Thắng trận – Truyện ngắn của nhà văn Armine Palavuni (Cộng hòa Armenia)

368

Đinh Thị Ngọc Hiếu dịch từ tiếng Nga

(Vanchuongphuongnam.vn) – Buổi tối, sau khi kết thức buổi dạy, tôi ra bến xe buýt. Mệt mỏi vì phải đợi lâu, tôi tìm taxi. Tôi mở cửa taxi và vào ghế sau. Tôi nói địa chỉ và ngồi xuống. Một vài phút trôi qua, nhưng người lái xe taxi không trả lời gì. Điều này làm tôi tức giận. Tôi nghiêng người về phía trước để xem tại sao chúng tôi không di chuyển và nhận thấy người lái xe đang gục đầu vào vô lăng.

– Anh ơi, có chuyện gì xảy ra vậy? Tôi hỏi có phần hoảng hốt.

Người lái xe, như đã định thần lại, bắt đầu nổ máy.

– Xin lỗi chị, tôi bận suy nghĩ linh tinh.

Cứ như vậy bắt đầu cuộc trò chuyện Armenia của chúng tôi dường như bất tận. Khi anh ấy nhìn lại, tôi không biết làm thế nào, tôi cảm thấy một giọng nói run rẩy và nhận ra đôi mắt màu xanh nước biển.

– Thưa chị, con trai tôi ở Artsakh. Chị có biết nó đã hạ gục bao nhiêu xe tăng địch rồi không?

Giọng nói của anh ấy thay đổi, và tôi cảm thấy một niềm tự hào không thể che giấu, che chở và vuốt ve tâm hồn trơ trọi của tôi.

– Con trai của anh thật giỏi, người anh của tôi! Cháu là một người Armenia đáng kính. Anh tuyệt lắm, đã nuôi dạy một cậu con trai như vậy.

Tôi vẫn chưa kịp dứt lời thì anh ấy đã ngắt lời tôi, anh ấy nói.

– Thôi chị, nuôi dạy gì đâu? Tôi không có thời gian? Tất cả là nhờ mẹ nó? Tôi biết ơn cô ấy. Trước sự sợ hãi của tôi, cô ấy đã nuôi dạy một cậu bé ngoan. Nhưng kẻ ngốc này đã bắt đầu hút thuốc ở trường. Nó giống chú của mình: vừa điên rồ vừa thiếu kiên nhẫn.

Tôi gần như không thể không cười. Đó là kiểu nói của người Armenia… Chà, không nghi ngờ gì rằng cậu bé là một anh hùng, không sợ hãi, trung thực, can đảm, một người yêu nước, tất nhiên, cậu thừa hưởng tất cả những điều này từ anh ấy. Về cơ bản, mọi điều tốt đẹp ở một chàng trai đều ảnh hưởng từ người bố, nhưng những việc như hút thuốc, điên cuồng, nóng tính, thiếu kiên nhẫn, tất cả những điều này lại được thừa hưởng từ mẹ, đặc biệt là từ người chú vô dụng đó, tất cả những tính xấu đều bắt nguồn từ họ.

Rồi anh vội vàng một tay tìm điếu thuốc, châm lửa rồi rùng mình nói tiếp. Sau đó, tôi muốn nói: “Chà, bạn đang hút cái gì vậy, nó là của ai vậy?” Tôi chưa kịp nói…

– Ôi chị ơi, tôi bị cấm hút thuốc, tên vô lại này – dã tâm của tôi, đã phản bội tôi rồi. Họ đã đặt stent vào tim cho tôi, nói rằng tôi tuyệt nhiên không nên hút thuốc. Tôi đến phòng quân vụ và xin xỏ nhập ngũ, van nài để được ra mặt trận, họ đều từ chối, và vì trái tim vô lại này mà tôi phải đi lái taxi.

Anh ta nói, và tôi nghĩ rằng chỉ có một người Armenia mới có thể lôi kéo những người quen, bạn bè, sử dụng mối quan hệ gia đình để đi ra chiến trường, bảo vệ đất nước của anh ta…

Sau đó bắt đầu một sự im lặng khó chịu, và trong bóng tối, tôi cảm thấy mình như một mớ bòng bong, một giọt nước mắt đông đặc trong cổ họng anh ấy, và làm thế nào một giọt nước mắt nóng bỏng của một người đàn ông chảy vào và ngự trong trái tim anh, như một hòn đá rỗ được bao phủ bởi một tấm lưới. Tôi không biết tại sao, nhưng giọt nước mắt cay đắng đó đã sưởi ấm tâm hồn trơ trọi của tôi…

– Đã hai ngày nay, không có tin tức gì của nó, tôi lo lắng, còn mẹ nó thì run lên, vừa về đến nhà, bà ấy lập tức giật bắn người: “Anh có biết thêm điều gì không?”

Không muốn tham gia vào những cuộc cãi vã vô bổ, được tạo ra bởi sự tuyệt vọng, tôi nói:

– Anh à, đừng suy nghĩ nữa, ngay bây giờ, khi anh về đến nhà, anh sẽ nghe thấy giọng nói của người anh hùng của mình, nó sẽ gọi thôi, mọi thứ đều ổn, tôi biết mà, họ nói không có kết nối liên lạc.
Và bản thân tôi, âm thầm, chiến đấu với chính mình trong tâm trí: “Mày là ai mà lại nói những điều như vậy? Làm thế nào có thể không có kết nối liên lạc? Mày là gì…? ” – nhưng tôi vẫn tiếp tục.

– Anh à, anh nhìn xem con trai anh sẽ làm cho anh hạnh phúc như thế nào: nó sẽ bình an trở về, tôi cảm thấy thế, tôi biết mà…

– Cảm ơn chị, cầu mong tất cả các con sẽ trở về, không ai rơi lệ và không bị kẹt trong niềm mong mỏi muôn đời về sự trở về của con mình. Chúa phù hộ, giúp đỡ con cái chúng ta…

– Amen, tôi xúc động nói.

– Và rồi chị ơi, người vợ tội nghiệp của tôi sẽ rất tiếc, tôi cũng không biết mình sẽ sống được bao lâu với trái tim này nữa? Không, con trai tôi phải trở về. Tôi đã hứa tặng một con cừu non: ngay khi nó trở về, tôi sẽ giết thịt. Tôi cũng sẽ mời chị. Nếu chị cho tôi số điện thoại, tôi sẽ gọi cho chị.

Kìm nén nước mắt, tôi nói: “Hãy để sự đóng góp của anh được chấp nhận trước Chúa, chúng ta sẽ cùng nhau ăn mừng sự trở lại của con trai anh, một người xứng đáng được gọi là anh hùng”.

Anh ta dập điếu thuốc, lẩm bẩm điều gì đó trong hơi thở, mở ngăn kéo xe, lấy ra một lọ nước hoa và vẩy lên người mình.

– Đây là nước hoa của con trai tôi, quà bạn gái yêu quý của nó tặng, tôi sẽ tự vẩy cho mình, nếu không cô ấy sẽ lại nói rằng tôi hút thuốc. Xác suất cao, “Cô ấy” ở đây là vợ của anh ấy. Khi thơm mùi nước hoa, anh quay lại hỏi tôi.

– Chị ơi, tôi phát điên lên, hút thuốc, rồi xịt nước hoa. Có một mùi cay nồng trong cabin, và tôi thậm chí không hỏi xem chị có bị ngột ngạt không?

Tôi cười và nói. “Không sao, mọi thứ đều ổn cả”, nhưng mọi thứ cứ lẫn lộn trong đầu tôi và một câu duy nhất liên tục vang lên: “Anh hùng ơi, bạn nhất định phải trở về, vì mẹ bạn đang đợi bạn, vì cha bạn đang đợi, bởi vì người yêu đang chờ đợi bạn, vì tôi đang chờ đợi, tổ quốc đang chờ đợi, đất nước của bạn đang chờ đợi”…

Người lái xe của tôi tiếp tục nói.

– Ôi, chị ơi, sẽ xảy ra vụ cãi cọ nữa. Nếu tôi bước vào nhà, thì chắc chắn người vợ sẽ cảm nhận rằng tôi đã hút thuốc và xịt nước hoa, và bắt đầu…

Tôi sẽ nói với chị thêm một điều này nữa: cô ấy chì chiết tôi mọi lúc, nói: “Anh không xấu hổ khi sử dụng nước hoa của con trai mình à? Đây là món quà bạn gái của nó tặng. Là một người lớn rồi, anh không hiểu rằng đây không phải là của anh chứ?” Không có ai để hỏi cô ấy: “Của anh ở đâu? Em đã bao giờ mua cho anh nước hoa làm anh hạnh phúc chưa? Chỉ có một niềm an ủi, một niềm vui duy nhất, em lại dành cho đứa con trai duy nhất của mình.”

Sau đó, anh ấy im lặng và mặt tối sầm, giọng anh ấy vỡ ra, nhưng nhận ra rằng thời điểm này đang trở nên nặng nề, anh ấy đổi chủ đề và nói:

– Tôi cũng cảm thấy tiếc cho đứa trẻ này. Cô ấy là một cô gái tốt, ngoan, khiêm tốn, tận tụy, có năng khiếu, xuất thân từ một gia đình nề nếp. Khi con trai về, chúng sẽ lập tức cưới nhau, những đứa cháu nội sẽ chào đời, vợ chồng tôi sẽ cùng chăm sóc chúng. Tôi nói với con trai tôi rằng chúng nên có càng nhiều con càng tốt. Vâng, thưa chị, tôi thậm chí đã nói chuyện này với người yêu của con trai tôi. Phải sinh con… Tôi phải ngồi cùng với bảy cháu và bảy chắt…

Chúng tôi đã đến nơi và, nếu không phải vì cảm giác xấu hổ, tôi muốn tiếp tục cuộc trò chuyện mới mẻ, ấm áp, giống như bánh mì lavash của người Armenia, nhưng, sau khi trấn tĩnh lại, tôi nói:

– Cảm ơn anh, của tôi hết bao nhiêu vậy?

Và anh ấy nói: “Chị à, chị đã trả tiền, tôi đã nói nhiều đến nỗi đầu chị như trượt đi. Hãy coi đây là cử chỉ tử tế của tôi đối với những bà mẹ Armenia”. Anh ấy nói điều đó mà tôi không thể từ chối anh ấy và sau khi cảm ơn anh ấy, tôi đóng cửa và từ từ tiến đến tòa nhà của chúng tôi.

Chiếc xe phóng đi, tôi lén lút chạy theo nó, ánh đèn pha một mắt của nó le lói ở phía xa như một ngọn nến, như một tia sáng hy vọng.

Và sau bao nhiêu lâu, tôi đã về nhà, tôi không thể nào trấn tĩnh và cầu xin Chúa thực hiện ước mơ của người anh hùng của tôi hôm nay để anh ấy được ngồi vào bàn với bảy cháu, bảy chắt, để ánh sáng của lò sưởi sẽ vẫn sáng, để khói từ lò sưởi sẽ bay lên vòm trời.

Và, một nắm đấm dũng mãnh đã xuất hiện, thay mặt cho tất cả những người được phong thánh và trở thành anh hùng, người sẽ không còn ôm người mẹ tóc bạc trong chiếc áo choàng đen và lau nước mắt, nói “MẸ, yêu dấu ơi”, người đã DÂNG HIẾN ĐIỀU QUÝ GIÁ NHẤT – cuộc đời của họ, ĐẾN NƠI THƯƠNG HẠI NHẤT – đối với Tổ quốc, thay mặt cho những người có tình yêu và ước mơ còn dang dở, và từ linh hồn của tất cả những người gieo và người cày không trở về sau chiến tranh, sẽ viết trên chân trời của thế giới: “THẮNG TRẬN”

Ngày 10/10/2020

* * *

Tiểu sử nhà văn, dịch giả Armine Palavuni


Nhà văn, dịch giả Armine Palavuni.

Vagramyan Armine Martynovna sinh ngày 26/04/1966, tại Yerevan, Cộng hòa Armenia. Chị là nhà thơ, nhà văn, dịch giả. Bút danh văn học: Armine Palavuni. Từ 1973-1983 chị học tại trường trung học phổ thông Noyemberyan N2. Từ 1983 – 1988 học tại Học viện Ngoại ngữ Yerevan. V.Ya. Bryusova. Tại đây chị viết văn, là giáo viên dạy tiếng Nga và văn học. Từ năm 1996 – 1999 chị học tại Đại học Khoa học Nhân văn Quốc gia Matxcova. Luật sư – Cử nhân Luật Quốc tế. Năm 1987-2020 chị làm việc tại trường với tư cách phó giám đốc phụ trách bộ phận giáo dục, sau đó phụ trách bộ phận giáo dục. Chị dạy tiếng Nga và văn học, luật dân sự, nhà nước và pháp luật. Năm 2016 chị nhận danh hiệu Giáo viên dạy tiếng Nga xuất sắc nhất năm 2016 từ Đại sứ quán Liên bang Nga tại Armenia. Năm 2013 chị nhận Thư cảm ơn của Tổng thống Cộng hòa Armenia về những thành tích trong lĩnh vực sư phạm. Năm 2013, 2021 nhận Chứng chỉ Hiệu trưởng nhà trường của Bộ Giáo dục và Khoa học Cộng hòa Armenia. Từ năm 1988 đến nay, chị tham gia vào công việc dịch thuật và sáng tạo. Armine là thông dịch viên trong bộ máy hành chính của Cộng hòa Armenia.

Đ.T.N.H