Truyện trinh thám Võ Chí Nhất và sự lên tiếng của văn học ngoại biên

804

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong vài năm trở lại đây, khi chức năng giải trí của văn học nghệ thuật đã được đề cao, khi bộ phận văn học giải trí, vốn chỉ được xem là “cận văn học”, đã được đông đảo độc giả chờ đợi, săn đón, người ta mới giật mình trước khoảng trống của mảng văn học trinh thám ở Việt Nam.

Các cây bút 7x như Nguyễn Đình Tú, Di Li, Nguyễn Xuân Thủy… tuy có giúp văn học trinh thám từ thời Phú Đức, Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn của những năm 1930 – 1945, Đặng Thanh, Triệu Xuân của những năm 1980 không bị đứt mạch, song vẫn chưa đủ sức để làm nên một khuynh hướng văn học trinh thám hiện đại trẻ trung, tươi mới, thỏa mãn nỗi chờ mong của những người đọc vốn yêu thích các câu chuyện vụ án kì bí, các màn điều tra hồi hộp, bất ngờ. Trong bối cảnh ấy, độc giả Việt Nam hẳn sẽ vui mừng đón nhận tập truyện trinh thám “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” (Nxb Tổng Hợp TPHCM, 2020) của Võ Chí Nhất.

Nhà văn trẻ Võ Chí Nhất

“Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” không phải là tác phẩm đầu tay của Võ Chí Nhất, một chàng công an thế hệ 9x. Trước đó anh đã có tiểu thuyết “Hoàng cung” (2016) và tập truyện “Khiếu ăn mày” (2018) trình làng văn giới. Tuy vậy, tập truyện này hẳn sẽ là tác phẩm có vị thế đáng kể trong sự nghiệp văn học của anh, dẫu sự nghiệp ấy đang còn mới bắt đầu với rất nhiều dự định và triển vọng phía trước. Bởi Võ Chí Nhất, như con tằm rút ruột nhả tơ, đã dồn hết những tâm huyết, những kinh nghiệm nghề nghiệp cho niềm đam mê viết lách và thăng hoa ở tập truyện trinh thám này.

Những tác phẩm đã xuất bản của Võ Chí Nhất

Với 13 truyện ngắn trong tập truyện “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình”, Võ Chí Nhất đã chủ động chọn cho mình một lối viết trinh thám rất riêng. Độc giả ưa thích những chuyện rùng rợn, máu me, những vụ án mạng, thảm sát, có thể sẽ thất vọng bởi truyện trinh thám của Võ Chí Nhất không đem lại nhiều cảm giác sợ hãi, thót tim, không dẫn dắt người đọc cùng phá án.

Truyện Võ Chí Nhất cũng không gây ấn tượng nhiều ở phần mở đầu với hiện trường vô manh mối, với sự bất lực của cảnh sát điều tra. Có chút “nhạt” ở phần đầu như một thủ pháp đánh lạc hướng, có chút phân tán ở diễn biến truyện khiến người đọc không thể nhanh nhảu cùng suy luận, đó là cách Võ Chí Nhất gây nên sự bùng nổ và bất ngờ ở cái kết, như cách phá án hiếm khi phải nổ súng của nhân vật chính, cô công an huyện có biệt danh “Hà ớt”.

Bìa tập truyện Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình

Xuất hiện trở đi trở lại trong nhiều tác phẩm, nhân vật Hà “ớt” khiến độc giả không thể không liên tưởng đến Sherlock Holmes của Arthur Conan Doyle, song là “Sơ lốc hôm mặc váy”, tên một truyện ngắn trong tập. Hà “ớt” cùng với Thiên Minh, một cậu em đồng nghiệp, khi tác hợp ăn ý, khi âm thầm theo những hướng điều tra riêng, cũng gợi liên tưởng đến cặp nhân vật Lê Phong và Mai Hương trong truyện trinh thám của Thế Lữ.

Tuy vậy, cái sự gợi liên hệ này không mang dấu hiệu “bắt chước” người đi trước (dẫu có thể nhận thấy sự nghiêm túc học hỏi và khả năng đọc rộng của Võ Chí Nhất) mà là một dấu chỉ của tính liên văn bản, khiến tập truyện “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” không chỉ hấp dẫn bởi các câu chuyện vụ án mà còn bởi những kiến thức về khoa học, nghệ thuật phong phú, chuyên sâu được đan lồng vào tác phẩm.

Một điểm đáng chú ý nữa của truyện trinh thám Võ Chí Nhất là khả năng gây cười của tình huống. Cười bởi cô cảnh sát mà chỉ nhắc tên thôi nhiều gã đàn ông đã “ớn”, vậy mà đành vì sợ mẹ mà xúng xính váy áo hò hẹn, để rồi bắt luôn tên lừa đảo, chàng trai được mai mối, ngay trong bữa tiệc lãng mạn nến hoa (Khi người ta yêu). Cười vì những tên tội phạm ngớ ngẩn, chủ quan, tự chui vào tròng khi còn chưa kịp hết hí hửng vì tự mãn (Hẻm yêu, Sơ lốc hôm mặc váy, Gã săn cổ vật…).

Nhẹ nhàng mà ý nhị, hóm hỉnh, không bày bố thiên la địa võng mà vẫn hấp dẫn, bất ngờ… đó có lẽ chính là “giọng” riêng của truyện trinh thám của Võ Chí Nhất. Phải chăng vì vậy mà truyện Võ Chí Nhất giàu giá trị nhân văn, và đặc biệt rất gần gũi, đời thường, bởi cái nhìn của tác giả là cái nhìn của một chiến sĩ công an luôn gần dân và am hiểu địa bàn phụ trách.

Đặt trong lối viết chung của thể loại trinh thám, phong cách của Võ Chí Nhất hẳn thuộc về ngoại biên. Đặt trong thành tựu văn học nói riêng của anh, và trong dòng văn học giải trí, hay văn học nói chung, tập truyện Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình hẳn vẫn thuộc về phía “bên lề”, nếu xét về tương quan số lượng ấn bản.

Tuy vậy, với tập truyện “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình”, tiếng nói ngoại biên của thể loại văn học trinh thám ắt sẽ gây chú ý. Lý do là truyện của Võ Chí Nhất được viết bởi một người có nghề, trong nghề – một nhà văn công an, một người có nghiệp vụ điều tra, phá án. Và chỉ chừng ấy thôi đã đủ để tập truyện “Nghệ sĩ sáng tạo và nhà phê bình” được “gắn tem”, đủ để Võ Chí Nhất được thừa nhận là một trong những “truyền nhân” của dòng văn học trinh thám Việt Nam vẫn âm thầm chảy trong gần một thế kỉ qua và đang đợi ngày vươn ra biển lớn.

PGS.TS Thái Phan Vàng Anh