Thể loại trường ca luôn đòi hỏi một cảm hứng dồi dào, để sự kiện được tuôn chảy, để chi tiết được cuộn trào, để vần điệu được mạch lạc, để thương nhớ được thăng hoa, để ký ức được hồi sinh. Trường ca không dành cho những kẻ vội vàng chinh phục đám đông và cũng không dành cho những kẻ sốt ruột danh vọng văn chương. Trong nhịp sống gấp gáp hôm nay, nhà thơ Xuân Trường gom góp đủ thong dong để ngồi bên ngọn đèn lặng lẽ viết trường ca “Đếm lại bước chân mình”, đã là một sự nhẫn nại đáng nể trọng.
Nhà thơ Xuân Trường có một cuộc đời từng trải không ít biến động. Nghèo khổ, đạn bom, lưu lạc, hẹn hò, ly biệt, sum vầy… đều giống như những thước phim âm bản mỗi ngày vẫn hiện về trong giấc mơ trĩu nặng hắt hiu số phận. Viết lại, cũng tương tự kể ra, là cách hữu hiệu nhất để san sẻ với tri âm và để an ủi bản thân. Nhà thơ Xuân Trường quyết định chọn trường ca để giải phóng những kỷ niệm trùng khơi khi mờ khi tỏ qua từng chặng đường ấp ôm khao khát riêng tư.
Trường ca “Đếm lại bước chân mình” như một bản tự bạch của nhà thơ Xuân Trường. Bản tự bạch mệnh kiếp lênh đênh. Bản tự bạch trả ơn duyên nợ. Bản tự bạch muộn phiền cơm áo. Bản tự bạch cảm tạ phong ba. Bản tự bạch xao xuyến trùng phùng. Những con người mà ông đã gặp, những vùng đất mà ông đã đi qua, những thử thách mà ông đã chịu đựng, những ân cần mà ông đã níu kéo… đều lần lượt hiện ra, lúc êm đềm xa vắng, lúc bần thần nhắc nhở, lúc cồn cào âu lo, lúc run rẩy nương tựa.
Cội nguồn tuổi nhỏ, ngoài hình ảnh người mẹ vất vả sớm hôm, thì cậu bé mồ côi cha có được một khoảng xanh râm mát giữa chông chênh lủi thủi “Chị tôi cài tóc trăng rằm/ Đồng xanh từ thuở lá răm mắt chiều”. Thế sự xô đẩy “Bút trời vẽ cảnh trái ngang/ Lên đời tôi nét vội vàng mà đau”, khiến chàng trai bần hàn phải lầm lũi tha hương với bao nhiêu ngậm ngùi “Trắng tay tôi những tháng ngày/ Lòng như mưa bụi bay bay tháp chiều”.
Những địa danh của Quảng Nam, Bình Định, Sài Gòn, Vũng Tàu, Gia Lai, Phú Yên… càng thêm nồng đượm khi nhà thơ Xuân Trường “đếm lại bước chân mình” thuở phiêu lãng “Những nụ cười lang bạt chạm vào nhau/ Nghe chút giang hồ lên môi mắt”.
Nhà thơ Xuân Trường chủ động dùng thơ lục bát để miêu tả hành trình quá khứ một cách nhẹ nhàng và bao dung. Hành trình ấy lắm ngổn ngang nhiều nghịch lý, nhưng nước mắt đã biết lau khô, hận thù đã biết tha thứ, thất vọng đã biết xoa dịu, trắc ẩn đã biết chia sớt, hạnh phúc đã biết giữ gìn. Vì vậy, điều còn ngưng đọng sau khi “đếm lại bước chân mình” là cái nhìn độ lượng mây trắng bay qua rong ruổi đa mang “Rót chiều đầy một ly không, ngồi mơ theo gió/ Đợi hương xưa thoang thoảng lại đôi lần”.
Trường ca “Đếm lại bước chân mình” được viết ở tuổi 75, với nhà thơ Xuân Trường cũng là cơ hội tóc bạc ngoảnh lại trời xưa.