Từ chiếc lá hướng tới cõi vô cùng của cái Đẹp

538

27.01.2018-15:30

 Nhà thơ trẻ Trần Huy Minh Phương

 

Từ chiếc lá hướng tới cõi vô cùng của cái Đẹp!

 

TRẦN HUY MINH PHƯƠNG

 

NVTPHCM- Thời gian bất tận không gian mênh mông rồi cũng phải có điểm dừng, có chỗ giao nhau ở chót cùng hòa điệu. Nếu cùng âm giai chắc hẳn chúng sẽ trợ lực nhau cùng nẩy lên, vươn cao những thanh sắc tươi tốt non nõn với đời.

 

Vòng quanh chiếc lá cũng như một cõi nhân sinh. Từ búp non tơ, ngày tháng âm thầm chúng hút những giọt sương, nguồn nước từ rễ cây bám sâu lòng đất mẹ, đón những tia nắng lấp lánh tưới tẩm ngày mỗi thêm non tơ và xanh, đơm chồi, thành lá non mịn màng để rồi lá xanh trưởng thành vững chãi, reo gió vui tai gọi bao chúng chim về cười khóc trên thân phận cỡi mây vượt gió. Lá nghe bao kiếp đời kể về thân phận và hát ca cùng cuộc đời dưới ánh mặt trời này!

 

Rồi một ngày lá buông mình, thong dong ra đi như một cuộc chơi vừa xong, hạnh ngộ vừa khép chốn này sẽ mở sang trang khác nơi chân trời nào đó! Lá đã ra đi, cành chơ vơ, cây run lên nấc nghẹn, một lúc nào đó cây cũng hiểu rồi lá non xanh lại trỗi dậy, một cuộc tiếp biến, trưởng dưỡng bất tận vẫn muôn trùng tiếp nối.

 

Cũng như vậy, đời sống con người và mọi sự sống trên cõi này cũng phải trải qua sinh trụ dị diệt hay nói một cách khác là sanh già bệnh chết, một quy luật không cưỡng lại! Ngày nay, không hẳn phải trải qua đầy đủ cung bậc của sanh già bệnh chết, mà có khi sanh chết, có lúc sanh bệnh chết, nhiều lần chết trước khi sanh hoặc sanh già chết,… Thật vậy, có sanh ắt có tử. Nói như vậy để chúng ta càng thêm trân quý sự hiện diện của mỗi khoảnh khắc sống này với nhau, bên nhau, vì nhau biết bao.

 

Từ chiếc lá, dòng cảm xúc của thi sĩ đã ngân lên cung bậc của sự thanh thoát hướng thượng về một cái đẹp vĩnh hằng. Nhà thơ hướng về “trăng thanh”, cái đẹp của tụng ca đã bao đời kiếp nay trên muôn ngàn trang thơ cũ và mới.

 

Nhà thơ cứ làm thơ, bài thơ cứ thật thơ thì sẽ vượt lên xác chữ của muôn trùng sóng chữ! Đừng vội bày biện những mâm cao cỗ đầy, hy vọng chờ mong ở một cái gì và bất cứ ai để rồi sẽ vỡ toang sự thất vọng. Tất cả đều có vị thế của nó! Hãy để tự nhiên thuận thiên thì sẽ xanh mãi những lời thơm!

 

Bài thơ “ngày như chiếc lá” chia ra bốn đoạn, vô tình mà hữu ý như sanh già bệnh chết. Vậy thì còn ngần ngại gì những ánh nhìn chúc phúc cho nhau, nụ cười nhoẻn lên thật tươi chào ngày mới, soi mình trong gương với gương mặt thật dễ nhìn! Tiếc gì cái chìa tay đầy thương yêu và quý nhau như hôm nào mới gặp!

 

Một dịp nào đó sẽ nói nhiều hơn về những thanh âm ấy, trong bài thơ, tôi thật ấn tượng với những dòng như:

 

“khi dẫm lên một sáng trong lành”

“trong gốc cây không”

“tháng năm sâu chớp mắt một ngày”

“một bóng trăng thanh”

 

Mà thôi, chúng ta hãy cùng nhau tận hưởng những dòng chữ trào ra từ một tâm hồn không ghìm được cảm xúc của tình thương kịp nhận lại mình ở hôm nào và bây giờ vẫn không hai!

 

ngày lìa tháng rơi rơi

như chiếc lá xa cành

bước chân mềm đau nhói

khi dẫm lên một sáng trong lành

 

lá dài ngắn

ngày vàng xanh

ngày đỏ trắng nhanh

lá rụng khỏi cành

chất đầy đêm trăng

 

ngày

mọc ra như lá

đêm đón mai về

để ngọn gió đông

trong gốc cây không

linh hồn trầm mình bao kiếp

tháng năm sâu chớp mắt một ngày

 

ngày dài ngắn

lá vàng xanh

dưới bạt ngàn lớp lớp cây cành

một bóng trăng thanh”

         

(Ngày như chiếc lá, trích trong tập thơ Dòng sông không vội,

NXB Hội Nhà văn ấn hành 2017 của nhà thơ Trần Lê Khánh).

 

26.01.2018

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Vấn đề sinh thái trong thơ Việt – Nguyễn Thanh Tú

>> Tết này anh có về không? – Nguyễn Đình San

>> Tiểu thuyết vẫn đặt ra những câu hỏi lớn nhất cho nhân loại – Nguyễn Chí Hoan

>> Quyền của Thời Gian – Lê Thị Thanh Tâm

>> Nguyễn Cường – Chỉ mình tôi ngồi với tôi thôi – Nguyễn Minh Khiêm

>> Thơ sinh ra để nói về niềm hy vọng của con người – Văn Giá

>> Tự mình đẩy mình lên mênh mông – Đặng Huy Giang

>> Thơ của… nhà văn – Hồng Diệu

>> Ánh sáng và bóng tối trong Đêm trinh của Nguyễn Vỹ – Nhật Chiêu

>> Thơ ca, nghệ thuật và tính nhân văn tôn giáo – Hồ Sĩ Vịnh

 

  

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…