Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng?

1372

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà văn Nguyễn Linh Giang quê quán tỉnh Quảng Trị, sinh sống và làm việc 30 năm tại TPHCM, Hội viên Hội Nhà văn TPHCM năm 2022. Ông vừa xuất bản tập tản văn: “Sông vẫn chảy đời sông” (NXB Thanh niên, 2023). Văn chương phương Nam trân trọng giới thiệu tác phẩm “Ai nhớ người chăng, ôi Nguyễn Hoàng” được rút từ tập tản văn “Sông vẫn chảy đời sông” đến với bạn đọc.

Phùng Hiệu chọn và giới thiệu

Nhà văn Nguyễn Linh Giang

Năm 1940, thi tướng Huỳnh Văn Nghệ đã từng cảm khái: “Từ độ mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long/ Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng…” (Nhớ Bắc)

Nguyễn Hoàng xuất thân từ một gia đình danh giá ở Thanh Hóa; ông là con trai thứ của Nguyễn Kim, một công thần có công lớn trung hưng triều Lê. Bởi người anh trai cả là Nguyễn Uông đã bị anh rể là Trịnh Kiểm mưu hại giết chết; lo cho tính mạng của mình, Nguyễn Hoàng nhờ chị ruột là Ngọc Bảo – vợ của Trịnh Kiểm lựa lời xin cho mình vào trấn nhiệm xứ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm cũng muốn mượn tay quân Chiêm để giết Nguyễn Hoàng, vả lại đất Thuận Hóa vốn đang là đất dữ, lam sơn chướng khí nên tâu với vua Lê cho Nguyễn Hoàng ra đi. Sau khi mật sai người đến hỏi Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm về cách tránh họa và Trạng Trình cho câu sấm: “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (Một dải núi ngang, có thể dung thân muôn đời), Nguyễn Hoàng đã lên thuyền về phương Nam với nhiều tráng đinh, nghĩa dõng quê nhà huyện Tống Sơn (Thanh Hóa) cùng nhiều dư dân miền Thanh- Nghệ. Theo sử sách, Nguyễn Hoàng và đoàn tùy tùng rời Thanh Hóa vào Thuận Hóa, lên sông Quảng Trị, đóng Dinh ở làng Ái Tử vào khoảng từ ngày 10 tháng 11 đến 10 tháng 12 dương lịch năm 1558. Đoàn tùy tùng khá đông, gồm có 1000 binh sỹ và chiến thuyền.

Tại sao Nguyễn Hoàng lập Dinh tại làng Ái Tử thuộc vùng Cửa Việt? Nhìn lại, làng Ái Tử ở chỗ đất bồi cao, có sông con Ái Tử và sông lớn Quảng Trị chảy ra Cửa Việt. Làng Ái Tử ở xa rừng rú, trống trải, rất thuận tiện cho việc phòng thủ. Trấn Thuận Hóa của Nguyễn Hoàng trải dài từ sông Gianh tới Hội An (Quảng Nam), vùng Cửa Việt ở trung tâm, nên lập Dinh tại đây dễ kiểm soát và liên lạc vào phía Nam hay ra phía Bắc.

Tại Ái Tử, Nguyễn Hoàng bắt đầu mở kế sách thu phục lòng người, ban bố hiệu lệnh nghiêm minh, ra thông cáo chiêu hiền đãi sỹ, bước đầu giảm sưu thuế cho dân nên toàn dân khắp vùng mến mộ, những bậc hiền tài tìm đến giúp rất đông. Ái Tử trở thành một nơi đô hội, dân sống ấm no hạnh phúc, xưng tụng Nguyễn Hoàng là Chúa Tiên. Giờ đây, Nguyễn Hoàng như con rồng đủ vây cánh, đã thoát khỏi lao lung, bay vút lên trời xanh, lộ diện một con người phi thường.

Sau một thời gian đóng cơ dinh tại Ái Tử, thấy vùng này chật hẹp, trống trải nên năm Canh Ngọ (1570), Chúa Tiên mới dời dinh đến làng Trà Bát cũng thuộc huyện Vũ Xương. Dinh mới ở Trà Bát kiên cố và lớn hơn nhiều so với dinh Ái Tử. Cũng vào năm này, Nguyễn Hoàng được vua Lê phong làm Tổng Trấn tướng quân kiêm nhiệm hai xứ Thuận – Quảng. Nhận được sắc phong, Chúa Tiên càng ra sức củng cố lực lượng, lập đồn trại ở những nơi hiểm yếu để phòng giữ, mở mang các trục lộ giao thông, cắt đặt các trạm để tiện việc liên lạc và đi lại. Chúa Tiên cho tổ chức lại quân đội, tuyển mộ quân sỹ và huấn luyện kỹ càng, nhờ vậy ông có một đội quân hùng hậu. Nguyễn Hoàng thi hành chính sách khai hoang phục hóa, đưa dân đi lập những ấp mới, cung cấp lương thực thực phẩm cho họ trong những năm đầu, đồng thời cho miễn thuế trong một trời gian. Khi đánh thắng giặc Lập Bạo, Nguyễn Hoàng đã không giết hàng binh mà cho họ ở lại sinh sống, khai phá vùng đất mới. “Chúa cho ở đất Cồn Tiên (tức tổng Bái Ân) đặt làm 36 phường”. Cảm kích trước ân nghĩa lớn lao của Nguyễn Hoàng, các thế hệ con cháu của họ thuộc tổng Bái Ân đã dựng miếu thờ Nguyễn Hoàng ở An Định Nha (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Nhờ những chính sách táo bạo của Nguyễn Hoàng, diện tích canh tác tăng nhanh, lúa gạo dồi dào; ông lại khuyến khích buôn bán, trao đổi vật phẩm giữa các miền, nhờ thế một vài nơi đã trở nên trù phú.

Không chỉ coi trọng buôn bán giữa các miền, các chúa Nguyễn đã mở mang giao thương với nước ngoài. Cảng Cửa Việt và xứ Trà Liên được sử sách nhắc đến như một thương cảng đô hội nhất Đàng Trong bấy giờ. Dựa trên những ghi chép của các nhà truyền giáo của thế kỷ XVI- XVII và những nghiên cứu của L.M Cadière sau này cho thấy các thương thuyền của Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Áo Môn… đã đến đây chào “quan Tổng trấn” (tức Nguyễn Hoàng và sau này là Nguyễn Phúc Nguyên). Chính sự sầm uất của cảng Cửa Việt đã khiến tàu nước ngoài vào cướp bóc cư dân ven biển vùng này và Nguyễn Phúc Nguyên đã vâng lệnh cha, dẫn mười thuyền chiến đi đánh tan hai thuyền của tướng giặc là Hiển Quý vào năm 1585.

Thế lực của Nguyễn Hoàng ở phía Nam đã được xác lập khi nhận quyền trấn thủ Quảng Nam năm 1570. Ông cắt đặt các tướng trấn nhậm những vùng xung yếu, cử Lương Văn Chấn vào huyện Tuy Viễn giữ yên ranh giới phía Nam và đến năm 1597 giao cho Lương Văn Chấn chiêu mộ cư dân khẩn hoang lập làng dựng ấp vùng Phú Yên, mở ra một quá trình Nam tiến của Nguyễn Hoàng. Thế lực của Nguyễn Hoàng mạnh thêm khi Khám lý phủ Hoài Nhơn – Bình Định – Trần Đức Hòa, người có thế lực lớn (vốn là bề tôi của nhà Lê) đến yết kiến, đã chắp cánh cho Nguyễn Hoàng có thêm sức mạnh buổi đầu cai trị vùng đất phương Nam. Lê Quý Đôn trong “Phủ biên tạp lục” đã ghi lại công lao của Nguyễn Hoàng trong những năm cai trị như sau: “Đoan Quận công có uy lược, xét kỹ, nghiêm minh, không ai dám lừa dối. Cai trị hơn mười năm, chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, dùng phép công bằng, răn giữ bản bộ, cấm đoán kẻ hung dữ. Quân dân hai xứ thân yêu tin phục, cảm nhân mến đức, dời đổi phong tục, chợ không bán hai giá, người không ai trộm cướp, cửa ngoài không phải đóng, thuyền buôn ngoại quốc đều đến mua bán, đổi chác phải giá, quân lệnh nghiêm trang, ai cũng cố gắng, trong cõi đều an cư lạc nghiệp” (1).

Với sự mở đầu của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và sự kế tục của con cháu, đất nước ta đã được tiếp nhận nguồn của cải mới, đó là cả vùng đất phía nam giàu có, là các cuộc giao thương thương mại với các nước phương Tây mà Hội An, Thanh Hà, Đại Phố, Gia Định, Hà Tiên đã làm cho đất nước đứng vững sau những năm tháng suy vi. Tầm nhìn của Chúa Tiên đã vượt qua miền Chăm Pa, hướng đến vùng đất Thủy Chân Lạp. Chúng ta phải ghi nhận tầm nhìn chiến lược và công lao to lớn của Chúa Tiên trong cuộc chấn hưng đất nước, mở cõi về phương Nam. Cả cuộc đời Nguyễn Hoàng đã đặt nền móng quan trọng cho công cuộc phát triển Đàng Trong, mở cõi của các chúa Nguyễn, bắt đầu bằng việc đặt phủ Phú Yên năm 1611. Từ năm 1611 dưới thời Chúa Tiên đến năm 1757 dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, trong vòng 146 năm, đất nước đã được mở rộng từ Phú Yên đến Cà Mau, xác lập vững chắc chủ quyền trên vùng đất mới, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ngay đến giờ phút dọn mình để về với tiên tổ, Chúa Tiên đã ân cần nhắn nhủ với người kế vị mình – thế tử Nguyễn Phúc Nguyên, Hoàng tử thứ 6; cầm tay con, ông dặn: “Đất Thuận- Quảng phía bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi Sơn) bền vững. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân dụng binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ xây dựng cơ nghiệp muôn đời. Ví bằng thế lực không địch được, thì cố giữ vững đất đai để chờ thời cơ, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta” (2). Đó là ngày 13 tháng 6 năm Quý Sửu (1613); Chúa Tiên lâm bệnh, sai gọi thế tử Nguyên về dặn dò xong việc nhà, việc nước thì chúa băng, thọ 89 tuổi. Lúc đầu, mộ chúa táng ở Thạch Hãn, sau cải táng về vùng núi La Khê thuộc huyện Hương Trà.

Một ngày mùa hạ năm 2013, tôi đứng dưới trời Ái Tử, nơi từng là Cựu Dinh và nghĩ về cuộc đời của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Mây trắng vẫn bay như… 400 năm trước, mây đã từng bay như thế!

Quảng Trị, mùa hạ năm Quý Tỵ – 2013.

Nguyễn Linh Giang

…………………………….

(1): Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục, NXB Khoa học, 1964, tr.42.

(2): Quốc sử quán triều Nguyễn. Đại Nam thực lục tiền biên, bản dịch của Viện Sử học, NXB Sử học, Hà Nội 1962, tập I, tr.44.