Cô y tá nhỏ – Nhỏ mà không nhỏ

3077

25.9.2017-11:10

Nhà văn Tuyết Sương với tiểu thuyết Cô y tá nhỏ

 

Nhỏ mà không nhỏ

 

PHẠM ĐÌNH PHÚ

 

NVTPHCM- Nhỏ mà không nhỏ! Đó là cảm nghĩ sâu sắc đầu tiên, bao quát nhất của tôi khi đọc xong dòng cuối cùng tiểu thuyết Cô y tá nhỏ của nhà văn nhà văn Nguyễn Thị Tuyết Sương, NXB Thanh niên, 4.2005, tác giả đã ưu ái gửi qua email.

    

Có lẽ tôi là bạn đọc muộn màng của tác giả, bởi Tuyết Sương không còn quyển sách nào nữa để tặng. Dẫu sao tôi cũng cảm thấy mình may mắn hơn khá nhiều đồng nghiệp – những chiến sĩ ngành y chưa được đọc Cô y tá nhỏ. Tôi có duyên may hơn các bạn thật đó! Có thể nói là rất may, khi tôi thuộc diện “bổ sung” danh sách đi thực tế về nguồn – chiến khu Đ, do Hội Nhà văn TP.HCM tổ chức, chuẩn bị đề tài thơ văn “Kỉ niệm 50 năm Xuân Mậu Thân 1968”. Và tôi được gặp lần đầu tiên nhà văn Tuyết Sương.

    

Tiểu thuyết Cô y tá nhỏ – những thước phim quay lại – truyện kí về chiến tranh, sống dậy trong tôi một thời ác liệt nhất, gian khổ nhất, nhưng cũng hào hùng nhất của thế hệ tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc ta.

    

Chiến tranh. Cuộc chiến nào cũng vậy, là mất mát, hi sinh nhưng cũng có cả tươi mát, sinh động, hình ảnh sáng chói, bao tấm gương xả thân cao cả, “quyết tử cho tổ quốc mãi còn”, những lí tưởng thơm lùng nhân sinh quan cách mạng, tâm hồn cao đẹp. Một lần nữa, tôi gặp lại ngay trước mắt mình, không phải trong mơ, những đồng đội, đồng nghiệp, những trận đánh, những ý chí kiên trung bất khuất, anh dũng nhất, quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược đến cùng. Một thời đạn lửa – một thời không thể nào quên, một thời thân thương – không có thân thương nào bằng!

    

Là một chiến sĩ quân y từng dép lốp, ba lô, hành quân theo chiều dài đất nước, tham gia các chiến dịch nóng bỏng, có lẽ tôi dễ bị cuốn hút, đồng cảm, ngỡ như sự “phải lòng” cùng “Cô y tá nhỏ” chăng? Những kỉ niệm của người chiến sĩ quân – dân y thời đánh Mỹ hiện về cuồn cuộn trên từng trang tiểu thuyết, từng dòng, từng chữ. Không ít người vẫn nghĩ “Ngành y tế trong chiến tranh chỉ là hậu cần, hậu cứ…”. Không sai, nhưng không hoàn toàn như vậy! Họ cũng là những người lính – người chiến sĩ kiên cường, trực diện trước họng súng, lưỡi lê kẻ thù, trước hòn chông mũi đạn, trước cọp beo, rắn độc, bầy vắt hút máu, sốt rừng ác tính, đói khát, và cả đổ máu hi sinh. Chẳng ai lên gân, tự khen mình, trong đổ nát, gian nan, là một thời hào hùng, rất đỗi tự hào của toàn dân, của ngành y tế dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ.

    

“Cô y tá nhỏ” nhưng không nhỏ, bởi những khái quát sâu sắc cuộc kháng chiến thần kì, vĩ đại của toàn quân, toàn dân kiên trì dành thắng lợi hoàn toàn; bởi những tấm lòng trong sáng,  hồn nhiên, tuy thân hình còi cọc, bé nhỏ nhưng bản lĩnh vững vàng, kiên trung bất khuất, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”; bởi sự trung thực, dung dị trên từng trang sách… Sự logic về nhân sinh quan sống, cảnh vật, tâm trạng, lời thoại cũng rất thật, lung linh, dí dỏm.

    

Tôi rất buồn khi biết một sự thật đau lòng, bác sĩ Quyết – nhân vật Trí trong tác phẩm – đồng nghiệp của mình đã “đi xa” quá sớm do căn bệnh hiểm nghèo. Hà và Trí vành vạnh, rực sáng như một vầng trăng giữa núi rừng đạn bom và cả khi đất nước thanh bình. Hai bạn, hai người thầy thuốc tròn đầy y đức, y thuật, không ngừng rèn luyện, phấn đấu trưởng thành và cống hiến.

    

Hải Hà là hiện thân của tác giả? Đã có người hỏi vậy. Đúng thật rồi! Cô tham gia phục vụ cách mạng từ rất sớm, năm 14 tuổi, và đã trở thành “Cô y tá nhỏ” từ rất sớm, là đồng nghiệp của tôi, tuy chúng tôi chỉ mới gặp nhau lần đầu tại Hội Nhà văn TP.HCM. Đọc tác phẩm, tôi bị lôi cuốn, bởi văng vẳng đâu đó, lúc xa lúc gần, tiếng cười trong trẻo, lời thủ thỉ tâm tình, hồn nhiên, mộc mạc, vô tư, râm ran, nhí nhảnh, lan tỏa suốt chiều sâu, bề dày tác phẩm. Tiếng cười tràn đầy lạc quan, tin tưởng. Tin ngày chiến thắng trở về.

    

Tình yêu Hải Hà và Trí là tình yêu bất tử, trải qua muôn vàn thử thách cân não, vượt qua định kiến vô lí, sự hiểu lầm độc ác, cả những thói đời ích kỉ nhỏ nhen. Tình yêu đôi bạn như lửa thử vàng, lớn dần cùng tình cách mạng, tình đồng đội, đồng nghiệp, gắn liền cuộc chiến tranh và trọn vẹn.

   

Hải Hà tựa bông hoa tươi thắm rực rỡ sắc hương giữa núi rừng bao la, cô xinh dẹp, nhân từ, vui nhộn, hòa đồng, dễ thương. “Cô y tá nhỏ” bị không ít chàng trai, phái mạnh bao vây, tỏ tình, tấn công, có cả lời sàm sở…Nhưng bạn đã chọn mỗi mình Trí – một chiến sĩ thương tật, nghèo khó, đơn côi. Cô từ chối Hoàng, bác sĩ trẻ khỏe, đẹp trai. Đó là niềm hạnh phúc lớn với Hà – lấy được người mình yêu thương.

   

Tình yêu trong sáng, tình bạn, tình đồng chí, đồng đội thủy chung son sắt. Hải Hà ăn năn trăn trở, không thể vuốt mắt được nữa cho Hào, khi địch giết, chặt đầu bạn mang về lĩnh thưởng; Hà gồng mình, gắng sức đưa bằng được thi thể Khang, to cao, nặng hơn mình nhiều, lau mặt, đặt môi hôn bạn mình sắp tắt thở. Nụ hôn vô tư, hồn nhiên, chia sẻ trong vòng tay nồng ấm của Hà. Ôi, còn gì cao đẹp hơn! Người bạn trẻ chắc sẽ yên lòng nơi chín suối.

    

Là người bạn đồng nghiệp, tôi rất đỗi tự hào, vui mừng, chia sẻ, ngưỡng mộ Hải Hà – Tuyết Sương – “Cô y tá nhỏ”. Đó là thước phim sống động, tiếng lòng âm vang mãi, chân thực, đầy trách nhiệm của tác giả. Đọc đoạn kết, không ít người rất hồi hộp, chờ mong, muốn biết ngay, bởi cái kết có hậu, rất đẹp – niềm mong và lẽ đời.

   

Khuất nửa vầng trăng. Mất Quyết (nhân vật có thật tên Trí) khi hành trình cống hiến và hạnh phúc còn dang dở, nhưng Hải Hà được hồi sinh: Những kỉ niệm tươi đẹp, khó phai nơi chiến trường lửa đạn, bạn cũ, bạn mới, bạn đọc khắp cả nước yêu thương, mến mộ. Hạnh phúc hơn, bạn mãi vuông tròn cùng các con thành đạt, đàn cháu vui khỏe, sum vầy.

   

Dẫu gặp nhau chưa lâu, chưa nhiều, tôi thật sự ngưỡng mộ, quí mên, cảm ơn, chúc mừng “Cô y tá nhỏ” – đồng đội, đồng nghiệp thân thương của chúng tôi.

 

                    TP.HCM, 24.9.2017

 

TIN LIÊN QUAN:

 

>> Những thực-thể-chữ-tạo-sinh trong Ga sáng – Hoàng Thuỵ Anh

>> Vài suy nghĩ về lục bát Nguyễn Bính – Đoàn Minh Tâm

>> Hoa mãi trong bàn tay – Tô Hoàng

>> Tâm thức văn hóa Huế trong tùy bút Nguyễn Xuân Hoàng – Trần Hoài Anh

>> Bởi đã thấm đượm hồn ca dao Việt – Võ Quê

>> Chế Lan Viên – Ngọn tháp thi ca hiện đại – Đoàn Trọng Huy

>> Ngôn ngữ độc thoại trong truyện ngắn Nguyễn Thị Thu Huệ – Lộc Hoàng Lê Na

>> Thân thể như tinh thần và thế giới – Nguyễn Chí Hoan

>> Cô đơn, khát vọng và khoảnh khắc trong thơ hiện đại – Trương Đăng Dung

>> Giật mình… Mai Hương – Nguyễn Minh Khiêm

>> Những bước chân nhẹ trên những con đường cũ – Huỳnh Như Phương

>> Phía sau sự dịu dàng lặng lẽ Gia Hoà – Trần Lê Sơn Ý

 

 

>> XEM TIẾP NGHIÊN CỨU – LÝ LUẬN PHÊ BÌNH CỦA TÁC GIẢ KHÁC…