Tiếng gọi trong chiều muộn – Truyện ngắn của Hương Văn

31

1.

Về tới phòng trọ, Binh cởi phắt chiếc áo công nhân dính đầy mồ hôi lẫn mạt gỗ ra. Trời đang gay gắt nắng bỗng nhiên mây đen ùn ùn sà xuống. Tưởng sẽ có trận mưa to nên vừa tan ca Binh đã phải chạy về thật nhanh. Bây giờ người mỏi nhừ nhưng nóng quá. Căn phòng bé tí quá ngột ngạt không thể ngả lưng được. Sực nhớ tới chiếc quạt treo tường mới mua cách đây mấy hôm, Binh lẹ làng bước sang phòng lão Tứ mượn chiếc khoan tay. Ơ hay! Lão đi đâu mà để cửa mở toang thế kia. Trừ Binh ra, cả xóm trọ không ai ưa gì lão. Lão đi đâu thế nhỉ?

Theo quán tính đến nhà khi chủ đi vắng, Binh cất tiếng gọi hờ:

– Bác Tứ ơi! Bác Tứ…

Không một tiếng đáp lại. Binh liều bước vào. Bàn chân vừa chạm nền nhà nghe lạo xạo toàn cát bụi. Một bộ quần áo nhàu nhĩ và lem luốc vứt toẹt ngay góc giường. Chiếc giường kê sát vách trải cái chiếu cũ rách tươm, xộc xệch. Trên sợi dây mắc mùng, cái áo thun mốc đen mốc xì treo lủng lẳng. Binh lắc đầu ngán ngẩm nhưng cố đưa mắt tìm chiếc khoan. Kia rồi! Nó nằm một góc trên cái bàn gỗ cũ kĩ và hôi hám, khuất sau bộ bình li dính đầy bợn trà đen quánh.

Ba phút… Mười phút… Quạt được gắn xong thì cơn đói cũng chườm tới. Nhưng phải tắm cái đã. Vừa xối nước lên người, Binh vừa mỉm cười khi tưởng tượng ra tô cháo vịt nóng hổi có bỏ hành phi thơm phức đang ở trước mặt. Quán cháo ngay ngã ba, nhanh sẽ có ăn thôi.

Đến nơi, Binh ngẩn người vì hôm nay quán đông khách quá. Chưa kịp tìm ra chỗ ngồi thì bỗng nghe giọng nói ồm ồm gọi giật ngược:

– Ới Binh! Lại đây!

A! Lão Tứ. Binh bước tới như một cái máy. Thì ra lão tới đây từ chiều giờ. Chỉ mình lão ngồi một bàn nhưng đã có mấy chai bia ngả rạp dưới chân. “Rật”, lão lấy răng cạy nắp một chai bia khác, rót đầy vào cái li phía đối diện, bọt xù lên và tràn ra lênh láng. Lão nâng li bia lên nhá nhứ, giọng phả ra luồng hơi men la đà:

– Uống đi chú mày!

Vừa dứt lời, lão ngửa cổ nốc ừng ực. Đang đói rã người, Binh chỉ nhấp vài ngụm đáp lễ. Ăn lót dạ xong sẽ nhập cuộc. Vừa ngồi đợi Binh ăn, lão Tứ vừa hất cằm về phía chủ quán theo kiểu tinh nghịch:

– Chú mày có tin tao tán đổ con Hoa không?

Hoa là người đến từ Quảng Ngãi, nghe đâu đã một đời chồng. Giọng ả hơi khàn thô, làn da ngăm đen, được cái dáng người cân đối, chắc khoẻ. Ả có tài nấu ăn, làm mồi nhậu rất nhanh và ngon. Quán mới mở mà khách khứa đông nườm nượp. Chỉ có điều ả tợn lắm, không đùa được đâu. Hôm trước, một đám choai choai kéo tới đây ăn nhậu, chẳng hiểu tiền bạc thiếu đủ thế nào mà cả đám đòi xông vào đánh Hoa. Tưởng đâu dễ ăn hiếp đàn bà goá bụa, trong tức khắc, ả vung vỏ chai bia đập choang vào cột quán và liệng luôn cổ chai vào thằng đứng gần nhất. Không thương tích gì nhưng bọn ấy sợ xanh mặt, chúng vội leo lên xe rồ ga chạy mất hút.

Nghe lão Tứ nói chắc như bắp, Binh suýt phun cái phù miếng cháo đang húp dở. Không lẽ, lão trốn Binh đi chơi, đi nhậu một mình là vì đắm đuối Hoa đến thế ư? Hai người chênh nhau hơn chục tuổi chứ ít gì. Nhìn đôi dép lê mòn vẹt và cái quần kaki bạc phếch của lão là đủ thấy mất đẳng cấp đàn ông quá rồi. Lão mà giở trò coi cứ ăn vài cú đấm sưng mặt chứ chẳng chơi. Cố giấu đi những suy nghĩ chẳng mấy hay ho, Binh đáp lại bằng một câu vô thưởng vô phạt:

– Tài nghệ của bác mà. Em nào dám cản.

Thế mà lão Tứ ra chiêu thật. Lão gọi thật to, kéo dài giọng ra:

– Cho thêm dĩa gỏi vịt ngon nhứt. Em… yêu!

Những cái đầu lô nhô đang chụm vào nhau tán gẫu từ các bàn khác đều quay phắt về phía lão. Binh cũng ngạc nhiên không kém. Úi chà. “Em… yêu!” Phải mặn mòi lắm người ta mới phát ra những ngôn từ tình tứ như thế. Lão này bạo miệng quá.

Chưa đầy năm phút, dĩa gỏi vun đầy gồm thịt vịt trộn với khế chua và rau thơm được bưng ra. Lão Tứ chép miệng chèm chẹp. Lão rót luôn một cái giọng ngọt như mía lùi mời mọc Hoa:

– Ngồi uống với tụi anh đi cưng!

Im lặng.

– Chỉ cần cưng ngồi xuống đây thôi, anh sẽ bo thêm nè! – Lão rút ngay tờ năm mươi ngàn trong túi ra nài nỉ. Miệng cố cười thật tươi. Những chiếc răng xỉn đen của người nghiện trà và hút nhiều thuốc lá lộ ra rất vô duyên. Chẳng thấy hiệu nghiệm gì, lão liền khoèo sang bên trái chộp lấy cổ tay Hoa. Ả dựng nảy người như đỉa gặp phải vôi và giật phắt tay ra. Mắt vằn lên tia nhìn giận dữ, ả quát to:

– Ông muốn gì? Ăn lẹ, uống lẹ giùm chút đi. Trông thấy mà gớm! Đúng là… Tứ cụt.

Một tràng cười khả ố của đám nhậu vang lên. Mặt lão Tứ sượng trân. Nhưng lão đã nhanh trí chữa thẹn bằng cách vung bàn tay lành lặn vỗ đánh đét vào đùi. Bàn tay còn lại thõng xuống chân để cố giấu những ngón đã bị cụt. Lão vụng về đọc đôi câu thơ học lỏm ở đâu đó:

– Một trà, một rượu, một đàn bà. Ba thứ lăng nhăng nó hại ta. Ha ha ha. Ừ thì Tứ cụt. Cụt hết. Có sao đâu. Hơ hơ!

Không thấy ai phản ứng gì nữa, lão nhứ li bia về phía Binh:

– Uống đi chú mày! Không say không về. Uống đi…

2.

Chiều hôm sau, lão Tứ lại sang phòng Binh. Tay xách hẳn một chai rượu trắng kèm theo gói mồi khô. Lão khoe đấy là mực tẩm của chủ xưởng gỗ cho, hai anh em ngồi lai rai đỡ buồn. Binh định chọc lão bằng một câu dí dỏm: “Bác uống vào lại nhớ em Hoa thì biết làm sao?” Nhưng bộ dạng thất thểu và khuôn mặt buồn thiu của lão khiến Binh không thể trêu đùa được.

Từ khi quen biết nhau đến nay, chưa khi nào Binh thấy lão Tứ nhiều tâm trạng như vậy. Vừa nhấm rượu, lão vừa kể lể, giọng thều thào như người mới ốm dậy. Lên đây làm việc ngót nghét mười lăm năm, lão từng có một chặng lẫy lừng lắm. Đấy là thời điểm lão làm ở xưởng sản xuất gỗ sơ chế. Ông chủ thu mua cây rừng về, chỉ cần lột vỏ đi, cưa ra khúc rồi đóng thành khối đem bán. Nhân công không yêu cầu kĩ thuật mấy, cứ chắc khỏe, dẻo dai là được. Dù không qua khoá đào tạo nào, miệng lão nói tay lão làm liếng quơ. Lương nhận gấp rưỡi, gấp đôi người bình thường. Đùng một cái, gặp vận đen đủi, bàn tay hái ra tiền của lão bỗng bị lưỡi cưa bén ăn sứt luôn bốn ngón. Còn mỗi ngón cái ngo ngoe. Lão vật vã với thương tật cả nửa năm trời. Việc nặng lương cao không làm nổi nữa, đám thanh niên trai tráng giành phần hết cả. Hiện tại lão làm quản đốc – nghe có vẻ cao sang đấy nhưng nhiều lúc bị ông chủ quát như chửi chó mắng mèo. Nhục, nhục lắm. Ấy thế mà mụ vợ và đàn con nheo nhóc ở quê đâu chịu hiểu cho lão. Lão tặc lưỡi mấy cái khi nhắc đến vợ. Mụ gầy quắt gầy queo, chẳng được tích sự gì, chỉ có tài mắn đẻ và cái miệng lúc nào cũng “tiền, tiền, tiền”. Từ ngày bị thương tật, lão chỉ về quê vào hai dịp: tết và giỗ cha. Còn thì toàn viện cớ bận rộn rồi ở biệt trên này. Chán, cứ nghĩ đến vợ con là lão thấy chán chết đi được. Giờ gặp Hoa, lão bảo đây chính là duyên phận muộn màng. Được gần Hoa như được dùng một liều thuốc bổ, sự sống bản năng của lão lại trỗi dậy như chàng thanh niên mười tám. Bằng mọi cách, lão sẽ tán đổ ả. Bấy lâu nay, lão sống buông thả, nhếch nhác, bừa bộn quá rồi. Có đàn bà chung chạ, có nơi ăn chốn ngủ mới đàng hoàng tươm tất được.

Trời đã nhá nhem tối. Dãy trọ có hơn mười phòng mà bây giờ vắng tanh như chùa sau ngày mùng một. Họ đi tìm vui hết cả rồi. Binh nhìn ra sân, nén một tiếng thở dài sau hớp rượu đắng. Động viên lão Tứ bằng cách gì. Ừ thì, trong cái rủi lão cũng còn gặp may đấy chứ. Chủ xưởng gỗ vốn là kẻ tinh tường, biết dùng người đúng việc. Bàn tay phải của lão tật nguyền nhưng bù lại đôi tai rất thính và mắt tinh hơn cú. Chuyện gì hay dở lão cũng thưa trình với chủ được. Cho lão nghỉ ngang chừng vừa mang tiếng ác vừa không tận dụng được nguồn công năng vốn có đó.

Công việc của lão Tứ khá nhàn nhã, thỉnh thoảng còn được ăn chia một số khoản khác. Cái khó là lão phải dốc sức quản thúc và bắt lỗi công nhân. Lão phải nhớ thật kĩ từ cái nhỏ nhặt nhất của mọi người để cuối tuần báo lại cho chủ. Đừng hòng ai thoát được. Nghe bọn Cường kể những chuyện ma mãnh về lão, Binh nơm nớp sợ. Không biết khi nào lão sẽ “chiếu tướng” mình đây.

Bóng tối đã tràn vào căn phòng nhỏ. Không nhìn rõ mặt người, Binh uể oải đứng dậy bật điện. Rượu vào thì lời ra, lão Tứ ngồi lâu quá. Thấy Binh không còn hứng thú, lão lảo đảo đứng dậy phủi cái đít quần nhàu nhĩ, giọng rề rà: “Thôi. Còn ít chú mày uống hết đi. Tao về.”

3.

Gần đến trưa Binh mới tỉnh dậy, mắt dáo dác nhìn xung quanh. Qua khung cửa sổ đang hé mở, thứ ánh nắng non vàng cùng cơn gió hanh hao len vào. Căn phòng lạ lẫm càng thêm lạnh. Kéo được tấm chăn đắp kín ngực, Binh ngỡ ngàng không hiểu vì sao mình lại nằm ở một nơi lạ hoắc. Hương thơm dịu nhẹ của nước xả vải thoang thoảng trên cái chăn nghe như có hơi thở đàn bà. Quái thật. Kể từ hôm uống cùng lão Tứ, chiều nào cũng mắc mưa, người đã muốn cảm sốt rồi, hắt hơi xì mũi liên tục. Hôm qua đi làm về, hai khớp gối kêu răng rắc như báo bệnh, muốn ra quán ăn tô cháo cho ấm bụng rồi về ngủ nhưng lại gặp ngay bọn Huy, Cường ngồi nhậu ở đấy. Từ chối mãi không được, Binh bị ép uống gần chục lon bia Saigon. Tàn cuộc, cả ba thằng chân nam đá chân chiêu rời khỏi quán. Sáng nay không hiểu sao mình lại nằm ở đây.

Cánh cửa phòng xịch mở.

– Ai đấy? – Binh cố nghiêng mặt ra, giọng yếu xìu hỏi.

Người đàn bà đẩy mạnh cửa bước vào, không nói năng gì. Tay bưng li nước màu vàng nhạt, dưới li kê một chiếc khăn nhỏ. Có vẻ li nước còn nóng lắm. Bộ đồ vải lụa rộng nhưng hơi mỏng thấp thoáng những đường cong trên cơ thể đẫy đà của người đàn bà hơn ba mươi. Mắt Binh lọt thỏm vào một vùng da thịt mát mẻ nhưng không kém phần gai góc. Vẫn khuôn mặt lạnh lùng, Hoa đặt nhẹ li nước lên đầu giường, vòng tay đỡ hẳn người Binh dậy. Miệng ả lầm bầm trách móc: “Đã yếu mà cứ đòi ra gió! Nhậu cho lắm vô!” Dư âm của cơn say và trận sốt li bì khiến Binh không thể nói đỡ một câu nào. Môi miệng khô ran và đắng ngắt. Đàn ông xa nhà, không cờ bạc gái gú thì rượu chè là chuyện khó tránh. Hoa bán quán nhậu mà đi trách đứa uống bia rượu là thế nào. Binh ráng gượng cười. Người cứ đơ ra như một đứa trẻ ngoan ngoãn để Hoa lau mặt, lau cổ. Đưa li nước tận tay Binh, Hoa nói như ra lệnh:

– Uống đi! Thuốc giải đấy!

Binh run rẩy cầm lấy li và nhắm mắt uống. Tưởng đắng nhưng ngon quá. Nước đậu xanh pha đường âm ấm, ngọt thơm phải biết. Một loáng đã thấy người nhẹ hẳn đi, Binh lấy hết can đảm hỏi:

– Rồi… rồi tối qua cô ngủ ở đâu?

Vẫn giọng khàn thô của người xứ Quảng, Hoa trả lời cộc lốc:

– Dưới nền nhà chứ đâu. Kéo được ông vô đây cũng một giờ sáng rồi. Tui biết ngủ chỗ nào khác nữa.

Mặt Binh bỗng đỏ bừng bừng như da gà đá. Chết cha. Chuyện này mà tới tai lão Tứ thì toi thật.

4.

Chiều thứ bảy, xưởng gỗ vẫn bận rộn như thường. Tiếng máy bào, máy cưa kêu kin kít. Những thanh gỗ thả vào nhau va đập loạn xạ. Hỗn độn và dấm dẳng. Hơi nóng từ hai cái lò sấy phía cuối xưởng bốc ra. Khu chế biến đã thấp tè lại càng ngột ngạt. Bụi gỗ bay đầy, lưng áo người nào cũng ướt như tắm. Còn một đống gỗ chưa được ghép mộng. Binh đuối quá rồi. Có ráng cỡ nào cũng chẳng thể xong. Uống mấy liều thuốc cảm rồi mà đã khỏi bệnh hẳn đâu. Người cứ lề bề lệt bệt thế này. Tai ù ù như cối xay lúa. May quá, đang muốn bỏ dở để trốn về thì Cường ở đâu chạy tới nhanh như sóc. Vừa giúp Binh ghép gỗ, miệng gã vừa liến láu:

– Ráng đi anh. Chút về chị Hoa thưởng. Hì hì!

– Lạy ngài. Tém tém cái miệng lại – Vừa nói Binh vừa thả người ngồi phịch xuống, tay quệt vội mồ hôi đầm đìa trên mặt. Chuyện không ra ngô ra khoai mà cu Cường cứ bép xa bép xép thế này. Mệt quá. Tai bay vạ gió như chơi. Coi chứ lão Tứ đang nấp rình đâu đó cũng nên.

Đúng thế thật. Không gì lọt qua tai mắt lão rồi. Liền sau tiếng dép lê lẹt xẹt, lão gằn:

– Cường! Việc mày đâu phải ở đây? Ra dọn đống dăm bào gấp!

Gọi là đống nhưng chỉ có ít dăm gỗ rớt dưới máy bào. Việc chẳng có gì to tát nhưng thế nào cũng bị bêu tên và trừ lương. Cường xịu mặt xuống, bước đi lầm lũi nhưng không quên buột ra câu chửi thề. “Đ.m. Đúng là Tứ cụt!”

Đi qua đi lại trước mặt Binh, thay vì vỗ vai động viên đàn em như mọi khi, lão Tứ lấm lét nhìn Binh như dò xét. E hèm. Chú mày thế mà láo. Láo quá. Dám qua mặt anh à. Dám ăn ngủ với người tình trong mộng của anh cơ đấy… Ôi chao! Ai cũng thừa biết lão say Hoa như điếu đổ. Dù không dám lộ liễu tán tỉnh như trước nhưng nhất cử nhất động của ả đều được thu gọn vào tầm ngắm của lão. Hoa đi nửa bước, lão theo nửa bước. Nghe đâu lão còn đi rình ả tắm và bị chộ hẳn xô nước lên đầu. Lão đang giận cá chém thớt đấy chứ. Gần tháng nay, Binh có bén mảng ra quán đâu. Sau trận ốm, nghĩ tới bia rượu còn sợ hơn cả trẻ con sợ ma quỷ. Ra đấy gặp người quen lại nốc vào, không ngã gục mới lạ. Ở quê, Binh còn hai thân già trông cậy cả vào mình. Mẹ lại bị tai biến nằm chỗ. Một ngày nghỉ làm là hụt ngay tiền mua thuốc cho mẹ rồi. Thời gian đâu mà nghĩ đến yêu với đương. Thế mà đám người đông như kiến kia cứ việc thêm dầu vào lửa. Có giải thích thế nào cũng không dẹp được miệng mồm của họ. Lão Tứ đang ráo riết phục kích như vậy, lương bổng biết có nhận đủ hay không…

5.

Thời tiết năm nay lạ thật. Đã lập đông rồi vẫn thấy nóng. Những cơn mưa chuyển mùa cũng lặn đâu mất. Nắng không gắt gao mà ui ui thật khó chịu. Đám lá giòn khô rơi đầy trên mái tôn và tấp xuống thành bãi, cạnh những đống gỗ đang chờ sấy. Từ hôm nhập thêm cây về, công nhân phải tăng ca liên tục, máy móc hoạt động hết công suất vẫn không ngớt việc. Ai cũng đứ đừ. Cuối tuần xưởng mới tạm cho nghỉ vài ngày để mấy anh kĩ thuật bảo trì động cơ, điện đài và thay lưỡi cưa, lưỡi bào. Binh sẽ tranh thủ về thăm nhà. Dạo này mẹ yếu quá.

Bỗng một tiếng nổ vang như sấm phát ra từ phía lò sấy. Ngọn lửa bùng lên cháy dữ dội. Khói nhanh chóng tỏa ra tứ phía. Những tiếng la hét thất thanh dội tới. Cháy! Cháy! Đám công nhân hoảng loạn, nháo nhác tìm cách chạy thoát ra ngoài. Lửa lan nhanh quá. Binh cũng điếng người, thả vội thanh gỗ xuống, sớn sác chạy theo gót họ. Tiếng còi báo động của xe cứu hỏa cất lên inh ỏi. Khói lửa vẫn mù mịt một góc trời. Mặc cho mấy anh dân quân cấm cản, đám dân thường gần đấy đổ xô tới cổng, ai cũng hớt hơ hớt hải tìm người thân quen của mình.

Mãi đến khi đám cháy được dập tắt, người ta mới kịp hoàn hồn. Chưa ai rõ nguyên nhân nhưng hậu quả ghê gớm quá. Cả lò gỗ bị cháy rụi, sặc mùi than đen. Năm người bị bỏng, trong đó lão Tứ bị nặng nhất. Thật không ai tin nổi. Lò sấy cách lối đi một đoạn khá xa, lão đi đứng kiểu gì mà lọt vào đấy. Lúc Binh tới nơi, lão đã được sơ cứu nhưng xem chừng nguy kịch lắm. Nửa khuôn mặt trái đã bị biến dạng. Da ở cánh tay và đùi trái bị tróc hẳn ra, thịt đỏ lừ rất đáng sợ. Bên sườn cũng bị mấy mảng bỏng to. Bộ quần áo cũ rách tơi tả, lem luốc. Lão nằm co quắp và rên ư ử trong sự đau đớn thê thảm. Không ai ưa gì lão nhưng tình cảnh này không thể bỏ lơ được. Cấp cứu! Cấp cứu! Phải đưa mấy người bị bỏng đi cấp cứu ngay thôi. Tiếng gào thét vẫn liên hồi.

Một lát sau, hai chiếc xe cứu thương cũng kịp đến. Huy lật đật chạy tới phụ Binh khiêng lão Tứ vào cáng. Trong hơi thở hổn hển, anh chàng thắc mắc mãi: không hiểu có chuyện gì mà mấy bữa nay lão Tứ lạ lắm, hiền lành ra mặt. Bọn Huy xúm lại tán gẫu cả tiếng đồng hồ mà lão cứ ngồi rít thuốc miết thôi. Ui chao! Chỗ lão ngồi có phải gần đám lá giòn khô rơi thành từng bãi cạnh đống gỗ chờ sấy hay không? Nếu sơ ý, một điếu thuốc hút dở rất có thể đã gây ra vụ cháy. Ôi thôi, việc ấy có người khác lo, không khéo cái miệng hại cái thân thì khổ nữa. Binh răm rắp leo lên xe theo lời cô y tá. Vì theo thủ tục nhập viện, phải có người làm thân nhân, kí tá giấy tờ cho lão Tứ.

6.

Binh về quê được bốn hôm thì trở lại xóm trọ. Mua được ít thuốc cho mẹ, dúi vào tay cha vài triệu là hết nhẵn. Còn hơn chục triệu bạc để dành đã đưa cho vợ lão Tứ rồi. Gọi là mượn tạm nhưng tiền ấy có trông gì lấy lại. Lão bỏng nặng quá, một số vùng bị nhiễm trùng đỏ loét rất dễ hoại tử. Binh chăm lão được một đêm thì vợ lão đến thay. Quả đúng như lời lão kể, mụ gầy tong teo. Hai cái chân bé xíu tập tềnh bước vào phòng bệnh. Vừa thấy chồng quấn đầy băng trắng nằm bất động, mụ đã la toáng lên, tru trời réo đất. “Ới ông ơi…” Binh ngồi suốt buổi nghe mụ khóc than và sốt sắng về tiền. Tiền lão gửi về, mụ để riêng nộp học phí, học thêm cho mấy đứa con cùng lúc. Ruộng đất có tới năm sào nhưng mùa màng thất bát. Khi được mùa thì nông sản lại mất giá. Được bao nhiêu cũng chỉ đủ cho mấy cái tàu há mồm trong nhà. Giờ mụ biết xoay xở, chạy vạy ở đâu ra để lo cho chồng. Không đành lòng phớt lờ những lời than vãn thảm thiết ấy, Binh liền rút ngay tiền ra dúi vào tay mụ. Vậy mà đã được yên thân đâu, mụ cứ gọi để nhờ vả suốt. Binh về chăm mẹ mới vài bữa đã phải trở lại xóm trọ để thu gom đồ đạc đem về cho lão Tứ.

7.

Một ngày ở lại xóm trọ trôi qua thật ảm đạm. Ngoài đường vắng vẻ hơn bao giờ hết. Chợ búa chỉ lèo tèo vài người tới lui. Binh lững thững bước vào. Những cánh cửa im ỉm đóng. Xưởng gỗ là nơi kiếm miếng cơm manh áo của biết bao người. Giờ tản lạc đâu hết rồi. Mong sao công việc sớm trở lại bình thường. Nồi cơm manh áo mới mong đủ đầy như trước được. Nhưng thôi, trước mắt Binh cần làm tròn trách nhiệm với vợ chồng lão Tứ đã. Mọi việc từ từ tính sau.

…”Tách.” Chiếc chìa khoá mở tung cánh cửa. Mùi ẩm mốc, gián chuột ô uế quá. Không có gì đáng giá, một tay Binh bịt mũi, một tay quơ vội mấy bộ quần áo, khăn lau mặt, mấy đồ nghề lặt vặt. À, còn phải đem lên cả chiếc ấm siêu tốc nữa.

Nhấc chiếc ấm lên khỏi kệ, Binh phát hiện ra dưới đáy có kê một tờ giấy in những dòng chữ màu xanh nhạt. Đúng hơn là một tờ phiếu siêu âm. Của ai thế nhỉ? Binh tò mò lẩm nhẩm đọc.

PHIẾU SIÊU ÂM THAI LẦN 1

Họ và tên: Trần Thị Mai Hoa.

Tuổi: 32

Địa chỉ: …

Kết quả: Một bào thai sống trong tử cung khoảng 5 tuần tuổi.

Ngày… tháng… năm…

Bác sĩ: …

Binh há hốc miệng. Mắt tròn xoe ngơ ngác. Sao tấm phiếu siêu âm ấy lại nằm trong phòng lão Tứ. Hai người đã mặn nồng cùng nhau rồi ư. Hoa bị chồng bỏ vì bao năm chung sống ả không thể sinh cho hắn một mụn con. Vậy mà… Lão Tứ đáo để thật.

Sốt sắng vì muốn biết thực hư thế nào, Binh đánh liều ra quán cháo. Quán không một bóng khách. Láo liếng dòm quanh mới thấy Hoa đang ngồi như tượng dựa vào cửa phòng ngủ với cặp mắt đỏ hoe, đờ đẫn. Thấy Binh bất ngờ xuất hiện, ả giật nảy mình và giãy chân đành đạch, cổ ngửa lên trần nhà, hai tay tự đấm thùm thụp vào ngực mình, những tiếng nấc nghẹn phát ra như gặp nỗi oan khiên:

– Chết, tui chỉ muốn chết quách cho rồi. Binh… ơi! Ơi trời đất ơi!

Binh lúng ta lúng túng nhưng cứ đứng tần ngần trước mặt Hoa. Ba mươi lăm tuổi vẫn chưa lần nào hết vụng về trước đàn bà con gái. Tình cảnh này, Hoa đang đau khổ hay hận thù đây. Người đời bảo ghét của nào trời trao của đó. Vả chăng, sự theo đuổi riết ráo của lão Tứ đã làm xiêu đổ nỗi cô đơn nơi đất khách quê người và niềm khao khát rất đàn bà của Hoa. Nhưng cả hai đều là người từng trải, sao lại để những cuồng nhiệt ái ân gây ra hệ lụy khó lường thế này. Dẫu có đau đớn hay hận thù cũng phải cố mà giữ lấy giọt máu ấy. Con là trời cho. Chết đi có hết tội được đâu.

Tưởng tượng cảnh lão Tứ đang quấn đầy băng trắng nằm bất động trên giường bệnh, Binh định quay về xách bịch đồ để kịp bắt xe lên bệnh viện. Mấy thứ lỉnh kỉnh đã gói ghém xong cả rồi. Nhưng khuôn mặt buồn rũ của Hoa khiến Binh không thể rời nửa bước. Muốn lại gần an ủi ả một câu hoặc nắm lấy bàn tay từng tận tình chăm sóc mình khi say khi ốm nhưng sao khó quá. Đã có lúc ranh giới giữa hai người chỉ là một làn áo mỏng tanh mà tại sao… Rào cản vô hình nào đã cướp đi cơ hội để Binh được trao nhận những êm ái, nồng nàn với Hoa? Ở quê, cha già mẹ yếu chỉ còn một mong đợi duy nhất là Binh có vợ sinh con. Khi ngẫu nhiên tìm được sự đồng điệu chớp nhoáng nhưng cũng đủ để làm con tim bối rối thì nỗi hãi sợ nhất của Binh chính là lão Tứ. Binh thừa hiểu lão không thể lìa bỏ vợ con mà đến với Hoa cả đời được. Nhưng nếu Binh không tránh xa Hoa, lão mà trả đũa thì chì chài mất hết. Học vấn kém cỏi lại gặp phải thời buổi khó khăn, tìm đâu ra việc làm nào ổn định hơn để đem tiền về phụng dưỡng cha mẹ. Ở đời, hai thứ tình tiền luôn mâu thuẫn nhau và khiến người ta hại não nhất. Giờ lão Tứ lo cái mạng của mình không xong, Hoa có thù hận hay đau khổ cũng có bấu xé lão ra được đâu. Cái thai cũng đâu thể giấu mãi được. Sậc! Ra sao thì ra, Binh không thể bỏ rơi Hoa lúc này được. Một giờ khắc được nhận ân nghĩa thì cả đời sẽ mãi mang ơn.

Chần chừ thêm một lúc, Binh mới dám bước tới ngồi cạnh Hoa. Nước mắt chát mặn còn vương đầy trên má trên cổ người đàn bà nửa đáng trách nửa đáng thương ấy. Binh rụt rè vén mái tóc lòa xòa, nhẹ kéo đầu ả vào lòng mình. Nhưng thay vì ngoan ngoãn dịu dàng, Hoa vùng vằng thoát khỏi Binh và chạy thục mạng ra đường lớn. Binh chẳng hiểu mình có tội tình gì mà bị đối xử vậy. Nhưng sợ Hoa làm liều nên cũng cuống cuồng thả cả dép chạy theo. Hoa! Hoa… ới ơi!

Đổ dài theo vệt nắng vàng nhẹ cuối chiều, trong nháy mắt hai cái bóng nhấp nhô đã kịp hòa nhập vào nhau…

Theo Hương Văn

Văn nghệ Quân Đội