Tan giấc mơ “hoa” – Tản văn của Nguyễn Thị Dạ Thảo

698

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi bẩm sinh yêu say đắm nghệ thuật văn chương từ thuở còn thơ ấu. Khi mới vào học sơ đẳng ở trường làng, khi về nhà, mỗi trưa rảnh rổi, tôi thường bắc chước các họa sĩ nổi tiếng, vẽ lại trên tờ giấy cũ các hình ảnh tôi tâm đắc trong sách Quốc văn giáo khoa thư bằng than củi lấy ra từ lò bếp nhà sau của chị tôi. Tôi dùng những hạt cơm nguội nhão trét lên giấy dán đầy vách nhà. Bên cạnh hình ảnh được nguệch ngoạc vẽ lại ấy, tôi lại chép bằng mực mồng tơi những câu ca dao ý nghĩa thâm thúy về tình yêu gia đình quê hương mà mẹ tôi truyền lại qua những buổi trưa hè yên ả khi người đưa võng khẽ hát ru ngủ cho các em tôi.

Đại học Văn Khoa

Lớn lên, khi vào trung và đại học, tôi theo ngành Văn chương. Ra đời, tôi gắn bó với nghề dạy học và dấn thân trên con đường văn nghệ thuật văn chương lắm khi không tránh khỏi truân chuyên hệ lụy.

Quả là đã có cơ duyên khiến tôi đến lân la đến với văn nghệ rồi kết duyên với nó như một định mệnh. Tôi yêu văn học là do bị hấp dẫn bởi tác phẩm của Tự lực Văn đoàn với phong cách hành văn giản dị trong sáng mà tài hoa sắc sảo cụ thể là trong phương pháp tả cảnh, tả tình hoặc tâm lý của các văn sĩ nổi tiếng thuộc dòng văn học lãng mạn. Nhiều đoạn văn tuyệt bút mẫu mực của Khái Hưng, Nhất Linh, Thạch Lam… trong Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Đôi bạn hay Gió đầu mùa… tôi vẫn còn thuộc làu cho đến hôm nay. Có lúc hồn cốt tôi cũng miên man đắm đuối vào thế giới thi ca là do tôi bị ảnh hưởng bởi dòng thơ mới Việt Nam mang ít nhiều dấu ấn của văn học Pháp và nền văn học Trung Quốc, nhất là Đường thi.

Biết rằng các triều đại phong kiến phương Bắc đã hơn nghìn năm xâm lược đất nước tôi, nhưng tôi vẫn rất yêu những tài hoa văn chương nghệ thuật Trung Hoa. Từ một Vương Duy đời Tống với nét chữ thư pháp tài hoa đẹp như rồng bay phượng múa trong thiếp Lan Đình đến một Vương An Thạch tướng công lịch lãm có tài văn học lưu danh hậu thế với hai câu thơ nổi tiếng Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngự hoa tâm (Chim minh nguyệt hót vang đầu núi/ Sâu khuyển hoàng ngự giữa lòng hoa).

Với thời đại hoàng kim của thi ca Trung Quốc là đời Đường, tôi vô cùng hâm mộ một Lý Bạch phong thái lãng mạn với thi tài lỗi lạc vẫy bút thành thơ bên cạnh nhà thơ hiện thực Đỗ Phủ với tám bài Thu hứng nổi tiếng, Bạch Cư Dị với Tỳ Bà hành mang bóng dáng ông quan đa tình Tư Mã Giang Châu… Rồi một thi tài sớm nổi tiếng Thôi Hiệu với Hoàng Hạc lâu (Lầu Hoàng Hạc), nhà thơ đa tình Thôi Hộ với Đề tích sở kiến xứ (Đề vào chỗ này năm trước), Lạc Tân Vương với Dịch thủy tống biệt với giọng thơ vô cùng khảng khái, Trương Kế với Phong Kiều dạ bạc (Đêm ghé bến Phong Kiều), Đỗ Mục với Bạc Tần Hoài (Đêm ghé bến Tần Hoài) rồi đến Kinh Thi, Kinh Thư… trong nền đại ngàn văn học phong phú của Trung Quốc. Rất nhiều từ ngữ, thi liệu, điển cố văn chương diễm lệ, sắc màu long lanh như những viên ngọc quý, mang dấu ấn Trung Quốc còn hiện diện trong văn học Việt Nam từ trước đến nay.

Với tấm lòng trân trọng và say mê cái không gian văn chương mênh mang lãng đãng sương khói Đường thi ấy, khi lên Đại học Văn khoa theo học chương trình Cử nhân Việt Hán ở Đại học Cần Thơ và Cao học Văn chương, tại Đại học Văn khoa Sài Gòn. Dù rằng học chương trình Việt Hán có phần vất vả, ra trường khó tìm việc làm hơn là tiếng Anh và tiếng Pháp. Vả lại, tôi còn nghĩ, lúc bấy giờ, tiếng Anh là ngôn ngữ của đế quốc đang tàn phá đất nước tôi trong khi Hán văn lại là tiếng nói của một dân tộc đồng chí láng giềng cùng chiến tuyến giúp ta trong cuộc đấu tranh chống Mỹ. Hình ảnh lẫm liệt, hào hùng của Chủ tịch Mao Trạch Đông trong cuộc vạn lý trường chinh cực kỳ gian truân để thống nhất đất nước Trung Quốc rộng lớn bao giờ tôi cũng tôn thờ như chân dung chói lọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Thế mà trong hơn năm thập niên qua, hậu duệ của những thần tượng văn hóa và chính trị phương Bắc mà tôi thực lòng ngưỡng mộ sùng bái bao lâu nay lại có những hành động hung hản như một thế lực bá quyền, quân phiệt xâm lấn quê hương biển đảo thuộc chủ quyền có từ lâu của đất nước chúng tôi. Bao nhiêu việc làm khó coi, phi pháp, phi nhân liên tiếp xảy ra từ năm 1974 ở đất Chùa Tháp có ảnh hưởng trầm trọng đến đất nước Việt Nam từ năm 1978, 1988, 2014… cho đến hôm nay (7/2020). Sự kiện coi biển đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Đá Chữ Thập… vốn thuộc chủ quyền của Việt Nam từ muôn xưa mà họ đã tự ý xem như ao nhà của mình đã khiến tôi ngạc nhiên ngoài sức tưởng tượng. Tôi thực sự hoàn toàn thất vọng về những ấn tượng văn hóa vô cùng cao đẹp từ bao lâu nay đã vỡ tan như một giấc mơ “Hoa”.

Than ôi! Ô hô! “Vọng mỹ nhân hề, thiên nhất phương” (Nhớ trượng phu, chỉ trời một phương)* – Tô Đông Pha.

                                N.T. D. T

(Liên hiệp VHNT TP. Cần Thơ)

Tiền Xích Bích phú  – Tô Đông Pha (1037-1101) một danh sĩ đời Tống, Trung Quốc)