Thơ qua vòng sơ tuyển: Chùm thơ dự thi cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” (đợt 3)

1113

Tranh minh họa – Tác giả: Họa sĩ Lê Sa Long

 

TRẦN VĂN CƯỜNG

Tự vấn mùa đại dịch

Tám mươi ngày ở yên trong nhà,

Cây cỏ trong vườn dường như tươi hơn.

Hoa nở nhiều hơn màu sắc thắm đậm,

Cá bơi trong bể bộ vây dài thêm.

 

Hay là trước đây tôi không thấy,

Hoa nở không nhìn cá bơi không biết.

Dù vẫn tưới đều thường cho cá ăn,

Tôi có nhìn chắc gì tôi đã thấy.

 

Đôi khi dốc nắm hạt khô trong hũ,

Tôi sực nhớ đã quá hạn ngân hàng.

Đôi khi đang tưới cây tôi nhớ,

Vật liệu tuần này và lương công nhân!

 

Tôi thấy tôi không, tôi ở đâu?

Tôi ngồi tôi đứng, tôi đi mau?

Hay là tôi đã tôi quá khứ?

Mây bây giờ hay mây ngàn năm sau?

 

Tôi tự vấn tôi trong mùa dịch,

Ngồi yên mà thấy mọi khổ đau?

Mà nhận ra mình đang còn sống,

Cùng với muôn người thương quý nhau!

 

Chung vai thành phố của tôi
 

Qua một thời tuổi xuân trận mạc,

gian khổ kề bên nguy hiểm kề bên.

Đơn vị tôi cũng từng chống dịch(*) 

canh thù ngoài, lo vết thương trong.

 

Có đồng đội ngã xuống vì bom đạn,

trong hầm tôi bạn sốt nói mê man.

Cháo chưa chín bạn đà nhắm mắt,

trên tay tôi run rẩy tấm khăn…

 

Ngày giặc tan, cha già mẹ yếu,

bao năm Người mở cửa chờ con.

Chưa hết tuần trà con báo hiếu

đã vội vàng quay lại phương Nam.

 

Tóc hoa râm chưa chùng tay nghỉ,

lo cháu con xứng nghĩa hòa bình.

Đất phương Nam cho tôi thỏa ước,

thiếu thốn tuổi thơ bù đắp chân tình.

 

Tôi đã sống hai phần đời nắng ấm,

đã làm gì cho thành phố đẹp xinh?

Tôi xin chọn nhỏ nhoi ngọn lá,

thức cùng em mong đại dịch qua nhanh!

 

Góp cân gạo ân tình qua cay đắng,

ngọn rau lành bọc phía ngọn rau đau.

Trận mạc nào cũng rơi nước mắt,

nước mắt mình hòa lệ năm châu!

 

Các con ơi, tuổi xuân là vốn quý,

nghĩa tình nào bằng tình nghĩa hôm nay.

Cùng cả nước cùng phương Nam dốc sức,

sẽ chữa lành bằng nghị lực, chung vai!
 —

(*) Chú thích: Đơn vị tôi một lần bị dịch sốt xuất huyết lây lan nhiều, tổn thất lớn và nhiều lần bị dịch tả, kiết lị, sốt rét.
T.V.C 

 

 

NGUYỄN THỊ MINH HỒNG

Trong giấc mơ tôi, một Sài Gòn thật khác

Tôi dán mắt vào chiếc tivi nơi góc tủ,

Đang chiếu thông tin nóng hổi về Sài Gòn

Những con số F0 nhảy nhót

Cứa mãi vào tim tôi.

 

Chập chờn trong giấc ngủ không tròn

Tôi thấy,

Một Sài Gòn vắng ngắt

Có cả nụ cười và nước mắt

Nhưng không hề cô đơn.

 

Tôi thấy,

Có người mẹ trẻ vội vã từ biệt con thơ

Khi giọt sữa chưa kịp khô trên ngực

Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng

Kịp về nơi tuyến đầu.

 

Trong giấc mơ tôi,

một Sài Gòn hiện lên thật khác

ATM không chỉ ra tiền

Mà chảy những hạt ngọc

Ấm lại bữa cơm chiều.

 

Tôi lại thấy,

Anh thanh niên xăm trổ đầy mình

Bán sạp rau với giá 0 đồng

Khuyến mại thêm nụ cười ấm áp

Dành cho những “người dưng”.

 

Trong giấc mơ chập chờn,

Tôi bỗng thấy Sài Gòn hiện lên thật rõ

Có bóng dáng chị tôi, em tôi cười rạng rỡ

Giữa dòng người tấp nập

Của một ngày mai ngây ngất nắng tràn,

Xanh trong!

N.T.M.H

 

 

NGUYỄN THANH HẢI

Chẳng bao giờ lấy tiền bạc với quê hương

Phương Nam rộng lòng nắng gió

đầy như giọt sương tinh khôi buổi tiễn ta đi, đậm như ngọn gió mùa thu hôm đón ta về

nếu ai đó bảo rời bỏ phương Nam, ta thật tình không thể

khi lòng ta nơi ấy – nẻo về

 

mênh mông lắm những dòng sông nhân nghĩa

đong đếm làm sao những chuyến lòng

có những con sóng chở chòng chành bao buổi

chẳng bao giờ lấy tiền bạc với quê hương

 

không kể bất cứ nơi đâu lỡ bùng lên loạn lạc

là trút hết tấm chân tình hạt lúa củ khoai

nghĩa cử đẹp phơi bày ra như nắng

cỏ cây thiếu thì lấy dùng, hoa trái dư thừa thì để chim chóc mang đi

 

vậy đó, phương Nam cứ thế mà nắng gió

lòng như giọt sương tinh khôi buổi tiễn ta đi, dạ như ngọn gió mùa thu hôm đón ta về

ơi phương Nam những dòng sông nhân nghĩa

đâu đó trên những chiếc ao đời ta lại bắt gặp ân tình của những bóng sen quê

 

nếu bây giờ làm một cuộc trở về

thì tàu chuối tàu dừa tàu cau, những tàu lá quê… nào khác gì những chuyến tàu đón tình người xa xứ

nếu được làm chiếc lá rơi xuống mùa bỏ phiếu

ta chẳng thể nói lời từ chối với phương Nam.

 

Đau mấy chỗ rách mái nhà

Mai em cho gà ăn nhớ coi chừng chúng mổ nhầm chiếc bóng

mưa nắng chắc đau lắm những chỗ rách mái nhà

mây trói ánh mắt em vào xa vắng

anh và những con đường khuất trong tiếng còi xe

 

Ở đây không có phím đàn nào ngân lên âm tính

anh chỉ còn nghe những con số lây tràn loa phóng thanh

song chắn rào giăng ngăn những bàn tay chực khóc

không dè day dứt nhiễm vào anh. Khoảng cách em ơi, nào sát khuẩn được lòng

 

Mai em có ra vườn chăm mấy đợt cà nhớ coi chừng nước tràn bờ nỗi nhớ

đêm tối tiếng chó sửa đom đóm sau hè chắc cũng giật mình chỗ phên vắng gió lùa

bâng quơ anh có nào ngủ được

lòng nằm nghe rõ giọt sương khua

 

Sau những xơ xác rạ rơm là lúa

sau những đầm đìa xuôi ngược là sông

giờ chỉ sớm mong sau cơn mưa long lanh bầu trời gỡ bỏ mây phong tỏa

không còn đau mấy chỗ rách mái nhà.

 

Tìm gì trên mấy nhánh chà khô(*)

Tôi, con chim chài chài về bên Đồng bằng cạn

tìm lại gì trên những nhánh chà khô

những giấc mơ vẫn còn vẹn nguyên trong rá rổ

vẹn nguyên như màu muống hoa buồn

 

Gặp lại Đồng bằng đâu chỉ là con sông, đồng ruộng

có cả hồn tôi, góc chợ, cuối làng

cho tôi hai tiếng yêu thương từ những năm lên sáu

biết cảm tạ đâu đó trên cánh tay đồng bằng này còn dính giọt máu ru hời khi chôn cất giùm tôi cuống nhau

 

Đồng bằng dẫu nắng hạn, khô nghèo

vẫn ôm lấy xóm làng, vẫn dang vòng tay rộng

mênh mông như lòng người hào phóng

một chút gì ngon thôi là thành một gói cả làng

 

Tôi ly cách phù sa khi những dòng sông vẫn chảy qua ngày tháng

nước phố chà sạch bàn chân nhưng hồn không rửa được phèn

đêm thổn thức chín đồng sông hò hẹn

thấy giận mình, giọt nước mắt quê thương…

 

Không thể quên những buổi trưa gói hồn quê lá cách

thương cây vẹt nơm rễ cắm sâu xóm làng giờ chỉ còn lại mơ hồ

tôi như con chim chài trở về bên lòng sông cạn

tìm lại gì trên mấy nhánh chà khô.

(*) Chà là nhiều nhành cây khô chất thành từng đống dưới sông, rạch để dụ cá, tôm… vào trú ẩn.

N.T.H

Chùm thơ dự thi cuộc thi “Nhân nghĩa đất phương Nam” (đợt 2)

Tác phẩm dự thi gởi về địa chỉ email: hoinhavan2021@gmail.com