Trương Anh Quốc & Mỗi năm một lần

744

20.02.2018-08:20

  Nhà văn trẻ Trương Anh Quốc

 

Mỗi năm một lần

 

TRUYỆN NGẮN CỦA TRƯƠNG ANH QUỐC

 

NVTPHCM- Thằng Nam nằm ở bệnh viện, tôi ở lại trông. Nó nằm tuốt luốt tận lầu tám làm tôi lên xuống mệt phờ râu. Không phải là bệnh viện không có thang máy, nhưng đông người quá muốn đi phải chờ lâu. Tôi không thích chờ lâu nên đi bộ. Đi bộ có mệt chút xíu nhưng khỏe người và bù lại ở trên cao tôi nhìn được toàn cảnh thành phố, đẹp lắm, đêm khuya đèn xa xa sáng giăng như sao.

     

Thằng Nam đang nằm ngủ, phòng yên tĩnh, yên tĩnh có khi nghe được cả tiếng muỗi vo ve, tôi ra ngoài nhìn xuống phố qua tấm cửa kính, mọi thứ trôi qua tấm kính dày thật chậm, thấy nhớ quê chi lạ.

 

***

 

Năm ngoái cũng đúng ngày này, Phúc Vũ gọi cho tôi:

     

–  Chào mi! Mi đón Tết có vui không? Bạn bè mình năm nay về có đông không?

 

–  Ai biết! Tau đang ở Hà Nội! Mi đang ở đâu vậy?

     

–  Tau đang ở ga Tân Sơn Nhất, transit đến hai tiếng luôn, tự nhiên nhớ đến tên mi, mà tau cũng sắp bay rồi nè!

     

–  Thế thì hay quá! Mình gặp nhau ở cổng ga Đà Nẵng nghe! Chúc năm mới vui vẻ!

     

– Chúc năm mới vui vẻ!

     

Cái thằng, làm ăn chi mà dữ rứa không biết! Công tác chi mà không lo về nhà đón Tết!

     

Tôi đến ga trước giờ làm thủ tục hơn mười phút, chị nhân viên soát vé hỏi: “Có vé sao giờ này mới tới, hả?”. Tôi không biết là người có vé phải đi sớm để nhà tàu còn biết ghế trống mà bán vé bổ sung. Biết thế lúc sáng khỏi nhờ người mua vé trước chi cho mệt, bây giờ tới đây còn được đón tiếp ân cần nữa.

     

Vào phòng chờ, toàn những người về quê trễ. Nghe những giọng nói thật quen thuộc tôi cứ ngỡ như mình đã về đến quê nhà. Có rất nhiều khách Tây phương, họ nói đi vui xuân ở Hội An, tận hưởng mùa xuân ở một vùng phố cổ mến khách, tôi thấy cũng vui lây…

     

Một tiếng đồng hồ trên mây. Những đám mây trắng tinh như những cuộn bông gòn khổng lồ. Phía dưới những dòng sông cong cong, cánh đồng lúa thì xanh ngăn ngắt. Mấy ngọn khói rơm từ cánh đồng bay lên quyện với mây trời, trời chiều xám dần, xám dần theo cái lạnh khi vào đến không phận miền Trung. Màu trời lờ mờ y như màu khói rơm đồng…

 

***

 

Vừa đến cổng ga tôi mở máy và gọi ngay cho Phúc Vũ. Không có tiếng đổ chuông. Có lẽ Phúc Vũ vẫn còn đang ngồi trên mây. Trong lúc chờ, tôi nhấn máy cho mấy đứa bạn. Mạng kẹt cứng chẳng có một tiếng chuông nào, lựa những số cùng mạng gọi cũng bị kẹt. Tết nhất mà không liên lạc được với nhau, tức thật! Ngồi chờ, nghe hơi lạnh thấm vào da thịt, chợt nhớ là năm nay mình không được canh lửa nấu bánh tét và tắm tất niên bằng nước nấu bánh tét. Sao thấy nhớ màu nước xanh lè thơm nức mùi lá mùi nếp quá chừng…

     

Phúc Vũ vỗ vai làm tôi giật mình. Chuyến bay của nó bị trễ gần hai mươi phút. Hai đứa đón xe ôm ra bến. Thật may, chiếc xe buýt cuối cùng trong ngày vừa rời bến, xe ôm phải đuổi nhanh theo mới kịp, nếu trễ chút xíu nữa thì không biết sẽ về bằng gì. Lên xe, người chật cứng, không còn nghe lạnh nữa. Tiếng nói cười ấm áp, những giọng nói thân quen… Nhiều từ địa phương làm cho tôi cười khúc khích. Lâu rồi tôi không còn được nghe, và tôi thấy mình đã quên dần những từ mà tôi đáng lẽ không được quên. Tôi nhớ trước hôm tôi đi, ông Tư nhà bên sang nhà tính gởi theo tôi con chó con. Tôi ngạc nhiên, ông dặn: “Con đem con chó ni vô trong nớ nuôi, mang về thử nó có sủa được tiếng trong nớ không nghe!”. Ông nhắc khéo tôi, ông Tư không nhắc tôi cũng giữ giọng thôi, thế mà bây giờ tôi cứ mắc cười, mắc cười cho đến lúc về đến nhà.

     

Phúc Vũ cũng gần nhà tôi nên về nhà một chút rồi là sang. Đã đầy đủ Cảnh, Long, Vinh, Kỳ, Nam… Còn ai trông là lạ thế này? Thì ra là chồng của Thọ. Trung cùng Vân, Phương cũng vừa đến. Đây là ngày truyền thống mà!

 

***

 

Năm nào cũng vậy cứ đúng mùng Ba là họp mặt. Do cái Tết đầu tiên sau khi rời trường cấp ba, vào đêm mùng Ba chúng tôi ngồi lại chuyện trò với nhau. Những câu chuyện với nhiều mơ ước, cuộc sống nơi ký túc xá và bạn bè tứ phương lạ lắc, những ngày đầu tự lập, bươn chải để tồn tại, để học hành, để hoàn thiện mình. Sau khi rời trường, ở xa nhau mới thấy tình bạn thời phổ thông sao mà gần gũi, sao mà thân thương.

     

Nói với nhau mãi cũng không hết chuyện. Uống rượu thì nói có bao giờ hết chuyện đâu! Tết mà! Tết là uống rượu gạo thay nước trà. Trà thì ngày nào uống chẳng được, cần chi đến Tết. Uống rượu ngày Tết là một truyền thống, truyền thống có văn hóa, thằng Nam nói như thế. Con gái cũng uống, đứa nào không uống thì nhấp môi. Thằng Tùng chọc, uống rượu chứ có phải hôn đâu mà nhấp môi! Thế là mấy đứa con gái tức quá uống hết, ừ rượu mời không uống để uống một mình sẽ ghiền, vui mà uống chứ một mình có ai uống rượu được đâu!

     

Người ta nói khi say mới nói thật lòng. Có phải vậy không mà đứa con trai nào cũng uống thấy khiếp. Những buồn vui, bao trắc trở khó nói khi ngà ngà say là kể hết cho nhau nghe. Uống rượu cũng có cái lợi, có rượu vào những đứa con trai trông mạnh dạn hơn, nói chuyện càng hay hơn, nói trơn tru như là bôi mỡ lên miệng. Chút rượu gạo làm cho da dẻ con gái hồng hào, e ấp rất nữ tính. Thật là lạ, con gái càng thêm tuổi trông càng duyên càng mềm mại hơn, trông đâu ra đó, chứ cứ ngỗ nghịch và lép kẹp như thời phổ thông có mà ế dài! Con trai thì thích cho con gái bị ế, thằng Tùng nói ai ế để… tui!

     

Từ thời phổ thông có những đứa thích nhau. Đi học chung đường, đường đến trường huyện thì xa lắc. Đi sớm về tối, mùa gió Nam, đạp xe mỏi cả giò, mùa mưa dầm đi học từ khi còn mờ mờ đất. Mùa mưa đường bị tàn phá, lầy lội, phải đi đường quanh, đường quanh cũng có khi phải lên bờ xuống ruộng. Có những hôm đến đầu cầu sông Lĩnh rồi mà nước lũ dâng cao, cứ đứng chờ hoài mà nước không rút, rồi cùng kéo nhau về, bỏ lỡ buổi học… Đi học chung, chở nhau, chờ nhau mỗi khi đến lớp, mỗi lúc tan trường, dần dần mến nhau, thương nhau rồi yêu nhau lúc nào không hay. Tình yêu thuở học trò như tờ giấy trắng. Yêu mà cứ giữ kín trong lòng, không dám thổ lộ.

     

Giờ ra trường rồi, ngồi lại đây với nhau mà cũng không dám thổ lộ! Ngồi chung với nhau cứ thấy mình nhỏ lại, mình mãi là đứa học trò nhỏ bé nhút nhát hôm nào… Có phải tình cảm chân thật bao giờ cũng khó nói hay không, cứ ngồi nhìn nhau mãi, mà ngồi nhìn nhau cũng thấy hạnh phúc rồi!

     

Mới có mấy ly mà Phong đã thấm mệt. An cũng vậy. Đàn ông con trai mà uống có chút xíu thì… làm ăn gì được! Ai bày mà mấy đứa con gái nói thế, chắc là đọc sách! Mệt thì nghỉ, nghỉ cho khỏe rồi ngồi dậy uống tiếp. Ép dầu ép mỡ chứ ai nỡ ép uống rượu, mà nào đâu có ai ép ai, vui mà tự nguyện uống đó chứ!

     

Mỹ và Xuân bỏ đũa lại chăm sóc Long và An. A, hai cái thằng này lấy cớ để được con gái chăm sóc! Mệt sao cứ nói chuyện rủ rỉ rù rì hoài vậy! Không biết là rượu nói hay chúng nói nữa! Thế mà hai đứa con gái cũng tin sái cổ, chắc là hơi rượu làm con gái dễ tin hơn. Nghe có tiếng thì thầm:

     

– Em đẹp lắm!

 

– Anh vừa nói gì? Nói lại lần nữa đi!

     

– Ơ kìa! Chúng ra ngoài kia mà anh với em kìa! Gọi dậy cho uống nữa đi!

     

Hai đứa kia xin chút xíu nữa là dậy tiếp tục uống, phạt cũng được. Thôi cho thêm mấy phút nữa đó! Được chăm sóc nhau cũng là hạnh phúc. Trừ mấy đứa nằm nghỉ, mấy đứa còn ngồi, đứa nào không uống được nữa thì hát. Một bài hát thay cho một ly. Thằng Trung đàn, tiếng ghi ta bập bùng theo nhịp hát, hát để tặng cho nhau, hát để bay bớt men rượu. Dễ chi mà gặp được đông đủ thế này, ngày mai mỗi đứa mỗi việc, chắc chi gặp được nhau nữa!

     

Vui chơi mãi đến tận khuya. Con gái thì không thể ở lại được nên phải đưa về. Mà đâu còn ai đi xe được nữa, trời mưa xuân, đường trơn trượt đi xe dễ ngã, nhất là lúc có chút rượu ngấm vô người, đi xe nguy hiểm. Mà có còn đi được cũng không thích đi xe nữa, đi bộ cho được lâu, được gần nhau thêm chút nữa. Đi bộ thì không đi đường cái chi cho xa mà băng sông lội đồng ruộng cho gần. Chia thành mấy tốp, không phải mạnh ai người nấy đi mà phải có sự nhất trí của tập thể. Khi nhậu là đã trở thành một tập thể.

     

Những lúc thế này thì những đứa còn “độc thân” hay không có “đối tượng” trong nhóm có tiếng nói trọng lượng nhất. Con trai dại nhất lúc yêu ấy mà! Gặp người mình thích thì líu cả lưỡi, tay chân cứ như thừa cả ra, chỉ biết gãi đầu gãi tai rồi nói… cà lăm. Những đứa độc thân được chỉ định cho đứa khác đưa nhau về. Chỉ định nhưng cũng phải hợp lý, chơi chung với nhau, biết nhau quá rồi còn gì! Tình yêu thời học trò như tờ giấy trắng, không đến được với nhau, có đứa nói không đến được với nhau nên mãi là tình yêu mãi là tình bạn.

     

Đêm tháng giêng sao trời sáng lờ mờ, Phong đưa Mỹ về. Đường về nhà Mỹ khó đi vì đường bờ kênh nhỏ xíu, lại nghe đồn qua miếu nhiều ma. Thế mà Phong không cho đứa nào đi theo hộ tống. Sao hôm nay thằng này dạn thiệt, rượu làm nó dạn hay là tình không biết!

     

Tôi cùng Trung, Vinh, Sơn đưa vợ chồng Thọ và Tâm về, phải lội qua một con sông nhỏ. Nước sông cũng không sâu lắm nhưng lâu rồi không đi nên không biết chỗ nào cạn nhất để lội. Trời tối cầm tay nhau mà đi cho khỏi ngã. Trời cũng không lạnh lắm mà Vinh cứ đi sát Tâm, nghe Tâm cứ khúc khích cười. Mới chiều trời mưa nên đường trơn, cứ bị rớt ruộng lủm bủm hoài. Rớt ruộng thì kéo lên được nhưng ớn nhất là phải mò tìm dép. Dép bị lún dưới bùn sâu, mò như mò cua vậy đó.

     

Trời mưa thì tránh trắng, trời nắng tránh đen, thế mà cứ thay nhau chụp ếch hoài. Người đi sau phải cầm tay người đi trước, dò dẫm từng bước, một đứa ngã là ngã cả chùm. Được đi chung với nhau, được ngã cùng nhau giữa đêm tối như vậy cũng thích chứ.

     

Đưa nhau về xong thì quay lại uống đến khuya lơ khuya lắc, rồi lăn ra ngủ lúc nào không hay. Thật là lạ, càng đi xa thấy càng gắn bó nhau và chóng gặp nhau ở một nơi: Quê hương. Cũng vì họp mặt đầu năm ở quê hương mà đứa nào cũng tranh thủ về để ôn lại những kỷ niệm. Thời gian trôi qua, mỗi đứa là một cuốn lưu bút của nhau mà ngày ra trường mải học thi nên chưa kịp viết…

 

***

 

Thằng Nam trở mình kêu khát nước, tôi giật mình đi vào pha nước cho nó uống. Nó vừa uống vừa nói trống trơn:

     

– Giờ này ở ngoài mình đang họp mặt đúng không?

     

Tôi gật gật đầu mà không nói gì. Thấy mắt thằng Nam đỏ hoe, tôi nhìn ra xa xa…

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Bồng bềnh mây trắng – Ái Duy

>> Mắt sông – Phương Huyền

>> Đi tìm cha – Lê Quang Trạng

>> Kế hoạch cho Valentine – Võ Chí Nhất

>> Ông già bolero – Trần Nhã Thuỵ

>> Mùa cỏ ngắng – Lê Mỹ Ý

>> Rối người – Nguyễn Quỳnh Trang

>> Gã hành khách cuối cùng – Nguyễn Tham Thiện Kế

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…