Tình rừng – Truyện ký của Trần Ngọc Phượng

481

 

Rừng ơi! Nhớ lắm rừng ơi!

Mười năm nuốt trọn một thời tuổi xuân

Nhà văn Trần Ngọc Phượng

..   Ở rừng thích nhất những đêm trăng.Sau một ngày nóng bỏng còn gì hạnh phúc bằng nằm đu đưa trên võng ngắm vầng trăng chao đi chao lại trên các vòm lá. Trời trong và cao.Gió mát lạnh từ các trảng thổi vào.  Ánh trăng nhảy nhót đùa giỡn trên mái tăng, trên các con đường mòn, trên rừng cây đọng ướt sương đêm. Ánh trăng như giọt nước trong lành thấm dần vào từng cơ thể. Mình gặp ánh trăng trong đêm hành quân, giữa những phút giải lao: “Ngả lưng trên thảm cỏ mềm ? Chia nhau chút ánh lưỡi liềm trăng non”  hay những đêm đột ấp nhổ sắn trong tiếng chó sủa râm ran ,tiếng súng cầm canh vu vơ của địch ” Vôi vàng bẻ từng gốc sắn/Âm thầm dưới anh trăng soi ”  cả những đêm nằm bên nhau tâm sự “Bên miệng hầm, võng mắc chung một cọc/ Điếu thuốc rê chia nhau hút xoay vòng”)  và những đêm tắm trăng, gửi  nỗi nhớ thương về nơi xa lắm “Ôi vầng trăng ngàn năm còn đó/ Vẫn bát ngát trời trong và cao/ Vẫn khóm tre soi bóng chiến hào/Anh đứng lặng im nghe tim mình đập vội/ Ở đâu cũng một vầng trăng rọi /Mà sao xa cách quá em ơi”

Đoàn hậu  càn mình có nhiều lính  gái ở quân y, dược, quân trang, coi kho. Các cô còn rất trẻ, hầu hết gái nông thôn quê ở miền tây và các tỉnh  Long–Bà-Biên*. Cũng có một số là học sinh, sinh viên Sài gòn, có trình độ văn hóa biết tiếng Anh nên được bố trí ở các đơn vị dược hoặc thu mua thuốc tây. Có lúc đài mình đóng gần xưởng may quân trang Các cô  không những phải chịu mọi bom đạn ác liệt, thiếu thôn khổ cực như cánh đàn ông mà còn chịu nhiều phiền toái, vất vả  riêng của phái nữ. Một hôm các cô kéo lên gặp anh Năm Kim Sơn, phó Đoàn năn nỉ :

-Chú Năm ơi! Chú mua cho chúng cháu xà bông đi

Anh Năm  là cán bô tiền khởi nghĩa từ thời du kích Ba Tơ, rất nghiêm khắc xua tay gạt phắt:

-Thiếu gạo mới chết, Các cô có thấy ai thiếu xà bông mà chết bao giờ chưa?

-Nhưng chúng cháu là con gái mà chú Các cô lại tiếp tục kèo nèo

Anh Năm quay lại nhìn các cô rơm rớm nước mắt, bỗng dịu giọng:

-Thôi được rồi về đi Chú sẽ nói anh em cửa khẩu mùa xà bông cho

Thực ra chẳng tiếc gì các cô, nhưng những lúc giặc o ép để có ký gạo, cục xà bông phải đột ấp để mua và có khi phải đổi bằng xương máu. Có lúc chạy càn các cô mất hết  đồ đạc, chỉ còn bộ quần áo  trên mình, chay sang đài mình lánh nạn. Anh em mình nhường cơm xẻ áo theo đúng nghĩa đen và nghĩa bóng, che chở các cô hàng tháng trời. Giúp đỡ nhau rât vô tư và trong sáng Khi chay càn lên Núi Ông, Tánh Linh  Bình Thuận, vùng đất khô cằn nghèo nàn, mình gặp các cô gái giao liên đã 6 tháng trời ăn sắn thay cơm Người em nào cũng gầy gò, xanh lét, tóc rụng gần hết, nhìn các em mà đau lòng:

“Đất cằn còn khó mọc cây

Tóc em rơi rụng biết ngày nào xanh/

Chiến tranh rồi có qua nhanh

 Để em đẹp lại tuổi xuân của mình

Em cười má lúm đồng tiền

Tan đi cái nóng của miền cỏ khô”

Trong chiến đấu công tác, các cô trong Đoàn mình rât kiên cường dũng cảm, nhưng trong cuộc sống thì cũng rất hồn nhiên tinh nghịch. Một buổi trưa các cô đang ngâm mình tắm suối thì có tiểu đội bộ đội tải gạo đi qua. Nhìn những khuôn mặt  trẻ măng, quần áo còn mới toanh biết ngay là tân binh miền bắc mới vào. Lính ta đang dò dẫm bước qua cây cầu độc mộc bắc qua suối, thì hớp hồn ngỡ ngàng nhìn các em đang tắm, tưởng như các “nàng tiên”  giáng trần. Bỗng nhiên Hai Tâm, cô bé nghịch ngợm nhất trong nhóm la lên:

” Các anh bộ đội ơi!  Đừng nhìn tụi em! Cẩn thận không bị té vỡ lựu đạn đấy!.

Cậu lính trẻ giật mình lúng túng, trượt chân té xầm một cái. May mà cậu ta kịp giang 2 chân  ôm lấy cây cầu, nên không bị rơi xuống nước. Đã thế các cô vẫn còn chưa buông tha :

–  Thôi chết em rồi. Có bị vỡ lưu đạn không anh?

Các cô đấm lưng nhau cười như nắc nẻ. Còn mấy anh lính cũng được trận cười vỡ bụng

Anh em thường nói đùa với mình “Cậu nhát gái quá, chẳng biết tán gì cả. Nhiều cô thích  mà cậu cứ làm lơ. “Thực ra mình cũng chẳng biết nữa. Mình là lính thông tin nên cũng hạn chế tiếp xúc. Khi ở gần nhau các cô hay sang chỗ mình xin nhờ chép các bài hát bài thơ, và xin pin cũ để đi đêm. Ngược lại thỉnh thoảng đem tặng “anh Hai” cái nón tai bèo hoặc cái quai bồng. Có đêm mình đi bắn thú có cô còn đòi mang bồng đi theo. Có cô bạn đồng hương miền bắc ở dân y, mới quen biết  nhau thì đã chia tay. Mấy năm sau vẫn viết thư hỏi thăm nhau, dù mỗi lá thư phải lội suối băng đèo, chuyển qua tay nhiều người mất mấy tháng trời mới tới. Mình nhớ lá thư cuối cùng năm 1973 cô ta viết ” Hôm nay đi tải gạo, em gặp các anh C10 hỏi thăm được biết tin anh còn sống. Em không tin, vì anh Vinh K76A nói anh đã hy sinh trong đợt chồm lên vừa rồi Không biết anh còn nhớ người em gái quê hương ở phương trời xa xôi này không? Em chỉ mong sao ngày thăng lợi anh em mình còn sống để cùng nhau trở về quê hương”. Tình cảm sâu đâm ấy cứ thoang thoảng như hương thơm hoa nhài. Ở trong rừng chuyện yêu đương không bị cấm đoán nhưng không được quan hệ vụng trộm mà hay gọi là bất chính. Mình lại hay đi tiền phương, cuộc sống nay đây mai đó, sống nay chết mai , nếu lấy nhau sinh con đẻ cái thì cuộc sống vô cùng cực khổ, nên nhiều người tự nhủ cố nhịn đến ngày thắng lợi. Mình nhớ câu chuyện đau lòng của chị 9 Nụ. Năm 1969 lính  Mỹ, Úc mở cuộc càn quét lên núi Mây Tầu, quyết tiêu diệt bệnh viên K76A và bắt sống thương bệnh binh đang điều trị ở đây. Chúng phục kích bao vây ở chung quanh chân núi. Đơn vị quyết định mở đường rừng, khiêng, cáng dìu hàng trăm thương binh luồn rừng vượt qua vòng vây của địch. Đoàn đi trong đêm khẩn trương và giữ im lặng tuyệt đối. Trong đoàn có chị 9 Nụ bế theo đứa con mới sinh được mấy tháng. Khi đi gần trảng con, nơi địch đóng quân bỗng đứa bé khóc ré lên. Mọi người nhìn nhau  lo lắng. Nếu địch phát hiện được thì nguy. Chị 9 Nụ vội bịt mũi  đứa bé Khi vượt qua  được vòng vây thì đứa bé đã tắt thở. Chị Chín ôm đứa con khóc ngất. Mọi người lặng lẽ nhìn nhau đau đớn. Sau này ai có con đơn vị đưa về phía sau.

Tuy vậy cuộc sống vẫn cứ trôi, tình yêu vẫn nẩy nở. Có đôi nên vợ nên chồng do mọi người gán ghép vun đắp. Có cặp tìm hiểu nhanh, quyết định mau. Anh bạn mình lý giải:” Có gì đâu, trong chiến tranh xấu, tốt, trung thực và giả dối, dũng cảm và hèn nhát đều phơi bầy một cách rõ ràng, không che dấu được “Các đám cưới được tổ chức trong rừng thiếu thốn đủ bề nhưng cũng rât vui. Nhiều đứa bé ra đời, được mọi người nâng niu, thay nhau bồng bế và cho đường sữa. Cũng rât hay, các cặp vợ chồng bạn mình; Đào-Thuật, Trung- Nhân, Nghinh-Mai, Quý-Em, Tuất_Vẹn …yêu nhau, lấy nhau trong rừng, sau giải phóng dù sống trong môi trường vật chất đầy cám dỗ vẫn thủy chung trọn vẹn Hình như tình rừng gắn bó thêm tình yêu của họ.

Có cô  bạn trẻ nói với mình “Bác ơi! Mười măm xa gia đình, không thư từ tin tức, không phim ảnh sách báo, không hò hẹn yêu  đương mà các Bác không buồn à? Chịu các bác thật! Ố! Không buồn đâu, cháu gái yêu quý ơi. Các bác và lớp thanh niên thời ấy đả sống như vậy, sông trong sự thử thách tận cùng của tình yêu, của cái chết, của sức chịu đựng con người và đã chiến thắng trở về.

                                                                      Trần ngọc Phượng

-Long-Bà-Biên* : Long Khánh Bà Rịa Biên Hòa