Cảm nhận bài thơ “Nói với con cuối năm” của Lưu Quang Vũ

1805

Nguyễn Thị Việt Nga

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Nói với con cuối năm” là bài thơ được Lưu Quang Vũ viết năm 1972, đề tặng Lưu Minh Vũ, con trai đầu của ông. Lúc đó Lưu Minh Vũ mới gần ba tuổi. Bối cảnh ra đời của bài thơ có nhiều điều đặc biệt.

Nhà thơ Lưu Quang Vũ

Điều đặc biệt thứ nhất là bài thơ ra đời vào một ngày cuối năm, cái ngày mà con người dù đi xa muôn nẻo cũng gắng tìm cách trở về quê hương, sum họp bên gia đình. Cái ngày gợi sự sum vầy ấm áp, gợi sự tất bật hạnh phúc trong những công việc chuẩn bị đón chào năm mới. Ngày giáp Tết, ai chưa trở về gia đình, quê hương, không trở về gia đình, quê hương được do những nguyên nhân “bất khả kháng” nào đó rất dễ chạnh lòng…Điều đặc biệt thứ hai là bài thơ ra đời trong hoàn cảnh chiến tranh, trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc đang ở chặng gay go, khốc liệt nhất. Ở hoàn cảnh ấy, điều thường trực trong cuộc sống con người không phải yên bình, no ấm, tươi vui mà là những nơm nớp âu lo. Cái đặc biệt thứ ba, bài thơ được viết trong khi đời tư của Lưu Quang Vũ vừa trải qua sóng gió, như anh xa xót nói với đứa con bé bỏng của mình: “Con ơi con hãy tha thứ cho cha/ Cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được”. Chính từ những đặc biệt trong bối cảnh ra đời ấy, âm hưởng chung của bài thơ thật buồn. Nhưng không chỉ có nỗi buồn. Trong nỗi buồn, Lưu Quang Vũ không hề tuyệt vọng. Anh vẫn nhìn về phía trước bằng đôi mắt tin yêu, hy vọng vô cùng trong trẻo. Lời thì thầm tâm sự cùng con của tấm lòng người bố thật cảm động biết bao.

Chiều cuối năm, không khí Tết nhất thật nhộn nhịp:

         Hoa mận nở trắng vườn

         Năm sắp hết

         Chợ quê rộn rịp

         Vàng hương nếp mới lá dong xanh

Dẫu đang trong thời chiến, những đau thương luôn rình rập con người, nhưng năm hết Tết đến, không khí làng quê vẫn vô cùng chộn rộn. Dường như con người quên đi mọi buồn lo, hiểm họa để hân hoan với thời khắc năm mới đang đến gần. Thế nhưng, trong hoàn cảnh ấy, không khí ấy, nhà thơ và con trai thật lạc lõng, thật bơ vơ. Bởi lẽ, đây là cái chộn rộn, đông vui của “làng sơ tán”, nơi cha đến để “thăm con”, chứ không phải không khí chộn rộn của quê  hương, của gia đình thân thuộc. Vì vậy, có sự côi cút, có sự cô đơn đến trĩu lòng. Hai cha con không hòa vào khung cảnh giáp tết đang đông vui ấy:

         Hai cha con ngồi trên bờ đê cao

         Sông chiều ngút khói

         Gió rạp mình cỏ dại

         Sau lưng Hà Nội sương mờ

Ám ảnh về chiến tranh hủy diệt cuộn lên nhức nhối:

         Thành phố vừa trải qua

         Những trận bom hủy diệt

Trước con trai thơ ngây và bé bỏng, lòng nhà thơ dầu đang “dập nát” bởi những nỗi đau: nỗi đau đời tư và nỗi đau lớn của toàn dân tộc bỗng trỗi dậy những cảm xúc trái chiều. Vừa xa xót cho con bởi con phải sinh ra và lớn lên trong vòng lửa đạn, phải chịu sự chia lìa cha mẹ do chiến tranh và do cả mẹ cha, lại vừa ấm lòng trở lại bởi sự thơ ngây, đáng yêu con trẻ. Nhưng lớn hơn tất cả là nỗi âu lo:

         Con mới gần ba tuổi

         Tia nắng sớm mong manh chùm lá mới

         Đêm của đời gió bão đã dài lâu

Những lo âu ấy không thể nói được cùng con, Lưu Quang Vũ nói với mình, xa xót với mình. Trẻ thơ luôn là những nạn nhân vô tội nhất của chiến tranh, là những nạn nhân vô tội nhất của sự tan vỡ gia đình. Dẫu nguyên nhân có từ đâu đi nữa, dẫu sự chia tay đối với người lớn có là cần thiết đi chăng nữa, thì những đứa trẻ vẫn là nạn nhân… Nhìn con trai vô tư “Tập gọi tên những sự việc trên đời/ Tập tin lời người lớn” “hát ngọng nghịu”, nhà thơ bỗng thấy lòng dịu lại, ấm áp hơn, bớt khổ đau, mất mát hơn:

         Áp trán vào gò má thơ ngây

         Cha bỗng thấy chẳng còn gì đáng sợ

Có vẻ như phi lý khi chỗ dựa, nơi chở che cho người cha đang tan nát cõi lòng vì khổ đau, mất mát lại là đứa trẻ chưa đầy ba tuổi. Nhưng đó là điều dễ hiểu và có lý vô cùng. Sau những tan hoang, đau đớn, sau những đổ vỡ và thất vọng, đối diện với sự thơ ngây thánh thiện, đối diện với niềm tin nguyên sơ và trong trẻo của con, nhà thơ thấy bình tâm trở lại, thấy những ưu phiền được gột rửa. Nếu trong thế giới này, mọi người đều sống thơ ngây, đáng yêu như con trẻ, ắt hẳn những nỗi đau không có lý do gì để sinh ra. Từ đầu bài thơ, Lưu Quang Vũ chỉ thầm thì nói với chính mình trong tâm trạng buồn bã, cô đơn và đau xót. Khi bên con, bình tâm trở lại, anh mới nói với con. Những lời nói với con là những câu thơ hay nhất của bài:

         Cha dạy con mến thương tất cả

         Rồi tự con sẽ biết căm thù

         Cha dạy con tin yêu từ ngọn cỏ

         Rồi mai sau con sẽ nghi ngờ

Lời nói với con cũng là triết lý sống sâu sắc và rất nhân văn. Thông thường, sau những đổ vỡ, đớn đau, con người hay chán ghét cuộc đời, con người sẽ trở nên khép lòng và nghiệt ngã. Niềm tin sẽ không còn. Nhưng Lưu Quang Vũ lại khác. Trong đau xót, nhà thơ vẫn “dạy con mến thương tất cả” “dạy con tin yêu từ ngọn cỏ”. Trong cuộc sống này, chỉ nên dạy cho trẻ thơ, chỉ nên hướng con người tới những điều tốt đẹp và nhân ái. Những điều tốt đẹp và nhân ái ấy sẽ dẫn dắt con người, sẽ giúp con người tự biết bảo vệ mình, biết sống thế nào cho ý nghĩa. Lưu Quang Vũ đã tự vượt lên được nỗi đau, vượt lên những “thói thường” để nhìn xa trông rộng, để dạy con cách sống làm người. Bởi vậy, bài thơ kết thúc thật ấp áp. Niềm tin lại được nhóm lên, lại cháy sáng:

         Chiều bên sông gió rét

         Con lặng nhìn tít tắp bãi ngô xa

         – Bên kia sông có gì hở cha?

         – Bên  kia sông có đường đất đỏ

         có ruộng mía trỗ cờ trắng xóa

         những vườn đầy quả ngọt những đồnghoa

         …

         Cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha

         – Bên kia sông nhiều bướm nhiều hoa

         rồi cha con ta sẽ tìm được con đò

         đi sang bên ấy.

“Bên kia sông” chính là cuộc sống trước mắt, cuộc sống ở thì tương lai. Cuộc sống ấy không còn chia lìa, không có những buồn tủi, đớn đau, mà chỉ toàn “những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa”. Dẫu cho hiện tại có chua xót, cay đắng đến đâu, nhà thơ vẫn luôn luôn nhìn về phía trước, vẫn có một niềm tin bất diệt ở tương lai. Niềm tin ấy an ủi con người, giúp con người đứng vững hơn trong nỗi buồn. Buổi chiều cuối năm không còn gió rét, xác xơ mà ấm lên trong niềm hy vọng ngập tràn về một ngày mai tươi sáng hơn.

N.T.V.N

 

 

Nói với con cuối năm

Tặng Lưu Minh Vũ

Cha lên làng sơ tán thăm con
hoa mận nở trắng vườn
năm sắp hết
chợ quê rộn rịp
vàng hương nếp mới lá rong xanh

Hai cha con ngồi trên bờ đê cao
sông chiều nhút khói
gió rạp mình cỏ dại
sau lưng Hà Nội sương mờ
thành phố vừa trải qua
những trận bom huỷ diệt
lòng cha giờ dập nát
những xác người máu loang
biết nói gì với con
đôi mắt trẻ đen tròn ngơ ngác thế
cuộc chiến đã mấy chục năm trời
con mới gần ba tuổi
tia nắng sớm mong manh chùm lá mới
đêm của đời gió bão đã dài lâu

Con bi bô với bàn ghế cỏ cây
tập gọi tên các sự vật trên đời
tập tin lời người lớn
cha làm sao nói được
những khổ đau lầm lạc trên đường
các ác đen xì trong mỗi quả bom
mang mặt đẹp nói cười khôn khéo

Con hát ngọng nghịu
“vịt dắt tay gà đi chơi”
áp trán vào gò má thơ ngây
cha bỗng thấy chẳng còn gì đáng sợ
cha dậy con mến thương tất cả
rồi tự con sẽ biết căm thù
cha dậy con tin yêu từ ngọn cỏ
rồi mai sau con sẽ nghi ngờ
con sẽ trả lời những câu hỏi đời cha

Con cũng sẽ đặt nhiều câu hỏi mới
lòng cha dẫu héo khô cành mận dại
nhựa âm thầm buốt trắng những chùm hoa
con ơi con hãy tha thứ cho cha
cha chẳng thể nào sống cùng mẹ được
đời cha nắng gắt
mẹ con cần mật ngọt của đồng vui
con khôn lớn trên đời
hãy yêu thương mẹ
và hãy hiểu cho cha

Tết hoà bình đầu tiên
đất nước nghèo xơ xác
cha cũng chẳng đủ tiền
mua cho con áo đẹp
chiều bên sông gió rét
con lặng nhìng tít tắp bãi ngô xa
– Bên kia sông là gì hở cha?
– Bên kia sông có đường đất đỏ
có ruông mía trổ cờ trắng xoá
những vườn đầy quả ngọt những đồng hoa.
– Có bươm bướm không cha?
– Có, có rất nhiều bươm bướm
Con thì thầm trong hơi thở mạnh
– Sông rộng thế làm sao sang được?
Cha ôm con vào lòng, con bé bỏng của cha
– Bên kia sông có nhiều bướm nhiều hoa
rồi cha con ta sẽ tìm được con đò
đi sang bên ấy.

Lưu Quang Vũ

1972