Đặc sắc của Khuất Quang Thụy

1056

Nguyên An

So với các đồng nghiệp cùng trang lứa, Khuất Quang Thụy – đã nổi trội hơn với một loạt tiểu thuyết được có mặt liên tục như: Trong cơn gió lốc (1980), Trước ngưỡng cửa bình minh (1985), Không phải trò đùa (1985), Giữa ba ngôi chúa (1989), Góc tăm tối cuối cùng(1990), Những bức tường lửa (2006), Đối chiến (2010) và mới đây là Đỉnh cao hoang vắng(2016). Khuất Quang Thụy không có được sự mở đầu vang dội như Bảo Ninh, nhưng trong việc có mặt đều đều với văn đàn và bạn đọc ngót 40 năm qua, Khuất Quang Thụy không chỉ thể hiện một sự bền bỉ…

Nhà văn Khuất Quang Thụy

Hồi mới đi lại với nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, tôi nhặt được ở đâu đó mấy câu:

Tôi để ngỏ đời tôi

Mặc mưa sa bão táp

Tôi để ngỏ thơ tôi

Cho người đời đến đọc.

 

Tôi để ngỏ tim tôi

Chờ em vào cấu xé

Chán rồi thì em đi

Nhớ lại về em nhé

Thì cứ tưởng đấy là của ông. Khi hỏi, ông Tạo kêu: Không phải của Tạo đâu, lại hỏi; Cậu không biết cái ông cặp với Trần Đăng Khoa trong thơ Vương Trọng à, rồi ông đọc: Trời sao lại ở chẳng cân/ Kẻ Khuất Quang Thụy, người Trần Đăng Khoa.

Lần theo thơ, tôi thấy Khuất Quang Thụy: người đậm, dáng đi rõ là quả quyết mà không nhanh gọn, gương mặt ít hớn hở mà hơi trầm trầm… Rồi lại nghe người ta kể mà tìm đọc thêm, thì thấy là cái ông bạn nhìn bề ngoài có vẻ thô và khô, té ra lại là người có thơ thương mến điều điệu mà gợi niềm xa xót nào, như là:

Em có nghe thời cuộc

Run trong từng cọng rau

Đói nghèo và dung tục

Nhấn chìm bao thanh cao

 

Hoa nở chẳng vì đâu

Khi vàng con mắt đói

Bếp mỗi chiều vẫn khói

Bởi xóm làng thương nhau.

Tôi chợt nghĩ; Mấy dòng mấy câu ngẫu hứng này của Khuất Quang Thụy mà đến tay Xuân Diệu nhỉ… Nhưng thôi, chuyện ấy bàn sau, bây giờ hãy cứ nói về tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy đã.

Còn nhớ là khoảng những năm 60, 70 của thế kỉ trước, khi truyện ngắn đã có  nhiều thành tựu thì tiểu thuyết viết về chiến tranh dường như mới ở chặng ban đầu của sự phát triển. Tái hiện và mô tả những gì mà tác giả đã thấy theo một cách nhìn có tính chất mô thức rằng bên ta – quân dân miền Bắc và đồng bào đồng chí ở miền Nam là đại diện của chính nghĩa dân tộc và thời đại, nên đẹp đẽ và ngoan cường, đã là cách thức quen thuộc, được thừa nhận rộng rãi và do đó, làm nên giá trị của tiểu thuyết viết về chiến tranh khoảng hơn vài chục năm này.

Ngắm nhìn lại gương mặt chiến tranh trong tiểu thuyết Việt Nam, ta nhận ra, những năm 1980, 1990, bên cạnh vẻ kiên trung, ngời sáng của lí tưởng, đã bắt đầu xuất hiện một ít mảng màu không mấy sáng tươi đẹp đẽ, vốn là một góc khuất lấp có thật của bên ta – bên chính nghĩa, đã được xuất hiện. Với bộ tiểu thuyết Đất trắng (2 tập, 1980 và 1984) của Nguyễn Trọng Oánh, thì trong hàng ngũ quân giải phóng không chỉ có trung dũng kiên cường, mà cũng có kẻ không chịu được gian khổ, muốn có thêm quyền thế mà chiêu hồi theo đối phương, phản lại đồng đội. Còn với Thân phận tình yêu (1991) của Bảo Ninh thì chiến tranh giải phóng Tổ quốc không chỉ là Đường ra trận  mùa này đẹp lắm như thơ Phạm Tiến Duật, mà còn là đói rét, đạn bom tơi bời và hi sinh đủ kiểu…

Một lối viết muốn truy nguyên nguồn gốc chiến công và cả những gian nguy, thậm chí là thất bại, rồi góp phần phân tích, lí giải chiến tranh đã được một số nhà văn tiên phong của văn học thời đổi mới thực hiện dần. Những trang tiểu thuyết về chiến tranh được viết theo hướng này, quả nhiên, đã giúp cho bức tranh hiện thực đất nước đầy đặn và thấm đẫm suy tư hơn. Người đọc qua đó, càng quý trọng thành quả được chung kết vào cái mốc 30.4.1975, đồng thời, họ cũng dần hiểu ra rằng, trên con đường phấn đấu cho lí tưởng độc lập – tự do – hạnh phúc đến mọi nhà, thì quả thật, bên cạnh các chiến công quý báu, đáng tự hào, cũng đã xuất hiện một số nguy cơ mới, ngay trong nội bộ mình.

Tiếp bước tự nhiên theo các bậc đàn anh như Nguyễn Minh Châu (1930-1989), Nguyễn Trọng Oánh (1929-1993), rồi Xuân Thiều và Nam Hà…, Khuất Quang Thụy cũng viết nhiều về chiến tranh. Hình như ông giống Nguyễn Minh Châu hơn, ngay từ buổi đầu đặt chân vào làng văn, là bằng tiểu thuyết, và dường như chỉ tiếp tục bằng tiểu thuyết là chính. So với các đồng nghiệp cùng trang lứa, Khuất Quang Thụy – đã nổi trội hơn với một loạt tiểu thuyết được có mặt liên tục như: Trong cơn gió lốc (1980), Trước ngưỡng cửa bình minh (1985), Không phải trò đùa(1985), Giữa ba ngôi chúa (1989), Góc tăm tối cuối cùng (1990), Những bức tường lửa (2006), Đối chiến (2010) và mới đây là Đỉnh cao hoang vắng (2016). Khuất Quang Thụy không có được sự mở đầu vang dội như Bảo Ninh, nhưng trong việc có mặt đều đều với văn đàn và bạn đọc ngót 40 năm qua, Khuất Quang Thụy không chỉ thể hiện một sự bền bỉ. Hơn 20 năm trước, sau khi đã có mấy tập tiểu thuyết viết về chiến tranh được công chúng chú ý tìm đọc, nhà văn thường tâm sự:

“Những nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước như chúng tôi dĩ nhiên còn lâu mới ra khỏi được “từ trường” của cuộc chiến: Gian khổ và hy sinh, vinh và nhục, tình bạn – cái cao thượng và sự thấp hèn, sự sống và cái chết… tất cả còn ám ảnh chúng tôi và sẽ được trang trải trên các trang viết. Tuy vậy, chúng tôi cũng là những người đặc biệt quan tâm đến cuộc sống ở phía sau lưng mình những năm chiến tranh và số phận của một nhân dân, một đất nước đã bằng con đường nào để thoát ra khỏi đói nghèo và những di chứng của mấy mươi năm binh lửa. Những cái đó không chỉ là đề tài mà còn là sự khắc khoải trong mỗi trái tim người viết – chiến sĩ chúng tôi.” (Nhà văn Việt Nam hiện đại, Nxb Hội Nhà văn, 1997).

Lời tâm sự này vừa có ý nghĩa tổng kết chặng đường sáng tác ban đầu, lại cũng vừa hé mở cho những ai nghiên cứu về Khuất Quang Thụy thấy được quan niệm riêng của ông khi viết về chiến tranh, là viết về cái vinh và cái nhục, viết cái cao cả và cả cái thấp hèn, chứ không chỉ viết về những chiến công chiến thắng; viết về chiến tranh, theo ông, cũng là viết về phía sau người lính, về số phận của nhân dân, đất nước qua/ trong những hình tượng con người cụ thể. Gần 30 năm trước, khi công cuộc đổi mới đang bước vào chặng ban đầu, mà nhà văn ta nghĩ được thế, tức là ông đã đạt được một sự xác quyết rất đáng ghi nhận.

Ai đã có dịp nghiền ngẫm các tập tiểu thuyết dày dặn của Khuất Quang Thụy mà so sánh và suy nghiệm, sẽ có thể nhận rằng: Nhà văn trưởng thành từ lính trận này quả đã tự đặt cho mình một cái đích riêng đúng đắn và thích hợp khi viết về chiến tranh. Theo hướng đích đó, ông đã cặm cụi và mẫn cảm khi đặt bút viết từng chương từng tập với một bút pháp tiểu thuyết vừa có phong vị cổ điển – ổn định, vừa có sự pha trộn phá cách, nhất là ở các cuốn gần đây. Hiện thực chiến tranh giải phóng ở Việt Nam trong các tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy cũng được mở rộng dần. Ở đấy có nhiều hoạt cảnh về anh bộ đội khi tập luyện và sống với dân ở hậu phương, về anh giải phóng quân mưu trí can đảm lúc xung trận, và cả những trường đoạn về tình yêu đôi lứa nồng nàn, tình đồng đội, đồng hương thắm thiết…

Tìm hiểu con đường trở thành một nhà văn nhà thơ của nhiều anh bộ đội hay công an với một số đặc sắc cùng đóng góp của các nhà này với văn thi đàn Việt Nam đương đại, tôi nhận thấy: Trong cả trăm nhà này, phần lớn ở ngày đầu, họ là các cán bộ chiến sĩ làm công tác tuyên văn, trợ lí… số ít hơn, là lính trận, là sĩ quan tác chiến trực tiếp như Khuất Quang Thụy. Đọc văn xuôi của ông, ta nhận ra sắc màu và mùi vị của chiến tranh rất rõ, hình ảnh hình tượng người lính mới vào trận hay đã dạn dày, hình ảnh các cấp chỉ huy cũng đâu ra đấy. Là số đông mà không ai giống ai. Họ chỉ giống nhau ở một điểm; Có trách nhiệm cao, rất yêu thương nhau, rất tỉnh táo và quyết liệt, và cũng hay nhớ nhà một cách cụ thể.

Khi đã nhập cuộc, đã thuộc việc thuộc người, thì nhà văn mới có được một cơ sở thực tế thực tiễn mà dựng nên nhân vật – hình tượng được. Có mấy lần tôi đã từ cái ý này mà hỏi và nghe Khuất Quang Thụy. Nói và bàn nhiều lần như thế, tôi và bạn, với Khuất Quang Thụy lại có lý do để khẳng định rằng:

Vốn đời (vốn chiến trường) quả là có nhiều ít, sâu nông khác nhau, nhưng “ăn nhau” trong tác phẩm, phần nhiều, lại bắt nguồn trực tiếp từ cách nhìn, trình độ nhìn và trình độ giải mã cái kho cái vốn phong phú, phức tạp kia. Không/ hay thiếu cái cách, cái trình này, nhiều tác giả đã lúng túng mà buông bút hoặc có viết mà không thể nào vừa ý mình, chưa nói là thuyết phục được người trong cuộc rồi hấp dẫn luôn người đọc.

Các tiểu thuyết Bức tường lửa, Đối chiếu, Đỉnh cao hoang vắng, của Khuất Quang Thụy, như tôi biết, là đã được tác giả ngẫm ngợi từ lâu rồi mới quả quyết viết ra. Chúng đã được chú ý tìm đọc, đã được đưa ra bàn bạc, tranh luận có lúc khá gay gắt… từ các cấp độ là chi tiết cụ thể…) đến mức cao hơn (gồm các vấn đề, các chùm tư liệu lịch sử…) rồi mới đi đến kết quả là được Bộ Quốc phòng đồng ý, đánh giá cao bằng Giải thưởng của Bộ, kế đó, mới được Hội đồng chuyên ngành văn học các cấp trao giải…

Tại sao lại khó khăn như vậy?

Bây giờ, biết đâu người yêu quý và người chưa thật hài lòng về một số tiểu thuyết viết về chiến tranh của Khuất Quang Thụy và mấy nhà văn khác vẫn còn được một số người đọc bàn thảo với nhau, bởi cái nhìn và trình độ nhìn nhận luôn luôn là vênh chênh với nhau, nhất là trong quá trình thưởng thức và thẩm định tác phẩm/tác giả văn chương.

Vả chăng, chính sự tranh luận về tác phẩm này người ta đang chứng tỏ một trách nhiệm, một sự chu đáo và nghiêm túc. Tôi nói với ông Thụy: Thế là ông có may mắn đấy. Nhà văn cười như vừa trải qua cam chịu một kiếp nạn, lại như ngầm ý; tôi biết mà, tôi biết mà…

Người lính trong tiểu thuyết của Khuất Quang Thụy là nhân vật trung tâm ngay từ những trang đầu tiên, và càng về sau, qua nhiều cuốn nữa, càng trở thành một kiểu/dạng nhân vật thể hiện tập trung quan điểm nhân sinh, và cả quan điểm nghệ thuật của người sáng tác. Họ, là anh học sinh nông thôn vào bộ đội, hay là cấp chỉ huy đã từng trải trận mạc, thì ít nhiều, đều là những người có tố chất của một người nhà văn hóa – hay quan sát và phân tích, thường có nghĩ ngợi gần xa, tự có những rung động rung cảm với thiên nhiên và thời cuộc… Đây là một đặc điểm của anh bộ đội trong sáng tác của tác giả Bức tường lửa, Đối chiến, hay Đỉnh cao hoang vắngmới đây, và tất nhiên, nó đã manh nha hình thành từ một số tác phẩm trước đó.

Những nhà văn yêu quý cuộc đời và sự sống nói chung, thường chăm chút cho nhân vật trung tâm – nơi thể hiện lý tưởng và hoài bão của mình nhiều hơn. Nhưng cái cách chăm chút của tác giả tiểu thuyết Những bức tường lửa xem ra cũng khác. Trong tiểu thuyết này có Trương Đình Lân và Phạm Xuân Ban là hai nhân vật đinh, là hai nhân vật tập trung như thế. Họ được tác giả chạm khắc dần dần, từ lúc ban đầu là hai anh bạn đồng hương đồng ngũ… rồi qua chiến đấu mà trưởng thành trong sự tin cậy quý mến của anh em. Hết chiến tranh, Lân là giáo sư, Ban là Thiếu tướng Hùng Phong (trước đó, đã là anh hùng quân đội, đã phụ bạc cô Đào, lại chấp nhận lấy cô Xoan làm rể một chỉ huy cao cấp khi vừa ân ái thực tình với người con gái tên là Thanh).

Cái cách chăm sóc nhân vật ‘con đẻ” đầy yêu thương của Khuất Quang Thụy khác nhà văn khác là ở đoạn đối thoại này:

Ông Lân hỏi:

“- Nhưng… nếu là người quân tử thì ông phải tìm mọi cách mà từ chối chứ? (là chuyện Hùng Phong lấy vợ – N.A)

Tướng Hùng Phong cười vang:

Nhưng… tôi đâu phải là người quân tử? Tôi cũng… chỉ là một thằng con trai nhà quê tầm thường thôi. Nhưng hồi đó tôi… đã đủ khôn ngoan để vừa làm một người anh hùng, một thần tượng của đám thanh niên ở hậu phương vừa làm một thằng đàn ông, tôi đã không từ chối tình yêu mãnh liệt của Thanh cũng như không thể từ chối những vòng hoa mà người ta có khoác lên cổ mình sau mỗi buổi đăng đàn kể chuyện chiến đấu ấy!

Ông Lân không thể ghìm lòng được nữa nên đã buông ra một câu khiếm nhã:

Khốn nạn!

Tướng Hùng Phong vẫn bướng bỉnh cãi:

Ông chửi tôi thì mặc ông, nhưng tôi không cho việc ấy là một điều tệ hại. Cái điều mà ông vừa gọi là “khốn nạn” phải dùng để chỉ hành vi khác của tôi kia. Đó là việc tôi kết hôn với bà Hoan… Rõ ràng là một cuộc hôn nhân vụ lợi chứ chẳng đẹp đẽ gì. Vậy mà ngược đời, nó lại được mọi người hoan nghênh, ca ngợi, chúc tụng…”

Có phải là nhà văn đã hành xử với nhân vật ruột của mình như người xưa đã khuyến dụ, rằng Thương thì cho roi cho vọt phải không? Hay là do ông muốn bộc lộ, phơi bày một sự thật đã qua, ai cũng biết mà ít người muốn kể?

Hẳn là trong tố chất văn nhân của Khuất Quang Thụy vẫn luôn có sự can trường dũng cảm của một người lính như chiến binh Trương Đình Lân, chiến sĩ Phạm Xuân Ban thuở trước của mình? Ông quả là nhà văn rất tin ở bạn đọc thời nay, nên mới viết/dựng ra thế được.

Tình huống này của nhà văn tác giả Những bức tường lửa với các nhân vật và với cả công chúng khiến tôi chợt nhớ đến một ý của nhà thơ Chế Lan Viên:

Anh trong đau vẫn muốn làm viên muối bể

Để mặn lòng những kẻ muốn vô tư!

Thấp thoáng nỗi buồn đau thế sự là cảm nhận, là ấn tượng dễ xuất hiện khi ta đọc văn xuôi viết về chiến tranh ở thời gian hậu chiến bây giờ, mà ví dụ rõ nhất là ở tác phẩm của Khuất Quang Thụy như vừa dẫn. Tôi cũng nghĩ thêm là: Người có học hành nghiêm cẩn và hệ thống mà trải qua chiến tranh hay đời thường với bao vất vả, được thành đạt thì vui mừng mà vẫn ưu tư, khi vấp ngã cũng không sa vào thối chí, hèn nhát hay ngụy biện… Thực tế thực tiễn Việt Nam là vậy. Nhưng dựng thành hình tượng văn chương cho sinh động thì nhà văn phải đủ tầm, ít nhất, là tầm văn hóa. Nhờ có cái tầm này mà có viết về cái xấu xa – một sự thực còn có ở cả những người lính quả cảm về sau là anh hùng lá Thiếu tướng như Hùng Phong, Khuất Quang Thụy cũng không vô ý làm cho toàn bộ bức tranh chiến trận kém đi, mất đi vẻ đẹp hào hùng. Nhân vật Thiếu tướng Hùng Phong của ông quả có gần gũi hơn, đáng thông cảm và cũng đáng quý hơn, gần như với nhân vật giáo sư Lân vậy.

Cái chất văn ở Khuất Quang Thụy và các tác giả đang viết về bên ta theo hướng ngọc cũng còn có vết, theo tôi, đã là sự kế thừa và thấm đượm chất đại lượng bao dung, cũng là cái trí tuệ sâu sắc thâm hậu mà đã trở thành bình thường của văn hóa đích thực người Việt ngày nay. Đây là sự tự nhiên mà có ở một nhà văn chính danh như ông, hay còn là do ông rèn luyện mà nên thành quả đây? Bởi lý do nào, thì cũng điều quý cả.

Văn hóa là bao dung. Đổi mới xã hội ở ta hiện đang được tiến hành theo một quyết tâm là toàn diện và sâu sắc… đây thực sự cũng là một cuộc cải cách về văn hóa – văn nghệ. Không có cuộc cải cách – đổi mới này làm tiền đề lí luận và thực tiễn, kiểu nhân vật Hùng Phong và giáo sư Lân cũng tư tưởng chủ đề của các tác phẩm như Khuất Quang Thụy viết cũng khó mà có được. Ta hãy bàn thêm nữa về câu chuyện này trong cuốn Đỉnh cao hoang vắng.

Đỉnh cao hoang vắng, thường khi, đã là đỉnh cao, thì có chói lọi, chói sáng và uy phong… chứ, sao lại hoang vắng, hoang vắng là thế nào? Đọc hết, rồi đọc lại cuốn tiểu thuyết dày 375 trang khổ giấy 13 x 20,5 cm này của Khuất Quang Thụy, mới vỡ ra cái thâm thúy của tác giả.

Đỉnh cao hoang vắng kể rằng: Có viên đại úy dù Nguyễn Lang bị quân giải phóng bắt làm tù binh, Lang vượt trại tù cùng trung sĩ dưới quyền là Rơ Chăm Điết. Trên đường trốn chạy, họ bắt được cô y tá Vân. Lúc đầu là do bị ép buộc, Vân phải thỏa hiệp đi theo, rồi do ý thức nghề nghiệp, và đã được rèn dạy, nên Vân đã cứu chữa cho Lang. Họ dựa vào nhau để sống trong rừng Lào – Việt một năm trời khi chưa có cách gì trở về với đồng đội của mình. Và họ cũng canh chừng, cảnh giác với nhau. Hơn thế, để tồn tại, Vân còn bày cho Điết cách ăn trộm thực phẩm tại các binh trạm, Lang còn chặn lại cơn cuồng nộ của Điết khi hắn bóp cổ Vân lúc nghe cô nghẹn ngào hát “Trường Sơn ơi! Trường Sơn ơi/ Đèo vút cao vượt qua mây gió/ Đạp đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân…”. Rồi họ lại dàn hòa. Trung sĩ Điết thở phào, nở nụ cười hồn nhiên: “Thì… ta hòa nhau thôi, thưa bà Việt Cộng”, tác phẩm viết thế. Rồi họ chia tay nhau. Lang cảm ơn Vân đã cứu mạng. Vân trả lời: “Đó là do… tôi đã được dạy dỗ thế. Và… cũng là vì các ông là những người không đến nỗi nào.”. “Sự tử tế đã cứu rỗi tất cả chúng ta”. Đây là câu nói của Lang lúc này, cũng là tư tưởng của tác giả vậy. Rồi Nguyễn Lang về, được vinh thăng thiếu tá tại trận, chỉ huy hai tiểu đoàn dù quyết rửa hận với Cộng quân, nhưng đã tử nạn trên tay thượng sĩ Điết; Vân lần hồi cáng thương ra Bắc, về quê sống, tự biết cho mình; thượng sĩ Điết qua thời trận mạc, thành ông già lo làm ăn, chăm sóc phần mộ thiếu tá Lang và tích cực đưa dẫn những đoàn cựu chiến binh thăm lại chiến trường xưa. Vân, bà Vân và ông Điết vẫn dấu không cho ai biết về đoạn đời một năm ấy, cái đoạn đời oái oăm kì lạ trong chiến tranh đã giúp họ – những kẻ thù của nhau đã thông cảm cho nhau, lại dần hiểu ra nhau và hiểu rõ thêm số phận của mỗi con người trong một đất nước có nhiều quang minh chính đại mà cũng còn có cả những lầm lạc, ngộ nhận… và không ít cảnh ngộ, nỗi niềm khó nói khó ngỏ cùng ai.

Mấy chục năm sau chiến tranh bà Vân đã nói về Nguyễn Lang:

“Ông ấy là một… người tốt ông Điết ạ”, ông Điết tiếp lời: “Và là một người trọng danh dự”. Danh dự gì vậy? Đó là lời hứa của Lang: sẽ trả tự do cho Vân khi Vân tìm được đơn vị, mà cả ba người đều chia tay an toàn. Đúng thế. Và gì nữa? Xin bạn đọc cứ đọc tác phẩm sẽ tường.

Đỉnh cao hoang vắng là một kiểu truyện “bí mật mỗi cuộc đời”, “truyện bây giờ mới kể”, về số phận trần ai đau đớn của người Việt trong chiến tranh.

Nhưng cũng còn may là rốt cuộc, bên này và bên kia đã hiểu ra nhau, chúng ta là, vốn là đồng bào nhưng đã có nhận thức khác nhau về lí tưởng và thời thế… Khi ra trận thì đều quyết liệt, nhưng cùng sống với nhau thì lại đủ kiên nhẫn để hiểu lại, hiểu thêm, hiểu đúng về nhau hơn. Các binh sĩ VNCH đã ngộ ra: làm tay sai cho ngoại bang, cầm súng của nó mà giết hại người Việt mình là nhục nhã, là không được. Với tiểu thuyết Đỉnh cao hoang vắng, nhà văn Khuất Quang Thụy đã đạt thêm một thành công có sức thuyết phục và vẫy gọi. Nhà văn vốn trầm tĩnh bề ngoài mà bên trong rất sôi sục, và cũng rất bài bản này đã kết thúc tác phẩm bằng một đoạn kể chuyện và dựng cảnh vắn gọn, tưởng là bình thường mà thực ra, đã ấp ủ trong đó những cách gợi dẫn, có thể là ám ảnh nữa:

“Khi đoàn cựu binh và gia đình liệt sĩ của Trung đoàn 3 xuống đến chỗ đỗ xe thì sương mù từ trong khe núi bỗng ùn ùn bốc lên, tỏa khắp cánh rừng. Chẳng mấy chốc sương bao phủ cả dải núi. Nhìn lên dãy điểm cao chỉ còn thấy ba mỏm núi cao nhất nhô lên đơn độc trong màn sương trắng đục.”

Thế đấy, vẫn là hoang vắng và đơn độc phải không? Ba con người ấy là có thực là như ba mỏm núi và cũng đang mờ ảo trong sương mù kia… Đỉnh cao hoang vắng là tiểu thuyết, sự hư cấu rất bạo, và chất bút kí cũng rất rõ. Tác giả đã định thế rồi cứ viết ra thế thôi.

Trong thiên tiểu thuyết này cũng có nhiều trường đoạn kể về tình đồng đội lúc lâm trận. Sĩ quan bên nào cũng tiếc máu xương của người lính dưới quyền, binh sĩ bên nào cũng có trách nhiệm quân nhân và tôn trọng kỉ luật chiến trường. Ngôn ngữ trần thuật, dựng truyện của tác giả đã dễ khiến cho người đọc hiểu ra: bên chiến thắng đã vào trận một cách điềm tĩnh… bên kia cũng xả thân khi vào trận nhưng có vẻ sĩ diện, bốc đồng, phách lối… Dù dồi dào bom đạn hơn mà kết cục thì binh sĩ VNCH đã thảm bại. Gây xúc động đặc biệt, là các chương đoạn kể lại chuyến ra Bắc công tác, kết hợp cho anh em thăm gia đình của Trung đoàn trưởng Đồng Duy Tiên. Chuyến đi ấy ông đã mang lại vinh hạnh cho gia đình liệt sĩ Phan Trung Lý sau bao tháng năm địa phương còn bán tín bán nghi, đã trả lại danh dự cho đại đội trưởng Thoi, đã giúp trợ lý Văn hàn gắn chuyện vợ chồng… Ồng là một sĩ quan chỉ huy chiến trường tài giỏi (về sau được phong quân hàm trung tướng), đồng thời, cũng là một người làm công tác hậu phương quân đội rốt ráo, có hiệu quả. Thương quý chiến sĩ, chu đáo với cán bộ và nhân dân ở hậu phương đến như ông cũng là cùng. Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì đất nước quê hương mà chiến đấu… khúc ca ấy đã tự ngân lên trong lòng người đọc Đỉnh cao hoang vắng là nhờ ở những trang này. Đồng thời, ở phần nội dung ấy của tiểu thuyết, nhà văn cũng cất lên lời cảnh báo về tệ quan liêu vô cảm trong bộ máy công quyền ở ta.

Đỉnh cao hoang vắng là một thành công mới, trước hết, là của Khuất Quang Thụy khi ông đã dường như chỉ chuyên chú vào tiểu thuyết viết về chiến tranh. Với cuốn sách mới này, nhà văn đã đi nhanh qua khỏi chặng mô tả – kể chuyện chiến tranh, sang chặng thứ hai là lý giải về chiến tranh, về sự thành bại của mỗi bên thông qua việc kể lại những ứng xử thể hiện trình độ văn hóa, tầm vóc văn hóa của những người tham gia chiến tranh, rồi đến với chặng thứ ba: viết tiểu thuyết chiến tranh, là suy ngẫm và bình luận về chiến tranh.

Đây là ba chặng đường có sự chuyển tiếp và giao thoa của nội dung và cả phương pháp sáng tác.

Tôi nghĩ, hành trình của tiểu thuyết viết về chiến tranh ở Việt Nam ta là vậy, và với tác giả Đỉnh cao hoang vắng, thì không chỉ là câu chuyện về công phu và trình độ vốn liếng của nhà văn, mà ở đây, còn là câu chuyện của cái tâm đức ở người cầm bút. Nhà văn phải yêu thương, quý trọng và tin cậy đồng bào đồng chí mình và hiểu đối phương đến độ nào đó thì mới viết ra như thế được.

Đọc Đỉnh cao hoang vắng của Khuất Quang Thụy, rồi liên hệ với tình hình hồi đó, người ta có thể nghiệm ra: Chúng ta chiến thắng Mỹ – ngụy không chỉ nhờ vào thế với lực trên chiến trường hay dựa vào sự kiên định và khéo léo trên mặt trận ngoại giao, mà thực ra, là còn bởi quân và dân ta có lý tưởng đúng đắn, có ứng xử văn hóa trong chiến tranh nhân dân nữa.

N.A/Theo Vanvn.vn

Nhà văn Khuất Quang Thụy còn có các bút danh khác: Hưng Long, Vân Huyền. Ông sinh năm 1950, quê Phúc Thọ, Hà Nội.

Nhập ngũ năm 1967, chiến đấu tại các chiến trường Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên, Nam Bộ. Tốt nghiệp khóa I trường Viết văn Nguyễn Du. Trước khi nghỉ hưu ông mang quân hàm đại tá, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt nam từ 1982, là Ủy viên Ban Chấp hành và làm Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà văn Việt Nam (khóa 9, 10). Hiện là Tổng biên tập báo Văn nghệ.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007

Tác phẩm chính:

Tiểu thuyết: Trong cơn gió lốc (1980), Không phải trò đùa (1980), Trước ngưỡng cửa bình minh (1985), Góc tăm tối cuối cùng 1990), Giữa ba ngôi chúa (1995), Những bức tường lửa (2006), Đối chiến (2010), Đỉnh cao hoang vắng(2016), Người đẹp xứ Đoài;

Truyện ngắn: Người ở bến Phù Vân (1985) Thềm nắng (1988), Những trái tim tàn tật  (1988), Nước mắt gỗ (1996), Con nhà võ.