Thơ có màu gì?

760

Bình Địa Mộc

(Vanchuongphuongnam.vn) – Thơ có màu gì? Một câu hỏi thú vị. Bởi, không biết tự bao giờ, Thơ như chiếc áo mùa Xuân rực rỡ khoác vào người những cô gái mười tám, đôi mươi. Đính lên đấy những hồng, những xanh, những vàng cam chín mọng.

Tranh minh họa – Họa sĩ Phạm An Hải

Bởi, từng thướt tha dịu dàng vốn dĩ của họ, bởi từng bước chầm chậm, từng môi chúm chím biểu hiện tính cách nết na, thùy mị phái yếu. Ở đó, hạnh phúc chìm lặng sau gam màu pha trộn, hòa quyện, tưới tắm lên Thơ bằng “chiếc áo ấy”. Từ ngỡ ngàng này đến ngạc nhiên khác, rồi hồn nhiên lặn vào cuộc sống như thỏi đá tan trong cốc nước chanh giữa ngày hè oi ả.

Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
Tôi thay mực cho vừa màu áo tím
(Trích bài Tuổi Mười Ba của Nguyên Sa)

 Ngoài các màu xanh, vàng, tím, đỏ mạnh mẽ ra, ta còn bắt gặp một màu trắng trinh nguyên thánh thiện.

Áo em trắng quá nhìn không ra.
(Trích bài Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử).

Một hoàn cảnh khác, màu trắng đó được nhà thơ Ngô Văn Phú khắc họa như một bức tranh thêu lùa thùa, dang dở trên cánh đồng xanh mướt thi ca.

Trên trời mây trắng như bông
Ở dưới cánh đồng bông trắng như
Mấy cô má đỏ hây hây
Đội bông như thể đội mây về làng

Tuy nhiên, có một loại màu chưa xác định được là màu gì? Bởi, nó thông qua một loại “lông” đến hy hửu mà chỉ có Thơ mới nói, mới thể hiện được điều đó.

Tôi hỏi một không tám không
Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
(Trích trong bài Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông của Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Mà tôi vừa tình cờ đọc được trên mạng.

Văn học nghệ thuật nói chung, Thơ nói riêng những từ ngữ nhạy cảm, dung tục dễ gây hiểu lầm cho người đọc như quần, lông, bướm, chim… Rất hạn chế sử dụng, thường được các tác giả né tránh, nhất là các tác phẩm ấy lại nói về mẹ, về chị, về em. Tuy nhiên bài thơ đã được tác giả tự nhiên, như nhiên sử dụng từ “lông” một cách khá táo bạo, duyên dáng, nhuần nhuyễn như một tất yếu khách quan tồn tại trong đời sống tinh thần lẫn vật chất xã hội. Nó lung linh như bài đồng dao lưu truyền qua bao đời nay.

Con mèo con chó có lông
Bụi tre có mắt nồi đồng có quai!
(Đồng dao)

Đằng sau tiếng tù và gọi nhau vào mùa, lên nương làm rẫy của dân tộc ta thủa hồng hoang. Thì chữ viết, thư tín lần lượt ra đời tiếp sức cho truyền thông, đến khi thông tin bùng nổ thì điện thoại, truyền hình, internet nói chung, mạng xã hội nói riêng như blog, web, facebook hiện nay tiếp tục làm nốt nhiệm vụ lịch sử của nhân loại giao phó. Đó là truyền tải tín hiệu từ “trái tim đến trái tim”; “từ yêu thương đến yêu thương”. Trong đó dịch vụ 1080 chuyên giải đáp thắc mắc và gở rối tơ lòng cho mọi người trở thành người bạn đường thân thiết.

Thử hình dung một ngày nhà thơ bỗng nhớ người yêu mình đến tha thiết cõi lòng, quay quắt tâm cang, anh bèn gọi đến tổng đài.

Tôi hỏi một không tám không
Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
Chị tổng đài giọng nhu mì
A, nhiều màu lắm, vặt đi, vẫn nhiều.
(Trích trong bài Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông của Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Thì ra, cả người hỏi lẫn người trả lời đều rất vô tư thoại về “lông” một cách hết sức hồn nhiên. Hồn nhiên đến kinh ngạc “a, nhiều màu lắm, vặt đi, vẫn nhiều”. Họ khẳng định “lông” rất nhiều, nhiều đến nỗi “vặt đi, vẫn nhiều”. Cũng đồng nghĩa với nỗi nhớ khôn nguôi, nỗi nhớ thênh thê, không có màu sắc nào phản ảnh hết, không có ngôn từ nào diễn tả được. Cụ thể nổi nhớ nhiều như lông thú, lớp này qua lớp khác, mọc từ chỗ này sang chỗ khác không tài nào đếm được!

Trở lại chủ đề màu, còn nhớ nhạc sĩ Trần Tiến với nhạc phẩm Sắc màu, ông viết:

Một đêm nhớ nhớ nhớ ra mình một mình
Một đêm nhớ nhớ nhớ ra mình ở đâu đây
Một đêm trong đêm thâu một vầng sáng chói lóa
Một đêm nhớ nhớ nhớ ra ta vô hình
Một màu xanh xanh xanh chấm thêm vàng vàng vàng.
(Trích bài Sắc màu nhạc Trần Tiến)

Trong ngữ cảnh khác, nỗi nhớ cũng được thi nhân so sánh với con mèo, con chó.

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh.
(Trích bài Nga của Nguyên Sa)

Thật vậy, chỉ có những người được yêu, đang yêu mới tinh tế ví von tình cảm của người vào loài động vật dễ thương như chó, như mèo! Dẫu biết đời thường nếu ai đó lỡ lời mắng “mày giốngnhư đười ươi”, thì lập tức nổi nóng và phản ứng gắt gao, cho nên việc tác giả đã biến người tỉnh táo “tôi hỏi một không tám không” thành người “điên” chỉ trong khoảnh khắc là có thể.

Hình như là bạn đang điên?
Vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han.
(Trích trong bài Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông của Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Ai cũng biết 1080 là dịch vụ giải đáp thắc mắc có thu phí, nhưng không phải tất cả đều quy ra tiền, tất cả đều phải sòng phẳng như “trái bí trao qua, trái cà trao lại”, mà trước khi sự sòng phẳng ấy được “trao” thì chị “tổng đài giọng nhu mì” đã chân tình chia sẻ với tác giả rằng:

Hình như là bạn đang yêu?
Không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên
(Trích trong bài Lặng im thì cũng vừa tàn mùa đông của Nguyễn Thế Hoàng Linh)

Thế đó, hồn nhiên đến nao lòng, hồn nhiên để sau đó anh phải “điên” lên vì nỗi nhớ dày vò, quay quắt “Vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han”.

Đến đây thì dịch vụ hỏi đáp 1080 kết thúc. Cứ tưởng “người điên không biết buồn, người say không biết nhớ”. Nhưng ai ngờ anh đã tĩnh lại sau khi thanh toán “phí điên” của mình “xong xuôi, hết bốn chín ngàn”. Lại một thú vị nữa, một thú vị mang tính thời đại mà một lần nữa tôi nói chỉ có Thơ mới nói được. Bởi, “bốn chín” là con số mặc định trong nền kinh tế thị trường mà trước đó nhà thơ đã điểm qua “phí hỏi han” như tỷ lệ vốn góp trong các công ty TNHH, cổ phần đối với người có ưu thế hơn sẽ chiếm giữ 51% còn lại 49% là các thành viên khác. Có nghĩa ai nắm tỷ lệ cao hơn 2% thì giữ quyền quyết định mọi hoạt động có tính sống còn của công ty đó. Hay trong các hợp đồng thuê đất, thuê nhà, thuê cơ sở vật chất kỹ thuật nói chung cũng có thời hạn 51 năm thay vì 49 năm để người thuê yên tâm làm ăn lâu dài. Nhà thơ thời đại @ luôn luôn nắm vững qui luật kinh tế, cài đặt trong “nỗi nhớ” của mình con số 49 mà không phải là số khác như “xong xuôi, hết ba chín ngàn” chẳng hạn.

Một bài thơ lục bát kể cả tựa đề vỏn vẹn chỉ có 10 câu, nhưng tác giả đã đề cập đến vấn đề xã hội mang tính thời sự, về sắc màu trong tình yêu, về nỗi nhớ khi xa cách xoay quanh dịch vụ 1080 với cách sắp đặt ngôn ngữ độc đáo, không né tránh và lại gần gũi, thân thương đến lạ lùng “chị tổng đài giọng nhu mì”, nửa hư nửa thực, lời thơ lúng liếng tan man vào cõi thinh lặng, lắng chìm trong biển tình ắp tràn thi vị của thơ. Theo đó, trong bài thơ độc đáo này, tác giả cũng đã lấy câu bát cuối cùng Lặng im thì cũng vừa tàn mùa Đông để đặt tựa đề bài thơ, khép chặt vòng đời của thi phẩm với sự “im lặng” sôi động như định nghĩa im lặng là đỉnh cao của mọi thứ âm thanh.

Một lần nữa cảm ơn tác giả trẻ Nguyễn Thế Hoàng Linh đã đặt vào lòng tay người yêu thơ một “nỗi nhớ” mà mãi đến khi khép lại bài bình này tôi vẫn không biết “chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?” các bạn ạ!

Sau đây là nguyên văn bài thơ mời bác bạn đọc.

Lặng im thì cũng vừa tàn mùa Đông
Tác giả: Nguyễn Thế Hoàng Linh

Tôi hỏi một không tám không
Chị ơi nỗi nhớ thì lông màu gì?
Chị tổng đài giọng nhu mì
A, nhiều màu lắm, vặt đi vẫn nhiều
Hình như là bạn đang yêu?
Không, em chỉ hỏi những điều hồn nhiên
Hình như là bạn đang điên?
Vâng, điên thì mới phí tiền hỏi han
Xong xuôi, hết bốn chín ngàn

Sài Gòn, 10.2019