Bùi Tự Lực – Gặp lại Khăm-phon

1093

21.01.2018-07:00

Nhà văn Bùi Tự Lực

 

Gặp lại Khăm-phon

 

TRUYỆN NGẮN CỦA BÙI TỰ LỰC

 

NVTPHCM- Hai mươi lăm năm sau tôi gặp lại anh bạn người Lào, tên anh là Khăm-phon; ngày ấy Khăm-phon làm việc ở khu vực Hoà Khánh (hay còn gọi là Khu Cảng Lào). Đất nước Lào không có bờ biển, nên ta cho bạn mượn một phần vịnh Đà Nẵng ở đoạn bờ Hoà Khánh, thuộc quận Liên Chiểu làm cảng.

 

Lâu lắm rồi mới gặp lại nhau, trông Khăm-phon già hơn và cũng thêm nhiều nét phong trần từng trải. Khăm-phon bảo rằng bây giờ anh ta có rất nhiều tiền, giàu sang rồi, sẽ chiêu đãi tôi những bữa tiệc tùng sang hết cấp, muốn gì cứ nói, sẽ được chiều tới bến.

 

Không khách khí gì hết, tôi vẫn giữ được sở thích như năm xưa, cứ la cà nhậu vỉa hè. Chúng tôi kéo nhau ra vỉa hè đường Nguyễn Tất Thành; ra đó để nhậu và cũng muốn khoe với anh bạn Lào một con đường được gọi là to, dài và đẹp nhất của thành phố Đà Nẵng bây giờ.

 

Đi xa lâu ngày nay mới được trở lại, Khăm-phon nhận xét rằng: Đà Nẵng thay đổi nhiều quá, không còn nhận ra Khu Cảng Lào năm xưa; đường Nguyễn Tất Thành là một con đường ven biển dài, rộng và đẹp, nhưng… hơi bẩn. Mà cũng không sao, đã nhậu vỉa hè là chấp nhận hơi bẩn, đổi lại bầu không khí đất trời khoáng đạt và tự do.

 

Đường Nguyễn Tất Thành về chiều giống như một cái chợ nhậu vỉa hè khổng lồ, bắt đầu từ chân cầu dây văng Thuận Phước (Quận Hải Châu) kéo đến tận bãi biển Nam Ô (quận Liên Chiểu), với chiều dài hơn chục cây số. Những món đồ nhậu tươi sống đa dạng và ngon không có chỗ chê, trên cả sự phong phú của rừng vàng biển bạc, giá cả lại rất mực bình dân.

 

Chạy một vòng hết con đường Nguyễn Tất Thành, chúng tôi chọn một bãi nhậu đông người nhất, một chỗ ngồi sát ria đường. Chưa vội ngồi xuống, Khăm-phon đứng chống tay nhìn ngược ngó xuôi, rồi xổ ra một tràng tiếng Lào nghe loảng xoảng “xia xả xí xỏn… dun xa chi mảy”. Mặt tôi nghệch ra như ngỗng ỉa.

 

– Nói gì thế? – Tôi hỏi.

 

Khăm-phon dịch ra tiếng Việt:

 

– Nói rằng con đường này rất to, rất dài, lại gắn một cái tên cũng to và dài không kém, nhưng hình như ý thức của người dân Đà Nẵng… hơi bị nhỏ và ngắn!

 

Tôi hiểu ngay là anh bạn chê cái không khí nhộn nhạo xô bồ, nhà cửa nham nhở và rác rưởi xả đầy giống như một cái nền chợ quê sau lúc tan tầm. Mới gặp lại nhau đã chê người ta rồi! Đúng như phong cách người Lào, nghĩ sao nói vậy.

 

Khăm-phon với tôi cùng tuổi Giáp Ngọ (1954), lại có thời gian làm việc ở Việt Nam khá lâu. Sau vài ly sương sương, chúng tôi bỏ qua nghi thức xã giao quốc tế tình hữu nghị Việt – Lào, mà quay lại cách xưng hô mày tao chi tớ như năm xưa.

 

Khăm-phon nói thông thạo tiếng Việt như tiếng Lào. Giữa không khí đất trời khoáng đạt và tự do, trong gió chiều có vị mằn mặn của biển, mùi oi nồng của đất, cái lao xao xô bồ ồn ả của chợ nhậu bình dân vỉa hè, chúng tôi nói chuyện với nhau như hai thằng bạn Việt Nam đích thực.

 

Khăm-phon nói:

 

– Mày cứ coi tao là một thằng Việt Nam nhé, người Việt Nam chúng mày có nhiều tính rất xấu – Anh ta đưa tay chỉ và nói tiếp – Dưới mỗi bàn nhậu đều có một cái giỏ rác khá đẹp, nhưng các loại xương xẩu thải ra và giấy lau, có mấy ai bỏ vào đó đâu; các bợm nhậu cứ vất xả ra vỉa hè. Mấy thằng chó, ả mèo vô tư luồn lách dưới bàn nhậu kiếm ăn; mỗi cơn gió thoáng qua các loại giấy má đuổi nhau từng đàn như bươm bướm.

 

Thầm khen gã Lào này có cái nhìn khá hình ảnh và hơi hài hước, tôi chận ngang:

 

– Thay mặt mấy thằng bợm xấu ấy, xin lỗi! Bỏ qua, “ Một…hai…ba…zdô” một ly “chít cái đổng” tức là chổng cái đít!

 

Khăm-phon uống một hơi trơn lu và để lại một nụ cười hiền không thành tiếng rất chi là Lào.

 

Hắn ta lại khều tay tôi, rồi chỉ ra đường nói:

 

– Mày nhìn ba thằng thanh niên choai choai kia kìa! Mỗi lần muốn đi sang đường, đáng lẽ phải nhìn trước ngó sau, không có xe “là ta phải vù qua mau”, kẻo ảnh các phương tiện đang lưu thông; đằng này chúng nó cứ tà tà dung dăng dung dẻ dắt díu nhau đi qua, vừa đi vừa bô bô nói chuyện điện thoại, coi như cả con đường này chỉ có một mình chúng nó.

 

Tôi chửi thầm trong bụng, “Đ. má cái thắng Lào này chê ta nhiều quá, phải cho nó chết say thôi”, tôi lại chận ngang:

 

– Thay mặt mấy thằng choai choai ấy xấu, xin lỗi! Bỏ qua, “ Một…hai…ba…zdô” một ly “chủ cái không” tức là chổng cái khu!

 

Cứ như thế, nhìn chung quanh cái bàn nhậu, nó cứ bới ra không biết bao nhiêu cái xấu của “Người Việt Nam chúng mày”: Lại mấy thằng thanh niên mặt đỏ bầm như gà chọi, không đội mũ bảo hiểm phi xe như bay đánh võng trên đường; mấy cái xe bán kẹo kéo bật loa thùng hết công suất đứng hát “tân cổ giao duyên” ông ổng giữa đường phố, góp vào dàn đồng ca đã hổn náo càng thêm hổn náo quanh làng nhậu; mấy cô, mấy bà buôn thúng bán mẹt cứ như lũ “oanh tạc cơ” lăn vào bỏ trái cây, đậu phụng… xuống bàn, bất chấp khách nhậu có cần hay không, một lúc sau quay lại vòi tiền, “bỏ xuống bàn rồi không ăn cũng phải trả!”. Mà có kiểu bán buôn quái lạ! Một người bỏ gói đậu phụng luộc mà có mấy người đến đòi tiền? Hàng chục các bà, các cô  như thế, trong lúc bia rượu lơ mơ làm sao nhớ được ai ra ai; ngồi nhậu sang như cán bộ công chức thế này, lẽ nào lại đi cãi nhau đôi co với họ, thôi thì trả quách đi cho rồi, có tốn thêm tiền chút ít nhưng mà được cử chỉ chơi sang!

 

Cứ sau khi Khăm-phon chỉ ra một cái xấu nào đó, tôi lại “Thay mặt mấy ai đó… xấu, xin lỗi! Bỏ qua, lại xáp vô “Một…hai…ba…zdô” một ly chổng cái chi chi đó.

 

Mẹ kiếp! Thằng bạn ở bên kia dãy Trường Sơn, không có biển mà sao uống bia cừ thế, cầm li trút một cái là vô hết, hình như nó không có cuống họng; lại còn nhìn thành phố anh hùng của mình nhiều cái xấu như thế?

 

Nghe thắng bạn Lào chê người mình nhiều quá, nói có sách mách có chứng, nói đến đâu chỉ ra đến đó, bụng tôi tức dội ngược như bị ép uống bia, nhiều lúc muốn cãi, nhưng không thể cãi được, người thực việc thức cứ phơi bày sờ sờ ra đó thì cãi làm sao được; đã đến lúc máu tự tôn dân tộc trong tôi dù cố dồn nén xuống cũng phải sôi lên như sôi bụng khi bội thực chè đậu đen, tính khí bốc men cùng bia rượu.

 

Tôi nổi đoá phang lại:

 

– Ông bạn nên nhớ rằng, Việt Nam là một dân tộc anh hùng nhất mọi thời đại, từng đánh bại những tên đế quốc sừng sỏ nhất thế giới của thế kỷ hai mươi; nhìn lại lịch sử xưa xửa là xưa, so với các vương triều nhà Nguyễn, Tây Sơn…, thì người Ai-lao của các anh chỉ là hạng man di hạ đẳng đấy nhé!

 

Thấy tôi nổi khí xung thiêng, lần này Khăm-phon lại là người nâng ly hạ hoả:

 

– Xin được đại xá! Xin lỗi! Xin lỗi người đại diện cho một dân tộc anh hùng! “Một…hai…ba…zdô” một ly “chổn cái lồng” tức là chổng cái lòng.

 

Khăm-phon hô hơi to, mấy người ngồi nhậu ở bàn bên nghe được cười xoà, vì cách nói lái của người Lào.

Khăm-phon uống một hơi trơn lu, rồi đưa tay bắt thân thiện, lại gửi theo một nụ cười hiền không thành tiếng rất chi là Lào.

 

Đêm hôm ấy tôi về đến nhà, hàng xóm đã tất đèn ngủ yên. Tiếng tôi gọi cửa vang xa cả một góc phố. Vợ tôi phải chạy ra đỡ lấy xe và diều tôi vào nhà. Tôi bước đi xiêu vẹo, miệng lẩm bẩm câu nói thay cho lời chia tay của Khăm-phon: “Phải biết quên đi mình là người anh hùng, để nhìn vào những khuyết tật mà tiến lên cùng thời đại!”

 

 

TRUYỆN NGẮN:

 

>> Váy ướt quấn vào bắp chân – Đỗ Bích Thuý

>> Hội xuân con Mén đi đâu? – Mai Hương

>> Đường mưa – Tống Ngọc Hân

>> Người quê – Y Mùi

>> Hạt phấn cuối cùng – Lê Quang Trạng

>> Xin hãy tin em – Nguyễn Thị Thu Huệ

>> Dưới chân đèo cả – Chu Quang Mạnh Thắng

>> Tạp hoá – Phát Dương

>> Tết sớm ở làng chài – Nguyễn Quốc Trung

 

 

>> ĐỌC TRUYỆN NGẮN TÁC GIẢ KHÁC…