Tết có còn vui? | Hoi Nha Van Thanh Pho Ho Chi Minh

995

21.02.2018-23:30

Một nhà văn có nói đại ý vào hội nhà văn thì cũng phải làm đơn chứ, và vào rồi, muốn có giải thưởng nữa thì cũng nên ới nhau một câu cho phải phép… Vậy huống chi là xin chức tước, càng phải nói một câu cho Đức Thánh hiểu được “lòng thành”…

 

Hôm nay (mùng 6 Tết) là ngày làm việc chính thức đầu tiên sau kỳ nghỉ tết kéo dài cả tuần. Tất nhiên, sự uể oải, lơ mơ sẽ còn kéo dài trong cái tháng nổi tiếng là “tháng ăn chơi” mà dư vị giống như nhấp ly rượu vang nhiều tuổi rồi cười mỉm mơ màng: Tết, tết đến rồi, cả nhà rất vui…

 

Nhưng rồi tết đến, tết qua đi. Cuộc di dân vĩ đại hay còn gọi là “xuân vận” chỉ có ở Trung Quốc và Việt Nam đã kết thúc với nỗi buồn qua con số thống kê trong 5 ngày tết trung bình mỗi ngày có hơn 30 người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, chưa kể số thương vong do ẩu đả nơi “tình làng, nghĩa xóm” tính sơ sơ cũng cả chục mạng sống nữa. Nghĩa là tổn thất về nhân mạng còn nhiều hơn một tháng chiến trận ở chảo lửa Syria. Thật sự là khủng khiếp!

 

Và bởi vậy vấn đề đặt ra từ nhiều năm là có nên gộp 2 tết, tết âm lịch và tết dương lịch làm một như Nhật Bản đã làm từ thế kỷ 18 hay không vẫn còn nguyên tính thời sự. Nhiều người, đặc biệt là giới học giả thích sự chính xác của phép tính đã đưa lý do nên gộp 2 trong 1 vì đơn giản tết gây ra một số phiền lụy như lãng phí thời gian và vật chất, sinh ra tật biếu xén, quà cáp và nhất là người ngợm mệt mỏi, rã rời vì tết. Cũng đúng. Song trong sâu thẳm tiềm thức, đại đa số người Việt vẫn muốn có cái tết truyền thống, chứa đựng những giá trị tinh thần cả ngàn năm của văn hóa Việt. Điểm qua những “bí ẩn” của mấy ngày tết, ta thấy có nỗi nhớ cố hương, có sự sum vầy, đoàn tụ ông, bà, cháu, chắt trong mâm cơm ngày tết; có sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại…

 

Truyền thống này được sinh ra trong nền văn hóa lúa nước, nhưng ngày nay dường như sợi dây mỏng manh này đã đứt gãy đâu đó vì sự xô bồ của cuộc sống, vì lòng tham, vì sự biến tướng trong cách ứng xử. Tổ tiên đã để lại những chùa chiền, những lễ hội đậm bản sắc văn hóa, song chính chúng ta đã phá nát không thương tiếc cái còn lại ít ỏi của “hương đồng gió nội” qua sự “khôi phục” các lễ nghi xưa mà thực chất đã làm méo mó bản chất các hiện tượng văn hóa. Bộ VH-TT-DL năm nào cũng như năm nào đều ban hành các văn bản chỉ đạo về chấn chỉnh, không để xảy ra các lễ hội “phản cảm” nhưng rồi đâu lại vào đấy, vẫn còn nguyên nạn cướp lễ, cướp lộc, các hủ tục mê tín dị đoan, cờ bạc, “chặt chém” tấm lòng thành của khách du xuân…, nghĩa là bó – tay – chấm – com khi lợi ích cá nhân được đặt lên hàng đầu, khi tiền tài, chức tước “là tất cả”.

 

Tháng Giêng này có vô khối lễ hội cầu thiêng nào là lễ hội chùa Hương, chợ Viềng, đền Đức Thánh Cả, đền Bà Chúa Kho, Chúa Mẫu…, có quá nhiều nơi chốn để cầu lộc cá nhân. Và người đời đã phải dùng đến cụm từ “hối lộ thánh thần” khi nói về “du lịch tâm linh”, “về nguồn”. Thực chất là mua thần, bán thánh và thánh thần ở các cấp từ thành làng, thành hoàng, đến Đức Thánh Trần nghiễm nhiên trở thành… giám đốc nhân sự bất đắc dĩ. Đó là hệ quả của lối suy nghĩ “xin – cho” không thể gột rửa ngày một ngày hai. Một nhà văn có nói đại ý vào hội nhà văn thì cũng phải làm đơn chứ, và vào rồi, muốn có giải thưởng nữa thì cũng nên ới nhau một câu cho phải phép… Vậy huống chi là xin chức tước, càng phải nói một câu cho Đức Thánh hiểu được “lòng thành”…

 

Cảnh “xin – cho” này đã là chuyện đương nhiên. Và muốn có sự mưu cầu cá nhân thì phải tranh giành, cướp đoạt, phải đổ mồ hôi, sôi nước mắt. Lễ phát ấn Đền Trần là ví dụ sống động khi năm nào cũng xảy ra cảnh hỗn loạn, phải điều động cả ngàn cảnh sát cơ động trấn giữ trật tự mà rốt cuộc vẫn “vỡ trận” vì một tờ A4 quyết định thành bại trong mưu sinh. Năm nay nghe nói – chỉ là lời đồn – sẽ có “cải tiến” trong “phân phối” ấn với phương châm ai thích thì có, không thích vẫn có, miễn là có chút tiền “lòng thành”. Như dịch vụ chuyển phát nhanh, qua mail, qua “phây”, qua “đám mây điện tử”. Lối sống đã thương mại hóa toàn diện, tạo cảm giác man mác buồn trong gió xuân thổi về mơn trớn.

 

Và còn đâu nét đẹp văn hóa, nét đẹp tinh thần người Việt xưa. Ông bà ta có câu thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa… nhưng giờ ta lại làm ngược lại… Có một câu chuyện kể về thầy giáo già và đám học trò thăm thầy vào mùng 3 Tết, ngày Tết thầy. Đám học trò có người thành đạt, người có chức, kẻ có tiền nhưng đều than vãn những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống và công việc. Thầy lẳng lặng nghe rồi vào trong bê ra một ấm cà phê với cái khay đựng các ly bằng pha lê, bằng sứ và bằng thủy tinh thường. Thầy mời uống rồi chậm rãi nói: Gần như tất cả các con đều chọn ly đẹp nhất, đắt nhất, chỉ còn lại ly thủy tinh rẻ tiền. Cũng đúng thôi, không ai chê trách các con, song cuộc đua tranh này chính là mầm mống vấn đề và những căng thẳng các con gặp phải. Các con đều xứng đáng với những điều tốt đẹp nhất, song cứ hình dung cà phê là cuộc sống, ly tách là tất cả những thứ còn lại – tiền bạc, sự nghiệp, công danh – thì các con sẽ nghĩ khác. Quan trọng là cà phê có thơm ngon không, còn chứa đựng ở ly nào chắc chắn không làm tăng chất lượng thức uống.

 

BÍCH AN/SGGP

 

 

>> XEM TIẾP NHỊP SỐNG SÀI GÒN…