(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ khi có cái sân tennis, xóm Nhà hát vui nhộn hẳn lên, các quan huyện, các quan tri phủ, cai tuần, cai tổng và bá hộ khu huyện chiều chiều nườm nượp giầy ta, giầy tây, đeo găng đi ủng, quấn khăn cổ tay… cắp nách cái túi đựng vợt lượn ra lượn vào như én.
Tác giả Trọng Bình
Xung quanh Cường là một đám đàn em lít nhít, thằng Út Dấm, Tuấn Gà, Lâm – Cà Tung, Tân bò tót… bọn trẻ bàn bàn tán vụ tướng thể thao của Chú A, nhìn giống vận động viên chuyên nghiệp như Chú B, Bác C có giày dép, vợt banh… hàng xịn. Nhưng quan trọng là chiếc xe Dream xịn, hiệu cá mập căng đét của Cha thằng Hậu Gà nòi mới là điều đáng nói.
Xóm này nằm trước cửa Nhà văn hóa to đùng của huyện, cho nên bọn trẻ cũng rất “văn hóa”, chúng thừa hưởng những giá trị “tinh hoa địa sáng” nơi đây nên văn hóa thể dục thể thao… cái gì cũng giỏi, có thể là hàng đầu và là thế hệ vàng những năm 90 của thế kỷ trước. Nói lái, nói lắp, đá bóng, cầu lông, bóng bàn… và đặc biệt là đánh lộn cũng siêu kinh điển.
Cường có nước da Châu phi, mái tóc xoăn không giống người Ý, đôi môi trề trắng bạch kiểu thổ dân Gana, hai hàm răng lang thang du mục tận sa mạc Sahara… nói chung chẳng giống ai. Chỉ được mỗi cái nét chạy đá bóng và ghi bàn kiểu như Pele… nói chuyện “Chim trời cá nước”, luyên thuyên từ Á, Phi sang Mỹ La Tinh… chính vì những quái dị đó mà “trò đời” gắn thêm cho hắn chữ Gấu phía sau tên Cường. Một kết cục hợp lý cho một dị nhân học đường.
Dưới bàn tay của Cường Gấu, Hậu Gà nòi thì một lực lượng U12 đến U17 khá hùng hậu, được trang bị gậy gộc, đố vuông… tụi nó ém xung quanh nhà văn hóa, lùm cây, bụi rậm… nói để tự vệ. Nhìn mặt và nghe cái tên của trẻ con xóm này thì bọn trẻ khu khác đã “són ra quần”, chứ còn nói gì đến trang bị “hung khí thô sơ”. Chính vì vậy mà chẳng làm gì được ai.
Má của Cường Gấu bán khoai và chuối nướng trước cổng Nhà hát, nó cũng “hổ mang chúa” khúc này nên má nó cũng rầu. Bà bận buôn bán, khách khứa tấp nập, chủ yếu là phụ nữ, con nít và học sinh vì con đường trước nhà là lối vào các trường học của thị trấn. Cha nó làm Trưởng phòng văn hóa huyện, vì vậy nên nó có biên độ dao dộng, rung lắc cũng “phi mã”, Nguyên móm em trai Cường Gấu chưa bằng một “mẩu bánh mì” của nó.
Đối diện cái lán của má Cường là nhà Hằng Mơ, em gái Hậu Gà nòi. Nàng Mơ cũng có một thùng mía lạnh đặt trước cổng nhà. Gần đó có cái trại mộc của nhà anh em Nhất Linh – Duy Linh, cha của Lý Tư cũng là thợ mộc nên tụi nhỏ trong xóm thoải mái lựa chọn trang bị vũ khí phòng thân bạo lực.
Niềm đam mê cháy bỏng của lũ trẻ trong cái sân Tennis vừa khánh thành kia không phải là những cây vợt, trái banh nỉ, trái cầu hay trái bóng chuyền… mà là trái banh da. Ngồi để bàn tán ngắm nghía chứ chúng đã có kế hoạch sau khi ánh đèn điện trong sân Tennis hạ xuống.
– Tư! Mày có nghiên cứu hết chưa? Cường Gấu hỏi.
– Rồi! Em giả bộ đi theo xem chú Thính, thấy ổng đóng mở cầu dao hổm rày. Thuộc hết rồi.
– OK! Chú mày ổn. Nhưng ổng khóa cửa sao dzô?
– Có cái khe, bữa hổm chú Khởi kêu em chui qua đó đi lụm banh cho lẹ.
– Ờ! Cũng được hen.
– Tụi mày về đi! Ăn cơm ít thôi ngheo, đừng thằng nào tắm… tám giờ họp tiếp, Thằng Út Dấm nhớ đem theo trái banh đó ngheo mày.
*
– Ăn mía lạnh không tụi mày? Cường Gấu lên tiếng
– Ăn chớ… bọn trẻ lao nhao.
– Nè! Lâm Cà Tung đi mua mày. Nói xong Cường Gấu xỉa tờ 500 đồng màu đỏ ra.
– Chế Mơ ơi… Bán mía… Bán mía chế Mơ ơi… Lâm Cà Tung la lớn.
– Thằng đó muốn bị khứa lão cho ăn chửi nè. Nãy tao thấy ổng vác cây vợt về rồi. Mặt hằm hằm chắc nóng vụ thằng Hậu Gà nòi chớ gì. Tân bò tót nói cười híp mí hai con mắt.
– Chờ chế… ra liền. Tiếng của Hằng Mơ từ trong nhà vọng ra.
– Cưng chờ lâu không? Tại nhà chế có khách nên chế không hay, chế cũng đang học bài nữa. Mơ hớt hải vừa thở vừa hỏi Lâm Cà Tung.
– Không… em mới kêu chút xíu à. Chế mang đôi dép xịn quá he? Lâm vừa nhìn vừa chỉ những bước chân cuối cùng trong đôi dép tổ ong bạc màu cũ kỹ
– Hihi, dép của cha chế á, cha vừa đi đánh banh về. Xóm mình vui quá hen! Tính đi chơi đâu mà tụ tập đông quá nè?
– Tính lên xem mấy chú goánh banh, chế đi không? Có chế Thúy và Diệu Hòa nữa kìa.
– Thôi chế phải học bài, đi trước đi. Học xong chế lên sau. Hông học cha chế la ạ.
– Thằng đó đem bọc mía riết về coi. Đứng đó ăn hết của người ta ạ. Út Dấm la lên.
– Cái thằng, nhiều chuyện thấy ớn! Vũ Lâm vừa nói vừa cười hề hề lộ hàm răng khểnh đen xì xì.
– Muốn ăn đập hả mày, kêu mày đi mua mía chứ kêu đi buôn chuyện mà ở hoài bển không chịu dzìa? Cường Gấu nói với vẻ mặt hằm hằm.
– Thì cũng hỏi thăm. Lâm Cà Tung cười cười.
– Dzô dzô đi, về hết rồi kìa. Đèn tắt rồi, lên tượng đài ngồi chớ chút xíu là vừa. Tư nhả xác mía rồi hối.
*
Thằng Tư đóng cái cầu dao, đèn sáng trắng sân tennis. Lũ trẻ ùa vào theo một cái khe nhỏ, Út Dấm và Lâm Cà Tung hai tay cầm hai cục gạch làm khung thành. Tất cả rất nhanh nhẹn, do Cường Gấu đã bàn tính kỹ lưỡng và chia bồ từ lúc ngồi trên tượng dài, mỗi bên 5 thằng, còn lại dự bị bên ngoài bắt đội ba đá thua ra.
Đó giờ đá sân ruộng, sân đất, giữ lắm là sân cát, giờ thấy cái sân tennis tráng xi măng, có đèn… thì như được thi đấu tại Nhà hát của những giấc mơ sang chảnh. Cũng nhờ cái sân này mà trình độ bóng đá của tụi nhỏ nâng lên rõ rệt, kỹ thuật vào bậc thượng thừa, điển hình là Tuấn Gà động tác rất nhuần nhuyễn, thuần thục. Vì vậy nên chúng chơi bóng một cách say mê, mồ hôi như tắm, không còn để ý những hiểm họa xung quanh từ chủ sân tenis.
*
– Trời ơi! Ai cho tụi mày vô đó đá banh? Tiếng quát lớn làm cả sân đứng im nhìn về phía cửa nhà hát.
Từ trong bóng tối một người đàn ông mập mập, mặt quần tà lỏn, cổ quấn cái khăn bà má, tay cầm cái cây miệng la lớn chạy về phía công sân.
– Chết tụi bay với tao. Ông ta vừa nói vừa quát lớn và lao về phía cửa sân.
– Chạy… chạy tụi mày ơi! Cường Gấu la oái oái rồi phóng về phía cái lỗ hồi nãy chui vô.
Cái lỗ nhỏ chỉ chui lọt một đứa, bây giờ hơn chục đứa xô đẩy nhau, dính chùm vào lưới rào B40. Đứa sau đẩy mông đứa trước, khiến cả lũ té nhào, đè nhau bầm dập mình mẩy.
– Trời ơi! Đứa nào khoét vái lỗ đó? Thằng Cường phải không? Người đàn ông hỏi to.
– Con hổng có! Thằng Tư nó chỉ vô đường đó. Cường trả lời.
– Đứa nào mở đèn?
– Nó luôn.
– Tụi mày hết biết luôn he? Cái sân oánh banh, mà tụi bay đá banh thì còn gì hả?
– Tại tụi con không biết goánh banh. Mê đá banh. Út Dấm cự lại.
– Hư! Cãi hả? Mở đèn, xé rào chui vô, đá kiểu đó mặt sân nào chịu nổi… tụi bay là đồ phá hoại. Thằng Cường nghe, mai tao mét anh Hai.
– Dzọt tụi mày ơi! Mai ổng méc cha tao. Chắc tụi mày yên với ổng ạ! Đứng từ xa Cường Gấu tập hợp đám nhỏ.
Cả đám trở lại tượng đài ngồi cho khô mồ hôi, chúng lo lắng chuyện ngày mai bị méc phụ huynh, nên bàn tính kế chạy tội. Mới đá được chút xíu, chưa thấm vào đâu nên còn thèm lắm.
– Đợi chút mình dzô đá tiếp, chút xíu ổng ngủ à! Út Dấm lên tiếng.
– Khỏi đi mày, ngày mai bầm nát đít. Vũ Lâm la lên.
– Ủa ai đang tới kìa. Hỏi xong Duy Gô chỉ vào trong chỗ tối.
– Chế Mơ chứ ai. Lâm Cà Tung trả lời.
– Sao ngồi đây rồi? Không đá banh nữa hả? Mơ hỏi chung chung.
– Đá có yên với ông Thính đâu. Tuấn Gà nòi trả lời ngay.
– Vậy thôi ăn mía đi. Nói xong Mơ đưa bọc mía lạnh ra cả đám ồ lên bốc nghiến ngấu giải phóng sự khô cháy trong cái cổ họng.
– Sao không để bán chế? Vũ Lâm hỏi.
– Giờ nay tối rồi, không ai mua nữa đâu. Mơ trả lời.
– Vậy ế chế mới cho tụi em ăn phải không? Lâm Cà Tung hỏi xong cười sặc sụa.
– Bậy nè cưng, biết mọi người khát nên chế đem lên nè – Mơ nói tình cảm.
– Có ăn đi truy cứu chi mày. Nhất Linh gằng giọng.
– Thôi dzìa ngủ tụi mày ơi.
Nói rồi Cường Gấu đứng lên ra về, hôm sau nghe Bác Hai nói nó bị sốt nghỉ học mấy ngày, không ra khỏi nhà cũng chẳng phụ giúp Bác Hai bán khoai chuối. Thật lạ, đó giờ nó tên là Gấu chứ bộ, đâu có bệnh hoạn một cách dễ dàng như vậy được? Không lẽ bị Bác Hai trai “lấy mật” nên nó mệt? Để hỏi chú Thính xem thế nào? Cổng nhà hát là của Cường Gấu mà ta!
T.B