Chấn hưng văn hóa Việt Nam từ góc nhìn di sản văn hóa

527

Hà Thanh Vân

Vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Đây là một chương trình có ý nghĩa quan trọng, với mục tiêu tạo ra những  động lực và nguồn lực cho sự phát triển của văn hóa Việt Nam. Từ đó, cùng với các phương diện khác như chính trị, kinh tế, xã hội… góp phần phát triển bền vững đất nước. Đề xuất đưa ra mức 350.000 tỷ đồng cho giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2035. Trong chương trình này, việc phát huy và bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam là một nội dung quan trọng.

Cần có một tư duy mới trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa

 

Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đưa ra 9 nhóm nội dung chính: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, thúc đẩy sự phát triển văn học nghệ thuật, phát triển công nghiệp văn hóa, đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học – công nghệ trong lĩnh vực văn hóa, phát triển nguồn nhân lực văn hóa, hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.

Di sản văn hóa theo cách hiểu thông thường là những giá trị tinh thần và yếu tố vật chất mang tính truyền thống mà con người đã tạo ra và truyền lại qua các thế hệ. Di sản văn hóa thường phản ánh những khía cạnh quan trọng của văn hóa và xã hội trong quá khứ và hiện tại. Di sản văn hóa có thể là những di tích lịch sử và kiến trúc; là nghệ thuật và văn hóa biểu diễn như tranh, điêu khắc, âm nhạc, múa và diễn xuất; là phong tục tập quán, lễ hội; là ngôn ngữ; là những sản phẩm đồ thủ công; là những kiến thức có từ lâu đời về y học, nông nghiệp, thiên văn…

Như vậy di sản văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc xác định và duy trì tính chất văn hóa của các cộng đồng, quốc gia, và nhân loại trên toàn cầu. Bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa là một phần quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy phát triển sự đa dạng và sự hiểu biết giữa các nền văn hóa khác nhau.

Tuy nhiên, từ trước đến nay, dù đã có Luật Di sản văn hóa, được ban hành năm 2001, thì vẫn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về di sản văn hóa, thậm chí có những quan niệm sai lệch hay coi nhẹ vai trò của những di sản văn hóa. Mặc khác, vẫn tồn tại nhiều quan điểm xem di sản văn hóa là một lĩnh vực riêng, không nằm trong tổng thể bức tranh phát triển chung của văn hóa Việt Nam, dẫn đến nhiều cách hiểu cho rằng di sản văn hóa chỉ cần bảo tồn mà không cần phát triển, hay đóng khung theo hiểu cách hiểu cứng nhắc về bảo tồn. Vụ việc gần đây minh chứng cho những quan điểm khác nhau là Cục Di sản văn hóa và một số nhà khoa học đã không thống nhất với nhau xung quanh khuôn khổ Hội thảo khoa học quốc tế “Engaging with Vietnam” (Kết nối Việt Nam) tại Huế. Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) có văn bản nhắc nhở Sở Văn hóa và Thể thao Huế về việc tổ chức trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (có sự tham gia của các thanh đồng). Trong khi đó nhiều nhà khoa học chuyên ngành về di sản văn hóa lại có ý kiến ngược lại, cho rằng hoàn toàn có thể tổ chức trình diễn và điều này khác với việc thực hành nghi lễ trong một không gian tâm linh. Rõ ràng đã đến lúc phải đánh giá, xem xét, thừa nhận vai trò của di sản văn hóa trong việc chấn hưng nền văn hóa Việt Nam.

Chấn hưng văn hóa việt nam từ góc nhìn di sản văn hóa: từ tư duy đến biện pháp trong thực tiễn

Ngay từ những dòng chữ đầu tiên của Luật Di sản văn hóa đã viết: “Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam và là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta”. Như vậy, việc giữ gìn di sản văn hóa trong nỗ lực chấn hưng văn hóa đất nước phải là việc chung của mọi công dân Việt Nam, với những hình thức phù hợp.

Tăng cường các chương trình, dự án để bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa: Để đảm bảo rằng di sản văn hóa Việt Nam được bảo tồn và bảo vệ, cần phải có các chương trình và dự án để duy trì và bảo quản các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, những nghệ thuật truyền thống, nghề thủ công… Các cơ quan chính phủ, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và cộng đồng cần hợp tác trong việc này. Cần huy động hết các nguồn lực, thông qua việc trùng tu, bảo tồn, sửa chữa, đào tạo… để bảo vệ các di sản văn hóa. Nhìn từ phương diện quản lý nhà nước, năm 2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ban hành Quyết định số 869/QĐ-BVHTTDL, giao nhiệm vụ xây dựng Đề án ban hành Chương trình bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa giai đoạn 2021 – 2030 cho Cục Di sản văn hóa chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Cùng với đó là Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên cho đến nay, sự đóng góp của các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam thì còn mờ nhạt, chưa huy động được hết các nguồn lực từ trong nhân dân. Gần đây có việc chiếc ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” của triều Nguyễn đưa ra đấu giá ở Pháp. Chỉ khi báo chí lên tiếng thì mới có những lời kêu gọi quyên góp để có nguồn tài lực mua lại chiếc ấn và đưa về Việt Nam. Như vậy, cần phải tăng cường tính chủ động trong việc kêu gọi xã hội hóa các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản.

Giáo dục và tạo nhận thức cho công chúng: Tăng cường hiểu biết và tạo những nhận thức về di sản văn hóa Việt Nam là những việc làm cần thiết và quan trọng. Cần tổ chức các buổi triển lãm, hội thảo, khóa học, và sự kiện về văn hóa để giới thiệu di sản văn hóa Việt Nam cho người Việt Nam và những công dân quốc tế có quan tâm. Đặc biệt, cần đưa giáo dục về di sản văn hóa thành một bài học quan trọng trong môn học “Giáo dục công dân” ở nhà trường phổ thông. Ở cấp độ đại học và sau đại học, cần có những chính sách như giảm học phí, tặng học bổng… để khuyến khích các sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh theo học ngành Di sản văn hóa. Có như vậy mới phổ biến kiến thức về di sản văn hóa ở một mức độ sâu rộng hơn.

Hỗ trợ và thúc đẩy những công việc nghiên cứu và sáng tạo: Hỗ trợ những công việc nghiên cứu và sáng tạo có liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam. Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ, các tư nhân có khả năng có thể tài trợ các dự án nghiên cứu cụ thể, hỗ trợ các nghệ nhân dân gian và nhà nghiên cứu để họ có cơ hội nghiên cứu, khám phá, tìm hiểu và trên cơ sở đó, vừa bảo tồn vừa tạo ra các sản phẩm nghệ thuật mới. Đặc biệt, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thể đề ra một giải thưởng về di sản văn hóa, trao hàng năm với các nội dung: cho các nhà nghiên cứu, cho các nghệ nhân dân gian, hay cho những thành quả cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

Thúc đẩy sự đa dạng văn hóa và tôn trọng văn hóa của các dân tộc trên đất nước Việt Nam: Cần nhận thức rằng di sản văn hóa Việt Nam được thể hiện qua các khía cạnh đa dạng, phong phú của văn hóa các dân tộc nên cần khuyến khích sự tham gia phát triển và bảo tồn cho di sản văn hóa của các dân tộc anh em. Cần đưa ra những chính sách riêng, cụ thể, phù hợp với văn hóa của các dân tộc. Ưu tiên bảo tồn cho những giá trị văn hóa tinh thần và vật chất có nguy cơ bị thất truyền. Từ nhiều năm nay, đề án khai thác và bảo tồn sử thi Tây Nguyên do Viện Văn hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được xem là một đề án tiêu biểu và thành công với những kết quả khả quan như 37 bộ sử thi đồ sộ của người Ê Đê, Jrai, Bahnar, Xơ Đăng, M’nông đã được sưu tầm, xuất bản sau khi thực hiện đề án

Hợp nhất di sản văn hóa vào cuộc sống hiện đại: Kết nối di sản văn hóa với cuộc sống hàng ngày của người dân và với các lĩnh vực khác như giáo dục, kinh tế và du lịch… Điều này có thể giúp di sản văn hóa trở nên sống động và có ý nghĩa hơn trong cuộc sống của mọi người. Kết hợp cùng với Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các công ty du lịch để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Báo chí và các phương tiện truyền thông nên chăng cần mở thêm những chuyên mục dành cho việc giới thiệu các di sản văn hóa, vừa để phổ biến kiến thức, vừa để nâng cao nhận thức của người dân. Cũng có thể tổ chức các cuộc thi tìm hiểu di sản văn hóa dưới nhiều hình thức: viết bài dự thi, làm game show trên truyền hình…

Hợp tác đa phương và quốc tế: Hợp tác với tổ chức quốc tế và các đối tác khác để chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức, cũng như để tạo ra các dự án và chương trình chung liên quan đến di sản văn hóa Việt Nam. Trong thế giới phẳng như ngày nay, những sự hợp tác về văn hóa bao giờ cũng là như cơ hội không chỉ về mặt tài lực, mà còn là sự học hỏi những kinh nghiệm bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở các nước khác.

Xây dựng và quản lý các không gian nghệ thuật và văn hóa: Xây dựng thêm và quản lý tốt các trung tâm nghệ thuật (nhà hát, trung tâm nghiên cứu…) và văn hóa để tạo ra không gian cho nghệ sĩ và những người đam mê văn hóa có thể biểu diễn và giới thiệu di sản văn hóa thông qua các sự kiện, triển lãm và biểu diễn nghệ thuật.

Như vậy, có thể thấy quá trình chấn hưng văn hóa từ góc nhìn di sản văn hóa là một công việc dài hơi, có nhiều khía cạnh phức tạp và đòi hỏi sự cam kết và tương tác của nhiều bên khác nhau trong xã hội như chính phủ, tổ chức phi chính phủ, cộng đồng và các cá nhân. Nhưng đó cũng là một công việc cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay để có thể chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam.

H.T.V/ Báo Lao Động