thơ dịu dàng, da diết, đằm thắm, làm say đắm bao thế hệ bạn đọc, mà chị còn là một họa sĩ tài hoa. Đến nay gia tài tranh của chị có trên dưới 500 bức, với nhiều chất liệu và thể loại. Chị đã hai lần được mời tham gia cuộc triển lãm tranh ở Mỹ. Tại Việt Nam chị đã tham gia nhiều cuộc triển lãm tranh, trong đó phải kể đến cuộc triển lãm tranh cùng với con trai Nguyễn Trọng Hiếu, với chủ đề “Âm thanh từ lồng ngực trái”. Trong cuộc triển lãm tranh đó, số tiền thu được từ bán tranh (khoảng 200 triệu), hai mẹ con chị đã dùng vào công việc từ thiện, như trao quỹ học bổng, giúp các bệnh nhân, các hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Nhà thơ Lê Thị Kim trao số tiền 10 triệu đồng ủng hộ Quỹ thăm hỏi của Hội

Với tấm lòng nhân hậu và trái tim tràn đầy tình yêu thương, chị luôn xúc cảm trước những mảnh đời bất hạnh, vì vậy trong nhiều năm qua, nhà thơ Lê Thị Kim đã đóng góp vào các quỹ từ thiện, nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn của đồng bào. Có thể từ chính cuộc đời và tác phẩm thi – họa của chị, nên Hội Nhà văn TP. HCM lấy tên buổi tọa đàm “Nhà thơ Lê Thị Kim – Sâu thẳm tình đầy”.

Tại buổi tọa đàm, có nhiều phát biểu chia sẻ sâu sắc của nhà thơ Nguyễn Duy; nhà văn Bùi Phan Thảo; nhà thơ Lương Minh Cừ; nhà thơ Tôn Nữ Thu Thủy; nhà văn Lại Văn Long, nhà văn Xuân Phượng, nhà văn Đặng Nguyệt Anh và nhà văn Phan Hoàng đối với chị.

Buổi tọa đàm còn có tiết mục diễn ngâm của NSƯT Hồng Vân.  Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai hát ca khúc “Đừng nhìn em như thế”, do chị phổ nhạc từ một bài thơ cùng tên. Ngoài ra nhà nhà thơ Trần Mai Hường, Vũ Hường đọc liên khúc một số bài thơ của nhà thơ Lê Thị Kim như “Khi tình yêu đến; Ai níu mùa xuân đấy; Viết cho chuồn chuồn Kim”.

Điều đặc biệt trong buổi tọa đàm hôm nay, có chương trình bán sách và tranh của nhà thơ Lê Thị Kim, đây là sự chung tay của mọi người tiếp thêm lửa với nhà thơ Lê Thị Kim trong các hoạt động từ thiện. Số tiền có được từ các tấm lòng của bạn bè văn chương mua tranh và sách, sẽ được trích tặng quỹ “Mô tô học bổng” mà nhiều năm nay chị đã đồng hành, nhằm giúp đỡ những sinh viên sinh nghèo. Ngoài ra sẽ trích ủng hộ quỹ thăm hỏi các nhà văn bị ốm đau bệnh tật, của Hội nhà văn TP. HCM.

Các nhà văn chụp ảnh lưu niệm với hai mẹ con nhà thơ Lê Thị Kim

Với sự yêu quý và mến mộ nhà thơ Lê Thị Kim, buổi tọa đàm “Nhà thơ Lê Thị Kim – Sâu thẳm tình đầy”, tuy diễn ra chỉ hơn hai tiếng đồng hồ, song rất nhiều ý nghĩa, qua đó thấy được tình cảm của các nhà văn, bạn bè và đọc giả đối với chị vô cùng ấm áp, đầy sâu nặng và chan chứa yêu thương./.

HCM, ngày 19/10/2023

ĐẬU THANH SƠN